Hữu Châu gặp tai nạn trước ngày vào vai Nguyễn Trãi
Một tuần trước khi tái diễn “Bí mật Lệ Chi viên”, Hữu Châu bị taxi tông khi đi trên đường, cơ thể chấn thương nhiều chỗ. Nhưng khi hóa thân thành anh hùng Nguyễn Trãi, diễn xuất của anh vẫn chiếm trọn trái tim khán giả.
Tối 14-15/7, vở Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả: Hoàng Hữu Đản, đạo diễn NSƯT Thành Lộc) tái ngộ khán giả tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM, sau 5 năm ngừng diễn. Vở diễn quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Hữu Châu (Nguyễn Trãi), Hoàng Trinh (Nguyễn Thị Lộ), Lê Khánh (Nguyễn Thị Anh), Thành Lộc (hoạn quan Tạ Thanh), Xuân Thùy (Ngọc Giao), Đại Nghĩa, Đình Toàn, Ngọc Thuận, Đức Thịnh…
Người xem đã có lúc lặng người với những trường đoạn Nguyễn Trãi độc thoại, đọc thơ ngẫm về phận mình, phận nước. Ở những cuộc chạm trán giữa Nguyễn Trãi và thái hậu Nguyễn Thị Anh (Lê Khánh đóng), diễn xuất của Hữu Châu đạt đến độ cao trào, bộc lộ thần thái của người anh hùng luôn đau đáu nỗi niềm thương dân. Hình tượng Nguyễn Trãi của Hữu Châu được chăm chút từ tạo hình, vóc dáng đến đài từ, cử chỉ, điệu bộ, khắc họa được “tấm lòng trong sáng tựa sao Khuê” của đại thi hào dân tộc, cũng như số phận của một đại thần mang nỗi oan khuất với bản án tru di tam tộc.
Hữu Châu có hơn 10 năm gắn bó với vai diễn Nguyễn Trãi trong “Bí mật vườn Lệ Chi”.
Nhưng ít ai biết rằng, ở lần tái ngộ, Hữu Châu phải nén đau để thể hiện cho ra thần thái của vị anh hùng. Một tuần trước, khi chạy xe máy đi làm, nam nghệ sĩ bị taxi tông phải khiến thân thể bầm tím, đau nhức.
Năm 2010, em trai của Hữu Châu là nghệ sĩ Hữu Lộc đã qua đời vì tai nạn giao thông. Ngay cả khi em trai chưa mất, Hữu Châu luôn là nghệ sĩ cẩn trọng mỗi khi ra đường hoặc làm việc gì. Anh quan niệm, với người nghệ sĩ, thân thể là “công cụ hành nghề”quan trọng nhất. “Vậy mà vẫn gặp chuyện không may. Đến giờ vẫn còn đau lắm. Nhưng bước ra sân khấu, cái đau được nén lại dành chỗ cho cảm xúc với nhân vật”, Hữu Châu nói.
12 năm, hơn 150 suất Bí mật Lệ Chi viên, Hữu Châu luôn mang cảm xúc, sức sống mới mẻ đến cho hình tượng Nguyễn Trãi. Nếu trước đây, anh có thể nói một mạch đoạn độc thoại thật dài thì giờ đây, có lúc anh phải dùng vài kỹ thuật sân khấu để ngắt mạch, nghỉ lấy hơi rồi mới nói tiếp… Việc cúi đầu quỳ lạy, đứng lên ngồi xuống với anh đã khó khăn hơn xưa nhiều.
Video đang HOT
“ Khán giả chắc không nhận ra được sự thay đổi ở tôi, nhưng với người trong nghề, nhất là đạo diễn Thành Lộc, sẽ cảm nhận được. Anh rất hiểu diễn viên của mình. Tôi muốn cám ơn Thành Lộc vì đã tin tưởng giao cho tôi vai này suốt 10 năm qua. Với tôi, nhân vật Nguyễn Trãi trên sân khấu phải được gọi bằng hai tiếng “tri kỷ”. Tôi cũng rất cám ơn tác giả Hoàng Hữu Đản vì đã viết một kịch bản hay như thế…“, Hữu Châu tâm sự.
Năm 2000, Hữu Châu đóng vai Ức Trai khi ở tuổi 34. Năm 2007, vở tái diễn lần hai, anh bước sang tuổi 41. 5 năm sau, Hữu Châu 46 tuổi, độ tuổi mà anh đùa là đã tròm trèm “ngũ thập tri thiên mệnh”. Có lẽ vì thế, Hữu Châu hóa thân thành vị anh hùng dân tộc với tất cả vốn sống, trải nghiệm đang độ chín muồi.
“Sau đợt diễn này, tôi không biết đến bao giờ vở sẽ tái diễn và liệu tôi còn có đủ sức khỏe để vào vai đòi hỏi nhiều sức lực như thế này được không? Thôi thì cứ xem như đây là lần cuối để mình ráng hết sức”, Hữu Châu bùi ngùi nói.
NSƯT Thành Lộc trong vai Tạ Thanh nham hiểm.
Hai suất diễn đêm 14-15/7 tại TP HCM vừa qua cho thấy khán giả vẫn cần những vở kịch lịch sử được đầu tư nghiêm túc.
Hàng trăm người đã xem kịch với thái độ trân trọng người nghệ sĩ trên sân khấu. Có những lúc khán giả im phăng phắc để theo dõi rồi vỡ òa với những tràng vỗ tay.
Bạn Mộc Miên, 24 tuổi, nhà ở quận 4, TP HCM, chia sẻ cảm nhận: “Việc làm ý nghĩa nhất vào cuối tuần qua của tôi là đội mưa đi xem đêm trở lại của vở Bí mật vườn Lệ Chi. Tôi rất thích Nguyễn Trãi của chú Hữu Châu, nhất là cảnh Nguyễn Trãi đọc bài thơ Tùng và phong lan. Vở diễn có phần biên kịch trau chuốt, từng lời thoại đều có ý nghĩa sâu sắc, gây ám ảnh. Các đoạn độc thoại của thái hậu Nguyễn Thị Anh do Lê Khánh thủ vai và Nguyễn Trãi do Hữu Châu thủ vai rất đắt. Tôi nghĩ nên có những hoạt động để học sinh, sinh viên được tiếp cận vở kịch này nhiều hơn để có thể cảm nhận lịch sử của nước nhà rất hay và khốc liệt”.
Với vai Nguyễn Thị Anh trong “Bí mật vườn Lệ Chi”, Lê Khánh lần đầu tiên có vai diễn nặng ký trên sân khấu. Cô được đánh giá là thể hiện tròn vai, diễn tả được sự giằng xé nội tâm giữa ngai vàng, tình yêu thương con trai và những tội ác do mình gây ra.
Từ ngày 18 đến 22/7, Idecaf liên tục diễn các suất hàng đêm Bí mật vườn Lệ Chi ở Nhà hát Bến Thành.
Cùng thời gian này, từ 18 đến 21/7, Hữu Châu tham gia tuyển chọn sinh viên cho khoa diễn viên trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM . Mỗi ngày, anh đến trường từ 7h30 sáng, và làm việc đến chiều, tối lại lên sân khấu hóa thân thành Nguyễn Trãi.
“Nếu là bận quay phim thì tôi đã xin đoàn cho nghỉ để giữ sức khỏe. Nhưng công việc ở trường là công việc mà tôi yêu thích. Nếu tìm thấy các gương mặt triển vọng thì lại càng tiếp thêm niềm vui cho tôi diễn hay hơn”, anh nói.
Sau khi 7 suất diễn Bí mật vườn Lệ Chi kết thúc vào ngày 22/7, ngày 29/7, Idecaf tiếp tục giới thiệu đến khán giả vở diễn lịch sử Vua thánh triều Lê (kịch bản Lê Duy Hạnh, đạo diễn Vũ Minh), tại Nhà hát Bến Thành. Vở này quy tụ dàn diễn viên: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thanh Vy, Hoàng Trinh, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Đức Thịnh, Xuân Thùy, Phi Phụng, Bạch Long, Phương Dung, Thái Quốc, Thanh Vân, Tuấn Khải, Mai Phương… Đây được xem là phần tiếp theo của Bí mật vườn Lệ Chi nói về việc khi vua Lê Thánh Tông bước lên ngai vàng, ông trăn trở, nghĩ suy về những vần thơ Bình Ngô đại cáo và về án oan của gia tộc Nguyễn Trãi. Ông đã dùng bản lĩnh của mình để giải oan cho vị anh hùng dân tộc. Idecaf đầu tư hai vở diễn lịch sử để phục vụ công chúng nhân dịp sân khấu này tròn 15 năm thành lập.
Theo VNE
Hoàng Trinh "mất ngủ" vì vai Nguyễn Thị Lộ
Vở kịch lịch sử nổi tiếng "Bí mật vườn Lệ Chi" (Tác giả: Hoàng Hữu Đản, Đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) được tái diễn tại Nhà hát Bến Thành 7 suất, bắt đầu từ ngày 14-7. Trong đó, NS Hoàng Trinh (giải Mai Vàng 1996)được thế vai NS Tú Trinh (giải Mai Vàng 1995), Hồng Ánh, đảm đương nhân vật Nguyễn Thị Lộ.
NS Hoàng Trinh, Lương Thế Thành, Võ Thành Tâm trong vở Bí mật vườn Lệ Chi (ảnh Thanh Hiệp)
NSƯT Hữu Châu đã từng được bạn đọc báo NLĐ bình chọn giải Mai Vàng năm 2007 dành cho vai diễn Nguyễn Trãi (ảnh Thanh Hiệp)
Trong bản dựng mới này, DV Lê Khánh (Giải Mai Vàng 2001) sẽ đảm nhận vai Nguyễn Thị Anh thay cho NS Thanh Thủy. DV Xuân Thùy cũng đảm nhận vai Nguyễn Thị Lộ lúc còn trẻ. DV Ngọc Thuận sẽ diễn vai nhà vua thay cho NS Tuấn Khôi. Vở diễn có sự tham gia của hơn 40 diễn viên Nhà hát Múa Rối Nụ Cười và sinh viên trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh TP.HCM.
NS Hoàng Trinh cho biết cô rất lo lắng khi vào vai cần sự thể hiện nội tâm dữ dội, bạn diễn lại là NSƯT Hữu Châu rất thành công trong việc thể hiện nhân vật Nguyễn Trãi.
NSƯT Thành Lộc trong vai Tạ Thanh (ảnh Thanh Hiệp)
Đạo diễn, NSƯT Thành Lộc ( Giải Mai Vàng thành tựu 15 năm) cho biết: "Bản dựng cũ của vở Bí mật vườn Lệ Chi đã được thực hiện từ cách đây hơn 10 năm, do vậy vở diễn sẽ được chỉnh sửa một số chi tiết để gần gũi hơn với cuộc sống đương đại. Trong lần tái diễn trước chúng tôi đã làm nhẹ đi sự thỏa hiệp đáng sợ của Thần Phi Nguyễn Thị Anh khi lý giải bà chỉ vì bị lôi kéo làm điều bất minh, điều này là sự hợp lý để tuyến kịch phát triển về sau".
NSƯT Hữu Châu và NS Hoàng Trinh trong vở Bí mật vườn Lệ Chi (ảnh Thanh Hiệp)
Thần phi Nguyễn Thị Anh là một trong số những vai diễn thành công nhất của Thanh Thủy (được trao giải Mai Vàng 2007) và Nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ là vai diễn để đời của NS Tú Trinh tại sân khấu Idecaf. Đứng trước hai vai diễn đầy khó khăn này, NS Hoàng Trinh và Lê Khánh đã phải nỗ lực rất nhiều mới có thể thuyết phục người xem.
Bộ tứ làm nên tác phẩm: NSƯT nhạc sĩ Trần Vương Thạch (âm nhạc), NSƯT Thành Lộc (đạo diễn), cố tác giả Hoàng Hữu Đản (tác giả kịch bản) và Họa sĩ Lê Văn Định (thiết kế sân khấu) (ảnh Thanh Hiệp)
Ở lần tái diễn này, sự ra đi của tác giả Hoàng Hữu Đản đã để lại nhiều tiếc thương cho tất cả các nghệ sĩ tham gia vở diễn. NSƯT Hữu Châu tâm sự: "Chúng tôi sẽ cố gắng diễn thật hay khi đưa tác phẩm của ông ra sân khấu lớn. Đó chính là những nén hương lòng gửi đến vông linh của ông, một tác giả, một nhà nghiên cứu đã cống hiến cho đời nhiều tác phẩm, công trình quí giá". Vở Bí mật vườn Lệ Chi đã diễn được hơn 70 suất từ ngày đầu ra mắt năm 2000.
Theo Người lao động
Chỉ bán 500 vé thôi! Một khán phòng cả ngàn ghế nhưng chỉ bán 500 vé thôi, còn lại thì quây kín để... trống. Đó là cách làm của Sân khấu kịch IDECAF khi công diễn vở Bí mật vườn Lệ Chi và Vua thánh triều Lê (ảnh) tại Nhà hát Bến Thành trong ngày 14 và 28.7. Thật sự đây không phải "chảnh" mà là tâm huyết...