Huyền Chip: “Nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả”
Những ngày gần đây, CĐM xôn xao bàn tán về một quyết định: “Hà Nội dự kiến cấm bán thịt chó ở các quận từ 2021″. Huyền Chip, một tác giả nổi tiếng trên MXH đã từng có một bài viết về chủ đề này.
Ảnh minh họa: Jean Chung
Là người Việt Nam, khi đi chơi với bạn bè nước ngoài, tôi rất hay được hỏi câu: “Có phải người Việt Nam ăn chó thật không?”
Khi tôi khẳng định thông tin đó là chính xác, phản ứng của mọi người rất khác nhau: từ việc lẳng lặng ôm chó chạy thật xa ra khỏi tôi đến việc năn nỉ xin tôi bắt trộm chó người yêu cũ làm một bữa thịt cầy ăn thử. Nhưng có lẽ phổ biến nhất là ba loại phản ứng sau:
Phản ứng 1 (sợ hãi): “Eo ôi sao người Việt Nam thật là man rợ.”
Phản ứng 2 (tò mò): “Có phải người Việt Nam nghèo quá không có gì ăn mới phải ăn chó không?”
Phản ứng 3 (thích thú): “Hay thế. Hôm nào mình phải sang Việt Nam ăn thử mới được.”
Những người tôi thích nhất thường là những người có phản ứng rơi vào nhóm thứ 3.
Đó là những người nhận ra rằng văn hóa là khác biệt và họ luôn sẵn lòng thử những cái mới.
Những người có phản ứng rơi vào nhóm thứ 2 có thể không phải là những người cập nhật nhất về tình hình thế giới (họ cùng là những người đi du lịch sang châu Phi với ba lô đầy đồ ăn vì sợ ở châu Phi sẽ bị chết đói), nhưng ít nhất họ cũng cố gắng tìm hiểu lý do và cảm thông trước khi đánh giá.
Thái độ của tôi với những người thuộc nhóm đầu tiên phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của mình lúc đó. Nếu tôi đang rất vui, nhiều khả năng tôi sẽ giả vờ như không nghe không thấy họ. Nhưng nếu tôi đang chán vì không có việc gì để làm, tôi sẽ cao hứng lên cãi nhau với họ.
Tôi không có vấn đề gì với những người ăn chay hay những người không thích ăn thịt chó vì không thích vị của nó hay sợ béo, nhưng nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả. Cuộc tranh luận với những người này thường diễn ra như sau:
Video đang HOT
- Tại sao bạn ăn thịt gà mà lại không ăn thịt chó?
- Bởi vì gà không chịu đau nhiều khi ta giết nó.
- Hừ? Từ bao giờ chúng ta bắt đầu có đơn vị cân đo đong đếm cho đau đớn vậy? Vậy gà chịu đau bao nhiêu khi bị giết và chó chịu đau bao nhiêu khi bị giết? Nói như vậy, việc giết gà hay giết chó là bình thường nếu như ta cho chúng một liều thuốc tê trước khi giết để chúng không chịu đau đớn gì?
- Nhưng gà không thông minh như chó. Nó không biết nhiều như chó nên sẽ không cảm nhận được nhiều như vậy.
- Có nghĩa là nếu chúng ta giết một người trí óc không được phát triển thì tội chúng ta sẽ nhẹ hơn khi giết một người đầu óc bình thường?
- Nhưng chúng ta giữ chó ở nhà. Chó là bạn bè của chúng ta. Chúng ta không thể ăn bạn của chúng ta.
- Được rồi, em trai tôi có nuôi một con gà cưng. Nó yêu con gà đó lắm, nhưng nó không lên án ai về việc ăn gà cả. Ai yêu chó thì đó là việc của họ. Họ có thể không ăn thịt chó, nhưng họ không thể lên án những người ăn thịt chó được.
Những nền văn hóa khác nhau coi trọng những loài vật khác nhau. Người theo đạo Hindu coi trọng con bò và không ăn thịt bò. Người theo đạo Hindu không lên án người phương Tây ăn thịt bò ở trong các nước phương Tây thì cũng chẳng có lý do gì để người phương Tây lên án người Việt Nam ăn thịt chó ở Việt Nam cả.
Chúng ta tin rằng mọi động vật đều có quyền bình đẳng trước bàn nhậu. Chẹp, giờ mình nói như thể một tay đồ tể giết động vật không ghê tay ý nhỉ. Tôi không ăn thịt chó (bởi vì tôi không thích vị của nó), nhưng tôi không đánh giá người khác chỉ dựa trên việc người ta có ăn chó hay không.
Đồng ý với bạn rằng sẽ thật khó để hình dung ra cảnh những chú chó đáng yêu như thế bị mang ra dội nước sôi làm thịt. Tôi không thích việc những con chó bị giết. Tôi cũng không thích việc những con gà, con lợn hay thậm chí con tôm, con cá bị giết.
Khi tôi nhìn thấy cách người ta giết gà ở Ấn Độ, tôi đã quyết định rằng mình sẽ ăn chay.
Tôi bỏ cuộc sau đó một ngày. Con người là một loài động vật ăn tạp.
Chúng ta đã ăn thịt trong suốt 1,5 triệu năm qua, và chúng ta rất có thể sẽ tiếp tục ăn thịt chó đến tận khi loài người kết thúc.
Chân thành xin lỗi các chú chó, chú mèo, chú lợn, chú vịt, chú cá, chú tôm, chú tép
Theo Hong.vn
Đến năm 2021, Hà Nội sẽ không kinh doanh thịt chó ở nội thành
Hà Nội sẽ có lộ trình hạn chế hoạt động giết mổ chó, mèo làm thực phẩm, tiến tới không kinh doanh, buôn bán giết mổ chó, mèo. Đến năm 2021, khu vực nội thành không kinh doanh thịt chó, mèo.
Hà Nội sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó ẢNH PHAN HẬU
Như Báo Thanh Niên đưa tin, UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản gửi các sở, ngành và chính quyến các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố.
Tuyên truyền người dân không ăn thịt chó
Ngoài yêu cầu chính quyền các địa phương triển khai ngay việc cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi; tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành các quy định về phòng, chống bệnh dịch, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương tuyên truyền về nguy cơ và tác hại mắc bệnh truyền nhiễm khi sử dụng thịt chó, mèo để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm.
Chiều nay, 12.9, trao đổi với Thanh Niên, ông Đoàn Hồng Phong, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội), cho biết văn bản nêu trên được UBND TP.Hà Nội ban hành ngày 10.9, xuất phát từ nội dung tham mưu, đề xuất của cơ quan thú y, ngành nông nghiệp thành phố.
Theo ông Phong, đây là cũng là chủ trương của UBND TP.Hà Nội trong kiểm soát chặt chẽ đàn chó, mèo nuôi và các điểm giết mổ, kinh doanh để phòng ngừa bệnh dại.
Giải thích về cơ sở của những đề xuất đã được chính quyền UBND Hà Nội thông qua, ông Phong cho rằng, những năm gần đây, việc kinh doanh, giết mổ chó, mèo; sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách du lịch, nhất là du khách quốc tế, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, chó mèo nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tiêm phòng đầy đủ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, bệnh tả... Những người tham gia quá trình kinh doanh, giết mổ chó, mèo hoặc sử dụng thịt chó, mèo còn tiềm ẩn nguy cơ bị mắc các bệnh truyền nhiễm...
Theo thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội, hiện tổng đàn chó, mèo trên địa bàn có khoảng 493.000 con, trong đó nuôi giữ nhà khoảng 87,5%, số còn lại là nuôi làm cảnh, hoặc làm thực phẩm.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Thú y Hà Nội ghi nhận có 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại ở các huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ và Sóc Sơn. Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, cơ quan thú y xác định có 2 mẫu lấy tại quận Hoàng Mai và quận Bắc Từ Liêm dương tính với bệnh dại.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, Hà Nội ghi nhận 5.098 người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng. Trong đó, số người bị chó cắn nhiều nhất, chiếm 87%; số người bị mèo cắn chiếm 11,7%; số người bị dơi, chuột, khỉ... cắn chỉ chiếm 1,3%.
Cũng theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.013 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm; giết mổ chó mèo; 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo làm cảnh. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Hồng Phong, công tác quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm đối với thịt chó, thịt mèo hiện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ chế về pháp lý.
"Trên thực tế, các điểm giết mổ chó, mèo không hình thành những cơ sở lớn như lò mổ, mà chỉ tồn tại ở các cửa hàng nhỏ lẻ, rất khó kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan cấp trên là Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chưa ban hành được quy trình kiểm soát giết mổ chó, mèo nên địa phương không biết dựa vào đâu để kiểm tra", ông Phong nói.
Kiên trì vận động, người dân sẽ đồng thuận, ủng hộ
Đại diện Chi cục Thú y Hà Nội cũng cho hay, theo chỉ đạo của UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã phải xây dựng lộ trình hạn chế giết mổ chó, mèo thương phẩm. Đối với các quận nội thành, nội thị địa phương, sẽ hạn chế các cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo.
Đến năm 2021, ở các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vận động, tuyên truyền cho người dân từ bỏ tập quán, thói quen sử dụng thịt chó, mèo.
"Theo quan sát của tôi, trong giai đoạn hiện nay, người dân không có nhiều nhu cầu sử dụng thịt chó như trước nữa. Việc vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó và đối xử nhân đạo với con vật nếu làm kiên trì sẽ được người dân đồng thuận, ủng hộ", ông Phong nói.
Cũng theo văn bản của UBND TP.Hà Nội, Sở NN- PTNT Hà Nội sẽ là cơ quan phối hợp với các tổ chức về động vật như Hiệp hội Bản năng sống, Tổ chức Soi Dog... triển khai chương trình hợp tác về phòng chống bệnh dại.
Bên cạnh đó, Sở này cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức thành lập Trạm kiểm nghiệm bệnh vật nuôi và quản lý tiếp nhận chó, mèo thả rông.
Theo TNO
Nên cấm hẳn việc kinh doanh và ăn thịt chó, mèo! Từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo là góp phần làm giảm bớt những vụ trộm chó gây bất ổn trong xã hội; cải thiện hình ảnh người Việt trong mắt du khách Mới đây UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường côngtác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo, trong...