Huy động tối đa lực lượng tìm kiếm
Tối qua 9-3, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã phát hiện một vài mảnh vỡ composite nghi là của máy bay mất tích. Cùng ngày, máy bay Singapore phát hiện một đồ vật lạ, nghi là vật dụng từ máy bay.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (thứ hai từ phải sang) trao đổi với các
thành viên Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn
Siết chặt an ninh các chuyến bay quá cảnh
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chuyến bay MH370 của Malaysia cất cánh từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh (Trung Quốc). Khoảng gần 1 phút trước khi vào vùng chuyển giao của Việt Nam thì máy bay mất tín hiệu từ màn hình radar của Việt Nam, lúc này, máy bay còn cách vùng không phận của Việt Nam (FIR) khoảng 19km. “Bộ phận không lưu TP.HCM đã nhận được hiệp đồng nhưng chưa nhận được tín hiệu chuyển giao thì máy bay mất tín hiệu trên màn hình radar”, ông Lại Xuân Thanh cung cấp.
Trước sự cố trên, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines đã chính thức đề nghị triển khai áp dụng một loạt các biện pháp an toàn an ninh ở cấp độ cao nhất với mạng bay Việt Nam, đặc biệt tập trung ở khâu mặt đất, sân bay cửa ngõ: “Chúng ta đã có kinh nghiệm kiểm soát an ninh với tất cả hành khách đi và đến các chuyến bay xuất phát từ Việt Nam nhưng các chuyến bay quá cảnh thì cần phải có những biện pháp siết chặt đặc biệt. Chúng tôi cũng đã phối hợp với lực lượng công an xác minh một số trường hợp sử dụng hộ chiếu giả để nhập cảnh vào Việt Nam”.
Ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng không thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn hàng không, lưu ý với những hành khách nhập cảnh mang hộ chiếu giả. “Các đơn vị phải bố trí lực lượng từ công tác soi chiếu, công tác kiểm soát đến công tác quản lý bay. Phải triển khai các phương án đến sân bay, các đài chỉ huy đơn vị ở Cà Mau và Phú Quốc vì tàu bay sẽ vào khu vực này rất đông để phục vụ công tác tìm kiếm”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định.
Mặc dù phía Việt Nam chưa tiếp nhận tín hiệu chuyển giao từ máy bay mất tích, nhưng ông Phạm Quý Tiêu cho biết, khả năng rất cao máy bay mất tích nằm trong vùng FIR của Việt Nam. Vì vậy, nếu phát hiện máy bay rơi trong khu vực này, Việt Nam sẽ đứng ra nhận trách nhiệm điều tra nguyên nhân tai nạn.
“Chúng ta phải chuẩn bị phương án chuyển sang giai đoạn hai, giai đoạn điều tra nguyên nhân nếu máy bay rơi trong vùng FIR của Việt Nam. Nếu như vậy, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra và cần phải giải quyết. Đầu tiên là vấn đề ăn ở, phía Malaysia thông báo sẽ có khoảng 800 thân nhân các bị nạn, rồi quan chức các nước, vấn đề nhận thân thân….”, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết. Theo đó, sẽ thành lập Ủy ban điều tra Quốc gia do Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và một số quốc gia liên quan như Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Anh…
Video đang HOT
Hình đồ họa toàn cảnh vụ mất tích máy bay Malaysia Airlines
Kiên trì tìm kiếm
Chiều tối qua 9-3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành để đánh giá tình hình tìm kiếm cứu nạn cũng như nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng tìm kiếm cứu hộ Việt Nam, kịp thời thông báo cho nước bạn để cùng phối hợp tìm kiếm. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện có thể tham gia vào công tác tìm kiếm cứu nạn. “Công tác tìm kiếm cứu nạn phải tiếp tục triển khai 24/24h. Nếu máy bay rơi xuống biển thì khả năng người sống sót vẫn còn. Chúng ta mở rộng vùng tìm kiếm nhưng không được bỏ các vùng khác. Ngoài ra, phải phân công tốt lực lượng vì tại đây có nhiều quốc gia tham gia, nếu phân công không tốt vừa lãng phí nguồn lực vừa mất an toàn”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Cũng theo Phó Thủ tướng, mặc dù sau 2 ngày tìm kiếm chúng ta chưa có thông tin gì nhưng không được có suy nghĩ các nạn nhân không còn sống sót, phải kiên trì tìm kiếm.
Theo ANTD
"Boeing 777-200 mất liên lạc đột ngột là chuyện bất bình thường"
Phi công Đinh Đức Tuấn (Phó trưởng Ban An toàn chất lượng và An ninh, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam) bàn luận sâu hơn về độ an toàn của máy bay Boeing 777-200.
Đồ họa mô tả máy bay của Malaysia Airlines quay đầu trước khi mất tích
- Ông có nhận xét gì về các giả thuyết mà thế giới đưa ra về vụ mất tích máy bay của Hãng hàng không Malaysia Airlines?
- Đến giờ phút này tất cả chúng ta đều mong muốn kết quả có hậu cho số phận 239 người trên chuyến bay đó. Nhưng dù kết quả thế nào đi nữa, một cuộc điều tra phải được tiến hành. Trước khi cuộc điều tra bắt đầu, mọi giả thuyết phải được đặt ra, không loại trừ một phương án nào. Với tôi, người đang bay loại máy bay Boeing 777-200 (cùng loại với máy bay của chuyến bay MH370), đồng thời cũng làm công tác an toàn trong lĩnh vực khai thác bay, tôi muốn chia sẻ một số thông tin như sau: Mỗi khi có sự cố hay một tai nạn hàng không xảy ra chúng ta đều chú ý tới 3 yếu tố: thời tiết, kỹ thuật, con người. Chuyến bay MH370 được thực hiện khi thời tiết tương đối thuận lợi. Trong khi máy bay Boeing 777-200 là loại an toàn nhất bây giờ, có thể bay trong những thời tiết đặc biệt như giông, bão.
- Máy bay Boeing 777-200 là loại khi hỏng cả 2 động cơ, phi công vẫn điều khiển được?
- Đúng vậy, loại máy bay này khi hỏng cả 2 động cơ, phi công vẫn có thể điều khiển được máy bay bằng các thiết bị phụ trợ khác. Trong tình huống này, máy bay vẫn có thể lướt đi trong vòng 20 phút. Nếu ở độ cao 10.600m như của chuyến bay MH370, máy bay vẫn hạ cánh được ở mặt đất (hoặc mặt nước).
Trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter... người dùng chia sẻ nhiều
hình ảnh cầu nguyện cho 239 thành viên trên chuyến bay MH 370
- Như vậy, việc chuyến bay MH370 bị mất liên lạc đột ngột là bất bình thường đối với một phi cơ hiện đại hàng đầu như Boeing 777-200?
- Đúng vậy, vì máy bay Boeing 777-200 đã được trang bị 4-5 phương thức để liên lạc kết nối giữa máy bay với máy bay, máy bay với mặt đất. Đồng thời, Boeing 777-200 có hệ thống radar nhận dạng dưới mặt đất khi kích hoạt từ trên buồng lái. Mất cả tín hiệu liên lạc radio và tín hiệu radar là chuyện bất bình thường với loại máy bay này.
- Thưa ông, mọi người đều lo lắng trong trường hợp máy bay hạ cánh xuống biển thì điều gì sẽ xảy ra? Trong huấn luyện bay đó có phải tình huống phải tập luyện không?
- Chúng ta đã thấy trường hợp máy bay hạ cánh xuống sông Hudson, New York khi bị chim va đập, chết 2 động cơ nhưng tất cả hành khách đều an toàn. Như vậy hoàn toàn có khả năng máy bay hạ cánh xuống nước an toàn. Tất cả tổ lái, tiếp viên đều được huấn luyện và kiểm tra tình huống này.
- Ông có thể cho biết máy bay Boeing 777-200 hiện tại an toàn thế nào?
- Theo đánh giá và thống kê, nếu kết cục buồn xảy ra, đây là vụ tai nạn chết người thứ 2 sau vụ chuyến bay 214 của Asiana Airlines bị va đập vào bờ chắn sóng của sân bay quốc tế San Francisco ngày 6-7-2013. Nghĩa là máy bay này có hệ số an toàn rất cao. Đã có hơn 1.000 chiếc máy bay Boeing 777-200 được bàn giao cho các nhà khai thác.
Những vụ máy bay mất tích bí ẩn trên thế giới
- Ngày 16-2-2014, chiếc máy bay Twin Otter chở theo 18 người của hãng hàng không Nepal Airlines bị mất tích khi đang bay tới Jumla. Ngày hôm sau, xác máy bay được tìm thấy ở vùng Arghakhanchi. Tất cả 18 người đều thiệt mạng.
- Chiều 29-11-2013, chuyến bay mang số hiệu TM470 của hãng hàng không Mozambican Airlines hành trình từ Mozambique đến Angola bị mất tích. Xác chiếc máy bay đã được tìm thấy tại đông bắc Namibia ngày 30-11. Không ai trong 33 người trên máy bay sống sót.
- Ngày 12-6-2012, chiếc Antonov AN-2 chở 13 hành khách đã mất tích ngay sau khi cất cánh từ sân bay ở thị trấn Serov, tỉnh Sverdlovsk, Nga. Sau gần 1 năm mất tích, xác chiếc AN-2 cùng các thi thể nạn nhân đã được tìm thấy ở vùng núi Ural (Nga).
- Ngày 1-6-2009, chiếc Airbus 330-200 mang số hiệu 447 chở 228 người của Air France bay từ Rio de Janeiro (Brazil) đến Paris (Pháp) bị mất tích ở Đại Tây Dương được cho là do hỏng hệ thống điều kiển, sau đó mất gần 2 năm mới xác định được vị trí xác máy bay.
- Ngày 15-3-1962, chiếc chuyên cơ vận tải Flying Tiger 739 chở hàng và 107 quân nhân từ California (Mỹ) tới tiếp vận cho chính quyền cũ ở Sài Gòn, Việt Nam. Sau khi dừng để tiếp nhiên liệu ở Philippines thì mất tích không rõ nguyên nhân trong điều kiện thời tiết bình thường, không cuộc gọi khẩn cấp. Chiếc máy bay đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
- Năm 1945, một phi đội 5 máy bay trong chuyến bay huấn luyện số 19 của hải quân Mỹ đã mất tích tại khu vực tam giác quỷ Bermuda trên Đại Tây Dương. Không một dấu hiệu nào, dù chỉ là một mảnh vỡ của 5 chiếc máy bay được tìm thấy.
Chu Hương (Theo ABC News)
Theo ANTD
Khám phá FREMM - Tàu hộ vệ mạnh nhất thế giới Hải quân Pháp hôm 25/02 đã công bố, tàu hộ vệ FREMM đầu tiên lớp Aquitaine có khả năng chống ngầm đã hoàn thành khả năng tác chiến ban đầu, sắp tới nó sẽ được đưa vào phục vụ chính thức. Phát ngôn viên của hải quân Pháp tuyên bố, sau khi việc thử nghiệm kết thúc, tàu hộ vệ Aquitaine sẽ làm...