Huỳnh Đông lừa tình trong phim ‘Đất mặn’
Lần đầu tiên vào vai “hai lúa” có một vợ, 6 con, Huỳnh Đông còn “đèo bồng” thêm cô nhân tình Kim Huyền chanh chua đến phát… ớn trong bộ phim dài 49 tập của đạo diễn Tường Phương.
Đây là một vai diễn hoàn toàn trái với tính cách của một Huỳnh Đông ngoài đời, một chàng trai vui tính, nghịch ngợm, thậm chí là chuyên chọc phá nhiều người trong đoàn phim.
Gương mặt lém lỉnh của Huỳnh Đông rất thích hợp với nhân vật trong phim này
Nhưng đối diện với đạo diễn Tường Phương, vốn là người kỹ tính trong từng cảnh phim, Huỳnh Đông có vui cỡ nào cũng phải nghiêm túc và tập trung 100% vào nhân vật Hai Nhỏ của mình, một anh chàng hết sức xảo quyệt, có cô vợ bé là dân bia ôm, sau sống bằng nghề “cò đất” mua gian bán lận tên Cẩm Hường (Kim Huyền).
Bối cảnh được quay tại Cái Nước (Cà Mau). Trong khi Huỳnh Đông tỉnh bơ khi nhập vai anh chàng nông dân chuyên sống trên vùng sông nước, lừa cô gái bia ôm nhiều kinh nghiệm một cách ngọt ngào, bởi cái tài nói chuyện dẻo quoẹo, thì cô vợ nhỏ Kim Huyền phải nhiều phen “lên bờ xuống ruộng” vì say sóng trong các cảnh quay chèo ghe trên sông, đến nỗi về đến nhà, nằm trên giường mà vẫn còn cảm giác đang lắc lư trên ghe.
Đến cảnh quay trên bờ, thì Huỳnh Đông rơi vào trạng thái xây xẩm mặt mày khi bị vợ nhỏ cằn nhằn. Muốn cho cảnh này ấn tượng, Kim Huyền nhập vai bằng cách vò đầu, bứt tóc, nhéo lỗ tai… Hai Nhỏ, để thỏa sức dằn vặn cho sự bực tức của mình. Bên ngoài thấy Kim Huyền nhập vai, ai cũng khen lấy khen để, nhưng bên trong mấy ai biết Huỳnh Đông đang lâm vào cảnh tối tăm mày mặt vì sự nhiệt tình của cô vợ nhỏ… Dứt cảnh quay, Huỳnh Đông than thở với Kim Huyền: “Chị ơi, làm ơn nhẹ tay cho em nhờ, trước giờ chưa có mỹ nữ nào hành hạ em kiểu này, giờ chị cứ chì chiết kiểu này chắc là em chết chị ơi..”.
Kim Huyền một thương lái sông hồ vào vai cô vợ nhỏ của Huỳnh Đông
Đây là bộ phim đề tài nông thôn Nam Bộ được Hãng phim TFS đầu tư, thực hiện một cách kỹ lưỡng. Phim đã lên sóng HTV9 từ ngày 2/7 vào lúc 17h30. Kịch bản được viết dựa theo bút ký của nhà văn Võ Đắc Danh và Nguyễn Trọng Tín.
Đoàn phim mất 9 tháng để hoàn tất vì điều kiện hạn chế về không gian và thời tiết. Làm phim chính luận và lại là phim về đề tài nông thôn, đoàn rất vất vả vì bối cảnh trải dài từ Phú Yên xuống 6 tỉnh Nam kỳ, nhiều nhất là Tiền Giang và Cà Mau. Phim là sự tái hiện lại lịch sử quá trình nam tiến của người dân Ngũ Quảng (miền Trung) đi khai hoang vùng đất cực nam của Tổ quốc, từ những năm ba mươi thế kỷ trước cho tới nay. Phim là cuộc chiến mở đất, giữ và “xài” đất của những người nông dân cơ cực trên những mảnh ruộng của họ
Thời gian quay phim bị kéo dài do phải chờ đợi những vụ mùa, thu hoạch tôm, sự lên xuống của thủy triều… Ngoài ra, để cho phim mang tính chân thật và gần gũi với đời sống người nông dân Nam bộ thời hậu chiến, ê kíp thực hiện còn gặp khó khăn khi phải mất khá nhiều thời gian lùng sục tìm cho ra những nông cụ xưa.
Phim có sự góp mặt của diễn viên Quốc Thái trong vai Tư Dương. Một trận chiến ở Campuchia đã khiến cho anh bị mất trí nhớ, chỉ biết quá khứ và hoàn toàn không nhớ chuyện hiện tại. Một vai diễn khiến Quốc Thái phải trăn trở ngày đêm cùng với vị hôn phu của mình do Lê Phương đảm nhiệm. Vào vai này có một điểm đặc biệt là Lê Phương phải khóc suốt từ đầu đến cuối phim vì tai nạn của người yêu và cũng là sự bất hạnh của mình.
Video đang HOT
Phim còn có một gương mặt quen thuộc của Ngã rẽ là Ánh Hồng, chị vào vai Thắm vợ Hai Nhỏ. Đây là một vai nặng ký với độ tuổi từ trẻ đến già và có đến 6 đứa con, trong khi Ánh Hồng thì còn độc thân, chưa có chút kinh nghiệm làm mẹ, làm vợ. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của đạo diễn, Ánh Hồng đã nhanh chóng hòa nhập được nhân vật của mình.
Có thể nói Ánh Hồng là một diễn viên trẻ rất có tinh thần trách nhiệm. Khi quay tại Tiền Giang, lúc thì bị té do đường xấu lại gặp mưa trơn trợt, khi thì chèo xuồng bị nước xoáy quay vòng vòng, làm cho chị bị rơi xuống sông, nhưng chị vẫn cố vừa bơi vừa ngước mặt lên để… thoại. Lên bờ, quần áo uớt hết, không sợ lạnh mà Ánh Hồng chỉ sợ mình làm hỏng cảnh quay của mọi người…
Lê Phương vào vai cô vợ chờ chồng “được” khóc từ đầu đến cuối phim
Trương Minh Quốc Thái rất nhọc nhằn với vai diễn mới này
Hoài An, Thạch Kim Long vào vai già trong phim Đất Mặn
Hạnh Thúy, Lê Phương, Mạnh Hùng trong phim Đất Mặn
Thạch Kim Long trong một cảnh quay
Tường Phương – đạo diễn nói tiếng với sự kỹ tính trong từng cảnh quay. Ông tận tình giải thích từng cảnh quay cho diễn viên Mạnh Hùng
Theo Infonet.Vn
Phim Việt đổi khẩu vị với đề tài nông thôn, miệt vườn
Sau thời gian gần như bị bội thực với những đề tài quẩn quanh của cuộc sống đô thị, khán giả phim Việt đang được "đổi món" với những đề tài khác như nông thôn và các vấn đề xã hội thời sự.
Trương Minh Quốc Thái và Lê Phương trong phim Đất mặn.
Một trong những nguyên nhân khiến những bộ phim truyền hình Việt Nam mất sức hấp dẫn, rơi vào trạng thái bão hòa là bởi đề tài cứ mãi chăm bẳm vào những mối quan hệ tình yêu tay ba - tay tư rắc rối, mâu thuẫn và tranh giành tài sản gia đình đặt trong bối cảnh thành phố với nhà lầu, bar, vũ trường, quán cà phê sang trọng, xe hơi đắt tiền, quần áo thời trang...
Có lẽ nhận ra điều đó, để thay đổi không khí cho khán giả đỡ ngán, từ đầu năm đến nay trên các kênh VTV1, VTV9, HTV9, HTV7, VL1, SCTV 14, Bình Dương... đang phát sóng khá nhiều phim có đề tài về nông thôn, nông dân như Tình ca cao, Tiếng tơ đồng, Đua nhau làm giàu, Về quê cưới vợ, Chuyện tình làng hoa, Qua ngày giông bão, Lúa trổ bông, Đồng quê... Tuy không phải phim nào cũng tạo được dấu ấn nhưng ít ra, khán giả có thể sự lựa chọn, được hiều thêm về cuộc sống của người nông dân, được du lịch với những hình ảnh làng quê mộc mạc mà hữu tình trên phim.
Phim Hương phù sa từng được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Hưởng ứng chủ trương khuyến khích làm phim về đề tài nông thôn, nhiều hãng phim Nhà nước và cả tư nhân đầu tư vào mảng này. Từ nay đến cuối năm, còn khá nhiều bộ phim có đề tài và bối cảnh đồng quê lần lượt lên sóng truyền hình: Chuyện làng bè, Tay chơi miệt vườn (M& T Pictures), Bìm bịp kêu chiều (Trung Dân), Hương bưởi, Vọng kim lang...hay Đất mặn, Chân trời cỏ biếc, Cá lên bờ (TFS sản xuất), Giấc mơ xanh (V-Art)...
Những bộ phim này đều mang màu sắc sinh động, thời sự về đời sống người nông dân (nuôi cá tra, cá bè, trồng bưởi Năm roi, trồng lúa cao sản xuất khẩu, trồng rau sạch...). Bối cảnh chính của các bộ phim kể trên được quay ở nhiều nơi như Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An, Bình Dương, Củ Chi... với những khung hình thật là quê và rất đẹp sẽ mở rộng không gian, thỏa mãn thị giác của người xem.
Cảnh phim Đồng quê.
Nhiều người lo ngại phim đề tài nông thôn chẳng có gì hay ho, song thực đã có một số phim có bối cảnh nông thôn, miệt vườn, cầu tre, đường đất được khán giả yêu thích. Có thể kể đến là Hương phù sa (đạo diễn Võ Tấn Bình) hay Cá rô em yêu anh (đạo diễn Phương Điền)... Cũng là chuyện yêu đương, cũng là những mối tình tam giác trắc trở nhưng lồng trong cuộc sống miền quê, thêm vào đó là sự trẻ trung của các diễn viên, những bộ phim này đã được đón nhận với tỷ suất rất cao, được chiếu đi chiếu lại nhiều lần.
Huỳnh Đông trong phim Hương bưởi.
Hiện nay, khó khăn với các nhà làm phim về đề tài nông thôn không phải là chuyện kinh phí nhiều ít, thời gian làm phim lâu hay nhanh mà là nguồn kịch bản hay chưa được dồi dào. Dẫu rằng, đề tài về nông thôn thực sự còn mênh mông với rất nhiều tư liệu phong phú để chế biến thành những câu chuyện phim hấp dẫn, giúp giải quyết được tình trạng trùng lắp đề tài, song bấy lâu nay, số đông các nhà biên kịch chuyên và không chuyên đã quen với việc viết kịch bản mang tính giải trí thiên về chuyện tình yêu, gia đình... vừa dễ viết và viết nhanh.
Còn về đề tài nông thôn chỉ các nhà biên kịch giỏi nghề và giàu vốn sống, am hiểu về cuộc sống nông thôn mới đủ khả năng viết.
Tuy vậy, việc đang có nhiều nhà sản xuất tư nhân đầu tư làm phim đề tài nông thôn cho thấy quyết tâm khó không có nghĩa là bó tay của họ. Và quan trọng hơn, khán giả - nhất là các bạn trẻ, cũng nên biết "đổi khẩu vị" của mình, đón nhận những bộ phim đề tài nông thôn. Vì phim về nông thôn, về những cô gái chàng trai miệt vườn cũng có nhiều chuyện hay ho mà chúng ta chưa biết.
Võ Thành Tâm và Nguyệt Ánh trong phim Tiếng tơ đồng.
Cảnh làm phim Cá rô em yêu anh trên vùng sông nước miền Tây.
Theo Infonet.vn
Thở dài với phim Việt Tâm huyết với nghề diễn, quyết dành cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật nên họ đều thấy chạnh lòng trước thực trạng phim Việt hiện nay Họ tiếc nuối những năm tháng làm việc khổ nhọc trên phim trường nhưng lại cho ra những cảnh quay "đắt", những bộ phim đứng được trong lòng người hâm mộ. Thời nay, làm phim...