Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh): Dự án kè chống lũ hàng chục tỷ đồng chưa bàn giao đã nứt
Dự án trọng điểm kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Phố được đầu tư hàng chục tỷ đồng, mặc dù đang trong quá trình thi công nhưng đã xuất hiện nhiều bất cập khiến người dân lo lắng về chất lượng cũng như vai trò quản lý của các bên liên quan.
Báo Công lý nhận được phản ánh của người dân về việc dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Phố qua xã Sơn Tân, Sơn Mỹ ( huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang trong quá trình thi công nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp, thi công cẩu thả. Đặc biệt, vai trò chức năng giám sát công trình của các bên liên quan có phần buông lỏng.
Tiếp nhận phản ánh, PV đã có buổi ghi nhận thực tế tại công trường, có thể thấy phần nào những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở.
Vết nứt xuất hiện trên mặt kè được “khắc phục” bằng lớp hồ dầu.
Tại công trình, tuyến kè mái đá cùng mặt đường bằng bê tông cơ bản đã được thi công gần xong, còn một đoạn chừng vài trăm mét công nhân đang làm. Việc ghép đá mái được các công nhân thực hiện hết sức cẩu thả khi lớp đá dăm lót bị trộn lẫn rất nhiều đất và mỏng. Cũng tại thời điểm này, những người có vai trò, chức năng giám sát lại vắng mặt, để mặc công nhân “tự biên tự diễn” với việc thi công.
Tại một số điểm đã được thi công xong trên tuyến, PV phát hiện mặt đường kè cùng với phần dầm kè đã xuất hiện nhiều vết nứt. Có đoạn mặt đường bê tông bị nứt mạnh, kéo cắt ngang mặt và đã được “khắc phục” lại bằng một lớp hồ dầu đổ lên trên trông rất mất mỹ quan.
Video đang HOT
Phần dầm kè cũng xuất hiện rất nhiều vết nứt.
Trao đổi về vấn đề này, một người dân sống cạnh bờ kè cho hay: “Người dân chúng tôi rất mừng vì Nhà nước đã xây dựng tuyến kè này. Mùa mưa lũ sắp đến, người dân chúng tôi sinh sống ở đây yên tâm hơn rất nhiều. Nhưng công trình đang thi công mà nứt nẻ nhiều, nhà thầu lại khắc phục bằng cách đổ hồ dầu lên thế này liệu có được bền không?”
Trao đổi với PV báo Công lý, ông Trần Quốc Pháp – Giám đốc BQL Dự án xây dựng cơ bản huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết: “Dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Phố gồm hai giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 41 tỷ đồng. Giai đoạn 1 (khoảng 7 tỷ đồng) đã hoàn thành xong được khoảng 2 năm. Giai đoạn 2 được khởi công vào cuối năm 2018, hiện nay đang trong giai đoạn hoàn thành, chuẩn bị nghiệm thu bàn giao. Dự án do UBND huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư, nguồn vốn được lấy từ ngân sách tỉnh, huyện và từ các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án do Công ty Cổ phần xây lắp Thành Vinh (trụ sở tại TP. Hà Tĩnh) thi công và do Công ty CPTVXD Hưng Thịnh (trụ sở tại TP.Hà Tĩnh) làm đơn vị giám sát”.
Lớp đá dăm lót trộn lẫn đất liệu có đạt chất lượng?
Theo thông tin thiết kế lãnh đạo ban cung cấp thì mái kè được bố trí từ dưới lên bằng các lớp vải địa, đá dăm lót 2,4 dày 10 cm và trên cùng là lớp đá khan dày 30cm, mặt kè trên tuyến được đổ bê tông tươi. Công trình sử dụng bê tông tươi của chính đơn vị thi công – Công ty Cổ phần xây lắp Thành Vinh.
“Việc trên tuyến xuất hiện vết nứt là có thật, chúng tôi cũng đã biết. Nguyên nhân dẫn đến việc nứt nẻ này là do công trình sử dụng bê tông tươi nên co ngót nhanh, quá trình bảo dưỡng không đạt nên xảy ra nứt”, ông Pháp nói và cho biết hướng xử lý sắp tới sẽ cho kiểm tra, rà soát lại toàn tuyến, những điểm nứt nẻ, xuống cấp không đảm bảo chất lượng sẽ yêu cầu đơn vị thi công làm lại.
Phần nền đất mái kè mặc dù đã được thi công xong nhưng lẫn nhiều tạp chất, rễ cây.
Một công trình trọng điểm, có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với người dân sống quanh khu vực kè mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội chung của cả huyện nhưng đã khiến cho người dân lo lắng và hoài nghi về chất lượng công trình cũng như trách nhiệm quản lý của các bên liên quan.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, nhanh chóng đôn đốc kiểm tra việc khắc phục để công trình được đúng như ý nghĩa mục đích xây dựng, đặc biệt khi mùa mưa lũ đang cận kề.
Nhóm PV
Theo Congly
Đi mò ốc, hai nông dân ở Hà Tĩnh phát hiện cây gỗ quý trăm tuổi
Trong lúc đi mò ốc ở suối, hai người dân ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh phát hiện được một cây gỗ quý trăm tuổi.
Thông tin từ chính quyền xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, hai người dân trên địa bàn trong lúc đi mò ốc thì phát hiện một cây gỗ quý nằm dưới lòng suối.
Cây gỗ sau khi được trục vớt lên bờ. Ảnh: TL
Trước đó, vào khoảng 21h tối 21/7, anh Nguyễn Đức Chung (SN 1984, ở thôn 9) và anh Trần Đức Hạnh (SN 1977, ở thôn 8) cùng trú xã Sơn Hồng, đi bắt ốc trên khúc suối thuộc địa bàn thôn 1, xã Sơn Hồng.
Trong lúc mò ốc, hai người đã phát hiện một nhánh cây to, sau đó cả hai lặn xuống thì phát hiện cây gỗ to và dài nằm sâu dưới lòng suối.
Sáng hôm sau, hai người đã thuê một nhóm thợ cùng máy đào đến hiện trường. Ròng rã suốt 3 ngày liên tục đào bới ở độ sâu khoảng hơn 3m, nhóm thợ đã kéo lên được một cây gỗ dài khoảng 15m, đường kính 60cm, toàn thân có màu nâu đen lên bờ.
Nhận được tin báo của người dân, chính quyền địa phương cùng lực lượng kiểm lâm đã đến hiện trường, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: "Cây gỗ này khoảng 100 năm tuổi, đã nằm dưới lòng đất đã rất lâu, quá trình xói mòn đã khiến một phần bị lộ lên mặt đất. Cần phải kiểm tra kỹ thì mới xác định được cây gỗ trên có phải là lim hay không, vì nó bị ngâm trong nước lâu ngày nên rất khó nhận biết".
Về việc xử lý cây gỗ, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, tài sản người dân trục vớt được là tài sản chung nên sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện cây gỗ trên vẫn được cơ quan chức năng tiến hành canh giữ để chờ phương án xử lý.
Sơn Nguyễn
Theo Giadinhnet
Hà Tĩnh: Đang cháy lớn tại núi Nầm Khoảng 11h trưa nay (8/7), tại khu vực núi Nầm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) xuất hiện một đám cháy. Mặc dù lực lượng chức năng đang tích cực dập lửa, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể khống chế được đám cháy. Trao đổi với Dân Việt, ông Cù Xuân Hùng - Chủ tịch UBND xã Sơn Châu cho biết:...