Huyện Quan Sơn phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống
Huyện Quan Sơn nằm ở phía Tây của tỉnh, nơi có cảnh quan hùng vĩ, núi non trùng điệp, nhiều danh thắng lung linh sắc màu huyền thoại.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, phong tục tập quán truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây, chính là điều kiện thuận lợi để huyện khai thác, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Lễ rước “Hòn đá vía” trong lễ hội Mường Xia (Quan Sơn).
Đến với Quan Sơn, du khách sẽ ngỡ ngàng và ấn tượng trước vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của động Bo Cúng nằm trên địa danh bản Chanh, xã Sơn Thủy. Du khách có thể chiêm ngưỡng những kỳ tác thiên nhiên theo trí tưởng tượng đó là những lâu đài thạch nhũ đủ màu sắc hình khối: Hình người như tượng phật tọa trên đài sen, ông già ngồi câu cá, hình gà chọi nhau, nương lúa, nương ngô vàng ruộm và những cánh rừng trải dài bất tận và có khi là một cung điện nguy nga lấp lánh… Cùng với hang động tự nhiên kỳ thú, động Bo Cúng sẽ là sự lựa chọn lý tưởng để du khách dừng chân thưởng ngoạn.
Nơi được cho là mạch sống và tâm hồn của đồng bào Thái Quan Sơn đó chính là suối Xia. Dòng suối trải mình trên bãi đá cuội, đùa giỡn với nắng vàng rực rỡ. Trong ánh hoàng hôn, suối Xia lại hóa mình thành bức tranh thủy mặc huyền bí ẩn hiện thấp thoáng giữa núi rừng hoang sơ. Dòng suối Xia trong xanh, hiền hòa uốn lượn quanh dãy núi Bo Cúng như kể cùng du khách về chuyện làng, chuyện bản nơi đây. Suối Xia còn đặc biệt là điểm giao hòa của tình hữu nghị Việt – Lào. Tại cửa khẩu Na Mèo, bạn thăm thú phiên chợ vùng cao, ngắm dòng suối Xia men theo các chân núi đá vôi thơ mộng, rồi hòa vào con sông Luồng tạo nên vùng ngã ba sông suối.
Video đang HOT
Nằm ở bản Thủy Sơn, núi Pha Dùa có vẻ đẹp kỳ bí, có hang sâu gọi là hang Dùa. Tương truyền, xưa kia là nơi chàng trai nghèo khó và nàng Lá Nọi cất lời nguyện ước “cùng chết bên nhau để biến vào núi Pha Dùa và lên đỉnh núi cao làm thần Hai Mường”. Từ đó, mỗi độ xuân về, trai gái Mường Xia có tục du xuân vào hang Dùa cầu duyên, cùng nhau chơi cát bên chân núi, ném còn ngoài bãi sông và lắng nghe lời tình tự của đôi trai gái năm xưa.
Tới thăm đền thờ Tư Mã Hai Đào để tưởng nhớ người đã có công gìn giữ biên cương trấn ải, xây dựng bản mường trù phú, đông vui. Gắn với huyền sử về cuộc đời binh nghiệp của Tướng quân Tư Mã Hai Đào là lễ hội Mường Xia. Mường Xia còn gọi là Mường Chu Sàn – vùng đất sơn thủy kỳ thú, nơi giao hòa của dòng suối Xia bắt nguồn từ đất nước bạn Lào đổ về Việt Nam. Khi mùa xuân còn vương trên sắc đào hồng thắm là thời điểm diễn ra lễ hội Mường Xia. Vào các ngày 9 và 10 tháng 2 âm lịch thường niên, hàng vạn đồng bào vùng cao biên giới Việt – Lào cùng du khách muôn phương nô nức kéo nhau về thủ phủ Mường Xia trẩy hội cầu may, cầu phúc, cầu duyên. Trong không gian lễ hội, du khách được tận mắt chứng kiến một nghi lễ văn hóa tâm linh đặc biệt, đó là tục cúng tế “Hòn đá vía”, nhằm bày tỏ lòng tri ân thành kính đối với người anh hùng Tư Mã Hai Đào đã có công bảo vệ bờ cõi biên cương, dựng nên vùng đất Mường Xia đông vui, trù phú. Đây cũng chính là nét nhân văn trong tục “gửi vía” rất riêng đã trở thành tập quán nối đời của người Thái vùng biên xứ Thanh.
Từ lâu, Na Mèo đã trở thành cung đường thú vị với khách du lịch. Từ Mai Châu (Hòa Bình), du khách có thể qua Quan Sơn (Thanh Hóa) rồi qua Hủa Phăn (Lào) rất thuận tiện. Qua cửa khẩu Na Mèo, du khách có thể đi tham quan Viêng Xay rồi qua Sầm Nưa tới Xiêng Khoảng, bước vào con đường di sản nổi tiếng của Lào. Hành trình đến với Na Mèo là đến với khung cảnh núi rừng hùng vĩ, những tảng đá lớn nhỏ, nhiều dáng hình lô nhô bên dòng suối với làn nước trong xanh. Bốn bề là những ngọn núi cao ngất, cây rừng nguyên sinh nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Chợ phiên Na Mèo không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa thông thường mà còn là địa điểm giao lưu văn hóa thắm đượm nghĩa tình hai nước Việt – Lào.
Sẽ thật thiếu sót khi đến Quan Sơn mà không chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn truyền thống vẫn còn được lưu giữ ở các bản Chanh, bản Hậu, bản Ngàm, bản Khạn… Lúc hoàng hôn buông xuống là khoảnh khắc tuyệt vời để du khách lặng ngắm những mái nhà sàn lúc ẩn, lúc hiện trong khói lam chiều. Lạc bước vào một ngôi nhà sàn xinh xắn, bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng những sắc màu thổ cẩm bên khung cửi – nơi gửi gắm khát vọng và tâm hồn của các cô gái Thái. Thưởng thức các sản vật tinh hoa của núi rừng như: Cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rưụ nếp nương… Tận hưởng không khí mát lành của thiên nhiên và những điệu múa, trò chơi dân gian hấp dẫn như: Khặp Thái, hát ru, múa sạp, cồng chiêng, khua luống… để rồi lòng bỗng thấy dịu nhẹ và xốn xang lạ thường. Và hơn cả là sự hồn hậu mến khách của người Quan Sơn, làm cho du khách muốn khám phá nhiều hơn về vùng đất kỳ thú này.
Tiềm năng du lịch của huyện là rất lớn, song vẫn còn nhiều khó khăn, như: Kinh phí hỗ trợ hàng năm hạn chế, việc thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn chưa hiệu quả, lượng khách đến lưu trú dài ngày đạt thấp, sản phẩm du lịch chưa phong phú, nguồn nhân lực còn thiếu… Để khắc phục tình trạng trên, từ nay đến năm 2020, ngoài việc quản lý tốt các khu, điểm du lịch, huyện còn tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục tại khu danh thắng động Bo Cúng (xã Sơn Thủy) và điểm du lịch bản Ngàm (xã Sơn Thủy). Đồng thời vận động người dân chỉnh trang cơ sở lưu trú, nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch, đa dạng các sản phẩm hàng hóa…
Đặc biệt, huyện đang xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương là mô hình du lịch xuôi bè đánh chài bắt cá trên sông Luồng, kết hợp trải nghiệm làm nông nghiệp tại các vùng lân cận. Hy vọng mô hình mới này sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm đầy thú vị.
Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Thời gian qua, huyện Quan Sơn đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, quy hoạch xây dựng phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, huyện cũng đề nghị với tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Tạo điều kiện cho huyện tiếp cận với các nguồn vốn từ chương trình đề án phát triển về du lịch. Hỗ trợ xây dựng một số cơ sở hạ tầng gắn kết với các khu, điểm du lịch; mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch cho người dân và cán bộ văn hóa ở cơ sở… Huyện cũng sẽ tạo cơ chế để các đơn vị, cá nhân đầu tư vào du lịch trên địa bàn hoạt động thuận lợi. Vì vậy, đòi hỏi không chỉ phát huy nội lực của huyện mà cần phải có sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và xã hội. Từ đó, tạo điều kiện cho du khách được tiếp cận, thụ hưởng các giá trị văn hóa, du lịch; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và biến nơi đây trở thành điểm nhấn du lịch của miền Tây xứ Thanh.
Bài và ảnh: Ngọc Anh
Theo baothanhhoa.vn
Tang thương bản nghèo có 12 người mất tích
Rạng sáng 3-8, người dân bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang say giấc ngủ thì bất ngờ lũ ống, lũ quét từ suối Son đổ về nhấn chìm cả bản, khiến 5 ngôi nhà bị sập, 18 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm kéo theo 17 người xuống sông Luồng.
Mặc dù các cơ quan chức năng huyện Quan Sơn đã nỗ lực tìm kiếm nhưng đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, mới có 5 người được tìm thấy, còn 12 người mất tích.
Ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, từ trưa ngày 2 đến sáng 3-8, trên địa bàn xã Na Mèo có mưa rất lớn. Mưa trên diện rộng khiến lũ ống, lũ quét từ suối Son bất ngờ đổ về nhấn chìm hàng chục ngôi nhà của bản Sa Ná nằm rải rác dọc suối Son.
"Sáng sớm, tôi giật mình khi trưởng bản thông tin cả bản bị lũ cuốn trôi hết rồi, nhiều người đang mất tích. UBND xã ngay lập tức cử lực lượng tới hiện trường nhưng không thể tiếp cận được bản Sa Ná do nước sông Luồng lên rất nhanh, chảy xiết nên không thể qua sông được. Đến giờ này, chúng tôi cũng chưa thể tiếp cận được bản nên chưa rõ thiệt hại thế nào. Tuy nhiên, bước đầu nắm tình hình thì có 17 người bị lũ cuốn, hiện lực lượng chức năng đã cứu được 5 người an toàn" - ông Tiệu thông tin.
Sau nhiều giờ mắc kẹt giữa dòng nước lũ, hơn 15 giờ ngày 3-8, ông Lương Văn Chon (ngụ bản Sa Ná) được bộ đội Đồn Biên phòng Na Mèo và người dân cứu sống đưa vào bờ an toàn. Kể lại với lực lượng chức năng, ông Chon cho biết như mọi khi, buổi sáng ông thường dậy rất sớm đi làm rẫy. Nhưng khi đi đến đoạn suối Son thì nghe tiếng ầm ầm từ trên cao cùng với một khối nước khổng lồ đổ ập xuống. "Sợ quá, tôi vội trèo lên cây to để tránh đất, đá và nước cuốn trôi. Một lúc sau nước ở suối Son đổ xuống sông Luồng khiến nước dâng cao, tôi không thể bơi vào bờ được và mắc kẹt ở trên cây. Rất may tôi đã được bộ đội và người dân đưa vào bờ an toàn" - ông Chon kể.
Theo ông Hà Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, bản Sa Ná có 57 hộ dân (100% là người dân tộc Thái). Người dân sống rải rác dọc suối Son và ven các sườn đồi bên tả Quốc lộ 217. Bản này cách trung tâm xã Na Mèo khoảng 8 km và phải đi qua sông Luồng. Vào mùa mưa, bản thường bị cô lập mỗi khi nước sông Luồng dâng cao. "Ngay khi nhận được tin, huyện đã huy động khoảng hơn 300 người để tìm cách tiếp cận bản Sa Ná nhưng rất khó khăn, không thể qua sông Luồng được do nước lớn, chảy xiết. Các lực lượng chức năng của huyện tìm cách đi đường vòng từ bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn) lội bộ đường rừng để tiếp cận bản. Tuy nhiên, do đường xa, mưa lũ gây nhiều khó khăn nên đến nay vẫn chưa thể tiếp cận được" - ông Toản thông tin.
Cũng theo ông Toản, hiện toàn huyện Quan Sơn có 7 thôn, bản của xã Na Mèo và Sơn Thủy bị mưa lũ cô lập do nằm bên kia sông Luồng. Tuy nhiên, người dân vẫn có đủ lương thực, thực phẩm và nước sạch để sử dụng. Một số hộ bị lũ cuốn mất nhà hiện tại đang ở tạm tại một số nhà dân, anh em họ hàng trong bản.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn
Theo Nguoilaodong
17 người dân Thanh Hóa bị lũ cuốn trôi lúc rạng sáng: Tìm thấy 4 nạn nhân Lũ dữ tràn qua bản làng lúc rạng sáng khiến 17 người dân và 20 căn nhà bị cuốn trôi, hiện tại lực lượng chức năng mới tìm thấy 4 nạn nhân. Video: Hãi hùng người phụ nữ mắc kẹt giữa dòng lũ dữ ở Thanh Hóa Chiều 3/8, theo thông tin từ UBND xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), vào...