Hút thuốc lá sai quy định bị phạt tới 300 ngàn đồng
Hành vi hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm, thậm chí bỏ tàn thuốc không đúng nơi quy định bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Mức phạt tiền này thấp hơn so với đề xuất ban đầu dự thảo đưa ra là từ 300.000 đến 500.000 đồng. Trước đây, hành vi này chỉ bị phạt 100.000 đồng. Đây là nội dung trong nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được Chính phủ ban hành tháng 11 và có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), ngoài xử phạt cá nhân, nghị định này cũng áp mức phạt đối với các tổ chức. Chủ các cơ sở bị phạt 3 – 5 triệu đồng nếu không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại nơi có quy định cấm, không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc trong cơ sở của mình.
Một trong những mẫu cảnh báo sức khỏe về hình ảnh bắt buộc in trên vỏ bao thuốc.
“Hiện nay đi đâu cũng thấy quy định này bị vi phạm. Mức phạt cao hơn 5-10 triệu đồng nếu nơi quy định dành riêng cho người hút lá không đáp ứng các yêu cầu của Luật như không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt; không có dụng cụ chứa đụng mẩu, tàn thuốc lá…”, ông Quang nói.
Ngoài ra, hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng bị phạt 1-2 triệu đồng. Điểm bán không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Việc bán thuốc lá ngoài cổng các nhà trẻ; trường mẫu giáo; trường học cấp 1, 2, 3 bị phạt 3-5 triệu đồng.
Trong lĩnh vực quảng cáo, mức phạt được nâng lên 40 triệu đồng, theo ông Quang, là “đủ sức răn đe, giáo dục, thuyết phục”. Hành vi in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh không đúng mẫu, vị trí, diện tích cũng bị phạt 20-30 triệu đồng.
Thẩm quyền xử phạt các vi phạm này là: Chủ tịch UBND các cấp, thanh tra y tế, quản lý thị trường, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, cơ quan thuế, thanh tra tài chính. Bên cạnh đó, các công chức viên chức trong điều kiện hoạt động của mình cũng có quyền lập biên bản các hành vi vi phạm, sau đó gửi lên các chức danh có thẩm quyền xử phạt để xử lý.
Thanh tra Bộ Y tế đang được giao nhiệm vụ xây dựng mẫu biên bản. “Trường hợp sai phạm xảy ra tại bệnh viện, viên chức được giao nhiệm vụ ở bệnh viện sẽ lập biên bản rồi gửi cho UBND phường để ra quyết định xử phạt”, ông Quang nêu ví dụ.
Theo ông Quang, hành lang pháp lý đã đầy đủ để triển khai. Dù vậy, ông cũng thừa nhận, lực lượng xử phạt chủ yếu hiện nay là thanh tra của Bộ và Sở Y tế nhưng lực lượng này lại quá mỏng, đảm đương nhiều công việc. Thanh tra Bộ chỉ có 32 người; với cấp Sở, nơi đông nhất là TP HCM 17 người, sau đó là Hà Nội 14, các tỉnh khác chỉ có 2-3 người.
“Thói quen tuân thủ pháp luật của người Việt Nam còn hạn chế. Điều căn bản là người dân tự giác, tự nguyện chấp hành chứ không thể có cơ chế nào suốt ngày rải người ra ở tất cả mọi nơi để xử phạt. Vì thế, quan trọng vẫn là tuyên truyền phổ biến luật”, ông Quang nói.
Theo Vnexpress