Huỳnh Thị Huyền Như hay Vietinbank phải bồi thường?
Chiều nay 29.12, sau phần tranh luận của đại diện Viện KSND tối cao tại TP.HCM (giữ quyền công tố tại tòa), các luật sư tiếp tục yêu cầu Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền do Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Huyền Như sau phiên tòa phúc thẩm – Ảnh: Ngọc Lê
Vietinbank phải bồi thường 718 tỉ cho ACB
Bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), luật sư (LS) Lưu Văn Tám có phần tranh luận hơn 30 phút với Viện KSND. Trong phần đối đáp của Viện KSND sáng nay (29.12), LS Tám cho rằng chưa thỏa đáng bởi có nhiều vấn đề được LS của ACB phát biểu nhưng Viện KSND lại không đề cập trong phần đối đáp.
Theo LS Tám, tài khoản của 17 nhân viên ACB là tài khoản được mở hợp pháp, đúng quy trình và được hai phó giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh TP.HCM là ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương phê duyệt, giống với trường hợp 5 công ty gồm Phương Đông, Hưng Yên, SaiGonBank Berjara (SBBS), Toàn Cầu và An Lộc.
LS Tám thừa nhận, các nhân viên của ACB có lỗi trong việc chuyển tiền vào tài khoản Vietinbank, nhưng không thể khẳng định vì là lỗi của nhân viên ACB thì hành vi của Huyền Như không phải là “tham ô tài sản”.
LS Tám đã dẫn chứng một số lời khai tại hồ sơ để chỉ ra rằng 718 tỉ đồng của ACB tại Vietinbank do Huyền Như huy động, ban đầu Huyền Như chưa có ý định chiếm đoạt, thời điểm chiếm đoạt là khi Như chuyển được tiền ra khỏi Vietinbank bằng các lệnh chi giả.
“Vì vậy, lỗi của nhân viên ACB không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại”, LS Tám khẳng định.
Video đang HOT
Cũng theo LS Tám, các hợp đồng ủy thác đầu tư giữa ACB và Vietinbank thực chất là hợp đồng song vụ (tức vừa là hợp đồng gửi tiền, vừa là hợp đồng cho vay tiền). Như vậy, bên vay là Vietinbank đã trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tài sản. Vì thế, khi Huyền Như thực hiện hành vi chiếm đoạt thì người bị hại chính là Vietinbank chứ không phải ACB.
LS Tám kết luận: “Không thể có tình trạng những hành vi hoàn toàn giống nhau, xảy ra ở cùng chủ thể, cùng một thủ đoạn nhưng lại có hai kết quả xử lý khác nhau được. Chân lý chỉ có một, vì vậy, phải xác định Huyền Như phạm tội tham ô tài sản và Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường 718 tỉ đồng cho ACB”.
Không thể “chẻ đôi” một điều luật
Theo đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Quốc dân (Navibank), LS Trương Thanh Đức cho rằng Vietinbank có thể không biết tại sao tiền gửi lại “chạy” vào ngân hàng mình nhưng không thể không biết tiền “chạy” khỏi hệ thống của mình là sai quy trình.
Tranh luận lại quan điểm của các luật sư bảo vệ cho Vietinbank, LS Đức cũng công nhận các nhân viên Navibank có thỏa thuận ngầm vượt trần lãi suất với Huyền Như, nhưng vì Huyền Như là đại diện hợp pháp của Vietinbank nên dù có thỏa thuận trái quy định thì Vietinbank vẫn phải chịu trách nhiệm.
LS Đức lập luận: “Các LS của Vietinbank cho rằng khách hàng bị &’bịt mắt’ vì con mồi lãi suất cao và vì hám lợi nên bị sập bẫy, nhưng chính Vietinbank cũng bị Huyền Như bịt mắt và sập bẫy khi để Huyền Như dễ dàng rút tiền ra khỏi Vietinbank”.
Cũng theo LS Đức, khách hàng không có trách nhiệm theo dõi, quản lý tài khoản tiền gửi mà đó phải là nghĩa vụ của Vietinbank.
“Nếu Vietinbank làm đúng luật thì dù 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, tiền gửi vẫn còn nguyên vẹn. Số tiền hàng trăm tỉ đội nón ra đi không được Vietinbank chịu trách nhiệm thì Vietinbank không đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu nhất của ngân hàng thương mại”, LS Đức khẳng định.
Đại diện Vietinbank cho rằng Huyền Như không có chức vụ quyền hạn, nhưng theo LS Đức, Huyền Như là Trưởng phòng giao dịch của Vietinbank mà không có thẩm quyền quản lý công việc, quản lý nghiệp vụ và quản lý tài khoản là không thể chấp nhận.
“Nếu cứ theo ý kiến của Viện KSND đối với Navibank thì bản án phúc thẩm sắp tuyên có nguy cơ phải chấp nhận nghịch lý chặt đôi giữa ngọn và gốc của 1 sự việc, chia đôi 1 nhóm nạn nhân, tách đôi 1 sự thật, xẻ đôi 1 bản chất vấn đề, chẻ đôi 1 điều luật, để thành 2 phán quyết hoàn toàn trái ngược nhau”, LS Đức lập luận.
Ngày mai (30.12), các luật sư tiếp tục với phần tranh luận.
Ngọc Lê – Hải Nam
Theo Thanhnien
Phúc thẩm Huyền Như ngày 27/12: Nhiều bị cáo kêu oan
Sáng 27/12, phiên tòa phúc thẩm đại án tham nhũng do Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm thực hiện tiếp tục phần tranh luận.
Phiên tòa xét xử Huyền Như cùng đồng phạm
Luật sư bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM) cho rằng, thân chủ của mình là người bị cấp sơ thẩm tuyên 17 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng". So với các đồng phạm khác từng là cán bộ tại phòng giao dịch thì Du là người lĩnh án nặng nhất. Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Du có đơn kháng cáo và 3 lần gửi đơn kháng cáo bổ sung.
Luật sư này phân tích rằng, bản án sơ thẩm xác định Đoàn Lê Du gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Du là nhân viên của Vietinbank thì phải gây hậu quả cho Vietinbank. Nhưng, Vietinbank xác định không có thiệt hại tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng. Vì vậy, bản án sơ thẩm xác định thiệt hại như vậy là sai.
Luật sư cũng đưa ra công văn của Chủ tịch HĐQT Vietinbank đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tội danh của các cán bộ PGD Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng là chỉ có thiếu sót trong quy trình nội bộ, nên tội danh và hình phạt có thể ghép tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ trình bày trên, luật sư đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm liên quan đến tội danh để điều tra xét xử lại.
Bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên Phó PGD Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM) bị cấp sơ thẩm tuyên 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Luật sư Hà Mạnh Tường (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) bào chữa cho bị cáo Tiên đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên thân chủ của mình vô tội. Luật sư cho rằng bản án sơ thẩm chỉ viện dẫn những lời khai mơ hồ, mâu thuẫn để xác định tội là oan cho bị cáo.
Luật sư thứ 2 bào chữa cho bị cáo Tiên cũng cho rằng, nên áp dụng phương pháp suy đoán vô tội cho bị cáo và đề nghị tuyên hủy phần án sơ thẩm để điều tra lại, tuyên bị cáo Tiên vô tội.
Cũng trong buổi sáng 27/12, các luật sư cũng đã bào chữa cho các thân chủ của mình là các bị cáo Lương Thị Việt Yên (nguyên Trưởng PGD Võ Văn Tần thuộc Vietinbank TPHCM, bị cấp sơ thẩm tuyên 7 năm tù), bị cáo Huỳnh Trung Chí. Luật sư đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh, hình phạt đối với cá bị cáo cho phù hợp với hành vi và quy định của pháp luật.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thiên Lý (bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù về tội cho vay lãi nặng), luật sư Trịnh Bá Thân không đi đúng trọng tâm khiến chủ tọa phiên tòa nhiều lần nhắc nhở. Luật sư Thân cho rằng, có sự không trùng hợp khi VKS tại tòa phúc thẩm xác định Thiên Lý thu lợi bất chính 735 tỷ đồng, còn án sơ thẩm là 414 tỷ đồng.
Dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục vào thứ 2, ngày 29/12.
Công Quang - Trung Kiên
Theo Dantri
Vụ Huyền Như: Tài khoản của khách hàng tại VietinBank đều an toàn "Hàng triệu tài khoản khách hàng tại VietinBank đều an toàn, không bị Huyền Như chiếm đoạt". Đó là khẳng định của một trong bốn luật sư bảo vệ quyền lợi cho VietinBank tại phiên phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng sáng ngày 26-12. Luật sư này đề nghị HĐXX bác kháng cáo của...