Huyện Hoàng Sa muốn trưng bày tàu cá bị Trung Quốc tấn công
Sáng nay 4.6, đại diện UBND huyện Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng đã đến Hợp tác xã trục vớt và đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) khảo sát hiện trạng tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Ông Võ Công Chánh (bên trái), Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa và ông Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa khảo sát hiện trạng tàu cá ĐNa 90152 – Ảnh: Nguyễn Tú
Trước đó, chiều 26.5, 10 ngư dân tàu cá ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (37 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) đang hành nghề lưới vây hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì bị tàu cá vỏ sắt 11209 của Trung Quốc đâm chìm.
Rất may 10 ngư dân được tàu cá đi cùng cứu vớt, tuy nhiên tàu Trung Quốc tiếp tục cản trở tàu cá nước ta trục vớt tàu bị nạn nhưng lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã hỗ trợ kịp thời.
Sau nhiều ngày lai dắt, tàu kiểm ngư đã đưa tàu cá ĐNa 90152 về Đà Nẵng.
Sáng 4.6, UBND huyện Hoàng Sa cũng đã trao đổi với gia đình chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa, qua đó đặt vấn đề con tàu là chứng tích nên giữ gìn, và UBND huyện Hoàng Sa mong muốn sở hữu con tàu.
Mục đích là sau này đưa vào Nhà trưng bày UBND huyện Hoàng Sa để có tác động về lịch sử lâu dài, đồng thời khẳng định trách nhiệm của UBND huyện Hoàng Sa đối với những ngư dân đánh bắt ở vùng biển của Tổ quốc.
Video đang HOT
Vết đâm chí mạng bên mạn trái khiến tàu ĐNa 90152 lật úp – Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết sau khi khảo sát tàu ĐNa 90152, huyện Hoàng Sa sẽ bàn bạc với gia đình chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa. Qua trao đổi nhanh, bước đầu bà Hoa cũng đã đồng ý giữ nguyên hiện trạng để làm bằng chứng kiện tàu Trung Quốc ra tòa.
Sau khi vụ kiện kết thúc, bà Hoa sẽ bàn giao con tàu cho UBND huyện Hoàng Sa với mục đích đặt tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, còn phương án sang nhượng cụ thể thì hai bên tiếp tục thảo luận trong thời gian tới.
Nhưng trước mắt, UBND huyện Hoàng Sa đề nghị gia đình bà Hoa có phương án giữ nguyên trạng con tàu và địa điểm bảo quản phù hợp để tránh hư hại thêm cũng như tránh trường hợp một số đối tượng cố ý phá hoại.
Chủ tàu ĐNa 90152 có thể kiện về hành vi đâm va ngang ngược của tàu Trung Quốc – Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Chánh cho biết sau khi đạt được các thỏa thuận, thống nhất với gia đình bà Hoa trong hôm nay thì UBND huyện Hoàng Sa sẽ có tờ trình phương án để UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt.
Theo ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, việc bà Hoa kiện tàu Trung Quốc về hành vi đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 khi ngư dân Việt Nam hành nghề hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.
“Chắc chắn giữa 2 nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã có sự tương trợ tư pháp, tòa án có thể xử bên Việt Nam và phía Trung Quốc có nghĩa vụ sẽ phải đảm bảo thi hành án, nếu Nhà nước Trung Quốc cố tình lơ thì tôi cho rằng đó là hành vi đồng lõa, vì hành vi đâm va tàu cá Việt Nam là tội ác quá sức rõ, quá sức nghiêm trọng không thể chấp nhận được của tàu Trung Quốc, cố ý xâm hại tài sản và tính mạng của những người dân bình thường”, ông Ngữ khẳng định.
UBND huyện Hoàng Sa đề nghị dùng con tàu để trưng bày tố cáo tội ác Trung Quốc – Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng cũng cho rằng: “Những vết thương, vết đâm trên tàu đã tố cáo cho dư luận thấy dã tâm của Trung Quốc đó là không cho ngư dân chúng ta bám biển, làm nản ý chí chúng ta. Những dấu tích này cũng để đánh bạt lại dư luận Trung Quốc cho rằng tàu chúng ta tự đâm vào tàu họ và gây hấn với họ, chúng ta đã có bằng chứng rõ ràng, vật chứng đầy đủ, việc kiện không khó, có khó chăng là chúng ta sẽ tiến hành vụ kiện mà bị đơn vắng mặt”.
Theo TNO
Trung Quốc tiếp tục leo thang bạo lực trên biển Đông
Đây là điều được thể hiện rõ qua các thông tin được VN công bố tại cuộc họp báo quốc tế hôm qua (5.6) về những diễn biến mới liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương-981, do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 5.6 - Ảnh: Ngọc Thắng
Tại cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, cho biết trong hơn một tháng qua, bất chấp những nỗ lực kiềm chế và thiện chí của VN, Trung Quốc (TQ) đã không những không dừng lại các hoạt động bất hợp pháp của mình mà còn phản ứng tiêu cực, có những lời lẽ vu cáo, xuyên tạc, đổ lỗi cho VN. Nghiêm trọng hơn, trên thực địa, TQ đã có những hành động leo thang mới.
Lảng tránh công hàm của VN
Trước những động thái này của TQ, ngày 23.5 và ngày 4.6, Bộ Ngoại giao VN đã liên tiếp gửi hai công hàm tới Bộ Ngoại giao TQ yêu cầu TQ nghiêm túc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, rút ngay giàn khoan, tàu và các phương tiện liên quan ra khỏi vùng biển của VN.
Các công hàm cũng đồng thời yêu cầu TQ không để tái diễn các hành vi tương tự; giải quyết các tranh chấp trên biển, cũng như vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Tuy nhiên đến nay TQ vẫn lảng tránh, không trả lời công hàm của VN.
Trong khi đó theo ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư, trên thực địa các tàu TQ liên tục chủ động truy cản các tàu thực thi pháp luật của VN. Đã có 19 tàu kiểm ngư VN bị hư hỏng (gãy be chắn sóng, lan can, méo cabin, vỡ kính cabin, hỏng các thiết bị hàng hải như các máy thông tin liên lạc, ra đa, la bàn, dụng cụ tác nghiệp hải đồ, hệ thống tời neo...). Đáng nói hơn, các cuộc truy cản của tàu TQ cũng đã làm bị thương 12 cán bộ nhân viên kiểm ngư VN.
Đặc biệt nghiêm trọng là phía TQ đã có các hành động hung hăng truy cản, đâm chìm các tàu cá VN. Chỉ tính từ ngày 7.5 đến nay, trong quá trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của VN, đã có 12 tàu cá của VN đã bị các tàu công vụ và tàu cá của TQ cản trở, uy hiếp, phá hoại tài sản, đối xử thô bạo với ngư dân.
Tăng cường tàu chiến trên thực địa
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN, cho biết TQ đã đưa đến khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 số lượng tàu lên đến 137 chiếc. Trong đó có 6 dạng tàu chiến như tàu khu trục tên lửa (số hiệu 169, 170); tàu hộ vệ tên lửa (523, 534, 571, 572); tàu tên lửa tấn công nhanh (752, 753); tàu tuần tiễu săn ngầm (787, 789); tàu quét mìn (839, 840, 842, 843); tàu vận tải đổ bộ (989, 998, 999). Ngoài ra còn có từ 33 - 42 tàu hải cảnh, hải tuần, hải giám, ngư chính; từ 9 -11 tàu kéo và dịch vụ; từ 20 - 22 tàu vận tải; từ 1-3 tàu dầu và từ 15 - 60 tàu cá.
Bên cạnh đó, TQ thường xuyên sử dụng máy bay tuần thám, trực thăng (8321, 3808, 3586, 9401, B.7112, B.7115); máy bay cánh bằng, dạng cảnh báo sớm (KJ200-9421); máy bay trinh sát dạng TU-154 (81223) bay nhiều vòng trên các tàu VN ở độ cao từ 100 -1.000 m.
Ông Ngô Ngọc Thu cho biết từ ngày 3.5 đến nay, các tàu TQ đã truy cản làm hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của VN, trong đó gồm 5 tàu cảnh sát biển và 19 tàu kiểm ngư.
Liên tiếp tấn công ngư dân VN - Ngày 7.5: tàu cá QNg-96416-TS khi đang khai thác hải sản tại vùng biển cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 15 hải lý về phía nam, cách vị trí TQ đặt giàn khoan trái phép khoảng 70 hải lý về phía đông, thì bị tàu chiến của TQ mang số hiệu 1241 truy đuổi, bắn đạn pháo sáng cảnh báo, ném búa, ốc và một tàu ngư chính khác của TQ tham gia tấn công, đâm trực diện vào phần đuôi tàu QNg-96416-TS. - Ngày 12.5: 2 tàu cá QTr-91119-TS của ông Bùi Xuân Tân và tàu cá QTr-96868-TS của ông Võ Văn Hữu đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa bị tàu TQ tấn công, cắt lưới, tịch thu các trang thiết bị máy móc và sản phẩm trên tàu. - Ngày 16.5: tàu cá QNg-90205-TS đang khai thác hải sản tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN thì bị tàu ngư chính TQ mang số hiệu 306 tấn công. Hai ngư dân trên tàu là Nguyễn Huyền Lê Anh (30 tuổi) và Nguyễn Tấn Hải (24 tuổi) bị các nhân viên trên tàu ngư chính TQ hành hung, khiến cả 2 trọng thương. Không những đánh người, ngư chính TQ còn đập phá tài sản, cướp ngư cụ, hải sản đánh bắt được của ngư dân VN. - Ngày 17.5: tàu cá QNg-96011-TS đang khai thác hải sản tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (cách đảo Tri Tôn 31 hải lý) thì bị tàu chấp pháp TQ số hiệu 21102 tấn công, đập phá vật dụng trên tàu như thuyền thúng, cửa kính cabin, chặt dây hơi, lấy đi trang thiết bị (máy dò cá, I-com, máy định vị) và 400 kg hải sản. - Đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc xảy ra vào ngày 26.5: tàu cá mang số hiệu ĐNa-90152-TS có 10 ngư dân trên tàu đang hoạt động khai thác hải sản cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 17 hải lý thì bị tàu cá của TQ mang số hiệu 11209 đâm chìm. Đáng chú ý là hành động của tàu cá TQ là rất manh động, thể hiện rõ mục đích là đâm chìm tàu cá VN. Ngoài ra, các tàu TQ còn có hành động ngăn cản các tàu của VN tham gia cứu hộ, cứu nạn 10 ngư dân của tàu ĐNa-90152-TS.
Theo TNO
Trung Quốc sẽ đưa tàu chiến mới nhất đến Hoàng Sa của Việt Nam? Trung Quốc sẽ triển khai tàu chiến mới nhất mang tên Lô Châu đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo trang tin Jiucheng Daily News. Tàu hộ tống nhỏ Type 056 của Trung Quốc - Ảnh: chinesemilitaryreview.blogspot.com Jiucheng Daily News ngày 5.6 cho biết Lô Châu là loại tàu hộ tống nhỏ Type 056 và Quân Giải phóng nhân dân Trung...