Huyện Nga Sơn chú trọng duy trì và phát triển nghề truyền thống
Huyện Nga Sơn được biết đến với nhiều nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng. Do đó địa phương xác định, phát triển làng nghề truyền thống là phát huy nội lực của Nhân dân, tạo việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa.
Đa dạng hóa và nâng tầm sản phẩm truyền thống giúp Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang ( thị trấn Nga Sơn) khẳng định vị trí trên thị trường.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nga Sơn có 4 nghề truyền thống chính gồm nghề dệt chiếu cói, nghề mây tre đan, thủ công mỹ nghệ và nấu rượu; với 23 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận (20 làng nghề dệt chiếu cói, 1 làng nghề mây tre đan, 2 làng nghề nấu rượu). Sản phẩm truyền thống ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bao bì. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, góp phần đưa các sản phẩm truyền thống của địa phương đến nhiều vùng miền trong cả nước.
Tuy nhiên, tìm đầu ra cho các sản phẩm vẫn là vấn đề khó với nhiều làng nghề hiện nay. Bởi lẽ, sản phẩm của làng nghề truyền thống có giá thành cao, mẫu mã chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây là một thực tế khiến các sản phẩm truyền thống ở Nga Sơn chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Nhất là với những đơn hàng yêu cầu lớn về số lượng, chủng loại và đòi hỏi nghiêm ngặt về thời gian giao hàng. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất là 1 đòi hỏi tất yếu, nhưng các làng nghề, các sản phẩm nghề truyền thống lại phải bảo đảm tính nguyên tắc, tính độc đáo, độ tinh xảo. Đây là một trong những đòi hỏi cấp thiết đối với hầu hết các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Nga Sơn.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (thị trấn Nga Sơn), cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, giữ được nghề truyền thống đã khó, việc mở rộng phát triển còn khó khăn hơn. Do đó, để có thể duy trì và phát triển nghề cói, đáp ứng nhu cầu thị trường, công ty đã sớm đưa ra chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm từ cói. Từ cách làm truyền thống với cây cói đơn thuần, chúng tôi đã nghiên cứu kết hợp cói với các nguyên liệu khác như: cọng bèo khô, rơm khô, bẹ ngô khô… để tạo màu tự nhiên cho các sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm được trang trí hoa văn bắt mắt, tăng tính thẩm mỹ và sức sống mới cho đồ thủ công”.
Cũng theo bà Trần Thị Việt, từ hướng mở thị trường trong nước, công ty nhận thấy thị trường nước ngoài cũng có nhu cầu lớn về sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam, công ty đã tăng cường đa dạng hóa các sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, sản phẩm của Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang đã xuất khẩu ổn định sang 17 nước trên thế giới. Cũng theo các đơn đặt hàng này, ngoài chiếu cói Nga Sơn, một loạt sản phẩm mẫu mã mới gắn với cây cói, hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác đã được xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, vấn đề quyết định trong sự hồi sinh của mỗi sản phẩm truyền thống, làng nghề truyền thống là khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường, để có những thay đổi, đáp ứng đòi hỏi của thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm truyền thống trên địa bàn huyện như: Công ty TNHH Ngân Khương (xóm 5, xã Nga Thanh), Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (xóm 8, xã Nga An)… cũng đã chủ động tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để tìm bạn hàng, tìm hiểu nhu cầu để thay đổi sản phẩm cho phù hợp. Riêng Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đã ký hợp đồng thành công xuất khẩu một số sản phẩm từ cói trực tiếp sang Nhật Bản, không thông qua trung gian.
Tiếp sức cho làng nghề, nghề truyền thống phát triển, trong những năm qua, huyện Nga Sơn đã xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề để giúp các hộ có mặt bằng mở rộng sản xuất. Đến nay, huyện đã xây dựng 3 cụm công nghiệp, làng nghề liên xã, với tổng diện tích trên 60 ha.
Giai đoạn 2021-2025, việc phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục được huyện Nga Sơn đặc biệt quan tâm. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề, nghề truyền thống; mở rộng quy mô, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất… Phấn đấu đến năm 2025, mỗi xã có ít nhất một làng nghề; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 15.000 lao động.
Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Do vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ để thu hút, sử dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Video đang HOT
Năng suất lao động tăng, gắn đào tạo với giải quyết việc làm
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Trong 5 năm 2016-2020, quá trình sử dụng lao động trong các khu vực kinh tế của tỉnh đã có chuyển biến phù hợp với xu thế chung và đúng định hướng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Cụ thể: Tỷ trọng lao động khu vực dịch vụ từ 38,3% năm 2015 đã tăng lên 41,1% năm 2020; trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm từ 32,7% năm 2015 xuống còn 31,9% năm 2020; trong khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 29,0% xuống còn 27,1%.
Chất lượng nhân lực được cải thiện, năng suất lao động tăng đáng kể với tốc độ bình quân đạt 10,8%/năm (Năng suất lao động năm 2015 là 57,1 triệu đồng/lao động; năm 2020 đạt 94,5 triệu đồng/lao động).
Chất lượng nhân lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được cải thiện, năng suất lao động tăng đáng kể với tốc độ bình quân đạt 10,8%/năm.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực được tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm và chú trọng. Nhằm góp phần tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ngày càng cao, tỉnh tập trung phát triển ngay từ bậc giáo dục phổ thông. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện chủ trương "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".
Chất lượng giáo dục của các cấp, bậc học được nâng lên. Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), định hướng phân luồng, tư vấn hướng nghiệp được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hệ thống cơ sở GDNN được sắp xếp theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, tăng quy mô và trình độ đào tạo, đa dạng loại hình, ngành, nghề đào tạo. Quan tâm xây dựng các ngành nghề trọng điểm, gắn kết đào tạo với nhu cầu thị trường lao động.
Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phân luồng sau tốt nghiệp THCS có thể học nghề và học liên thông lên CĐ, ĐH.
Đại học Huế đã ưu tiên phát triển các ngành nghề mới, đón đầu nhu cầu xã hội, từng bước bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Tuyển sinh hàng năm khoảng 14-15 ngàn sinh viên với hơn 145 ngành đào tạo. Tổ chức đào tạo trên 50 nghìn sinh viên cho trên 40 tỉnh thành trong cả nước.
Bên cạnh đó Học viện Âm nhạc Huế, Trường Đại học Phú Xuân, các cơ sở đào tạo, viện, học viện của Trung ương trên địa bàn đã phát huy thế mạnh, dần khẳng định vai trò, vị thế trong đào tạo, nghiên cứu.
Đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động thông qua tổ chức hiệu quả các phiên sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm (khởi nghiệp), hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài; thông qua phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, một số chính sách, dự án, sự thành lập mới và mở rộng sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, thực hiện vốn vay giải quyết việc làm... Hàng năm tạo việc làm mới cho 15.755 lao động.
Chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý
Để nâng cao chất lượng nhân lực, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn chú trọng công tác bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng, các trường trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề, trường giáo dục phổ thông đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, giáo viên giáo dục nghề nghiệp đã phát triển nhanh về sô lương, nâng lên về chất lượng, từng bước khắc phục được tình trạng bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề.
Thừa Thiên Huế xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Đội ngũ giáo dục nghề nghiệp có 1.705 nhà giáo và cán bộ quản lý, trong đó 43 người trình độ tiến sỹ, 557 thạc sỹ, 878 đại học, 227 người trình độ khác, trong đó có 738 nhà giáo đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm; có 68 nhà giáo đạt kỹ năng nghề các loại.
Đại học Huế cũng luôn đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên được nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nâng dần tỷ lệ giảng viên cao cấp, giảng viên chính.
Đại học Huế có 4.188 cán bộ, viên chức và lao động, trong đó: 2.199 giảng viên; 350 nghiên cứu viên; 281 giáo sư, phó giáo sư, 290 giảng viên cao cấp; 786 tiến sĩ và 20 bác sĩ chuyên khoa II; có 1.495 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I. Đại học Huế có số lượng trí thức có học hàm, học vị đứng thứ 3 toàn quốc (26,7%).
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Tại Hội nghị, đại diện nhiều cơ quan đơn vị có liên quan, Đại học Huế và Trường đại học Phú Xuân đã nhiều ý kiến đóng góp nhằm đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới đạt hiệu quả và gặt hái nhiều thành công.
TS. Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phú Xuân phát biểu tại Hội nghị.
Trong đó đã đề xuất tỉnh Thừa Thiên Huế cần có hướng lựa chọn cho riêng mình đó là du lịch, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... đây là những thế mạnh của địa phương, tuy nhiên cần có tính nổi trội; cần phát triển nhân lực có trọng tâm; yập trung phát triển nội lực; cởi mở với nguồn lực bên ngoài.
Cần có chiến lực cho phát triển nguồn nhân lực quản lý; quan tâm đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp đáp ứng cho phát triển của doanh nghiệp; quan tâm quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, các hoạt động đào tạo phát triển trong doanh nghiệp; có giải pháp gắn kết doanh nghiệp - trường đào tạo...
Bên cạnh đó phải phát huy vài trò của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp; cần tổ chức các hội nghị kết nối doanh nghiệp với nhà trường - cơ sở đào tạo nhằm lắng nghe và có hướng đi phù hợp...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả đã đạt được của các sở, ngành, địa phương thời gian qua trong công tác phát triển nguồn nhân lực.
Ông Bình nhấn mạnh rằng, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Do vậy, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương phải chủ động, nỗ lực cùng với cả hệ thống chính trị tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đạt nhiều kết quả hơn nữa góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Các sở, ngành, địa phương phải tập trung rà soát đánh giá thực trạng nhân lực của ngành, địa phương mình; trên cơ sở xác định cơ cấu ngành, cơ cấu kinh tế địa phương để chủ động kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương mình nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.
"Cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học, đặc biệt là bậc đại học, cao đẳng để đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ để thu hút, sử dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với nguồn nhân lực và tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Những mô hình "Dân vận khéo" ở huyện Nga Sơn Cuối năm 2010, xã Nga Trường đã "cán đích" nông thôn mới nâng cao. Làm nên thành quả đó, không thể không nhắc đến phong trào thi đua "Dân vận khéo" tại địa phương. Cùng với phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn, đảng...