Hủy án sơ thẩm vì thiếu chứng cứ buộc tội!
Như PLVN từng thông tin trong số báo ngày 22/12/2010, hai anh em Hồ Văn Chanh (SN 1967) và Hồ Văn Hải (SN 1975, đều ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã bị TAND huyện Mê Linh tuyên phạt về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, hôm qua – 6/5/2011, HĐXX phúc thẩm đã quyết định huỷ bản án nêu trên, trả hồ sơ để điều tra lại vì không đủ chứng cứ kết tội cáo bị cáo!
Viện kiểm sát cũng thấy… “lấn cấn”
Vụ án này không thuộc diện “nghiêm trọng” nhưng phiên tòa sơ thẩm đã phải kéo dài tới 3 ngày mới đi được đến phán quyết phạt bị cáo Chanh 30 tháng tù giam, phạt Hải 9 tháng tù giam (cho hưởng án treo).
Video đang HOT
Hai anh em Chanh- Hải hy vọng lời kêu oan của mình sẽ được xem xét, làm rõ.
Tại CQĐT và tại phiên tòa sơ thẩm, cả hai bị cáo đều kêu oan, chỉ thừa nhận có xô xát, giằng co chứ không hề cầm gạch đánh bị hại Hoàng Văn Dũng. Hai nhân chứng có mặt tại Tòa (trong tổng số hơn 10 nhân chứng được triệu tập) đã thay đổi lời khai và cho biết: “… không có mặt tại hiện trường, không chứng kiến vụ việc. Việc khai trước đó là do được bên bị hại nhờ vả”. Tuy nhiên,
HĐXX đã không chấp nhận việc thay đổi lời khai này để rồi nhận định rằng: “… khi xô xát, Chanh cầm viên gạch, đập vào mặt ông Dũng. Sau đó, Chanh còn ngồi đè lên phần ngực và tát ông Dũng. Còn Hải ngồi lên phần bụng ông Dũng rồi “vươn người”, cầm gạch đánh vào trán ông Dũng, làm bị hại tổn hại tổng cộng 27 % sức khỏe”.
Bản án nêu trên không những bị hàng trăm người dân theo dõi phiên tòa sơ thẩm lên tiếng phản đối vì thiếu thuyết phục mà ngay cả đại diện VKSND TP.Hà Nội tham gia phiên tòa phúc thẩm cũng thấy “thiếu chứng cứ buộc tội”, đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung. Đây là tình huống “trái chiều” khá hiếm gặp vì trước đó, chính VKSND huyện Mê Linh đã ra bản cáo trạng, một mực đề nghị xử tù hai bị cáo.
Nhân chứng bị tạo dựng?
Để kết tội bị cáo, ngoài việc không chấp nhận sự thay đổi lời khai của chị Lợi, chị Giáp tại phiên tòa (với nội dung có lợi cho bị cáo) thì HĐXX còn dựa vào lời khai tại CQĐT của một số nhân chứng khác.
Tuy nhiên, các lời khai này đều đã bị HĐXX phúc thẩm “bóc mẽ” vì thiếu cơ sở, mâu thuẫn với các lời khai khác hoặc tự mâu thuẫn với lời khai của chính mình. Đơn cử như việc chị Tâm, chị An chỉ mô tả hình dáng người đã đánh nhau với bị hại Dũng nhưng CQĐT lại có thiếu sót khi không tiến hành cho nhân chứng nhận dạng xem ai là người gây thương tích cho bị hại: Nhân chứng Hằng khai: “Trên đường đi thu gom rác thì nhìn thấy bị cáo đánh anh Dũng”. Nhưng việc sử dụng lời khai này là không có cơ sở khi Tổ trưởng tổ vệ sinh lại cho biết: “Chị Hằng không được phân công đi thu gom rác tại khu vực hiện trường vụ án”.
Trong khi đó, nhiều nhân chứng lại có lời khai thiếu thống nhất, thập chí có người còn rút lại toàn bộ lời khai trước đó tại CQĐT. Có nhân chứng còn khai rõ, không biết gì về vụ đánh nhau nhưng do được vợ bị hại “nhờ” đứng ra làm chứng hoặc được tác động theo kiểu “khai thế nào thì khai, đừng để mất mặt nhau”.
Ngoài việc không chứng minh được hành vi của các bị cáo như trên, theo HĐXX thì CQĐT còn có thiếu sót khi không thực nghiệm điều tra để làm rõ việc bị cáo Hải có khả năng gây được thương tích cho bị hại không? (Kết luận điều tra mô tả: Bị cáo Hải ngồi lên bụng bị hại, vươn người qua bị cáo Chanh để cầm gạch bằng tay phải, đánh vào mặt bị hại).
Nhưng Hải khai mình thuận tay trái; CQĐT thu giữ được viên gạch, coi là hung khí vụ án nhưng lại không giám định cơ chế hình thành thương tích xem có phù hợp hay không.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Lâm Vương Sơn còn cho rằng, cần thiết phải giám định xem dấu vết ở viên gạch có phải là máu người hay không? Máu của bị hại hay máu của bị cáo (vì bản thân bị cáo cũng bị ném gạch)? Luật sư này còn nghi ngờ rằng, thương tích của bị hại không phải do bị cáo gây ra bởi ngay sau khi xảy ra xô xát, đã không có biên bản xác định vết thương của bị hại. Còn giám định thương tích lại được tiến hành sau khi vụ việc xảy ra đã 5 tháng.
Không biết việc điều tra lại có làm rõ về chứng cứ buộc tội các bị cáo hay không? Chỉ biết rằng, trong khi chứng cứ kết tội còn đang “mong manh” và chờ để được “củng cố” lại thì Hồ Văn Chanh vẫn phải tiếp tục ngồi trong trại tạm giam, khi đã thời hạn tạm giam đã trên 12 tháng.
Theo Pháp Luật VN