Huyền thoại mới ở trại rắn Đồng Tâm
Nhờ đổi mới, TRĐT trở thành điểm đến của nhiều du khách.
Trại rắn Đồng Tâm (TRĐT) là tên thông dụng của Trung tâm Nuôi trồng – Nghiên cứu – Chế biến dược liệu Quân khu 9, tọa lạc tại Châu Thành (Tiền Giang).
Ngay từ lúc thành lập (tháng 10.1979) nơi đây được biết đến như huyền thoại về khả năng cứu người bị rắn độc cắn. Giờ đây thế hệ thầy thuốc trẻ lại viết nên huyền thoại mới khi đưa đơn vị vượt khỏi ao làng, “vươn ra biển lớn”.
Làm chủ rắn độc
Chúng tôi đến TRĐT đúng vào dịp các thầy thuốc nơi đây vừa cứu sống bệnh nhân Thái Kim Ngân – học sinh lớp 11, ngụ ấp Suối Mây, xã Dương Tơ-Phú Quốc-Kiên Giang, nhập viện trong tình cảnh thập tử nhất sinh sau 2 ngày bị rắn hổ đất cắn. Ông Thái Văn Hảo – cha ruột của Ngân – chia sẻ: “Khi đưa con gái vào Bệnh viện huyện Phú Quốc, thấy thầy thuốc lắc đầu, cả nhà coi như Ngân sẽ chết”. Vì vậy, ông Hảo gọi đây là kỳ tích giữa đời thường.
Tuy nhiên với TRĐT, đây là trường hợp rất bình thường, bởi nhiều năm qua, nơi đây không chỉ cứu sống 100% các trường hợp bị rắn độc cắn, mà còn cứu sống cả trường hợp mà trước đây các trưởng bối cũng “bó tay”: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngừng thở. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Hữu Tài – SN 1954 ở phường Tân Phú (Bến Tre) – bị rắn hổ đất cắn trong lúc đi chăn bò vào ngày 4.8.2009. Do địa hình phức tạp nên mất gần 2 giờ sau ông Tài mới được đưa đến Bệnh viện Y học cổ truyền Bến Tre, nhưng do bệnh quá nặng nên nơi đây “lắc đầu”. Gia đình đưa sang TRĐT cầu may. Nhưng rủi thay khi đến giữa cầu Rạch Miễu thì xe chuyển bệnh chết máy, lại mất nửa giờ sửa chữa…
Đã 3 năm trôi qua, nhưng đội ngũ thầy thuốc nơi đây vẫn nhớ tươi nguyên sự kiện “cải tử hoàn sinh” này. “Lúc đó đã hơn 18 giờ”, trung tá – bác sĩ Vũ Ngọc Lương – Phó GĐ TRĐT – nhớ lại: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, mạch tim gần như ngừng hẳn, chỉ còn mạch vẹm nhưng rất thoi thóp”. Nhờ bố trí lực lượng trực theo quy trình hợp lý nên sau một giờ hồi sức tổng hợp cộng với bí quyết chuyên trị rắn theo phác đồ mới, kíp trực đã giành lại sự sống cho ông Tài. Sau 2 tháng điều trị với 2 lần vá da phức tạp, ngày 19.10.2009, ông Tài xuất viện. Trước lúc chia tay, ông nắm chặt tay từng thành viên trong Ban giám đốc nói lời cảm ơn đặc biệt: “TRĐT đã sinh tôi lần thứ 2″.
Nửa tháng sau, gia đình ông Tài tổ chức tiệc mời 4 họ 2 bên đến để tri ân các thầy thuốc. “Hôm đó, tôi đại diện đơn vị, được mời vào bàn giữa nhà và được mọi tiếp đãi như thượng khách” – trung tá Lương tự hào nhớ lại.
Thu hoạch nọc rắn độc ở TRĐT.
Video đang HOT
Không chỉ có vậy, những người lính áo trắng trưởng thành sau ngày thống nhất đất nước còn tiến thêm một bước trong việc làm chủ loài rắn độc. Cuối năm 2012, đơn vị đã bảo vệ xuất sắc đề tài cấp nhà nước: “Phát triển và khai thác nguồn gene rắn hổ mang chúa và hổ mang đất làm nguyên liệu sản xuất thuốc”. “Nói một cách đơn giản là với đề tài này, chúng tôi có thể cho rắn độc sinh sản theo ý muốn để phục vụ việc bảo tồn và sản xuất thuốc” – trung tá Lương cho biết thêm.
Vươn ra “biển lớn”
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất chính là việc đội ngũ thầy thuốc trẻ nơi đây đã đưa TRĐT vượt khỏi chiếc ao làng, vươn ra “biển lớn” mà không hề gây ra “hiệu ứng tâm lý” với người tiền nhiệm. Chuyện bắt đầu từ năm 2009, khi êkíp trẻ lên nắm quyền quản lý, đã quyết định thay chiếc áo thâm u lâu nay của đơn vị bằng hình ảnh thoáng đãng của cảnh quan đẹp như công viên với rợp màu xanh của cây, rực sắc của hoa… Đặc biệt là chuồng trại cũng được sắp xếp lại một cách khoa học, mỹ quan và hợp lý hóa với quy trình tham quan, trong đó ưu tiên cho tiêu chí “thiên nhiên hóa” với lối thiết kế chuồng trại “cách điệu” dưới các gốc cây cổ thụ ven theo lối đi, hay ẩn mình dưới tán cây xanh, hòn non bộ… Vì vậy du khách đến đây dễ dàng ngắm cận cảnh, chi tiết, tỉ mỉ như thước phim quay chậm về thế giới rắn với đủ màu sắc từ xanh của rắn lục, màu vàng lục, màu đen khoang vàng của rắn hổ chúa, rắn hổ đất… cho đến rắn trong nhiều tư thế: Khoanh mình trong hốc đá, treo mình dưới các lùm cây, rắn vươn mình lên các tảng đá để tắm nắng… Có lẽ nhờ vậy mà lượng khách đến tham quan đã nhanh chóng vượt lên con số 100 ngàn lượt người/năm, tăng trên 3 lần so với trước đó.
“Nuôi rắn độc rất tốn kém, nhưng cách làm này đã tạo cho TRĐT thế chủ động về việc chăn nuôi, nghiên cứu…và được đánh giá như điển hình của cả nước về mô hình bảo tồn động vật hoang dã bền vững” – trung tá Lương tự hào. Để tạo được sự đồng thuận này là cả một nghệ thuật, đại tá – dược sĩ Trần Thị Hà – GĐ TRĐT – chia sẻ: “Trước khi thực hiện đổi mới, chúng tôi tổ chức hội thảo khoa học quy tụ được nhiều chuyên gia giỏi, nhà khoa học tâm huyết và nhất là các lãnh đạo tiền nhiệm đóng góp ý kiến… vạch ra cho đơn vị lộ trình và định hướng cải tiến, nâng tầm hoạt động một cách thuận tình, thuận lý, khoa học và phù hợp với quy luật phát triển đặc thù”.
Sau khi thay da đổi thịt lĩnh vực du lịch, các thầy thuốc trẻ lại bắt tay đổi mới, đưa sản phẩm dược liệu độc đáo của đơn vị thoát khỏi ao làng. “Lúc đó dược phẩm của đơn vị đang trong tình trạng 3 không: Không đăng ký dược phẩm, không mẫu mã hấp dẫn và không tiện lợi trong sử dụng” – dược sĩ Hà nhớ lại. Sau bước “pháp lý hóa” toàn bộ các mặt hàng, các thầy thuốc trẻ lại tiến thêm một bước trong việc tăng cường công tác quảng bá, như: Mở đại lý tại nhiều địa phương trọng điểm, mở dịch vụ bán hàng qua mạng, bưu điện… để tăng tốc tiêu thụ nội địa. Song song đó, TRĐT thực thi việc “quốc tế hóa” tên và “tiện dụng hóa” sản phẩm để đưa ra “biển lớn”. Cụ thể là đổi tên kem xoa nọc rắn Cobratox thành Cobbratoxan và đưa chế phẩm rắn lục dưới dạng bột vốn gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng, thành viên nang bột rắn lục rất tiện dụng…
Tự đổi mới để chủ động kinh phí phục vụ tái đầu tư, mở rộng chăn nuôi, nghiên cứu… để nâng cao chất lượng điều trị và cung cấp cho cả nước mô hình bảo tồn động vật hoang dã bền vững, những thầy thuốc trẻ đã và đang viết nên huyền thoại mới ngay trên đơn vị lấp lánh huyền thoại: TRĐT. Đây được xem như minh chứng hào hùng về chất lượng nguồn nhân lực của thế hệ trí thức được đào tạo sau ngày thống nhất đất nước.
Theo laodong
Rắn vào nhà phố cắn người
Những tưởng rắn chỉ xuất hiện ở vùng quê hẻo lánh nhưng tại nơi đông đúc, chật chội như TP.HCM, rắn vẫn thường xuyên đột nhập vào nhà phố cắn người đến phải đi bệnh viện cấp cứu.
Mới đây, ngày 28/10, một con rắn bất thần đột nhập vào tận nơi ngủ của một người dân ở gần chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức, TP.HCM) và... phập vào gáy, khiến nạn nhân phải vào bệnh viện cấp cứu.
Tấn công người trong lúc ngủ
Theo lời anh Trịnh Công Sơn, người bị rắn cắn, lúc ấy hai cha con anh đang ngủ say thì anh có cảm giác cổ mình lành lạnh và nhột. Thì ra một con rắn không biết từ đâu xuất hiện quấn quanh cổ anh. Khi anh cử động người thì bị con rắn bất ngờ đớp vào gáy. Hoảng hồn vì phát cắn đau nhói với máu rỉ ra, anh Sơn la toáng lên. Lát sau anh cảm thấy cả người bủn rủn.
Nghe tiếng con la, cha anh thức giấc. Sau phút định thần, ông lấy chiếc gối chụp con rắn nhốt vào lọ và mang con rắn cùng anh Sơn đến BV Quân đoàn 4 ở gần đó để cấp cứu. Anh Sơn nhanh chóng được cho truyền nước, cấp cứu ban đầu rồi chuyển đến BV Chợ Rẫy điều trị. Ngày 29-10, anh Sơn được xuất viện sau khi bác sĩ kết luận anh đã bình phục hoàn toàn.
Con rắn cắn anh Sơn mà cha anh bắt mang theo có đầu hình tam giác, mình có khoang vằn màu đen vàng, thân hình có chỗ to hơn ngón chân cái người lớn, dài chừng 70 cm.
Trước đó không lâu, anh Lê Minh ở quận Bình Thạnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh kể: "Tôi đang ngủ say thì cảm thấy đau nhói dưới ngón chân. Giật mình tỉnh giấc, ngó xuống gót chân, tôi thấy có vết ba lỗ nhỏ hình tam giác đang rỉ máu. Bằng kinh nghiệm nhà nông, tôi biết mình bị rắn cắn nên vội mở cửa dắt xe chạy ngay đến BV Gia Định cấp cứu. Trên đường đi, tôi cảm giác sự thăng bằng trong mình cứ mất dần. May mắn sao tôi vẫn vào tới bệnh viện kịp thời".
Rắn ri cá (loại rắn đã cắn anh Trịnh Công Sơn vào ngày 28-10) là một loại rắn nước với thức ăn là cá, ếch, nhái, sống bán thời gian dưới nước và cư trú ven sông nước ngọt, ao hồ, kênh rạch.
Vào nhà phục kích ở bồn rửa chén
Hiện tượng rắn vào nhà phố ở TP.HCM cắn người, dù không phổ biến như nạn chuột hoành hành nhưng là điều đáng quan tâm. Theo anh Dung, một người dân ở đường Ụ Ghe, khu phố 2, phường Tam Phú (Thủ Đức), trong vòng chưa đầy một tháng nhà anh đã ba lần bị rắn viếng thăm. Lần đầu, một con rắn có khoang vàng, đen, trắng thân to gần bằng ngón chân cái và dài hơn nửa sải tay được phát hiện ở cạnh máy bơm nước. Con rắn nhanh chóng được anh "xử lý" kịp thời và... cho vào thẩu rượu, dù lúc ấy anh chưa biết đó là loại rắn gì. Vài ngày sau, vào sáng sớm, khi người nhà anh xuống bếp thì... một con rắn đang cuộn tròn nằm ngay bồn rửa chén. Thấy có dáng người, con rắn ngóc đầu lên thè lưỡi, sẵn sàng phập vào người đến gần. Rất may nhà anh Dung cũng chẳng ai bị rắn cắn nhưng cả nhà bắt đầu sống trong hoang mang, lo sợ.
Nhiều hàng xóm của anh Dung cũng giật mình trước sự hiện diện của những vị khách không mời này. Anh Quyên, 15/11 Ụ Ghe, cho biết có lần đứa cháu gái nhà anh hoảng hồn la toáng lên khi nhìn thấy một con rắn dài đang quấn lấy... cái quạt máy nằm ở trên lầu. Tương tự, chị Điệp nhà 15/15 gần đó cũng đã hai lần "đụng" rắn. Không kể lần chứng kiến rắn bò vào sân, lần khác, khi đang ôm mớ đồ phơi trên sào ở ngoài vào nhà thì hú hồn, một con rắn lục từ trong đám quần áo đột ngột phóng ra. Chị Điệp quăng mớ quần áo chạy tuốt vào nhà vừa hét to kinh khiếp.
Chủ nhà sát bên nhà chị Điệp kể cũng từng phát hiện một con rắn lục, một con rắn có khoang màu trắng đen khi chúng mon men, lăm le định bò vào nhà này.
Rắn lục hay đột ngột "viếng thăm" nhà phố.
Và ngự trên trần nhà hù dọa!
Trên một diễn đàn tin học, nhiều thành viên cũng bất an khi nghe câu chuyện của người bị rắn đột nhập vào nhà cách đây ít lâu. Theo thành viên có tên ST-Lu!, hôm nọ anh bất ngờ phát hiện một con rắn nằm gần nhà vệ sinh nên liền lấy chổi đuổi đi. Con rắn bò vào nhà tắm thì ST-Lu! đóng cửa và tìm gậy đánh. Nhưng khi trở vào, mở cửa ra thì con rắn... biến mất tiêu, dù nhà tắm khép kín.
Một tháng sau, khi ST-Lu! đang ở công ty thì vợ điện thoại kêu toáng lên rằng nhà vệ sinh có con rắn khoanh tròn nằm trong bồn cầu. ST-Lu! nói khu vực nhà anh rất sạch sẽ, nhà khép kín, lau chùi thường xuyên và anh e ngại rắn theo con rạch cách nhà khoảng 100 m và "trú" dưới lòng bồn cầu. Bất an, hỏi tìm cách đuổi rắn thì thấy tình trạng này là khá phổ biến.
Đọc câu chuyện của ST-Lu!, một thành viên có nick bobi9803 chia sẻ có lần nhà anh cũng phát hoảng vì rắn. Số là hôm đó người giúp việc nhà anh báo trên trần nhà (bê tông, có thạch cao để gắn đèn trang trí) có một con rắn màu xanh lá cây to bằng cổ tay, dài khoảng 1,4 m. Nghe tin, bobi9803vội về nhà đội nón bảo hiểm, mang giày cao su và khoác áo mưa trùm kín mít từ đầu đến chân rồi lùng sục khắp nơi nhưng không thấy rắn đâu cả. Dù nghi ngờ người giúp việc trông... thằn lằn hóa rắn (vì trần nhà anh đúc cao, cửa nhôm kính hai lớp kín mít) nhưng anh vẫn đi mua ba chai dầu xịt phòng, xịt vào trần nhà để trấn an mọi người.
"Hai ngày sau, buổi sáng, tôi vừa xách laptop ra, vô tình nhìn lên trần nhà thì... eo ôi, một con rắn to đùng nằm ở mép trần thạch cao đang phì phò cái lưỡi thấy phát ớn. Hơi sợ nhưng bình tĩnh lại, tôi đóng cửa, lấy cây gậy dài. Kết quả: Con rắn trở thành mồi nhậu của các cậu thợ hồ đang xây nhà gần đó. Nghĩ lại cảnh mấy cháu ở nhà chơi với chuyện con rắn mà đến giờ tôi vẫn còn hoảng vía" - bobi9803 kể.
* * *
TS-BS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho biết mỗi năm khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận và điều trị khoảng 1.000 ca bị rắn cắn, mùa mưa có ngày khoa này tiếp nhận đến ba ca bị rắn cắn đến điều trị. BS Bính khuyến cáo vào những ngày mưa, người dân nên tránh đi vào chỗ có nhiều bụi rậm vì dễ có nguy cơ bị rắn cắn.
Khi bị rắn cắn cần đến bệnh viện gấp
TS Hoàng Minh Đức, Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết ở các khu đô thị, nhất là nơi đông đúc như TP.HCM, rắn vẫn có thể xuất hiện. Dễ gặp đó là các loại rắn lục hoặc rắn nước, chuyên sống ở vùng kênh rạch. "Các loại rắn nước thường không độc. Ngược lại, rắn lục lại độc, có thể gây hoại tử tại vết cắn nếu không được cứu chữa kịp thời. Tuy vậy, với một số người mẫn cảm, khi rắn lục cắn cũng có thể bị tử vong" - TS Đức nói.
Theo TS Đức, ngay khi bị rắn cắn, có thể sơ cứu bằng cách rạch vết cắn, nặn máu độc và dùng những chất chua, chát giã đắp vào để giải bớt độc. Tuy nhiên, chỉ nên rạch vết cắn khi bắt được rắn vì nhiều bác sĩ thông qua vết cắn cũng có thể xác định được loài rắn và có biện pháp chữa trị hợp lý. "Nhưng điều quan trọng là phải nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tất nhiên, nếu bắt được con rắn đã cắn để bác sĩ xác định loài rắn mà có huyết thanh điều trị thì sẽ tốt hơn. Bởi có loại rắn gây độc cho máu, làm sưng tấy vết thương nhưng có loại rắn gây "độc" cho hệ thần kinh khiến nạn nhân té ngã, trào đờm, mất thăng bằng..." - TS Đức khuyên.
Theo Dantri
Người miền Tây 'sống chung' với rắn Đang nấu ăn, chị Phường hoảng hồn quăng đũa bỏ chạy vì rắn trên mái nhà rơi xuống chảo cá kho. Còn ông Sử toát mồ hôi, nín thở chờ rắn bò qua người lúc nằm xem tivi. Miền Tây, rắn bò vào tận giường ngủ, đong đưa trước hiên nhà là chuyện không hiếm vì vùng này cây cối um tùm, nhà...