Huyền thoại về dãy núi Nam Giới
Nhắc đến trầm tích văn hóa miền hạ lưu Thạch Hà ( Hà Tĩnh) hàng trăm du khách xa gần không thể quên vẻ đẹp dãy núi Nam Giới. Dãy núi dấu trong lòng bao pho sử thi huyền thoại mà con người càng khám phá càng ngưỡng mộ.
Từ bến cảng Cửa Sót (huyện Thạch Hà) đi thuyền máy chưa đầy mười phút, du khách đã đặt chân lên dãy núi Nam Giới. Đây là một dãy núi dài, từ bao đời sừng sững uy nghi, dù nắng hay mưa vẫn ngút ngàn màu xanh bất tận. Núi Nam Giới không chỉ có chim thú, hoa thơm cỏ lạ mà còn có cả những ngôi chùa cổ kính. Dưới chân núi rì rào sóng vỗ, mơn man bờ cát trắng càng tô thêm vẻ đẹp biển và núi. Thích nhất là vào những sớm bình minh, mặt trời rải nắng hồng vào cây vào sóng, vào những con thuyền cưỡi sóng xa khơi…
Theo nhận định của học giả Bùi Dương Lịch, cách đây 2 thế kỷ, “Sông Hoàng Hà đi qua các xã Hoa Mộc và Dương Luật rồi chảy ra biển”. Một nguồn tư liệu cũ khác chép lại: “Ngày xưa, núi Mộc Sơn (Hòn Mốc) tức là hữu Nam Giới. Cửa bể phía Nam núi nhưng về sau, sông bể đổi dời, dòng nước lấn lên phía Bắc”. Còn các bậc cao niên thường truyền ngôn cho con cháu nơi đây rằng: Ngày xưa, đó là một lạch sông chảy qua các xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Hải. Hiện nay, còn có khe nước cũ chảy qua xã Thạch Bàn, đây là chứng tích của dòng sông cũ.
Núi Nam Giới một danh lam thắng cảnh gắn với nhiều huyền thoại.
Vẻ đẹp của núi Nam Giới đã khiến bao tao nhân, mặc khách tìm đến ngâm thơ, thưởng nguyệt. Những áng văn sáng rỡ như ánh trăng đêm rằm của cử nhân Lưu Công Đạo thuở xưa, cho tới nay, người đời đọc lại vẫn thấy lung linh: “ Bên hữu cửa bể là núi đất Kim Đôi, một dãy cát vàng từ núi Côn Bằng chảy ngang qua cửa bể. Trên khúc sông ấy có đồn binh, chợ, thuyền bè san sát, bến thuyền bốc khói, tỏa mờ mặt sông. Chiều hôm, mặt trời sắp xuống khỏi núi đằng Tây, mặt sông đèn lửa nổi lên lập lòe. Chập tối, thuyền đánh cá dong buồm về bến, nhìn qua cảnh ấy, kẻ có tâm hồn thường ứng họa, trong lòng cảm thấy thư thái, phiêu bồng“.
Nhà vua Lê Thánh Tông ham thích du sơn, du thủy và có tâm hồn thi sĩ thường ứng tác đề thơ nhiều danh thắng. Tại vùng biển núi Nam Giới, hai câu thơ của vua Lê Thánh Tông vẫn còn được lưu truyền:
“Sáng qua tỉnh mộng giang hồ,
Cưỡi bè những muốn lên xô cửa trời”.
Người xưa đã ví núi Nam Giới như một bức bình phong, trong bức bình phong tưởng chừng như trầm tịch, cô liêu lại chẳng bao giờ ngưng lặng âm thanh. Từ thuở hồng hoang, khi bình minh lên đã nghe ríu rít chim gọi đàn, trong chiều tà đã nghe tiếng vượn hú gọi con. Chim và thú được núi Nam Giới nuôi dưỡng và núi cũng đẹp hơn, lãng mạn hơn, khi được góp thêm làn nhạc của muôn loài. Dường như đã sinh ra núi lớn thường có nhiều hang động. Núi Nam Giới cũng vậy. Trời đất đã ban cho dãy núi dài nhiều hang đá kỳ vĩ. Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tiếng suối chảy róc rách hòa nhịp với tiếng sóng ngoài khơi vỗ bờ, khiến bao cảnh vật bị thôi miên trong một thế giới tiên cảnh.
Không phải bây giờ mà hàng trăm năm trước, Nam Giới đã được khách thập phương tìm đến, ngoài thú vui tao nhã còn là hoài niệm, tưởng vọng, thành kính nét đẹp văn hóa tâm linh. Đây là hình ảnh ngày lễ hội tại đền Chiêu Trưng Lê Khôi
Đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi còn gọi là đền Vũ Mục hay là Linh Cổ (Trống thiêng) và khu đất mà đền tọa lạc này cũng được gọi là núi Linh Cổ. Không biết ngọn núi cao bao nhiêu, nhưng các nhà khảo cứu từ xa xưa khẳng định rằng: “Ngọn núi cao nhất phía Đông Bắc, hình như trán rồng. Liền ở dưới có một dải sông, núi hình như vòi rồng. Hai bên tả hữu có hai tảng đá hình như mắt rồng. Dưới núi có ao lộ thiên rộng vài mẫu và rất sâu hình như miệng rồng. Xung quanh ao toàn là cỏ rậm và bùn lầy không thể vào được. Hai bên có hai nhánh núi ôm quặp lại, hình như hai chiếc râu rồng. Nước ao chảy quanh co, quanh núi ra bể. Ngoài biển lại nổi lên một ngọn, chắn ngang, sóng kêu ầm ầm như sấm động”.
Video đang HOT
Một hành khách từ Nam Bộ khi đến Khu di tích đền thờ Lê Khôi đã thốt lên: “Tôi thực sự ngưỡng vọng khi đền Đại vương được trùng tu trang nghiêm, cổ kính để làm sống lại niềm tự hào trang sử dân tộc. Tôi thấy rất sảng khoái khi tận mắt xem các bãi đá tự nhiên dưới chân núi”.
Quả đúng như vậy, bước xuống Eo Lói, du khách sẽ ngỡ ngàng với những hòn đá kỳ diệu, mà cổ nhân đã đặt tên: đá Trồng, đá Hến, đá Nhọn, đá Giường. Cạnh hòn Lố là hòn Môi, nhìn xa chẳng khác gì một ngôi nhà nổi trên mặt nước. Ngoài hòn đá Tượng chồng cao, phía trên có suối chảy róc rách là một quần thể đá Am, đá Lố, đá Ngựa… Tất cả như muốn gửi tặng du khách một nụ cười tươi tắn.
Đền thờ Chiêu Trưng Lê Khôi
Phía Tây ngọn Long Ngâm là đền Chiêu Trưng, phía Đông đỉnh núi có hai nền đất bằng phẳng, hình chữ nhật. Theo truyền thuyết, đời Hùng Vương, chàng Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung, sau những lần đi vãn cảnh đã mê đắm chốn này, bèn chọn làm nơi tu tiên, đắc đạo và đặt tên cho ngọn núi là Quỳnh Viên.
Thực ra, gọi Quỳnh Viên hay Quỳnh Sơn thì cũng là tên cũ của núi Nam Giới. Núi Nam Giới càng dài bao nhiêu càng vẽ nên những bờ cát mơ mộng bấy nhiêu, không ít những bãi cát trong nay mai sẽ là điểm dừng chân dài ngày cho du khách. Gần cuối mỏm núi, giáp đất Dương Luật (xã Thạch Hải) hiện vẫn còn một miếu thờ nhỏ gọi là đền thờ Đức Thánh Mẫu. Những ngày lễ, tết, dân chúng vẫn thường đến ngôi đền thiêng này dâng lễ vật và cầu phúc, cầu tài, cầu lộc.
Tiếp giáp với ngọn Long Ngâm là ngọn Nam Sơn, trên cũng có một ngôi đền Thánh Mẫu. Dân bản xứ ở đây thường quen gọi là đền Nam Sơn. Ngôi đền tuy nhỏ, nhưng cảnh quan thật diệu vợi. Ngọn Hỏa Hiệu thấp, nhỏ nhưng ít ai biết rằng đây là cứ địa “đốt lửa trại” của tướng sĩ khi quân giặc đến. Tại núi này còn có một ngôi miếu khác, người ta dành riêng để thờ thần Cá Voi. Theo quan niệm của ngư dân vùng biển, họ ngàn đời tôn quý cá voi, với những ngôn từ xưng hô rất trịnh trọng là “Ông” hay “Ngài”. Không ít ngư dân khi gặp hoạn nạn, đắm thuyền đã được cá voi cứu vớt.
Từ ngọn Nam Sơn, thế núi thấp dần. Tận cùng cánh núi này là vùng đất Thạch Bàn, Thạch Hải. Dưới chân núi có những địa danh nghe rất ngộ như: Áng Gát, Áng Vôi, gành Trôốc Men, đá Rùa…, với nhiều ngọn “tiểu khê” được gọi là: khe Su, khe Máng, Hau Hau. Trong các dòng “tiểu khê” quen thuộc ấy, dân ở đây vẫn rất quý khe Hau Hau, bởi nước trong vắt, được lọc từ trong khe đá. Dòng nước khe này ít khi cạn, xanh như mắt ngọc, uống mát và ngọt. Một lần, có ông vua đi qua, dân đưa cung tiến bầu nước này, được vua tấm tắc khen.
Theo ông Trần Việt Hà, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết : “Trầm tích về dãy núi Nam Giới gắn với những di tích lịch sử văn hóa không chỉ là niềm tự hào cho người dân vùng hạ lưu huyện Thạch Hà mà còn là điểm sáng du lịch của Hà Tĩnh từ bao đời nay. Núi còn là “điểm tựa” cho cư dân những vùng bãi ngang trong việc cung cấp nguồn nước sạch về tận mỗi gia đình, qua hệ thống đường ống được lắp đặt theo chương trình nước sạch quốc gia.”. Chính vì thế, huyện Thạch Hà trong thời gian qua, huyện Thạch Hà đã giáo dục nhân dân ý thức gìn giữ, bảo vệ ngọn núi linh thiêng này, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa, trùng tu tôn tạo các di sản cha ông để lại, nhằm trở thành “điểm hẹn” của khách thập phương.
Theo infornet.vn
Đạo làm thầy và chống tham nhũng trong bài thi đỗ trạng lừng danh sử Việt
Theo các tài liệu sử học còn lưu truyền đến ngày nay, trong bài thi Đình, trạng nguyên Vũ Kiệt đã có bài làm xuất sắc, chứng minh được trí tuệ uyên bác của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, giáo dục, chống tham nhũng. Nó được lưu lại đến ngày nay như một kiệt tác của khoa cử nước ta.
Trạng nguyên Vũ Kiệt sinh năm 1452, chưa rõ năm mất, quê ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Nổi tiếng thông minh, sáng dạ, học giỏi từ nhỏ. Năm 20 tuổi, ông đỗ trạng nguyên vào thời kỳ giáo dục, thi cử phong kiến đang trong giai đoạn cực thịnh đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497).
Sau khi đỗ trạng, Vũ Kiệt ra làm quan, trải qua nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, rất được vua tin dùng. Với những cống hiến to lớn cho đất nước, tên tuổi của Vũ Kiệt đã đi vào lịch sử khoa bảng nước nhà. Sinh thời, ông được nhân dân trìu mến gọi là Trạng Vít, do ngôi làng ông sinh ra có tên nôm là làng Vít.
Theo sách Văn hiến Kinh Bắc, bài văn sách thi Đình của Vũ Kiệt được triều đình coi như kiệt tác về sách lược trị nước, an dân, được lưu truyền làm mẫu cho các sĩ tử sau này học tập. Vũ Kiệt đã vượt qua đề thi "Đế vương trị thiên hạ" của vua với bài viết dài hơn chục nghìn chữ, vượt xa mức quy định tối thiểu ba nghìn chữ đương thời.
Đạo làm thầy
Trong phần nói về giáo dục, trả lời câu hỏi của nhà vua "sách xưa có câu thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính. Nhưng hiện tại, nho sinh lại cảm thấy xấu hổ khi đến học thầy, cốt làm những chuyện họa may hoặc qua tuần, qua tháng lại đổi thầy.
Một nho sinh mà chưa bao giờ biết gò mình trong việc tu chỉnh, khi đạt được danh vọng ở triều đình thì ít tuân theo lễ nghĩa. Đạo làm thầy bị bỏ rơi sao mà lâu thế, làm thế nào để cứu vãn được?
Vũ Kiệt trả lời rằng "Thần nghe, cái học của người xưa nhất thiết phải có thầy, người thầy làm nhiệm vụ truyền đạo, thụ nghiệp nêu lên những chỗ nhầm lẫn, giải thích những điều tôn nghi trong sách vở. Các ngành, nghề, ngay cả những nghề vụn vặt cũng không thể không có thầy được, huống hồ người theo học đạo Nho.
Kẻ sĩ phải thấy mình được vinh hạnh, càng chăm lo việc thực học. Lúc chưa thành đạt thì sống theo đạo lý thông thường để chờ thời gặp mệnh, không để mất phẩm chất riêng. Lúc đã được tin dùng thì phải giữ đúng danh vị và làm việc thực sự, không thể để mất cái điều mà mình mong muốn.
Bàn về những tồn tại của giáo dục lúc bấy giờ, Vũ Kiệt cho rằng "Cũng có khá nhiều người làm thầy tư chất kém cỏi, văn vẻ vụng về. Cái mà học trò cần là sự uyên bác nhưng người thầy lại có kẻ nông xoàng, tài cán thô thiển".
"Đạo làm thầy không vững như thế còn lạ gì khi thấy sĩ tử xấu hổ việc đi học...Tâm thật đã mất trước khi ra làm quan rồi, sau khi ra làm quan còn tìm sao được tiết tháo và phong độ của họ...".
Vũ Kiệt còn vạch ra hướng để khắc phục những tồn tại ấy "Thần mong bệ hạ đạo làm thầy phải được tuyển chọn kỹ càng. Việc nuôi dạy sĩ tử phải đúng hướng... Tìm nhân tài trước hết phải chú ý đến mặt đức hạnh, phế truất kẻ phù hoa... Người dùng lời gian dối để trau chuốt, dứt khoát không dùng. Người dám nói thẳng... thì có thể thu nhận".
Chống tham nhũng
Khi vua Lê đã hỏi rằng: Trẫm lo lắng cho cái thói tham lam làm đổi thay phong tục, nên đặt chức đình úy để xét tra những điều gian dối của bọn quan lại, thưởng người liêm khiết để khuyến khích làm việc tốt. Thế nhưng người có chức vị vẫn không trong sạch, gió thổi bóng theo.
Bọn quan lại nhỏ tự làm những điều ô nhục, ngày càng tràn lan. Dân càng nghèo mà đóng góp ngày càng lắm, pháp luật càng nghiêm mà kẻ gian ngày càng nhiều. Việc quân cơ, việc chính sự biến đổi rối rắm. Của cải xuất kho lại rơi vào tay bọn tham nhũng, thật chẳng có lúc nào mà quá như lúc này.
Hãy nêu lên cái nguyên nhân sinh ra những tệ hại ấy và bằng cách nào để sửa đổi và có tin là sửa đổi được không?
Vũ Kiệt trả lời rằng: Thần cho rằng câu hỏi của bệ hạ là muốn để tâm làm trong sạch mọi dòng vẩn đục và mong muốn các quan noi theo đó để làm chuẩn mực. Thần nghe lời giải thích trong kinh Xuân Thu "sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan...Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được.
Con người sinh ra không thể không có sự ham muốn, nếu con người không làm chủ được sự ham muốn ấy thì sẽ sinh ra rối loạn...Vả lại gần đây, con người sống lâu trong thời bình, nên có phần sơ suất về màng lưới ngăn cấm trong đời sống hằng ngày. Trong khi làm việc công thì thường dùng quà cáp, tết nhất, dùng của đút lót làm lễ vật hằng ngày, giày dép, quần áo diêm dúa, tiêu pha hoang phí, tệ tham nhũng tích tụ thành thói quen, điềm nhiên cho đó là việc thường.
Thần thấy tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tín cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa vạch trần bộ mặt của đám tiểu nhân được...Thần thấy trong Kinh lễ có câu "đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính" là có ý nói những việc làm của quan cấp cao thực để cho cấp dưới xem xét và noi theo...
Lấy lý mà nói thì bọn tiểu lại, bọm trộm cướp còn tự thay đổi trước sự giáo hóa của quan lệnh trong ấp, huống hồ lại đối với các bậc quan trên...Nhưng phép thuật ngày nay thì người làm quan lớn hoặc ban ơn để tỏ rằng mình là người hiểu biết, hoặc rêu rao cái danh để cho cấp dưới cầu cạnh, sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh đều trái với lẽ phải, khinh trọng thiên lệch. Khi tìm được chỗ hở thì gây ra tệ lậu bán buôn, hoặc không giữ chắc của công, hoặc lấy của công để vun vén cho mình.
Từ những phân tích trên Vũ Kiệt đã chỉ cách khắc phục: Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị giao cho họ trọng trách... Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết và nêu từng việc để biết được sự liêm khiết của họ.
Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ, để điều trần tâu lên chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng ưu đãi và quan trường cũng được ban thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và trưởng quan cũng tùy theo đó mà xử phạt. Làm như vậy thì con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được.
Nếu như các bậc trưởng quan chẳng phải là người tốt mà là muốn bọn quan lại cấp dưới phải sống trong sạch, thế chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho dòng trong!
Tiểu Uyên
Theo vietnamnet.vn
New Zealand: Đất nứt hố tử thần cực lớn, chứa thứ 6 vạn năm trước Hố tử thần khổng lồ đáng kinh ngạc được một người nông dân nuôi bò sữa phát hiện tại một nông trại ở New Zealand. Theo Mirror, hố tử thần khổng lồ sâu như tòa nhà 6 tầng mới xuất hiện tại một nông trại ở New Zealand, để lộ trầm tích núi lửa có niên đại 60.000 năm. Giới chuyên gia tỏ...