Huy động nhiều thiết bị, khẩn trương truy tìm nguồn phóng xạ bị mất
Liên quan đến vụ việc nguồn phóng xạ của Nhà máy thép Pomina 3 bị mất, ngày 6/4, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp khẩn với các cơ quan chức năng của tỉnh, Công ty Cổ phần Thép Pomina để triển khai các giải pháp nhanh chóng truy tìm nguồn phóng xạ đã bị mất.
Hình ảnh cục phóng xạ bị mất (có trọng lượng khoảng 7kg). (Ảnh: TTXVN)
Đoàn chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ do ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân làm Trưởng đoàn cũng đã dự họp và mang theo nhiều thiết bị dò tìm phóng xạ từ Hà Nội vào để hỗ trợ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung thực hiện các biện pháp như: Dùng thiết bị dò tìm tại Nhà máy thép Pomina 3 (đóng tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), kể cả ở các điểm thu mua phế liệu; điều tra các khả năng có thể xảy ra. Công ty Cổ phần Thép Pomina tổ chức họp thông báo tới toàn bộ cán bộ nhân viên và thưởng cho ai cung cấp thông tin để tìm nguồn phóng xạ bị mất.
Một đại biểu tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thông báo rộng rãi bằng hình ảnh nguồn phóng xạ bị mất, cảnh báo nguy hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.
Được biết, nguồn phóng xạ bị mất là loại Co-60 (Nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4) do Công ty Cổ phần thép Pomina nhập về từ năm 2010 dùng để đo mức thép lỏng trên dây chuyền lò đúc số 3, trong tổng số 5 dây chuyền của nhà máy.
Theo đại diện Công ty Thép Pomina, ngày 25/3/2015, Công ty thực hiện bàn giao công tác quản lý về an toàn bức xạ từ ông Đào Đức Hùng cho ông Nguyễn Văn Út thì ông Út đã phát hiện mất nguồn phóng xạ trên. Ngày 1/4, Công ty đã trình báo Công an Đồn Khu công nghiệp và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.
Video đang HOT
Theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), nguồn phóng xạ Co-60 bị mất có hoạt độ phóng xạ hiện tại khoảng 2,33 mCi. Ở khoảng cách tiếp xúc 10cm, nguồn phóng xạ này có thể gây ra liều chiếu xạ khoảng 2,5 mSv/giờ, trong khi liều chiếu xạ cho phép đối với một người bình thường trong 1 năm chỉ là 1 mSv. Như vậy, nếu người dân vô tình tiếp xúc trực tiếp lâu dài với nguồn phóng xạ này sẽ nguy hiểm cho sức khỏe.
Đoàn Mạnh Dương
Theo TTXVN
Đồng Nai bảo lưu quyết định thực hiện dự án lấn sông Đồng Nai
"Việc hình thành dự án cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông Đồng Nai hình thành từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đem lại sự phát triển phù hợp quy hoạch, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực..."
"Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" khởi công từ tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng.
Chiều 24/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã thông tin chính thức về các vấn đề xung quanh dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" tại phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Theo thông cáo do ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký, việc hình thành dự án cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông Đồng Nai hình thành từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đem lại sự phát triển phù hợp quy hoạch và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân trong khu vực; được sự nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan khoa học chuyên ngành có chức năng; và được tiến hành thực hiện, phê duyệt theo đúng thẩm quyền.
Việc phát triển như định hướng trên giúp giảm vốn đầu tư của ngân sách, góp phần an dân do hạn chế tối đa bồi thường giải tỏa; đồng thời góp phần cải tạo và bảo vệ bờ sông Đồng Nai, cải tạo cảnh quan, không gian kiến trúc, nâng cao môi trường sống, tăng mảng cây xanh và tiếp cận mặt nước cho đô thị; góp phần phát triển thương mại dịch vụ, tạo điểm nhấn cho thành phố Biên Hòa.
Trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Đồng Nai đã cho lập dự án làm một số đoạn bờ kè và công viên ven sông theo quy hoạch tại khu vực trên. Tuy nhiên chỉ với 2 dự án thành phần đã phải giải tỏa hơn 120 hộ dân, chi phí bồi thường chiếm hơn 67% tổng chi phí. Các dự án này chưa thực hiện được do khó khăn về ngân sách và ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân.
Hiện trạng toàn bộ bờ sông từ đường Cách Mạng Tháng 8 đến sông Đồng Nai đều là các công trình, nhà dân; người dân thành phố không có khả năng tiếp cận và thụ hưởng cảnh quan ven sông. Đồng thời cũng không thể kết nối để hoàn thiện toàn tuyến đường ven sông - công viên cảnh quan từ cầu Hóa An đến cầu Rạch Cát theo quy hoạch được duyệt.
Sau 6 tháng thực hiện dự án, hiện diện tích sông được lấp gần đạt 90% theo thiết kế.
Cũng theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, nghiên cứu sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa; cho thấy dòng sông từ vị trí thu hẹp ở phía thượng nguồn (phường Bửu Long) với mặt cắt ngang khoảng 210m; mở rộng dần về phía hạ nguồn, rộng nhất và lấn sâu vào bờ phía phường Quyết Thắng tại khu vực Công ty Cấp nước (khoảng hơn 800m); sau đó chia 2 nhánh, nhánh nhỏ là sông Cái quanh Cù lao Hiệp Hòa (chiều ngang khoảng 110m tại cầu Rạch Cát), nhánh sông chính chảy tiếp về hạ nguồn (chiều ngang khoảng 235m tại vị trí cầu Ghềnh).
Đặc điểm đó cho thấy khả năng nghiên cứu việc xây dựng kè lấn sông tại đoạn dòng sông mở rộng lấn sâu vào bờ từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến đình Phước Lư mà không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, không tạo nút thắt gây ảnh hưởng giao thông và thoát lũ.
Tháng 1/2008, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký hợp đồng với Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam để đánh giá tác động dòng chảy theo mục tiêu kè lấn sông nêu trên. Thời gian Viện bắt đầu triển khai nghiên cứu tháng 7/2008, tiến hành khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn và sử dụng mô hình thủy động lực học để tính toán tác động dòng chảy đối với các phương án lấn sông.
Tháng 12/2008 Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam hoàn thành đánh giá, cho thấy việc chỉnh trị bờ trái sông Đồng Nai nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh theo các phương án không ảnh hưởng đến vùng dự án và khu vực lân cận. Bên cạnh việc xem xét của các sở ngành trong tỉnh, tỉnh Đồng Nai đã mời Viện Thủy lợi và Môi trường - Trường Đại học Thủy lợi thẩm tra và đã thống nhất kết quả đánh giá nêu trên.
Đến ngày 1/9/2009, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động dòng chảy, trong đó kết luận: "Việc xây dựng công trình lấn sông ở khu vực (theo các phương án lấn sông 50m, 75m, 100m) không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không gây ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận". Ngày 16/6/2009 UBND tỉnh Đồng Nai duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết phường Quyết Thắng; trong đó đã khoanh vùng tách riêng dự án kè lấn sông Đồng Nai và đất quy hoạch dự án cảnh quan bờ sông Đồng Nai.
Sau khi hoàn thành, khu vực này sẽ hình thành khu khách sạn, nhà phố thương mại, siêu thị, chung cư, cao ốc văn phòng, công viên trên sông
Như vậy, việc hình thành dự án cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông Đồng Nai hình thành từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đem lại sự phát triển phù hợp quy hoạch và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân trong khu vực; được sự nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan khoa học chuyên ngành có chức năng; và được tiến hành thực hiện, phê duyệt theo đúng thẩm quyền.
Việc phát triển như định hướng trên giúp giảm vốn đầu tư của ngân sách, góp phần an dân do hạn chế tối đa bồi thường giải tỏa; đồng thời góp phần cải tạo và bảo vệ bờ sông Đồng Nai, cải tạo cảnh quan, không gian kiến trúc, nâng cao môi trường sống, tăng mảng cây xanh và tiếp cận mặt nước cho đô thị; góp phần phát triển thương mại dịch vụ, tạo điểm nhấn cho thành phố Biên Hòa.
Đến tháng 3/2011, Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát có văn bản đề nghị đầu tư dự án tại khu vực nêu trên. Các sở ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai đã tiến hành khảo sát, làm việc cụ thể theo đúng trình tự thủ tục, thống nhất trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương.
Tuy nhiên, khi dự án đang triển khai đã vấp phải những làn sóng phản đối. Mới đây, tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án"Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" của Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát.
VRN bày tỏ bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai" sẽ có những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai; đồng thời tạo tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ và dòng chảy của các con sông của Việt Nam.
Theo VNR, sông Đồng Nai là sông liên tỉnh, việc xây dựng hạ tầng cơ sở lớn ở lòng sông sẽ tác động đến đoạn sông qua tỉnh Đồng Nai; tác động xấu đến các môi trường và sức khỏe của các hệ sinh thái sông của toàn bộ lưu vực, ảnh hưởng đến các địa phương khác cùng chia sẻ dòng sông, trong đó có TPHCM.
Theo Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" sẽ có những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai; đồng thời tạo tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ và dòng chảy của các con sông.
VNR khẳng định dự án thực chất là một công trình lấn sông, lấn chiếm bờ sông khi tổng diện tích của dự án là 8,4 ha trong đó đã chiếm 7,72 ha vùng đất ngập nước ven sông và mặt nước sông. Chính vì vậy chính quyền các cấp cần xem xét lại vấn đề tuân thủ Luật Tài nguyên Nước, Luật Bảo vệ Môi trường và nhiều quy định khác liên quan đến quản lý đất ngập nước.
Đáp lại những ý kiến của VNR, UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc thỏa thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát thực hiện dự án là đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền theo quy định. Đến nay dự án thực hiện đầy đủ thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và đang được thực hiện đúng tiến độ được duyệt.
Trung Kiên - Vĩnh Thủy
Theo Dantri
Điều chuyển đơn vị thanh tra vụ đường lên Sa Pa nứt nẻ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi Sở GTVT Lào Cai và các đơn vị liên quan về việc khắc phục tình trạng hư hỏng mặt đường trên QL4D (đoạn TP Lào Cai - Sa Pa). Theo Công văn, Tổng cục Đường bộ (TCĐB) yêu cầu Sở GTVT Lào Cai phối hợp với các cơ quan tỉnh...