Huyền Chip chia sẻ “bí kíp” tìm người yêu qua email, nghìn người thích thú
Mới đây, nữ thạc sĩ Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền) chia sẻ cách tìm người yêu qua… email và cả hai lần đều hiệu quả của bản thân khiến hàng nghìn người bất ngờ, thích thú.
Không chỉ nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh bởi tài năng, sự ham xê dịch, học hỏi, Huyền Chip (Thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính – ĐH Stanford, Mỹ) còn khiến nhiều người yêu mến bởi tính cách quyết đoán, chủ động – không chỉ trong việc phát triển con đường học vấn, sự nghiệp mà còn cả trong tình yêu.
Câu chuyện thú vị “ Tìm người yêu qua email” được cô gái 9X chia sẻ được đón nhận nhiệt tình, hàng nghìn người yêu thích, bình luận và chia sẻ.
Nữ thạc sĩ Huyền Chip.
Thư điện tử (email) tưởng chừng là công cụ quen thuộc trong công việc lại được cô nàng thông minh này dùng để tìm người yêu và cả hai lần đều hiệu quả. Dưới đây là tuyệt chiêu của Huyền Chip:
“Tìm người yêu qua email
Hôm trước trên bình luận mình có kể mình gặp cả người yêu hiện tại và người yêu cũ của mình qua email. Một số bạn mới bình luận lại kiểu ôi trời sao chị gặp được người yêu qua email hay vậy chỉ em với. Thấy độc giả mình nhiều người độc thân, mình muốn kể chuyện mình với bạn trai đi từ “i meo” sang yêu nhau thế nào, bạn nào học được gì thì học nha.
Cách đây khoảng 2 năm, mình đi hội thảo cùng một thằng bạn. Đang đứng ở sảnh ăn bánh hội thảo cho ăn miễn phí, mình ngẩng lên – nhìn màn hình lớn thì thấy một anh chàng tóc xoăn, mặt vuông, lông mày sâu róm đang trình bày về công trình nghiên cứu của ảnh. Mình bảo thằng bạn:
“Mày ơi, bạn trai tương lai của tao vừa dễ thương vừa thông minh như thế này này”.
Thằng bạn mình cười khẩy.
“Tao có biết ông này. Ông bận lắm không có thời gian yêu đương đâu”.
Mình nghe thằng bạn nói thế thì mở cờ trong bụng, biết thế nghĩa là ông này chưa có người yêu.
Thời gian đó, mình mới đi làm nên chịu khó cầu thị sự chú ý của thiên hạ như viết blog, làm dự án cá nhân. Một trong những dự án đấy được nhiều người trong ngành chia sẻ qua Twitter. Anh chàng kia cũng follow mình lại. Mình để ý thấy vài tháng anh ta lại thích một cái tweet của mình, mỗi lần như thế mình sung sướng âm ỉ cả tuần.
Mình theo dõi anh chàng như thế cả năm trời nhưng không biết phải tiến tiếp thế nào. Trong thời gian đó, đời sống tình cảm của mình xuống dốc không phanh. Tối thứ bảy thiên hạ đi chơi với người yêu thì mình mặc quần đùi ở nhà cắm mặt vào màn hình máy tính. Càng ế mình càng làm việc hăng, được thêm nhiều người trong ngành biết đến.
Đêm giao thừa cuối năm 2019, mình đi chơi với đám bạn. Trong nhóm hôm đấy, đứa nào cũng đi với bồ, mỗi mình độc thân. Về nhà, mình mới quyết định phải làm gì đó để thay đổi. Mình nghĩ đến anh chàng kia. Mượn một bài báo anh chàng mới đăng, mình gửi email bảo muốn gặp anh cà phê nói chuyện.
Anh chàng đồng ý, hẹn bảo sau giờ làm nhé. Mình khôn lỏi mới bảo: sau giờ làm ai uống cà phê, đi ăn tối nha. Anh chàng đồng ý. Hẹn cà phê thường ngắn, nói chuyện tập trung vào công việc. Nhưng ăn tối thì lâu hơn, mình có thể tìm hiểu thêm về đối tượng.
Anh chàng bảo là hôm đấy gặp mình thì rất ngạc nhiên vì mình toàn nói chuyện đâu đâu, hỏi thăm quê anh ở đâu, thích làm gì, đang đọc sách gì. Ăn tối xong mình hỏi anh muốn đi uống trà sữa không. Anh chần chừ một lúc. Đấy là bài test cuối cùng của mình. Nếu người lần đầu gặp sau cả tiếng ăn tối với mình mà còn muốn dành thời gian thêm với mình, nghĩa là người đó thích mình.
Video đang HOT
Anh chàng không chỉ đồng ý uống trà sữa với mình, mà còn trả tiền trà sữa cho mình nữa.
Và từ đó, anh chàng vào bẫy.
Sau này khi đã quen nhau rồi, anh chàng bảo anh cũng bị thích mình qua mạng mà không biết chủ động thế nào (cười)”.
…
Huyền Chip cho rằng, tình yêu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Kể câu chuyện cá nhân, Huyền Chip gửi đến bạn trẻ ba bài học:
1. Cứ tập trung làm việc của mình, phát triển bản thân, thì trai xinh gái đẹp sẽ để ý đến mình.
2. Trai hay gái thì cũng phải chủ động. Cứ há mồm chờ sung rụng thì chỉ có sung hết đát thôi.
3. Không ai là quá bận để yêu.
4. Thích ai thì viết email làm quen với người đó. Viết ngắn thôi chứ đừng viết dài không ai có thời gian đọc. Viết tại sao bạn thấy những việc họ làm là tuyệt vời, và cho họ lời mời mở kiểu “Nếu bao giờ bạn có thời gian nói chuyện 30 phút, mình sẽ rất vui được mời bạn uống cà phê tại địa điểm nào tiện cho bạn”.
Nếu người ta không nhận lời thì cũng đừng buồn, bởi người ta bận rộn và dù sao cũng không biết bạn. Nhưng nếu người ta nhận lời, biết đâu bạn lại quen được bạn mới chia sẻ sở thích với mình.
Cô còn tái bút đầy hóm hỉnh: “Chúc các bạn tìm được người như ý. Nếu không tìm được người như ý thì cứ tập trung vào làm việc của mình, chờ Chip sau này làm AI tạo robot người yêu đáp ứng đủ nhu cầu nha”.
Bài chia sẻ thú vị, chân thành, gần gũi của Huyền Chip nhanh chóng được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt. Đối tượng quan tâm nhất đến bài viết có lẽ là các bạn trẻ, những người cũng đang muốn có cho mình một tình yêu đẹp.
Câu chuyện của nữ thạc sĩ Việt tại Mỹ nhanh chóng nhận được cả nghìn ý kiến bình luận. Nhiều người đồng tình bài học phát triển bản thân trở nên hoàn thiện, khi bản thân tốt đẹp tự khắc người yêu sẽ xuất hiện.
“Quan trọng là chăm chỉ làm việc, học hành, phát triển bản thân đó”, bạn Kim Thuyên tán đồng.
Số khác lại hài hước “thả nhẹ” địa chỉ email của mình ở dưới bài viết chờ xem có ai phù hợp để ghép đôi không. Và nhiều nhất là những lời ngưỡng mộ chiêu “thả thính đỉnh cao” của Huyền Chip.
“Ôi cái đầu đầy chất xám thả thính cũng như Gia Chíp Lượng nhỉ!”, bạn Nguyen Phan cảm thán.
“Em xứng đáng được nhận giải Nobel cho việc cứu rỗi một bộ phận loài người đứng trước nguy cơ FA đó”, anh Hector Ta nhận xét.
“Nhớ hồi đại học mình cũng từng gửi thư qua mail cho anh bạn cùng lớp tiếng Anh mình thích, bạn này cũng quý mình reply qua lại. Chỉ mỗi câu nói “thích” thì không ai dám nói ra, nghĩ lại mất thời gian quá”, chị Yến Trần kể.
Một độc giả nữ lại bày tỏ nuối tiếc: “Tiếc là khi đọc được bài này của chị thì em lấy xừ chồng mất rồi nên không có cơ hội thực hiện”.
Từ câu chuyện của Huyền Chip có thể thấy, trong thời đại số, mọi phương tiện kết nối đều có thể trở thành cơ duyên tình yêu của chúng ta.
“Mình và bà xã quen nhau qua điện thoại và giờ đã 2 con. Thằng bạn cùng công ty thì 2 đứa quen nhau qua game, giờ con họ lớp 3 rồi”, anh Phạm Trung Hiếu cho biết.
Và cũng không thiếu những bình luận sâu sắc thể hiện sự am hiểu về tâm lý và quy luật tình yêu: “Quá là thú vị, nhưng mà quan trọng nhất là anh chị đã cùng tần số rồi”.
Huyền Chip (ngoài cùng bên trái) và bạn bè quốc tế trong lễ tốt nghiệp tại ĐH Stanford.
Hiện, tuyệt chiêu của nữ thạc sĩ Huyền Chip vẫn được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ truyền tay nhau. Trước đó, Huyền Chip từng chia sẻ 10 điều “ước mình biết” khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Trong đó, cô không quên nhắn gửi bạn trẻ: “Đừng lấy lý do bận học để tránh yêu. Một người bạn trai/bạn gái tốt có thể dạy bạn vô số điều tuyệt vời”.
Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm 2014, Huyền Chip sang Mỹ du học tại Đại học Stanford, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính.
Cô từng làm việc tại nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Netflix, NVIDIA – một tập đoàn công nghệ đa quốc gia chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) và công nghệ chipset cho các máy trạm, máy tính cá nhân, và các thiết bị di động. Cuối năm 2019, cô bất ngờ tuyên bố sẽ rời NVIDIA chỉ sau 1 năm gia nhập để khởi nghiệp công ty AI Snorkel.
Được biết, Huyền Chip dự định sẽ về trường cũ – Đại học Stanford – để dạy một khóa học mới có tên “Machine Learning Systems Design – Làm thế nào để có thể thiết kế, xây dựng, và triển khai chương trình trí tuệ nhân tạo vào trong đời sống thực” từ tháng 1/2021.
Một số bài giảng trực tuyến của Huyền Chip hiện đã được đăng tải trên kênh YouTube của Đại học Stanford.
Tháng 11/2020 vừa qua, Huyền Chip lọt top 5 người có sức ảnh hưởng nhất lĩnh vực Khoa học Dữ liệu và Trí thông minh nhân tạo tạo (Data Science & AI) trên LinkedIn năm 2020. Không chỉ vậy, năm ngoái Huyền Chip cũng từng đứng đầu trong danh sách Top Voices của LinkedIn về một mảng khác là phát triển phần mềm.
Ảnh: NVCC
Tỷ phú đứng sau Google: Có học hàm giáo sư, sở hữu tài sản tỷ đô ở tuổi 61 nhờ sở thích ít ai ngờ
Khác với những tỷ phú hiện tại, David Cheriton không đổ tiền vào du thuyền, máy bay riêng mà lại thích đi "lập công ty".
Là giáo sư ngành khoa học máy tính của trường ĐH Stanford, quả không ngoa khi nói David Cheriton là giáo sư giàu nhất thế giới khi sở hữu khối tài sản lên đến gần 1,3 tỷ USD. Số tiền này có được nhờ một niềm đam mê khá đặc biệt của ông, đó chính là "lập công ty".
Hai công ty đầu tiên do ông tham gia thành lập được bán cho Cisco Systems và Sun Microsystems với giá hàng trăm triệu USD. Bên cạnh đó, ông còn kiếm được hơn 50 triệu USD từ giao dịch nhờ đầu tư lại vào 17 công ty khác nhau, từ VMware cho đến gần đây nhất là Arista Networks.
Vụ đầu tư đáng nhớ nhất của ông là khi ký tờ séc 100.000 USD cho hai cậu sinh viên ĐH Stanford, Larry và Sergey năm 1998. Tờ séc đó giờ đây trị giá hơn 1 tỷ USD, tính theo giá trị cổ phiếu Google. Ông nói: "Tôi cảm thấy mình rất may mắn trong đầu tư".
Mặc dù lắm tiền nhiều của, David Cheriton không như những tỷ phú khác, đổ tiền vào du thuyền, máy bay riêng... Món đồ xa xỉ nhất mà ông đã từng mua là một chiếc Honda Odyssey cho những người con của mình.
Thông minh và tự lập
Là con thứ ba trong gia đình có 6 người con, ông lớn lên trong thời kỳ sau cuộc đại suy thoái. Bố mẹ ông, hai kỹ sư người Canada, đã luôn khuyến khích con tự tìm con đường đi riêng của mình.
Cheriton được các anh chị miêu tả là một cậu bé độc lập, tự tin. Khi còn đi học, cậu không thích tham gia các đội thể thao của trường mà dành thời gian xây cho mình một căn nhà gỗ riêng trong vườn của gia đình để tránh xa những đứa trẻ khác.
Cậu bé thông minh đã rời khỏi trường trung học từ năm lớp 11 bởi cậu thấy chương trình học quá "thấp" so với mình. Bố cậu nói "nó đã luôn tự tìm con đường riêng của mình, chúng tôi không can thiệp vào quyết định của con".
Là một cậu bé thông minh và ham tìm hiểu, Cheriton đã không hề bị mắng mỏ khi chọn theo học chương trình guitar cổ điển và nghệ thuật trình diễn, đam mê lớn nhất của cậu khi còn là sinh viên.
Sau khi bị trượt khoa âm nhạc của Đại học Alberta, Chariton lại tìm được mối quan tâm khác, đó là toán học và sau đó là khoa học máy tính. Ông theo học tại Đại học British Columbia và sau đó lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Waterloo.
Không chỉ đầu tư cho Larry và Sergey của Google, rất nhiều sinh viên khác cũng tìm đến văn phòng của giáo sư Cheriton để tìm kiếm lời khuyên và xin tiền đầu tư. Ông luôn khuyến khích các sinh viên của mình dám nghĩ lớn, và không ngần ngại chi tiền mạnh tay cho họ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của ông cũng cực kỳ cao. Các sinh viên chia sẻ lại rằng, những cuộc thảo luận với giáo sư Cheriton là một trong những thời gian căng thẳng nhất mà họ từng trải qua.
Cheriton cho biết ông luôn tránh xa những trào lưu thị trường, và mạng xã hội được coi là một trong số đó. Ông chỉ tập trung vào những ý tưởng góp phần cải thiện cuộc sống con người, như cách mà Google giúp các sinh viên hoàn thành bài viết của mình vào lúc 3 giờ sáng.
Con người sống khép kín
Giáo sư Cheriton, 61 tuổi, là một người rất kín tiếng. Khi tìm kiếm thông tin của ông trên Google, chúng ta không nhận về được nhiều kết quả bởi ông không hề có LinkedIn, Facebook hay thậm chí Twitter, như những cá nhân ở Thung lũng Silicon. Khi hỏi sinh viên của Stanford, cũng chẳng mấy người biết về ông. Đó là cách sống mà Cheriton ưa thích.
Ông đi lại bằng chiếc Volkswagen Vanagon 1986 mua từ thủa hàn vi, vẫn sống trong ngôi nhà giản dị ở Palo Alto từ 30 năm nay, và thậm chí tự cắt tóc, cạo râu cho mình. "Đó không phải là vì tôi tiết kiệm hay khó tính mà chỉ là vì tôi thấy cắt tóc cho mình rất dễ và đỡ mất thời gian".
Với một người làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, Cheriton hiểu rằng thời gian là tất cả. Công cụ tìm kiếm Google mà ông đầu tư vào cho phép hàng tỷ người trên thế giới tiếp cận với thông tin họ cần nhanh nhất có thể.
Công ty mới nhất của ông, Arista Networks, tạo ra bộ chuyển dữ liệu có thể giảm thiểu thời gian chờ giữa các máy chủ, tốc độ bit dưới 500 nanoseconds (một phần tỷ của giây), nhanh gấp hai lần tốc độ chuyển dữ liệu tốt nhất hiện của Cisco và Juniper Networks. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư chứng khoán thực hiện giao dịch nhanh hơn đối thủ trong vài phần tỷ của giây và cho phép các bác sĩ kết hợp bộ gen của bệnh nhân ngay lập tức.
Hiện tượng TikTok xuất hiện 27 giây thu về 1,8 triệu view: Từng thi Olympia, bỏ ngang Bách khoa, nhận học bổng 1,2 tỷ, 20 tuổi đi 7 nước Profile của soái ca bỗng thành hiện tượng TikTok này đang được dân mạng truy tìm khắp nơi, tìm xong ai cũng toát mồ hôi hột vì bảng thành tích sao mà dài quá! Sẽ có những khoảnh khắc chỉ cần vài tích tắc thôi cũng đủ làm nên một hiện tượng. Có người trở nên thu hút vì ngoại hình đẹp trai,...