Hút mỡ dễ có nguy cơ tử vong như thế nào?
Việc chị Huyền bị tử vong sau khi làm đẹp tại thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) hút mỡ một lần nữa khiến nhiều phụ nữ quan tâm đến phẫu thuật thẩm mỹ cảm thấy lo lắng.
Phẫu thuật thẩm mỹ có thể gặp những biến chứng gì? Khi có nhu cầu nên đến đâu để được phẫu thuật thẩm mỹ tránh được tối đa rủi ro? Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Anh Tuấn – trưởng khoa bộ môn tạo hình – thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ủy viên ban chấp hành Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM – nói:
- Cũng như các phẫu thuật chuyên khoa khác trong ngành y, phẫu thuật thẩm mỹ có thể gặp một số tai biến, biến chứng kèm theo. Đây là những tai biến, biến chứng không mong muốn, có thể xảy ra do kỹ thuật, do thuốc, do môi trường hoặc hoàn cảnh khách quan nào đó. Phẫu thuật nào cũng có tỉ lệ tai biến, biến chứng nhất định, không phải lúc nào cũng an toàn 100%. Đây là lý do vì sao trước khi phẫu thuật bệnh viện yêu cầu bệnh nhân, người nhà phải ký cam kết việc chấp nhận có thể gặp rủi ro, tai biến khi phẫu thuật. Thực tế, tất cả phẫu thuật, thủ thuật, kể cả việc chỉ chích một mũi thuốc cũng có thể gây ra tai biến, biến chứng.
* TS có thể nêu một số tai biến, biến chứng gặp phải khi phẫu thuật thẩm mỹ?
- Biến chứng trong ngoại khoa có thể gặp lúc phẫu thuật, thủ thuật như dị ứng thuốc, phản ứng thuốc, sốc phản vệ; biến chứng nhiễm trùng phẫu thuật; biến chứng hoại tử da, mô mềm, tắc mạch do mỡ, thuyên tắc tĩnh mạch sâu; về lâu dài còn có biến chứng là sẹo xấu, sẹo co rút…
Ảnh minh họa
Video đang HOT
* Nguy cơ biến chứng từ việc hút mỡ, bơm mỡ như thế nào, thưa TS?
- Hút mỡ, cắt da mỡ ở những vùng dư thừa có thể coi như một chấn thương. Các biến chứng nặng có thể gặp phải là tắc mạch do mỡ, thuyên tắc tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi. Khi thực hiện kỹ thuật hút mỡ (hoặc các phẫu thuật lớn nói chung), các tế bào mỡ có thể bị tách rời, hoặc giải phóng các tế bào mỡ vào trong máu gây tắc mạch do mỡ.
Với các cuộc mổ kéo dài có thể dẫn đến tình trạng hình thành những cục máu đông ở một số tĩnh mạch (thường nhất là xảy ra ở chân) gây thuyên tắc tĩnh mạch sâu. Những cục máu đông này có thể di chuyển đến phổi gây tắc tĩnh mạch phổi… Đây là những biến chứng rất nguy hiểm, có thể gây nên những cái chết đột ngột, bất ngờ và khi xảy ra thì tỉ lệ tử vong rất cao, gần như 100%. Cần lưu ý, khi hút mỡ bệnh nhân có tỉ lệ gặp những biến chứng này cao hơn những thủ thuật, phẫu thuật khác.
* Riêng gây mê khi phẫu thuật có thể gặp những biến chứng gì, thưa TS?
- Hiện có rất nhiều máy móc cũng như thuốc gây mê tốt nhưng vẫn không thể tránh khỏi những trường hợp tai biến, biến chứng. Thường nhất là phản ứng, dị ứng với thuốc gây mê (giống như các thuốc khác cũng có thể xảy ra). Nếu nhẹ, bệnh nhân sẽ bị dị ứng đỏ da, nổi mẩn, ngứa da… nhưng nếu nặng, bị sốc phản vệ, bệnh nhân bị tụt huyết áp rất nhanh, chân tay lạnh, tím tái, khó thở và có thể tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
* Việc hút mỡ bụng rồi cấy lên ngực có thật sự hiệu quả và được công nhận không, thưa TS?
- Hút mỡ của bệnh nhân để bơm vào ngực, làm tăng thể tích bộ ngực hay vùng nào đó cho chính bệnh nhân thật ra là phương pháp cấy ghép mô tự thân, không bị cấm nhưng trong chuyên ngành thẩm mỹ có những nguyên tắc và chỉ định chặt chẽ. Hiện không có quy định cấm hút mỡ ở vùng nào đó trong cơ thể để bơm vào ngực. Tuy nhiên, người làm phải được đào tạo tốt và làm đúng quy trình, đúng phương pháp, đúng kỹ thuật mới đạt kết quả tốt.
* Xin bác sĩ cho lời khuyên khi có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ thì nên đến đâu?
- Nếu có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ, người muốn làm đẹp phải thật thận trọng, chỉ nên đến những cơ sở đã được cơ quan quản lý y tế thẩm định và cấp phép hành nghề. Người dân có thể nhận biết cơ sở có giấy phép của cơ quan quản lý y tế qua bảng hiệu của cơ sở (bảng hiệu luôn có số giấy phép hành nghề và tên cơ quan cấp phép).
Đối với những bác sĩ được cấp phép làm phẫu thuật thẩm mỹ cũng chỉ nên làm những dịch vụ mà cơ quan cấp phép cho thực hiện bởi ngay cả khi đã chuẩn bị rất tốt thì biến chứng, tai biến vẫn có thể xảy ra, để lại hậu quả không thể nói trước được. Chúng tôi cũng mong cơ quan quản lý kiểm tra và chấn chỉnh các quảng cáo không đúng sự thật gây ngộ nhận cho người dân khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo VNE
Sinh tố hoa quả làm tăng bệnh tiểu đường
Để kiểm soát tốt glucose máu, giảm thiểu các biến chứng của bệnh, người bị bệnh tiểu đường cần có một chế độ ăn sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
Để kiểm soát tốt glucose máu, giảm thiểu các biến chứng của bệnh, bà nội bạn cần có một chế độ ăn sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, kiểm soát cân nặng, vận động thể lực thường xuyên, theo dõi diễn biến glucose máu.
Bà nội tôi bị tiểu đường nhưng lại rất thích ăn sinh tố hoa quả. Mong chuyên mục cho biết, người bị tiểu đường ăn nhiều sinh tố hoa quả có nguy hại không? Vì sao?
Mỹ Nhung (Hải Phòng)
Trả lời:
Tiểu đường là một hội chứng chuyển hóa đặc trưng bởi tăng đường máu, là hậu quả của việc suy giảm bài tiết. Bệnh gây ra những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe như các bệnh võng mạc và bệnh thận; tổn thương đáy mắt, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, lao phổi, hoại tử chi, tổn thương bàn chân...
Ảnh minh họa
Khi bị bệnh tiểu đường, bà bạn có thể ăn hoa quả chín (80-100g/lần x 2-3 lần mỗi ngày) nhưng chỉ nên ăn ở dạng miếng, không nên ăn ở dạng xay sinh tố vì làm cho đường hấp thu nhanh hơn. Tuy nhiên, khi ăn hoa quả, bà nội bạn phải giảm lượng cơm đi.
Để kiểm soát tốt glucose máu, giảm thiểu các biến chứng của bệnh, bà nội bạn cần có một chế độ ăn sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, kiểm soát cân nặng, vận động thể lực thường xuyên, theo dõi diễn biến glucose máu. Các loại hoa quả có chỉ số đường huyết (GI) thấp mà người tiểu đường nên dùng là: Xoài: 54GI, mận: 24GI, chuối: 53GI, táo 52GI, anh đào: 32GI, nho: 43GI, nước táo không đường: 44GI. Các nhóm rau củ có chỉ số đường huyết thấp là: Khoai lang: 54GI, cà rốt: 49GI, khoai sọ: 58GI, củ từ: 51GI, sắn: 50GI.
Ngoài ra, bà bạn không nên ăn nhiều đường ngọt, tinh bột, quả ngọt khô, quả ngọt ngâm đường, mứt hoa quả, các loại nước uống có đường mật, nước uống đóng lon, chai sẵn vì những chất này dễ làm tăng glucose máu.
Theo VNE
Sai lầm khi uống rượu để 'chống rét' mùa đông Sau uống rượu, nếu bạn phải làm việc hay tập luyện thể thao trong môi trường lạnh giá sẽ dễ bị cảm, trúng gió... Khi mùa đông đến, nhiều người cho rằng uống rượu có thể chống lại cái rét. Mỗi khi cảm thấy lạnh, họ thường nhấp vài ngụm rượu trắng để "sưởi ấm" cơ thể, nhất là khi phải làm những...