Huyện Vĩnh Lộc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Những năm qua, huyện Vĩnh Lộc đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho LĐNT, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Mô hình nuôi dê lấy thịt tại xã Vĩnh Yên.
Để công tác ĐTN đạt hiệu quả cao, hằng năm huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT tại các xã, giao ban chỉ đạo dạy nghề cho LĐNT huyện đẩy mạnh tuyên truyền về công tác ĐTN cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh đến đội ngũ cán bộ các phòng, ban của huyện, cán bộ chính sách các xã, thị trấn; chỉ đạo quán triệt đến các tổ chức hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên để đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn các đoàn viên, hội viên nắm được nội dung trong công tác ĐTN và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đã xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn có trình độ chuyên môn, quản lý, có phẩm chất chính trị vững vàng và nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Duy trì và phát triển việc dạy nghề cho LĐNT, trong đó tập trung vào các nghề truyền thống như: chăn nuôi – thú y, trồng trọt, kỹ thuật lắp điện cho cơ sở sản xuất nhỏ, sửa chữa máy nông nghiệp. Du nhập, đưa vào giảng dạy một số nghề mới có xu hướng phát triển thuận lợi nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang dịch vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như: may công nghiệp, đan chao đèn lồng, móc hộp xuất khẩu, mộc mỹ nghệ, trồng nấm, cơ khí… Nhờ làm tốt công tác ĐTN, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã ĐTN cho trên 1.700 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại địa phương lên trên 70%.
Video đang HOT
Nhờ phát huy lợi thế của địa phương, đào tạo những nghề phù hợp với LĐNT và nhu cầu thị trường nên đã có 80% số lao động sau đào tạo tìm được việc làm. Nhiều đơn vị, HTX, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn làm tốt công tác ĐTN cho LĐNT. Ví như: Cụm công nghiệp (CCN) Vĩnh Minh, xã Minh Tân, thay vì phát triển sản xuất dưới mô hình hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp đã được thành lập, đầu tư xây dựng, mở rộng nhà xưởng sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ông Hoàng Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất của nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống, địa phương đã vận động các hộ sản xuất di dời nhà xưởng đến CCN Vĩnh Minh theo chủ trương chung của tỉnh, huyện. Sau khi di chuyển về CCN, các hộ đã chủ động đăng ký thành lập doanh nghiệp, đầu tư mở rộng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị máy móc… Hiện, tại CCN có trên 125 cơ sở sản xuất đá ốp lát và chế tác đá mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động, với thu nhập từ 4 đến 12 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, thông qua sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, ĐTN cho LĐNT. Khi tay nghề của lao động nâng lên, chất lượng, mẫu mã của sản phẩm đổi mới. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nghề chế tác đá tăng lên rõ rệt; hay như, HTX may mặc cho người khuyết tật Hồng Ánh, xã Vĩnh Tiến, ngoài dạy nghề may mặc cho LĐNT, HTX còn nhận lao động địa phương là người khuyết tật vào làm việc với mức lương từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH Dịch vụ – Thương mại Nông Phú dạy nghề trồng gấc, làm chổi đót xuất khẩu cho hàng trăm lao động, trong đó có trên 60% lao động là người khuyết tật…
Có thể thấy, công tác ĐTN cho LĐNT ở Vĩnh Lộc những năm qua đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng LĐNT ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, công tác ĐTN trên địa bàn huyện vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định, như: việc tổ chức dạy nghề vẫn chạy theo số lượng, chất lượng đào tạo còn hạn chế; công tác ĐTN chưa đáp ứng với nhu cầu người học nghề và người sử dụng lao động; chưa gắn dạy nghề với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; một số nghề chưa phát huy hiệu quả sau đào tạo; chưa tạo sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề và sử dụng lao động sau đào tạo; kinh phí hỗ trợ cho học viên còn hạn chế, chưa tạo động lực, khuyến khích nhiều người tham gia…
ĐTN gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Để tiếp tục làm tốt công tác này, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Nhân dân về tầm quan trọng của ĐTN, giải quyết việc làm, thời gian tới huyện Vĩnh Lộc sẽ tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế; lồng ghép các chương trình dự án để nhiều LĐNT được ĐTN, giải quyết việc làm. Quan tâm hỗ trợ cho nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất; giúp người lao động tìm việc làm sau khi kết thúc khóa ĐTN… góp phần tăng thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) những năm qua luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đặc biệt chú trọng nhằm trang bị kiến thức khoa học, kỹ năng, nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, phục vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng ở xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Đặc biệt từ khi thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy... từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề. Đội ngũ cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Người lao động ở khu vực nông thôn được đào tạo nghề, cập nhật những kiến thức mới, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất đạt năng suất và hiệu quả cao; số lao động sau học nghề làm việc ở các doanh nghiệp nguồn thu nhập được tăng lên đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, chia sẻ: Sau khi tham gia lớp học nghề may theo đề án đào tạo nghề cho LĐNT, tôi xin vào làm việc tại Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng ở gần nhà. Còn chồng sau khi học nghề điện dân dụng đã nhận sửa chữa các thiết bị dân dụng tại nhà, vừa cho thu nhập ổn định, vừa có điều kiện chăm lo cho 2 con ăn học. Với chị Lê Thị Hảo ở xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, năm 2016 sau khi tham gia lớp học nghề đan lát thủ công mỹ nghệ, chị được Doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng tiếp nhận vào làm việc. Hiện chị là một trong những lao động có tay nghề vững, với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài việc đan bện sản phẩm, chị còn tham gia dạy các lớp nghề thủ công mỹ nghệ do huyện Thiệu Hóa phối hợp với Doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng tổ chức.
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT, Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên huyện Hậu Lộc đã phối hợp với cơ sở may đồng phục học sinh Hoàng Nghĩa ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc để đào tạo học viên học nghề may công nghiệp. Ông Hoàng Hữu Nghĩa, chủ cơ sở may đồng phục học sinh Hoàng Nghĩa, cho biết: Bình quân mỗi năm cơ sở mở 2 khóa đào tạo nghề may cho gần 60 học viên là LĐNT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp... để họ đi làm tại các công ty may đóng trên địa bàn huyện.
Theo số liệu thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, trong giai đoạn 2010-2015, tổng số LĐNT được tuyển sinh đào tạo nghề là 347.437 người. Trong đó cao đẳng 8.394 người, trung cấp 35.528 người, sơ cấp 139.438 người và đào tạo dưới 3 tháng 164.077 người. Giai đoạn 2016-2020, tổng số LĐNT được tuyển sinh đào tạo nghề là 357.297 người. Trong đó cao đẳng 8.053 người, trung cấp 26.976 người, sơ cấp 112.077 người, đào tạo dưới 3 tháng 201.191 người. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Trong số LĐNT của tỉnh được thụ hưởng chính sách đào tạo nghề theo Đề án 1956, có hàng nghìn lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người tàn tật, khuyết tật được tham gia học nghề và có việc làm sau đào tạo. Qua đó giúp LĐNT có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững và bảo đảm công tác an sinh xã hội của tỉnh.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả, song trên thực tế, việc đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Trình độ LĐNT còn thấp, chất lượng đào tạo của cơ sở GDNN chưa đồng đều. Việc phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm còn hạn chế. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận LĐNT chưa tích cực học nghề, chưa nhận thức được việc đào tạo nghề là yếu tố cần thiết bảo đảm cuộc sống cho bản thân, gia đình; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là LĐNT các huyện miền núi. Mặt khác, việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo; bồi dưỡng kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ nhà giáo GDNN, người dạy nghề còn hạn chế...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian tới, tỉnh ta đã đưa ra một số giải pháp để thực hiện, như: Tăng cường công tác thông tin, phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDNN; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Chú trọng nội dung phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển của ngành, của tỉnh; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN, chủ động thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA đầu tư cho các cơ sở GDNN, nhất là các trường chất lượng cao theo quy hoạch và các ngành, nghề trọng điểm đã được phê duyệt. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế liên kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp, tập đoàn lớn thuộc các ngành nghề phục vụ khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh như ngành công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp năng suất, chất lượng cao; du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng... nhằm gắn kết giữa đào tạo với ứng dụng thực tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đồng thời thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu, xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đạt chuẩn, trên chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề quốc gia, nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học; hội đủ điều kiện về hạng chức danh nghề nghiệp theo đề án vị trí việc làm, bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong hội nhập khu vực và thế giới. Thực hiện việc rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy phát triển cơ sở GDNN có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT từ cấp tỉnh đến cấp xã. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN, nhất là các trường đã được phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện nhằm bảo đảm điều kiện tổ chức hoạt động đào tạo nghề nghiệp.
Phụ nữ vùng biên Lai Châu giúp nhau phát triển kinh tế Những năm qua, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lai Châu thực hiện linh hoạt, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới. Hội...