Huyền bí bùa ngải và tục thờ ma xứ Mường
Trong những ngày lang thang trên xứ Mường, chúng tôi đã cóp nhặt được những câu chuyện mang đầy tính siêu nhiên hiện đang chờ khoa học hiện đại có câu trả lời chính xác nhất.
Những câu chuyện về bùa yêu, ếm, nèm… ly kỳ nơi rừng núi thâm u thông qua lời kể của những con người bản xứ và cả của những cán bộ cấp xã đã để lại cho chúng tôi nhiều suy nghĩ.
Để tìm hiểu về chuyện bùa chú xứ Mường, chúng tôi đã lần tìm về huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, một huyện miền núi có đến 90% người Mường sinh sống, được mệnh danh “thủ phủ bùa ngải xứ Thanh”.
Qua chỉ dẫn của một người quen, chúng tôi tìm đến nhà cụ Bùi Quý Phi – 78 tuổi, thôn Thọ Liêu, xã Thành Tiến, một người Mường chính gốc. Sau một hồi loanh quanh vượt dốc, trèo đèo, chúng tôi đã có mặt tại nhà cụ Phi. Bức màn bí mật về bùa yêu đã được vén lên, câu chuyện về bùa yêu mà chúng tôi chỉ được nghe qua những lời kể lúc “trà dư, tửu hậu” được hé lộ đôi phần.
Cụ Phi khẳng định “bùa yêu là có thật chứ không phải là chuyện do người Mường bịa ra để dọa người”, rồi cụ chậm rãi kể: Bùa yêu do thầy mo, thầy cúng làm cho các đôi yêu nhau. Bùa yêu có nhiều điểm tốt, nó sẽ làm cho các đôi “đòi ly hôn” quay trở lại bên nhau tiện việc chăm sóc con cái. Bùa yêu sẽ làm cho ông chồng, bà vợ có tính “ham chơi” nhanh chóng đoàn tụ gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó bùa yêu còn chứa đựng nhiều cái không được tốt, một ông thầy biết làm bùa yêu nếu thấy cô nào ưng ý lập tức sẽ làm bùa cho cô kia theo về làm vợ, nên có chuyện có thầy bùa có tới cả chục người vợ. Những thầy dùng bùa yêu như trên hậu vận sau này sẽ không tốt, con cái hay chết yểu, không thành đạt. Có người dùng bùa yêu để lừa tình, lừa gạt con gái nhà lành, chỉ cần có tiền mua chuộc thầy bùa thì sẽ có nhiều vợ.
Cụ Phi hé lộ “có đám ma khi vợ vừa chết được một lúc thì người chồng cũng lăn quay ra ôm lấy xác vợ, lúc này mọi người mới té ngửa, hóa ra trước kia ông chồng dùng bùa yêu để chiếm đoạt người vợ chứ không có yêu đương gì cả”. Theo đó những cặp vợ chồng đến với nhau vì bùa yêu, nếu một trong hai người không may chết đi thì phải lập tức đi tìm ngay thầy về giải bùa, trong trường hợp không kịp giải bùa người còn lại sẽ khó mà sống sót.
Những câu chuyện do cụ Phi kể lại tuy khá logic, phù hợp với những lời kể được lưu truyền trong dân gian, tuy nhiên chúng tôi vẫn nghi ngờ về tính chân thực, bởi ông chỉ là một lão nông quanh năm quanh quẩn trong làng. Chúng tôi tiếp tục đi tìm sự thật về việc này. May mắn đã đến với tôi khi gặp lại ông anh họ làm giáo viên “có quen ông thầy bùa ngải, trước công tác cùng trường, giờ đã nghỉ hưu”.
Câu chuyện huyền hoặc của ông giáo già
Đó là ông Bùi Ngọc Thuấn – nguyên giáo viên có thâm niên gần 40 năm dạy môn sinh học tại Trường THCS Thạch Đồng ( huyện Thạch Thành), đã nghỉ hưu, hiện đang làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi, kiêm Chủ tịch Hội Đông y xã Thạch Đồng. Ông Thuấn được mọi người trong xã đặt cho biệt danh “thầy ba trong một” vì ông là thầy giáo, thầy thuốc kiêm luôn cả thầy cúng.
Sau một hồi tiếp chuyện, ông Thuấn thêm một lời khẳng định đanh thép: “Lời kể của bác Phi hoàn toàn đúng, bùa yêu hoàn toàn có thật”. Ông Thuấn cho biết thêm: Bùa yêu không phải ai cũng học được, nó mang tính cha truyền con nối, dòng dõi, không truyền ra ngoài.
Bỏ bùa yêu có nhiều cách, trước tiên phải biết tên tuổi người mà mình định bỏ bùa, thầy bỏ bùa yểm câu chú kết hợp với gọi tên người đó lên rồi thổi vào muối, gạo, sỏi… sau đó cầm lấy ném vào đối tượng, nhưng đạt hiệu quả nhất vẫn là lấy những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của đối tượng như khăn tay, khăn mặt, mũ…
Khi đã bị bỏ bùa yêu các đôi sẽ yêu nhau “đến chết cũng không rời”, một người không may chết trước thì lập tức phải giải bùa ngay cho người còn lại, nếu không kịp thì người ở lại chẳng mấy chốc sẽ “lìa đời” tức khắc.
Video đang HOT
Có nhiều thầy bùa cao tay đến mức, một khi đã bỏ bùa yêu sẽ hiếm có người nào hóa giải được, nên nhiều lúc đã xảy ra tình trạng đi tìm thầy về giải bùa cho người ở lại thì thầy bùa ngày xưa đã đi nơi khác sinh sống hoặc thầy đã thành người thiên cổ tự bao giờ. Gặp phải ông thầy cao tay như vậy, những thầy bùa cấp độ thấp cũng chỉ biết đứng nhìn chứ tuyệt nhiên không dám vào giải bùa vì sợ bùa phản lại.
Do mỗi bài chú khá dài, có khi lên đến cả trang giấy nên người học bùa yêu, nèm bùa, ếm bùa bắt buộc phải có hơi thở dài, không sứt môi, hở răng, nói lắp để đề phòng “gọi nhầm tên hoặc không đúng câu chú”. Câu thần chú phải đọc liên tục không được đứt hơi, ngắt quãng nếu không sẽ phải đọc lại từ đầu.
Có nhiều cách để hóa giải bùa yêu được các thầy bùa áp dụng, trong đó có phương pháp dùng một ống tre, lấy phân gà đặc bôi xung quanh, sau đó hơ qua hơ lại trên đống lửa, nam hơ 7 lần, nữ 9 lần, vừa hơ lửa vừa đọc thần chú, kết hợp với đọc tên người bị bỏ bùa, bùa yêu sẽ được hóa giải.
Cụ Lưu Quý Phi thôn Thọ Liêu, xã Thành Tiến, huyện Thạch Thành,78 tuổi, một người con của đất Mường khẳng định”Bùa ngải xứ Mường là có thật”".
Hư thực về ếm bùa, ma xó, nèm bùa
Sau một hồi “giấu nghề”, chính ông Thuấn khẳng định, ông không biết ếm bùa, làm bùa yêu, nhưng ông lại biết nèm bùa. Ông giáo già một lần nữa khẳng định thêm “bùa yêu, ếm bùa, nèm bùa là có thật, riêng ma xó thì không có thật”.
Những thầy cúng bùa chú thường thờ thần ếm, thần bùa trong nhà, bên trên bàn thờ có lọng xanh để che, đây là điều quan trọng để phân biệt với những thầy cúng thông thường. Và mỗi thầy ếm bùa phía ngoài vườn thường có một gian thờ nhỏ, người ngoài không biết tưởng đó là ma xó nhưng thực chất trong đó có thờ một con sâu to như cái cán dao, không bao giờ hóa bướm, thức ăn chủ yếu là xác động vật.
Phân của con sâu này rất độc, được kết hợp với nhựa cây sui lấy trên rừng trộn lẫn với nhau, hỗn hợp chất độc đó được tẩm vào khăn, áo, mũ… và ai ngấm phải chất độc trên sẽ ốm, yếu mà không bác sĩ nào có thể tìm thấy nguyên nhân gây bệnh, lâu dần sẽ chết mà không loại thuốc nào chữa khỏi. Theo nhiều người kể lại con sâu đó được sinh ra từ râu của con cọp, nên mỗi khi đi săn được cọp, các thợ săn lập tức phải đốt ngay bộ râu cọp đi kẻo nó lại rơi vào tay thầy bùa.
Ếm bùa làm cho con người chết từ từ nhưng riêng nèm bùa sẽ làm cho con người chết ngay tức khắc, nhưng ít người dùng vì nó tàn độc, hại người, nó như một con dao hai lưỡi có thể phản lại làm hại ngay chính bản thân thầy nèm. Nèm bùa có nhiều loại, bên cạnh loại nèm bùa độc ác làm chết người còn có nhiều cách nèm bùa khác lại cứu người, làm nhiều điều tốt.
Nếu như ếm bùa chỉ truyền cho người trong dòng tộc, người phải có duyên mới học được và phải kiêng kỵ không được đi qua dây phơi quần áo, đồ dùng phụ nữ thì nèm bùa bất kỳ ai cũng có thể học được, lại không phải kiêng khem. Có nhiều cách nèm khác nhau, có loại nèm làm cho người say rượu, khi đó muốn cho ai nhanh say rượu, chỉ việc nèm bùa vào ly rượu, cho dù người đó tửu lượng cao bao nhiêu chỉ cần một ly như vậy sẽ say ly bì bất tỉnh nhân sự suốt mấy ngày.
Nèm săn thú, bắt cá được nhiều người biết đến, tuy nhiên loại nèm này thường có những câu thần chú khá cay độc như “… tôi nguyện sống độc thân suốt đời không vợ không con”. Mỗi khi đi nèm cá sẽ tự vào lưới, thú ở đâu lù lù xuất hiện chỉ việc giơ súng lên bóp cò, nhìn chung ít khi đi nèm mà về tay không.
Nèm cá không ảnh hưởng đến người đi nèm, còn nèm thú sẽ có ảnh hưởng không tốt đến bản thân người săn được thú, bởi khi nèm được bất cứ loại thú rừng nào cũng đều phải chia đều cho cả bản ăn xem như san sẻ “nghiệp chướng” của mình cho mỗi người gánh một ít.
Nếu nèm được thú rừng có linh khí thuộc loại trung bình như hươu, nai… tương ứng với nó sẽ có một con vật nuôi trong nhà như chó, mèo… sẽ phải chết theo, nếu nèm được những con vật có linh khí mạnh như hổ, báo… thì vật hy sinh “mạng đổi mạng” có khi lại chính là người trong gia đình thầy nèm thú, vì điều này nên nèm săn thú ít được người Mường sử dụng.
Ông Bùi Ngọc Thuấn nguyên giáo viên THCS xã Thạch Đồng, với gần 40 năm giảng dạy, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi kiêm Chủ tịch Hội Đông Y xã Thạch Đồng cho hay “”Bùa Ngải, bùa yêu, Nèm bùa xứ Mường là có thật” – ảnh trái.
Bên cạnh những loại nèm kể trên còn có những loại nèm dùng để chữa bệnh rắn cắn, trẻ con mất vía, trâu bò dòi bọ làm tổ. Nèm chữa rắn cắn được nhiều người biết đến, mỗi khi có người bị rắn độc cắn, thầy nèm sẽ dùng lá cây rừng miệng lẩm nhẩm thần chú thổi vào vết rắn cắn, chỉ một lúc nọc rắn sẽ được hút ra ngoài. Có nhiều trường hợp bệnh nhân đã bị bệnh viện trả về do nọc độc đã ngấm vào tim không thể chữa nổi, song gặp được thầy nèm độc rắn cao tay thì chất độc sẽ nhanh chóng được hóa giải, mang lại sự sống.
Sau khi kể toàn bộ những hiểu biết của mình cho chúng tôi nghe về bùa ngải, ông Thuấn lúc này mới tiết lộ một bí mật là ông không biết nèm thú, nhưng ông biết nèm cá, ông đã vác lưới ra sông là sẽ có cá mang về ăn và ông còn biết nèm dòi bọ cho trâu, bò.
Theo đó, những con trâu không may bị thương rồi ruồi bâu đậu vào đẻ trứng sinh ra dòi bọ nhiều vô kể, ông chỉ việc vẽ hình con trâu ra giấy, lấy tay chỉ vào khu vực bị dòi bọ bám, rồi ông ngửa cổ lên trời miệng lẩm nhẩm đọc thần chú, mang tờ giấy đó ra chuồng trâu đốt, một lúc sau toàn bộ dòi bọ sẽ chết và tự rụng xuống đất.
Câu chuyện giữa chúng tôi và ông Thuấn đang hồi hộp, ly kỳ thì ông Nguyễn Văn Tiến – Phó chủ tịch UBND xã Thạch Đồng – xuất hiện và ông Tiến cũng khẳng định thêm: “Bùa ngải của người Mường là có thật, chứ không phải bịa ra để hù dọa, nó ra đời và tồn tại hàng ngàn năm nay, trở thành nét văn hóa độc đáo của người Mường”.
Theo vietbao
"Nèm" yêu kỳ bí của người Mường
Cách đây ít lâu, trong một chuyến công tác ở thị trấn Tân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, tôi đã từng được gặp một "dị nhân" cũng có khả năng làm "nèm".
Ông Hà Xuân Nhã hà hơi, đọc khẩu quyết để làm "nèm".
Làm phép bằng gừng xát vào áo
Đến thị trấn Tân Sơn (Phú Thọ) hỏi thầy bùa Hà Xuân Nhã thì ai cũng biết. Ông Nhã là người Mường gốc, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, dẻo dai. Khi chúng tôi đến nhà thì ông Nhã vừa tiễn một vị khách ở tận Hà Nội đi ô tô về chơi.
Theo lời kể của ông, chúng tôi được biết người khách vừa đến là một ông bố có con trai vừa lấy vợ. Chuyện lạ là mấy năm yêu nhau trước ngày cưới thì đôi nam nữ rất thuận hòa và yêu thương nhau.
Nhưng không hiểu sao vừa cưới được một ngày thì cậu con trai đùng đùng bỏ ra ngoài thuê phòng trọ ở riêng một mình. Không tìm được nguyên nhân và cũng không cách nào giải quyết nổi, ông bố vốn làm kinh doanh đi nhiều nơi được bạn bè giới thiệu mới tìm lên nhờ cậy ông Nhã.
Sau khi dặn người bố mang lên một cái áo của cô con dâu và một cái áo của cậu con trai, ông Nhã lấy một củ gừng chà vào 2 chiếc áo rồi hà hơi làm phép.
Ông bố mang áo về cho các con mặc và thật lạ lùng là chỉ một tuần sau, cậu con trai đã mang đồ đạc về đoàn tụ với gia đình. Từ đó, cứ mỗi lần có việc đi qua Tân Sơn là ông bố lại rẽ vào chơi và biếu quà cho người đã giúp ông hàn gắn hạnh phúc gia đình.
Ngồi tỉ tê câu chuyện, ông Nhã cho biết ông bắt đầu học "nèm" từ năm 22 tuổi. Ông có 2 vị sư phụ là bà Hà Thị Nghi và Hà Thị Tám (bà Tám là vợ hai của bố ông Nhã). Hàng năm, bắt đầu từ mùng 1 cho đến mùng 10 Tết, ông Nhã cùng các học trò lại đến nhà sư phụ để nghe truyền dạy các khẩu quyết và cách thức "nèm".
Đầu tiên phải nói được nguyên văn 10 câu thần chú mà không sai một từ, cứ thế học trong vài năm thì có thể "hạ sơn" để hành nghề. Ông Nhã tự nhận mình chỉ giỏi ở mức... trung bình, làm được những việc đơn giản, còn tuyệt kỹ thì phải kể đến bà Lam ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn; ông Hà Văn Phin ở xã Dịch Giáo (Tân Lạc, Hòa Bình) hay ông Minh ở xã Văn Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình). Nhưng ông cũng tự tin để nói rằng, bản thân ông từ lúc hành nghề cũng chưa bao giờ thất bại.
Những bí ẩn cần nghiên cứu
Lang thang ở thị trấn Tân Sơn, chúng tôi nhận thấy người Mường nơi đây rất tin vào sức mạnh và sự hiệu nghiệm của "nèm". Những người có khả năng làm "nèm" đều được mọi người trọng vọng, tin tưởng. Đổi lại, người làm nghề "nèm" phải luôn giữ được chữ tâm trong sáng nếu không sẽ bị quả báo nặng.
Một câu chuyện về thầy "nèm" Hà Văn T xảy ra chưa lâu và vẫn thành đề tài bàn tán của người dân Tân Sơn mỗi khi rảnh rỗi.
Thầy T ở khu 4, thị trấn Tân Sơn có cô con gái đến tuổi lấy chồng nhưng với hình thức trung bình nên vẫn chưa tìm đâu được bến đậu. Ông T đã quyết định "nèm" cho con gái mình với một người đàn ông trung niên giàu có làm nghề xây dựng, dù anh ta đã có gia đình.
Một thời gian sau ông T mất, cuộc đời cô con gái cũng từ đó bám chặt với người đàn ông có vợ kia, bất chấp gia đình anh ta phản đối, ngăn cấm...
Nhiều người cho rằng đó là việc làm không có đức và rất nhiều người ở thị trấn đã chứng kiến thi thể của thầy Hà Văn T vẫn tươi nguyên dù sau mấy năm chôn cất. Vì thế gia đình thầy T lại phải chôn lại và cũng chưa biết ngày nào có thể cất mả được.
Nhà văn hóa Trần Hữu Nhàn cho rằng, "nèm" sống được đến ngày hôm nay thì chứng tỏ bản thân nó phải chứa đựng một sức mạnh và bí ẩn kỳ diệu nào đó. Điều này rất mong một ngày nào đó sẽ được các tổ chức, các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa mổ xẻ và giải mã...
Ông Trần Duy Thái - Trưởng phòng VHTTDL huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết: "Bản thân tôi tin chuyện "nèm" là hoàn toàn có thật.
Ngay tại cơ quan tôi cũng có một nhân viên quê ở Phù Yên (Sơn La) mà người nhà của cậu ấy có thể làm được "nèm".
"Nèm" thường chia làm hai loại, cứ tạm gọi là "tốt" và "xấu", nhưng dân gian vẫn thường ủng hộ những người làm "nèm" mà mang lại điều tốt điều hay cho người khác và ngược lại lên án những ai "nèm" để đem lại tai họa, điều không lành cho bà con nhân dân.
Tôi nghĩ rằng đây là một nét văn hóa rất đáng quý của người Mường và cần được bảo lưu, gìn giữ".
Theo xahoi
"Bùa yêu" ở chốn thâm sơn cùng cốc Ở đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, vùng núi rừng phía Tây tỉnh Quảng Trị, trong các bộ tộc ít người hiện còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, huyễn hoặc. Trong số đó, có bí ẩn về "bùa yêu". Những sự việc đan xen giữa hư và thực về "bùa yêu" cứ khiến những người miền xuôi đầu tiên đặt chân đến chốn...