Hủy quy định “cấm” quay phim, chụp ảnh CSGT
Chiều 23.8, nguồn tin PV cho biết, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt ( C67) Bộ Công an đã ra công văn hủy nội dung trong công văn về việc giả danh nhà báo ghi hình CSGT gây ‘bão dư luận’ mấy ngày gần đây.
Hủy nội dung “chưa chuẩn xác”
Trong công văn số 2315/C67-P6 ban hành ngày 23.8 gửi trưởng phòng CSGT các tỉnh thành trong cả nước, C67 cho biết trong công văn số 1042/C67-P3 ban hành trước đó có một số ý chưa chuẩn xác nên C67 ban hành công văn 2315 để hủy bỏ nội dung tại điểm 2 của công văn 1042.
Đồng thời, C67 yêu cầu Phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc một số việc cụ thể như sau: Tăng cường phối hợp với cơ quan báo, đài để tuyên truyền pháp luật, các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của CSGT; tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân tham gia xây dựng lực lượng CSGT.
Theo chỉ đạo của C67, người dân cung cấp thông tin hình ảnh về tiêu cực của CSGT sẽ được tiếp nhận, xử lý nghiêm túc
Tiếp nhận, xử lý nghiêm túc thông tin từ người dân, phóng viên báo, đài
Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh). Trường hợp người dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của Cảnh sát giao thông thì Thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và xử lý kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, C67 cũng yêu cầu lực lượng CSGT cả nước tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi chống người thi hành công vụ hoặc các đối tượng giả danh phóng viên báo, đài; báo cáo cấp có thẩm quyền điều tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Trong công văn này, lãnh đạo C67 cũng nêu rõ “Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố nhận được công văn 2315 có trách nhiệm phổ biến đến cán bộ, chiến sĩ và triển khai thực hiện ngay”.
Trước đó một ngày, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp đã có báo cáo tới Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường với nội dung khẳng định công văn 1042/C67-P3 có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý.
Như đã phản ánh, công văn số 1042/C67-P3 ban hành ngày 26.4 về việc giả danh nhà báo ghi hình CSGT có nội dung: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Theo Thanh Niên
'CSGT vẫn cho chụp ảnh nếu được đề nghị, chứ không cấm'
Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết người dân và báo chí vẫn được quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ nhưng phải mang tính chất xây dựng và công khai.
Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an) vừa ký văn bản gửi Trưởng phòng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đáng chú ý, nội dung văn bản này yêu cầu lực lượng CSGT nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm rõ với những đối tượng quay phim, chụp ảnh CSGT khi chưa được phép. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Sơn Hà để làm rõ những nội dung trên.
- Văn bản của Cục C67 có cấm người dân, báo chí chụp ảnh, quay phim CSGT đang hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm?
- Văn bản không có chữ nào cấm cả. Ngành công an thực hiện nhiệm vụ theo pháp luật và dưới sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên gần đây có nhiều trường hợp báo chí người ta lợi dụng điều này để tống tiền CSGT và đã bị xử lý. Cạnh đó còn có một số trường hợp giả danh nhà báo để quay phim chụp ảnh với mục đích xấu. Công văn này cũng không hạn chế quyền giám sát cùa người dân và báo chí. Mục đích của công văn này là để công an và báo chí phối hợp với nhau xây dựng hình ảnh CSGT tốt lên theo đúng thông tư của Bộ Công an.
Công khai chụp ảnh sẽ giúp cải thiện hình ảnh của CSGT. Ảnh: Hoàng Hà.
- Việc phải xin phép CSGT mới được quay phim chụp ảnh nhằm mục đích gì thưa ông?
- Cũng là để cùng nhau xây dựng hình ảnh CSGT tốt lên thôi. Bây giờ anh đến làm việc với tôi, quay phim chụp ảnh thì anh phải đến xin phép tôi. Giám sát thì cũng phải mang tính chất xây dựng, chứ cứ quay lung tung là không mang tính chất xây dựng.
- Quy định phải xin phép CSGT mới được quay phim, chụp ảnh có phù hợp với pháp luật không?
- Ở đây không phải là xin phép mà các anh đến làm việc với tôi về việc đảm bảo giao thông, xử lý vi phạm thì các anh phải đến đặt vấn đề là chúng tôi làm việc với các anh để giám sát, thu thập.
- Nếu người dân muốn quay phim chụp ảnh thì sao?
- Người dân giám sát CSGT bằng cách quay phim chụp ảnh với mục đích xây dựng là tốt. Thế nhưng có rất nhiều người dân vi phạm lại quay lại sau đó đưa lên Facebook và bình luận chẳng đâu vào đâu cả.
- Luật không quy định báo chí, người dân quay phim chụp ảnh CSGT phải xin phép. Quy định trong văn bản này liệu có quá thẩm quyền của C67?
- Cái đó không phải. Anh cứ giám sát, quay phim, chụp ảnh nhưng phải theo pháp luật chứ không được đăng tải, phát tán bậy bạ được.
- Nhưng người dân, báo chí sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung mình đăng tải. Tiêu cực của CSGT cũng không phải là không có. Như vậy việc xin phép này có gây khó cho người dân, báo chí trong việc phản ánh tiêu cực của lực lượng này không?
- Không ai gây khó cho ai cả. Việc ai người ấy làm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phải hiểu văn bản này bình thường thôi chứ đừng đặt vấn đề nó nặng nề ra. Ý của văn bản này là xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, đảm bảo quyền giám sát của nhân dân và đề phòng các đối tượng giả danh, lợi dụng việc quay phim chụp ảnh để làm bậy.
- Nội dung yêu cầu CSGT phải tập hợp lại thông tin của nhà báo để báo cho lãnh đạo được hiểu như thế nào?
- Đó là quy định của ngành. Cán bộ, chiến sĩ tiếp cận phóng viên báo chí đều phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan chứ không được tự ý phát ngôn ngoài đường. Làm việc với báo chí phải có người phát ngôn đàng hoàng theo đúng quy chế.
- Nếu người dân hoặc báo chí cứ quay mà không thông báo cho những người làm nhiệm vụ có được không, thưa ông?
- Anh quay cứ quay nhưng việc phỏng vấn phải có sự đồng ý của những người trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên tất cả đều phải công khai minh bạch, đảm bảo đời tư cá nhân. Anh em chúng tôi đi làm là công khai minh bạch.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Tri thức
Yêu cầu xử lý quy định "cấm ghi hình CSGT" "Công văn số 1402/C67-P3 ngày 26/4 của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (C67) - Bộ Công an, có nhiều nội dung có dấu hiệu trái luật cần phải được xử lý." TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp cho biết. Không luật nào cấm Sáng 22/8, Cục Kiểm...