Hủy bỏ quyết định trái pháp luật của UBND quận Hoàng Mai
Sau khi xem xét đơn của công dân và tờ trình của Thanh tra, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu thu hồi Quyết định giải quyết khiếu nại số 3522 do Chủ tịch quận Hoàng Mai ký ngày 3/7/2013 về việc thu hồi đất ở phường Trần Phú.
Liên quan đến vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bang (GPMB) phục vụ dự án đối ứng C2 trên địa bàn phường Trần Phú chưa phù hợp gây bức xúc dư luận kéo dài. Ngày 15/10/2013, ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký và ban hành văn bản số 7729/UBND – BTCD gửi Thanh tra Thành phố và UBND quận Hoàng Mai chỉ đạo: “ Thu hồi Quyết định số 3522/QĐ – UBND ngày 3/7/2013 của UBND quận Hoàng Mai về việc giải quyết khiếu nại của bà Vũ Thị Bền, ông Trần Việt Hùng.
Tổ chức tiếp các hộ dân liên quan đến vụ việc nêu trên, làm rõ chủ thể khiếu nại, hướng dẫn các hộ dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại; rà soát lại hồ sơ, cần thiết tổ chức xin ý kiến của các Sở, ban, ngành có liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định của pháp luật“.
Đón nhận thông tin UBND TP. Hà Nội yêu cầu thu hồi Quyết định giải quyết khiếu nại số 3522/QĐ – UBND, bà Vũ Thị Bền tiếp tục kiến nghị TP. Hà Nội có ý kiến chỉ đạo, giám sát UBND quận Hoàng Mai điều chỉnh lại phương án chi tiết việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu đất đối ứng C2 tại phường Trần Phú cho phù hợp giá trị thực tế, cùng mồ hôi, tiền của công dân đã đầu tư, vun đắp từ năm 2004 – 2005 để trở thành khu trang trại khang trang như ngày nay.
Văn bản chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội
Theo ý kiến của bà Vũ Thị Bền, việc UBND quận Hoàng Mai chỉ xét duyệt mức đền bù 413 triệu đồng theo Quyết định số 1717/PATH-HT&TĐC ngày 10/8/2012, trong khi bà đã bỏ ra 11 tỷ đồng đầu tư là việc làm xâm hại nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của công dân. Cũng theo phản ánh của bà Bền, trong lúc xét duyệt đền bù mức 413 triệu đồng/4506m2 thu hồi của bà ở phường Trần Phú, thì ở cách đó không xa quận Hoàng Mai lại đền bù gần 70 tỷ đồng/6667,9m2 thu hồi của các hộ dân phục vụ dự án Metro Hoàng Mai (đề nghị UBND quận Hoàng Mai xác minh, làm rõ thông tin trên). Chính việc áp dụng chế độ chính sách không đồng đều đã gây bức xúc dư luận trên địa bàn.
TP. Hà Nội yêu cầu quận Hoàng Mai thu hồi Quyết định số 3522
Như thông tin báo Dân trí đã phản ánh, trong lúc TP. Hà Nội đang xem xét đơn khiếu nại của công dân phường Trần Phú, quận Hoàng Mai theo trình tự, UBND phường Trần Phú liên tục dùng hệ thống loa truyền thanh “đe dọa” cưỡng chế GPMB dự án khu đối ứng C2 đẩy người dân vào cảnh uất ức. Bà Vũ Thị Bền cho biết: “Hàng ngày, hàng tháng và nhất là ngày 10/9 thì loa truyền thanh của phường Trần Phú đọc 14 quyết định cưỡng chế của 16 người chúng tôi có trang trại như thế này. Thậm chí có lúc ép công nhân của tôi phải rời khỏi vị trí trang trại. Làm tôi rất bức xúc, huyết áp tăng, căng thẳng đầu óc, đầu tôi rối tung. Có lần tôi đã ra đây treo dây thắt cổ, nhưng mọi người đã đến cứu kịp”.
Sau màn dùng loa phát thanh “đe dọa” cưỡng chế những người dân có đất bị thu hồi ở phường Trần Phú, quận Hoàng Mai để xây dựng dự án khu đối ứng C2. Tại buổi làm việc với công dân chiều ngày 30/9/2013, về việc hỗ trợ tôn tạo 4506 m2 đất khu Cát Thượng, ông Hồ Xuân Minh – Chủ tịch UBND phường Trần Phú lại kết luận: Đề nghị bà Vũ Thị Bền và bà Trần Thị Mỹ Hạnh nếu có giấy ủy quyền của 14 hộ còn lại thì ủy quyền trực tiếp cho 1 người thời gian trước ngày 5/10/2013. Nếu quá thời gian trên, UBND phường không nhận được giấy ủy quyền thì UBND phường lập phương án chung đối với 14 hộ.
Video đang HOT
Các hộ dân đều xác nhận việc chuyển nhượng đất cho bà Vũ Thị Bền, mặt khácbà Bền cũng được xác định là chủ sử dụng đất trong các buổi làm việc với quận Hoàng Mai và chủ đầu tư
14 hộ dân mà UBND phường Trần Phú yêu cầu bà Bền lấy giấy ủy quyền trong vòng 5 ngày đang sinh sống ở nhiều tỉnh thành khác nhau, thủ tục ủy quyền lại không hề dễ dàng nên yêu cầu mà chính quyền địa phương đưa ra chẳng khác nào đánh đố người dân. Bà Bền bức xúc cho biết: “Các anh em trước làm việc ở đây, nhưng từ năm 2010, phường, quận không cho chúng tôi tăng gia sản xuất ở đây, thì họ phải đi tìm công việc ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh rồi các tỉnh thì bây giờ trong 5 ngày đấy o ép tôi lấy được hết những chữ ký thì làm sao mà đủ thời gian để lấy những chữ ký ấy được, các ông ấy áp đặt cho chúng tôi”.
Theo phản ánh của bà Vũ Thị Bền và 15 hộ dân khác bị thu hồi đất ở phường Trần Phú, trước năm 2005, các hộ gia đình này được 21 hộ dân ở phường Trần Phú, quận Hoàng Mai chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đất 5% tại khu xứ đồng Cát Thượng để xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng màu và cây ăn quả lâu năm. Việc mua bán được thực hiện công khai, hợp pháp. Từ khi chuyển nhượng, giữa bên bán – bên mua không xảy ra tranh chấp, khiếu nại.
Bà Vũ Thị Bền đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư trang trại
Ông Lê Văn Nghị, tổ 14, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội cho biết: “Trước đây khu đất đó là khu đồng trũng cấy rau muống. Bà Bền đã mua của 21 hộ để tôn tạo, đổ đất để xây nhà, trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả lâu năm. 9 năm rồi, mà trả bà Bền 450 triệu mà đất của bà Bền là 4506m 2 thì bây giờ quá cướp không của bà ấy, cướp mồ hôi nước mắt của bà ấy”.
Năm 2009, TP. Hà Nội lên kế hoạch thu hồi đất thực hiện dự án khu đối ứng C2. Khi triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB), phường Trần Phú lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất ghi rõ tổng diện tích thu hồi của các hộ dân trên địa bàn là 4.506m2. Tuy nhiên, phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư áp dụng với 16 hộ dân nêu trên không phù hợp với quy định hiện hành, gây thiệt lại cho công dân hàng tỷ đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Bền nói: “Chúng tôi đầu tư từ trước những năm 2004. Tổng số tiền chúng tôi đưa vào để làm trang trại từ khi mua đất đến bây giờ trị giá hơn 11 tỷ đồng, hơn 3000 cây ăn quả, 16 nhà cấp bốn, 3 giếng nước, đèn cao áp mà đến bù cho chúng tôi có 413 triệu đồng. 16 người chúng tôi ai cũng đau khổ và chịu áp lực”.
Điều khiến người dân bất bình hơn cả là việc UBND phường Trần Phú yêu cầu các hộ dân đã bán đất cho bà Bền ra lấy tiền đền bù của phần đất đã bán, nếu không ra nhận sẽ bị giữ sổ đỏ nên nhiều người dân đành phải đến nhận tiền, mặc dù họ biết rõ việc này không phù hợp với cam kết. Vô lý hơn là trong số 21 hộ có những người đứng tên trong sổ đỏ đã qua đời những vẫn được yêu cầu ra nhận đền bù.
Bà Vũ Thị Bền đề nghị quận Hoàng Mai áp dụng giá bồi thường phù hợp giá trị thực tế
Ông Nguyễn Văn Luận, tổ 19, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội chia sẻ: “Gia đình chúng tôi cũng có miếng đất bán cho bà Bền. Chúng tôi cũng rất áy náy vì đã mua đi bán lại rồi. Dự án mà đền bù cho bà như thế thì bản thân chúng tôi cũng bức xúc. Nhà tôi trong sổ đỏ còn diện tích đất ở nhiều chỗ nhưng mà gọi đi gọi lại, đến nhà động viên lấy thì tôi phải lấy thì người ta mới trả sổ đỏ. Tôi là người dân tôi chỉ biết như thế thôi”.
Sau khi ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 3522/QĐ-UBND ngày 3/7/2013 với nhiều nội dung chưa phản ánh đúng thực tế, thậm chí có dấu hiệu bao che cho sai phạm của cấp dưới, bà Vũ Thị Bền và các hộ dân tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị xem xét đền bù.
Theo ý kiến của các hộ dân, kết luận của UBND quận Hoàng Mai làm trái với nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 13/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.
Từ cuối tháng 7/2013 cho đến nay, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao cho Thanh tra TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát việc thu hồi đất phục vụ dự án khu đối ứng C2 tại phường Trần Phú trước khi trả lời công dân theo đúng trình tự và quy định pháp luật.
Trong tình thế bị đẩy vào đường cùng, bà Vũ Thị Bền khẩn thiết đề nghị TP. Hà Nội xem xét đơn khiếu nại của công dân liên quan đến việc GPMB ở phường Trần Phú: “Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, thẩm quyền đền bù cho chúng tôi với nguyện vọng và đúng với chính sách đất đai. Chúng tôi tha thiết đề nghị UBND TP. Hà Nội giám sát việc đền bù làm sao để người dân không bị thiệt hại, đảm bảo được đồng vốn của chúng tôi để chúng tôi lấy lại được đồng vốn, chúng tôi cũng không đòi hỏi”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến – Ngọc Cương – Vũ Thúy
Theo Dantri
Đường Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu thông xe vào cuối năm
Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu và nút giao thông Ô Chợ Dừa dự kiến được thông xe kỹ thuật vào ngày 31-12-2013 tới đây.
Đến nay, công tác GPMB cơ bản đã hoàn tất, hiện chỉ còn 12/480 hộ chưa thu hồi mặt bằng. Hiện, khối lượng công việc trên hiện trường đã đạt từ 40-95%.
Ngoài ra, đối với các trường hợp đất có hình thửa bất hợp lý gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, nằm ngoài phạm vi xây dựng tuyến đường, UBND quận Đống Đa, Ban quản lý dự án đã có văn bản đề xuất thu hồi để đảm bảo mỹ quan chung của khu vực. Ban quản lý dự án đã kiến nghị UBND quận Đồng Đa quyết liệt, giải quyết dứt điểm 12 hộ dân còn lại để có mặt bằng trong tháng 10.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi kiểm tra tiến độ đường Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu
Cũng theo Ban quản lý dự án trọng điểm, các đơn vị thám sát- Viện khảo cổ học đã hoàn thành 2/4 hố thám sát nằm trong khu vực thi công đường Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu và đã hoàn trả mặt bằng cho nhà thầu thi công. Hiện, đơn vị này đang làm thủ tục xin phép rào và đào đường. Dự kiến, 2/4 hố thám sát còn lại sẽ hoàn thành trước 30-10.
Về phương án kiến trúc và quy hoạch tổng mặt bằng, Ban quản lý các dự án trọng điểm đang xin ý kiến của các Sở, ngành, trong tháng 11-2013 sẽ trình UBND TP xem xét, phê duyệt.
Đường Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay
Chỉ đạo tại buổi kiểm tra hiện trường sáng nay 8-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đề nghị, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải cố gắng đẩy nhanh tiến độ, gấp rút thi công, hoàn thiện dự án vào đúng cuối tháng 12-2013.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Khôi cũng yêu cầu UBND quận Đống Đa trong phải đảm bảo không để tình trạng xây dựng trái phép, nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên hai bên đường. Lưu ý việc cấp phép xây dựng cho các hộ dân mặt đường về số tầng phải ngang nhau để đảm bảo mỹ quan.
Ngân Tuyền
Theo ANTD
Đường hồ Đền Lừ xuống cấp nặng nề Từ nhiều tháng nay, đường hồ Đền Lừ, dài khoảng 500m (đoạn giáp với đường Tân Mai), thuộc địa bàn phường Tương Mai (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) là nỗi kinh hoàng cho người tham gia giao thông. Con đường hồ Đền Lừ mới được mở nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của cư dân trong phường và bà con di dời...