Huyện Đan Phượng: Tạo nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã triển khai huy động tiết kiệm dân cư tại 16/16 điểm giao dịch xã, thị trấn trên toàn huyện.
Người dân gửi tiền tiết kiệm tại điểm giao dịch xã.
Thông tin từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Đan Phượng, nhằm huy động tạo nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Đan Phượng – Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để huy động tiền gửi tiết kiệm ngay tại các điểm giao dịch xã.
Cùng với với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Đan Phượng đã triển khai huy động tiết kiệm dân cư tại 16/16 điểm giao dịch xã, thị trấn trên toàn huyện. Nguồn vốn huy động tiết kiệm tại điểm giao dịch xã được bổ sung vào nguồn vốn cho vay, cùng với nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương giải ngân cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Khi gửi tiền tiết kiệm tại điểm giao dịch xã của Ngân hàng chính sách xã hội, khách hàng được hưởng mức lãi suất tiền gửi tương đương với lãi suất tiền gửi của các Ngân hàng thương mại khác trên địa bàn với cùng kỳ hạn; được Nhà nước đảm bảo khả năng thanh toán. Hình thức gửi tiết kiệm đa dạng không kỳ hạn, có kỳ hạn và tiết kiệm gửi góp linh hoạt.
Video đang HOT
Điểm thuận lợi của hình thức huy động tiết kiệm này là mức tiền gửi tiết kiệm tối thiểu là 500.000 đồng một lần/sổ; khách hàng có thể gửi tiền tại điểm giao dịch xã nhưng khi rút tiền có thể rút tại điểm giao dịch xã hoặc tại trụ sở Ngân hàng huyện. Khi gửi tiền được cán bộ ngân hàng tư vấn cụ thể về mục đích, cách thức gửi tiền.
Cùng với đó là thủ tục gửi, rút tiết kiệm nhanh gọn, thuận tiện ngay tại Điểm giao dịch đặt tại UBND xã, thị trấn đảm bảo an toàn, bí mật, người dân không phải mất thời gian, đi xa để gửi tiền tiết kiệm. Do đó, những khách hàng là người nghèo hoặc hộ thu nhập thấp cũng có thể tham gia được. Hoạt động gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng Chính sách xã hội thể hiện tính nhân văn sâu sắc, vừa huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, tạo thu nhập cho người gửi tiền vừa giúp Ngân hàng Chính sách xã hội có thêm nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Công tác huy động tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội được chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Tính đến 28/02/2021, số dư tiền gửi tiết kiệm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đan Phượng đạt 62.480 triệu đồng, trong đó số tiền huy động qua điểm giao dịch xã đạt 10.271 triệu đồng tăng 998 triệu đồng so với đầu năm, chiếm 16,4% tổng tiền gửi tiết kiệm.
Từ nguồn vốn này, sẽ giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Tiếp hơn 333 tỷ đồng vốn giúp nông dân huyện Quảng Ninh phát triển sản xuất
Tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đạt hơn 333 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 4,6 tỷ đồng với 14 chương trình tín dụng đang thực hiện trên địa bàn.
Nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong hoạt động tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm 2020, vừa qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh đã tổ chức phiên họp thường kỳ quý II/2020.
Cán bộ Ngân hàng CSXH giải ngân cho hộ vay vốn ngay tại Điểm giao dịch xã. Ảnh: Tuấn Ngọc
Trong 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các văn bản của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng CSXH cấp trên về việc phòng chống dịch Covid-19, giãn cách xã hội đảm bảo an toàn. Ngay sau khi hết giãn cách xã hội, đơn vị đã tập trung để triển khai nhiệm vụ, góp phần hỗ trợ nhân dân có vốn để đầu tư khắc phục khó khăn do dịch Covid-19.
Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tham mưu cho HĐND, UBND huyện ưu tiên bố trí nguồn từ ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng CSXH số tiền 2,055 tỷ đồng, tăng 650 triệu đồng so với đầu năm (đạt 100% kế hoạch năm).
Tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh đạt hơn 333 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 4,6 tỷ đồng với 14 chương trình tín dụng đang thực hiện trên địa bàn. Trong đó có 4 chương trình tăng dư nợ: Nước sạch vệ sinh môi trường, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, nhà ở xã hội. Các chương trình có dư nợ giảm mạnh là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Công tác huy động vốn đạt hơn 55 tỷ đồng tăng so với đầu năm là hơn 8,5 tỷ đồng; trong đó chiếm nhiều nhất là nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt: Hơn 17,6 tỷ đồng.
Công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được Ngân hàng CSXH và các tổ chức trong mạng lưới đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện, do đó chất lượng tín dụng được duy trì ổn định. Đến nay, tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh 303 triệu đồng, chiếm 0,09% tổng dư nợ, giảm 45,5 triệu đồng so với đầu năm.
Trong thời gian tới, chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể và Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư. Tham mưu HĐND, UBND huyện tiếp tục quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH trong năm 2020 để cho vay các đối tượng chính sách khác và kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Từ xã nghèo đến xã nông thôn mới Từ một xã miền núi đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, song dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, sự điều hành tích cực của chính quyền, sự phối hợp tuyên truyền, vận động của MTTQ và các đoàn thể, xã Cát Vân (Như Xuân) đã phát huy tinh thần đoàn kết và nội lực; tranh thủ sự đầu tư...