Hút thêm nhiều doanh nghiệp rót tiền vào ngành chăn nuôi
Đó là một trong những mục tiêu đề ra cho Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030.
Trao đổi với phóng viên NTNN bên lề hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 – 2018, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi là hướng đi góp phần hiện đại hóa ngành.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến
Sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018, ngành chăn nuôi đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Theo ông, kết quả ấn tượng nhất của việc thực hiện chiến lược là gì?
- Sau 10 năm triển khai, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5 – 6%/năm, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 đạt 4,5 – 5%, giai đoạn 2016 – 2018 đạt trung bình 6%/năm.
Kết quả trên cũng đã góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và bước đầu cho xuất khẩu một số sản phẩm.
Cũng trong giai đoạn 2008 – 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần; trứng tăng 2,3 lần; sữa tươi tăng 3,6 lần; thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Từ chỗ thiếu thực phẩm, đến nay ngành chăn nuôi đã cơ bản cung cấp đủ cho thị trường trong nước các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu.
Riêng năm 2018, sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn (thịt lợn đạt 3,8 triệu tấn, thịt gia cầm 1,1 triệu tấn, các loại khác 0,5 triệu tấn) tương đương 37,8 triệu tấn thịt xẻ. Như vậy, so với mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2020, sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,8 triệu tấn (5,5 triệu tấn thịt xẻ) khó đạt được.
Ngành chăn nuôi thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư trong thời gian qua. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến thịt lợn tiêu chuẩn châu Âu của Masan. (Ảnh tư liệu) P.V
Diễn biến thị trường, dịch bệnh thời gian qua cho thấy, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn. Vậy, mục tiêu đề ra cho ngành chăn nuôi giai đoạn tiếp theo là gì, thưa ông?
- Trong dự thảo đề án phát triển chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Bộ NNPTNT đặt ra các mục tiêu như sau: Đến năm 2030, sản lượng thịt xẻ đạt khoảng 6,5 – 7 triệu tấn, trong đó thịt lợn chiếm tỷ lệ cao với khoảng 60 – 62%. Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, thịt heo còn dành xuất khẩu với tỷ trọng chiếm 15 – 20%. Để đáp ứng được mục tiêu này, sẽ chuyển dần sang chăn nuôi heo với các giống lợn cao sản theo hướng trang trại công nghiệp.
Video đang HOT
Để tránh các bài học dịch bệnh như từng xảy ra, dự thảo đề xuất giải pháp: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đến năm 2030 có ít nhất 20 vùng cấp huyện; triển khai xây dựng bản đồ dịch tễ đối với những loại dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên xảy ra và dịch bệnh mới. Đẩy mạnh sản xuất các loại vaccine, chế phẩm thuốc thú y trong nước có thể kiểm soát, khống chế dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi…
Tuy vậy, những thách thức cho giai đoạn tới không hề nhỏ, khi áp lực gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, nhất là quá trình hội nhập sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 cần bảo đảm việc thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi, tạo lập môi trường bình đẳng, công bằng cho tổ chức cá nhân tham gia đầu tư các lĩnh vực của ngành về chăn nuôi; xây dựng định hướng lộ trình, giải pháp đồng bộ phù hợp để phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo đó, cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai trong quá trình thực hiện, đồng thời tháo gỡ những khó khăn về tích tụ đất đai, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, gia tăng quy mô trang trại chăn nuôi khép kín và an toàn. Bên cạnh đó có các chính sách thúc đẩy công nghiệp chế biến và liên kết các doanh nghiệp chăn nuôi trong chuỗi giá trị.
Bộ NNPTNT cũng đề ra 13 nhóm giải pháp cần tập trung và triển khai đồng bộ, trong đó Nhà nước tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi. Theo đó, định hướng phát triển các đối tượng vật nuôi trong giai đoạn 2020-2030 về chăn nuôi lợn sẽ duy trì quy mô khoảng 29 – 30 triệu con; đàn gà thường xuyên có khoảng 400 – 450 triệu con; chăn nuôi trâu, bò ổn định từ 2,4 – 2,6 triệu con; chăn nuôi dê cừu ổn định từ 4 – 4,5 triệu con… Đến 2040, phấn đấu ngành chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại được công nghiệp ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thực trạng của ngành chăn nuôi vẫn là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Vậy làm thế nào để hóa giải thách thức này, thưa ông?
- Xét một cách tổng thể, đúng là quy mô ngành chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình. Đây chính là điều kiện để các loại dịch bệnh phát sinh. Mục tiêu của giai đoạn tới là tăng chăn nuôi gia cầm, đại gia súc để cân bằng lại rổ thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng. Tuy nhiên, việc triển khai Luật Chăn nuôi cũng như Chiến lược chăn nuôi giai đoạn mới phải có bước đi từng giai đoạn, tháo gỡ từng vướng mắc để đảm bảo cơ cấu và tổng sản lượng thực phẩm phù hợp với từng năm và từng giai đoạn.
Chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút thêm đầu tư vào ngành chăn nuôi. Năm 2019, riêng lĩnh vực nông nghiệp đã có 17 dự án đầu tư của doanh nghiệp với tổng giá trị 20.000 tỷ đồng; trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư như Masan, TH Milk, De heus… để tạo ra sự chuyển biến lớn.
Doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định sức cạnh tranh của ngành hàng cho nên tới đây chúng ta cần có thêm những chính sách bổ sung như: Trong Luật Đất đai phải có đất cho chăn nuôi vì quy mô chăn nuôi trang trại hiện nay rất lớn. Vì vậy, cần cụ thể hơn với ngành chăn nuôi, thậm chí phải phù hợp với từng vùng miền như: Đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Giá heo hơi tăng phi mã, Phó Thủ tướng yêu cầu dự báo từng tháng
Trước tình hình giá lợn hơi tăng cao, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài để cân đối cung - cầu, nhất là trong dịp lễ, Tết cuối năm.
Chiều 18/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giá heo hơi trong những tháng cuối năm có xu hướng tăng cao, cần có giải pháp để kiểm soát chỉ số giá, đảm bảo cung - cầu về thịt heo và giảm lạm phát kỳ vọng đối với mặt hàng thiết yếu này.
Giá heo hơi có nơi tăng tới 75.000 - 80.000 đồng/kg
Báo cáo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho thấy, từ đầu tháng 2/2019 - 15/11/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết tỉnh Hưng Yên đã cơ bản hết dịch tả lợn châu Phi, trong khi đó giá lợn hơi cả nước tăng nhanh trong thời gian qua.
Đến nay, có 54% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 25 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; tỉnh Hưng Yên về cơ bản đã hết dịch. Nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.
Về vấn đề giá lợn hơi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, thời gian qua giá lợn hơi trung bình cả nước khoảng 60.000 - 67.000 đồng/kg, cá biệt có nơi đã lên tới 75.000 - 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá heo hơi hôm nay tăng cao là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường.
Trong khi đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu và hàng giả, hàng nhái 389 và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.
Thêm vào đó, người chăn nuôi lớn thường không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi, dẫn đến những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung lợn thịt, phải mua lại của thương lái hoặc những nông hộ ép giá lên cao đã làm cho giá heo hơi ở những khu vực này tăng cao cục bộ so với giá bình quân chung.
Các nguồn thông tin vừa qua chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt, gây hiệu ứng lan tỏa giá heo hơi trong nước tăng cao do thiếu trầm trọng nguồn cung và thương lái đã lợi dụng đẩy giá lên cao bất thường.
Theo phân tích của Lãnh đạo Tổng cục Thống kê, giá lợn hơi thời điểm này đã tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Ở miền Bắc, tháng 11/2019, giá lợn hơi ở mức 70 - 75.000 đồng/kg, cá biệt ở Lào Cai, Hưng Yên lên tới 78.000 đồng/kg, ở miền Trung dao động mức 70.000 đồng/kg và miền Nam từ 65.000 - 75.000 đồng/kg. Tổng cục Thống kê dự báo mức CPI tháng 11 tăng khoảng 0,8 - 1%, riêng giá thịt lợn tác động đến mức tăng CPI là 0,75%.
Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn và với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay thì tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn.
Dự báo nếu giá thịt lợn tăng khoảng 10 - 15% nữa, đạt đến mức giá 80.000 đồng/kg thì sẽ làm CPI chung tăng khoảng 0,5 - 0,7%, đưa mức CPI bình quân năm 2019 dự báo tăng dưới 3% so với năm 2018, vẫn trong vùng kiểm soát. Tuy nhiên, phải có hướng để kiểm soát xu thế giá tăng cao, hạn chế lạm phát kỳ vọng, tạo dư địa cho điều hành giá năm 2020.
Yêu cầu dự đoán nhu cầu thịt lợn từng tháng
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cách đây 3 ngày ông dẫn đầu đoàn của Bộ sang làm việc với Bộ NN&PTNT, làm rõ vấn đề có thiếu thịt lợn hay không, thiếu ở mức độ nào, nhưng ngay trong bộ cũng chưa thống nhất trong vấn đề phán đoán.
Ông Hải cho rằng phải khẳng định là thiếu thịt lợn, đặc biệt là dịp Tết sẽ thiếu 70.000 - 90.000 tấn thịt lợn hơi, phải tính đến việc nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung nếu trong nước không đảm bảo. Điều này sẽ làm hạ nhiệt giá thịt lợn, giảm lạm phát kỳ vọng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp.
Khẳng định cần nhận định sát, đúng tình hình, tránh cực đoan duy ý chí hoặc phức tạp hóa vấn đề, tạo lạm phát kỳ vọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Không ai gói bánh chưng bằng thịt gà, thịt dê, phải tính kỹ xem Bộ có chủ quan quá không".
Phó Thủ tướng khẳng định giá thịt lợn đã tăng 18,64% vượt cả dự báo từ đầu năm 2019, nhất là xuất hiện tình hình phức tạp về đầu cơ thịt lợn. Một bộ phận thương lái, đầu nậu liên kết với cơ sở chăn nuôi găm hàng và đẩy giá lên cao so với thực tế, dẫn tới người sản xuất không được lợi mấy, chỉ nhóm trung gian được lợi.
Nhận định nguồn cung thịt lợn trong nước thiếu hụt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN&PTNT nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung - cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25- 30%/ngày.
Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý. Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ kế hoạch để bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới.
Phần thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung - cầu thịt lợn trong nước. Việc nhập khẩu thịt lợn làm sao phải vừa đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng, nhưng không ảnh hưởng đến người sản xuất.
"Chính phủ khẳng định sẽ kiểm soát lạm phát từ 3,3- 3,9% và có thể thấp hơn mặc dù giá xăng dầu thế giới tăng và giá lợn hơi tăng trên cơ sở bảo đảm cung - cầu và minh bạch các thông tin cho người dân và người tiêu dùng biết để bảo đảm hài hoà lợi ích các bên", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT, các địa phương không chủ quan, tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ban bí thư, Nghị quyết 42 của Chính phủ, Chỉ thị 04 và Công điện 667 của Thủ tướng Chính phủ và thông báo 9380 của Trưởng Ban chỉ đạo giá liên quan tới sản xuất và cung ứng thực phẩm từ thịt lợn.
Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn vận chuyển lợn qua chế biến qua các địa phương, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương phải phụ trách theo địa bàn cụ thể về chống dịch, lưu thông thực phẩm từ thịt lợn, có kế hoạch điều hoà cung cầu, chịu trách nhiệm với Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính và NHNN tích cực tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo Danviet
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp chậm thay đổi Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định như vậy, khi trao đổi với phóng viên về việc Trung Quốc thay đổi trong chính sách kiểm soát nhập khẩu hàng nông sản. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến. Từ sự thay đổi của Trung Quốc trong chính sách kiểm dịch nông sản cho thấy, đây không còn là một thị trường...