Huyện Nghi Lộc cần xác định rõ lợi thế để hướng tới phát triển nhảy vọt
Đó là một trong những góp ý của các chuyên gia, lãnh đạo trong buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 550 năm thành lập huyện Nghi Lộc.
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 550 năm thành lập huyện, chiều 27/4, huyện Nghi Lộc tổ chức Tọa đàm định hướng phát triển Nghi Lộc đến năm 2025, tính đến năm 2030.
Dự buổi Tọa đàm có các đồng chí: Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Thái Thanh Quý – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành; Thành viên Tổ tư vấn kinh tế – xã hội tỉnh; lãnh đạo các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện Nghi Lộc.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Tiến Hùng
Điều chỉnh để nâng cao chất lượng tăng trưởng
Báo cáo kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện, ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho hay, hiện trên địa bàn đã thu hút được 61 dự án đầu tư, trong đó có 47 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn trên 30.000 tỷ đồng. Trong đó có những dự án trọng điểm có quy mô đầu tư lớn.
Về xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đến nay có 14/29 xã về đích, phấn đấu trong năm 2019 có thêm 9 xã đạt chuẩn, đồng thời xây dựng xã Nghi Lâm và xã Nghi Xuân trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại tọa đàm, các thành viên Tổ tư vấn kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An đã đưa ra nhiều ý kiến, góp ý để đưa Nghi Lộc phát triển hơn nữa. Trong đó, ông Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng của huyện Nghi Lộc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh Tiến Hùng
“Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2018 đạt 50 triệu đồng cao hơn bình quân của tỉnh. Tuy vậy, chỉ tiêu này so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội chưa đạt. Phải chăng do Nghi Lộc đặt ra chỉ tiêu cao quá, do đó cần phải có sự điều chỉnh phù hợp để nâng cao chất lượng tăng trưởng”, ông Thiên nói.
Video đang HOT
Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng, Nghi Lộc cũng như Nghệ An đang có xu hướng nâng cấp chứ chưa thay đổi đẳng cấp, do đó cần phải thay đổi tư duy, đẩy mạnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn nữa, Nghi Lộc phải tận dụng lợi thế về hạ tầng giao thông để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
“Thay vì cơ chế xin – cho, Nghi Lộc cần phải có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn. Chính quyền huyện cần phải chủ động, sáng tạo công việc để tạo ra bước tiến nhảy vọt trong thời gian tới”, ông Thiên nêu ý kiến.
Huyện Nghi Lộc có lợi thế về hạ tầng giao thông. Ảnh: Thành Cường
Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An thì cho rằng, Nghi Lộc có nhiều lợi thế hội tụ về vị trí địa lý, về hạ tầng đồng bộ, về yếu tố con người, yếu tố truyền thống. Nhưng đây lại là huyện “nghèo quá lâu” nên thiếu tự tin, dễ xóa đói nhưng khó làm giàu.
“Con em Nghi Lộc học giỏi, nhưng chưa học để làm giàu. Do đó Nghi Lộc cần thay đổi về nhận thức”, ông Hợp nói.
Trong khi đó, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, Nghi Lộc cần tập trung giải phóng mặt bằng để các dự án triển khai thực hiện. Phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng phong trào làng nghề để nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển nông nghiệp sạch đa chức năng để cùng với việc đảm bảo an ninh lương thực, phải tạo ra được giá trị trên cùng một diện tích, tạo ra được nông nghiệp sinh thái bảo vệ môi trường, nông nghiệp du lịch.
“Để làm được điều này phải có sự tham gia của doanh nghiệp và có thể thực hiện theo hình thức, người nông dân góp vốn bằng quỹ đất, doanh nghiệp đầu tư để tạo ra chuỗi giá trị”, ông Tuyển nói.
Cần nghiên cứu kỹ lợi thế để đưa vào định hướng phát triển
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho hay, việc quy hoạch các tiểu vùng của huyện mới chỉ dừng lại ở việc khoanh vùng chứ chưa xác định được điểm cốt lõi của từng vùng để đầu tư phát triển. Tiểu vùng 1 gồm 7 xã miền Tây huyện Nghi Lộc, đây là vùng khó khăn nhất của huyện nhưng định hướng xây dựng trung tâm logistics, công nghệ thông tin, thương mại là không phù hợp.
“Mà ở đây cần tập trung xây dựng nông nghiệp công nghệ cao tạo nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường là các khu công nghiệp lớn trên địa bàn; cùng với đó thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng, nhất là nghiên cứu phát triển dược liệu dưới tán rừng; đồng thời huyện có thể nghiên cứu xây dựng cụm công nghiệp có quy mô vừa phải để chế biến sâu các sản phẩm làm ra tại vùng này”, Chủ tịch UBND tỉnh nói và đề nghị huyện Nghi Lộc cần có quy hoạch và xác định rõ hơn hướng phát triển của các tiểu vùng để có cách làm bài bản, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Tiến Hùng
Trăn trở với sự phát triển của huyện nhà Nghi Lộc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng với địa thế của một huyện ven biển, Nghi Lộc có lợi thế về kinh tế biển, du lịch biển; tiếp giáp với đô thị lớn là TP Vinh và thị xã Cửa Lò có lợi thế phát triển đô thị hóa.
Huyện cũng có lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp. Cùng với đó huyện có truyền thống cách mạng, khoa bảng. Những lợi thế này cần được nghiên cứu kỹ để đưa vào định hướng phát triển.
Kết thúc tọa đàm, Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc Phạm Hồng Quang gửi lời cảm ơn những ý kiến góp ý đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu giành cho huyện nhà, giúp huyện Nghi Lộc định hình được hướng phát triển trong thời gian tới một cách rõ nét, bài bản hơn.
Trước đó, cũng trong chiều 27/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn lãnh đạo đã dự lễ khánh thành một số hạng mục xây dựng tại Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (huyện Nghi Lộc).
Tiến Hùng
Theo baonghean
"Đất tướng" Nghi Lộc
Không biết từ bao giờ, ở xứ Nghệ lưu truyền câu "Nam Đàn phát vương, Nghi Lộc phát tướng". Nam Đàn là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, vua Mai Hắc Đế... Còn Nghi Lộc, chỉ tính trong 70 năm qua với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ và ngày nay, nơi đây đã sinh ra hàng chục vị tướng nổi tiếng.
Có lần tâm sự với phóng viên Báo NTNN, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 (quê xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) tự hào kể: "Năm 1980, Quốc hội bỏ phiếu bầu tướng, toàn huyện Nghi Lộc có tất cả 8 tướng, trong khi đó tỉnh bạn mới chỉ có 1 tướng. Đó là vinh dự lớn cho huyện". Tính sơ bộ, từ năm 1945 đến nay, quê hương Nghi Lộc có gần 50 người con được phong tướng và Anh hùng LLVTND.
Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quân chính
"Người lính già" mang hàm tướng đầu tiên của huyện là Trương Văn Lĩnh. Năm 1924, ông cùng Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Lê Quang Đạt sang Thái Lan, tới năm 1925, họ đến Quảng Châu, Trung Quốc và được Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc) đào tạo làm nòng cốt cho "Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội". Sau đó Nguyễn Ái Quốc chọn ra 9 người (có Trương Văn Lĩnh) để lập nên tổ chức Tâm tâm xã. Năm 1926, Trương Văn Lĩnh gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc rồi vào lớp huấn luyện quân sự tại Quế Lâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (phải) và Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu - 2 người con quê hương Nghi Lộc. ảnh: N.M.Đ
Năm 1929, Nguyễn Ái Quốc trở lại Hongkong để chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, và bị mật thám Pháp bắt vào ngày 6.6.1931. Chính Trương Văn Lĩnh cùng HồTùng Mậu đã liên hệ với Hội Quôc tê Cứu tế Đỏ nhờ can thiệp và vận động luật sư Francis Henry Loseby bào chữa buộc chính quyền thực dân Anh phải trả lại tự do cho Nguyễn Ái Quốc (lúc đó mang tên Tống Văn Sơ)...
Ông Lĩnh từng bị Pháp bắt giam 2 lần tại nhà tù Đắc Min (Đắc Nông) năm 1932 và tại Hỏa Lò (Hà Nội) năm 1944. Tới tháng 9.1945 Trương Văn Lĩnh làm hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quân chính (hàm tương đương cấp tướng).
Chủ tịch đầu tiên của Hội Cựu chiến binh Việt Nam
Thượng tướng Trần Văn Quang (sinh năm 1917, quê xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc) là một vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng làm Chính ủy Sư 304 (khi đó ông Lê Khả Phiêu là chính trị viên một trung đội tại đây), rồi Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Có ngẫu nhiên là Thượng tượng Trần Văn Quang có nhiều dịp chiến đầu cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Quang làm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên, Bí thư Khu ủy, thì ông Lê Khả Phiêu là Chính ủy Trung đoàn 66 thuộc Sư 304 tại mặt trận này.
Thượng tướng Trần Văn Quang từng đảm nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (Binh đoàn 678)... Ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Gặp nhau ngày 30.4.1975
Thế hệ thứ 3 các vị tướng của quê hương Nghi Lộc là những thanh niên vừa lớn lên khi Cách mạng Tháng 8
thành công. Như tất cả trai trẻ thời đó, vừa 17-18 tuổi là họ tòng quân.
Đặc biệt có một nhóm bạn học cùng lớp, chơi thân với nhau, sau này trưởng thành là cán bộ nòng cốt của quân đội. Tới chiến dịch Hồ Chí Minh, họ là các tư lệnh quân đoàn, binh chủng và cùng có mặt tại Sài Gòn ngày 30.4.1975. Đó là Thiếu tướng Hoàng Đan (nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 2) đánh chiếm Dinh Độc Lập; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Tham mưu Phó Quân đoàn 3) đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy; Thiếu tướng Hoàng Niệm (nguyên Tư lệnh Binh chủng thông tin), rồi Thiếu tướng Lê Xuân Kiện - Tư lệnh trưởng Tăng, Thiếu tướng Triệu Huy Hùng - Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu, Thiếu tướng Phùng Bá Thường - nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 14... Sau 30 năm nhập ngũ, họ đã không hẹn mà cùng có mặt trong Ngày Chiến thắng tại Sài Gòn.
Theo Danviet
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích Kim Liên đêm Giao thừa Ngay trong đêm Giao thừa đón chào năm mới Kỷ Hợi 2019, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác dâng...