Hướng xử lý nhiều vấn đề “nóng”
Mặc dù TP đã có chỉ đạo, cảnh báo nhưng số nợ xây dựng cơ bản vẫn tăng, có hay không sự chủ quan trong chỉ đạo, điều hành? Đâu là nguyên nhân của tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công, có hay không việc cơ quan quản lý làm ngơ?… Đó là những câu hỏi được ĐB HĐND TP Hà Nội nêu ra trong phiên chất vấn ngày 5-12.
Trong ngày làm việc thứ 4, HĐND TP dành trọn thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn xoay quanh 3 nhóm vấn đề chính là kinh tế ngân sách, quản lý đất đai và xã hội, dân sinh.
Người dân trồng rau trên một dự án bỏ hoang tại quận Cầu Giấy, Hà Nội
Ảnh: PHÚ KHÁNH
Vẫn lo cháy nổ cây xăng
Trước khi tiến hành chất vấn trực tiếp, các ĐB đã nghe ông Nguyễn Văn Nam – Uỷ viên Thường trực HĐND TP báo cáo tóm tắt tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kết luận tại phiên chất vấn của Chủ tịch HĐND TP kỳ họp thứ 7.
Ở phần tái chất vấn, ĐB Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ lo lắng về việc bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cây xăng chưa đủ điều kiện trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay. ĐB Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.
“Biện pháp lý thuyết thì nhiều nhưng thực tế kiểm tra mới phát hiện không đủ điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa lực lượng phòng cháy chữa cháy với quận huyện như thế nào để đảm bảo an toàn? UBND TP cần chỉ đạo việc thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hơn”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh chia sẻ, đối với Thủ đô Hà Nội, yếu tố hạ tầng kỹ thuật do lịch sử để lại đang đặt ra nhiều vấn đề như các xe PCCC không thể tiếp cận các hộ dân trong ngõ ngách nhỏ, nhà cao. TP đang trong giai đoạn tập trung nguồn lực cho các phương tiện, thiết bị giúp phòng cháy chữa cháy tốt hơn. “Với kinh doanh xăng dầu, UBND TP đã giao các sở, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, yêu cầu tất cả các cơ sở chưa đủ điều kiện phải hoàn chỉnh, nếu không sẽ dừng hoạt động”, Phó Chủ tịch UBND nhấn mạnh.
Báo động nợ xây dựng cơ bản
Báo cáo về tình trạng nợ xây dựng cơ bản (XDCB), ông Ngô Văn Quý – Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho biết, tính đến thời điểm 30-6-2013, TP có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện XDCB vượt kế hoạch giao chưa được thanh toán gồm 2.243 dự án với số vốn đầu tư hơn 3.246 tỷ đồng. Nguyên nhân là do nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách lớn, trong khi đó nguồn vốn cân đối có hạn. Ngoài ra, quá trình triển khai dự án, phía chủ đầu tư mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án, nhà thầu muốn có việc làm và tự nguyện ứng vốn thi công vì vậy dẫn đến tình trạng khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn giao…
Liên quan tới vấn đề này, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) đưa ra câu hỏi chất vấn: “Số nợ XDCB hiện nay đã tăng đến hơn 3.000 tỷ đồng, theo cá nhân tôi đã thực sự đáng lo ngại và báo động. Tại sao TP đã chỉ đạo, cảnh báo mà số nợ vẫn tăng? Có hay không sự chủ quan trong chỉ đạo, điều hành? Trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn, dự báo sẽ còn khó khăn trong 2014, có hay không việc chạy theo thành tích, gây áp lực chỉ tiêu giao quá cao ở một số nơi mà ngân sách không có khả năng đáp ứng?”. ĐB Nguyễn Xuân Diên chất vấn thêm: “Để phát sinh nợ XDCB thì việc xử lý những người có trách nhiệm trong việc chưa được duyệt vốn dự án nhưng đã ký thực hiện dự án như thế nào?”.
Video đang HOT
Trả lời cho các câu hỏi chất vấn, ông Ngô Văn Quý – Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, tỷ lệ nợ đầu tư xây dựng cơ bản tăng lên là do 3 nguyên nhân, đối tượng nợ tăng lên, một số huyện báo cáo tăng và có 10 đơn vị có kê khai thêm nợ. Việc một số chủ đầu tư còn cho triển khai dự án khi chưa có kế hoạch vốn bố trí, ông Ngô Văn Quý khẳng định từng quận, huyện, đơn vị phải kiểm điểm nghiêm túc.
Trước phần trả lời chưa đi đến cùng vấn đề, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh thẳng thắn nêu câu hỏi chất vấn: “Bệnh nợ XDCB có chữa được không? Giải pháp gì và lúc nào thì chữa xong?”. Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Văn Quý cho biết, để chấm dứt nợ XDCB hoàn toàn là rất khó. Tuy nhiên, nếu TP quyết liệt, các quận, huyện, sở, ngành thực hiện nghiêm thì tin rằng xử lý được.
Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt đánh giá: “Xoay quanh nội dung nợ xây dựng cơ bản, những câu hỏi của ĐB nêu ra rất sát, các câu hỏi vừa là nêu vừa là nhắc nhở, đề xuất, gợi ý trong các giải pháp khắc phục”.
“Qua giám sát của Thường trực HĐND, khi đoàn giám sát về các quận huyện, một số đồng chí lãnh đạo quận huyện còn nói là doanh nghiệp tự bỏ vốn, rồi cam kết bao giờ có thì trả thì sao lại ngăn không cho. Có đồng chí cho rằng việc này xã tự lo được, huyện tự lo được. Điều đó cho thấy nhận thức chưa tốt, việc cấm nhà thầu ứng vốn thi công đã được ghi vào luật và được nhắc nhở nhiều. Ngoài gây phát sinh nợ cho ngân sách thì đằng sau đó phát sinh nhiều vấn đề như kiện tụng, khiếu nại, đơn thư. Với nhận thức kém như vậy cần phải có chỉ đạo quán triệt sâu sắc hơn”, Phó Chủ tịch HĐND nhấn mạnh.
Quản lý đất đai: Có lúc, có nơi buông lỏng
Liên quan tới vấn đề quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị, ĐB HĐND TP chất vấn: “Đề nghị UBND TP cho biết có hay không tình trạng để hoang hóa, chuyển nhượng trái pháp luật, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở TP?”.
Ở phần chất vấn trực tiếp, ĐB Phạm Xuân Tài (Thường Tín) hỏi: “Có phải đã có sự buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này? Đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý vi phạm, đây có phải là sự chậm vào cuộc và giải quyết không hiệu quả của UBND TP hay không?”.
Trả lời cho các câu hỏi trên, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết: “Tình trạng để hoang hóa, chuyển nhượng trái pháp luật, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là thực trạng bức xúc ở một số địa phương. Mấy năm gần đây, Thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nên tình trạng này đã được khắc phục, có nhiều chuyển biến. Để khắc phục, UBND TP đã và đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành thanh tra, kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với từng trường hợp theo quy định của pháp luật”.
“Việc quản lý đất đai theo quy định là quản lý nhà nước thường xuyên các cấp chính quyền đã tập trung quản lý, càng gần đây càng chặt chẽ hơn. Có nơi, có lúc buông lỏng chúng tôi có kiểm tra và xử lý. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, làm nhà trên đất nông nghiệp là quản lý nhà nước. Những trường hợp vi phạm lớn phải có thanh tra xử lý kể cả xử lý cán bộ”, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh thẳng thắn cho biết.
ĐB Phạm Xuân Tài (Thường Tín): Tiếp tục theo sát việc thực hiện lời hứa
“Trong lĩnh vực đất đai, tôi thấy thông tin trả lời của UBND TP đã đầy đủ, rõ ràng. Về các giải pháp, nhìn chung cũng tương đối rõ nhưng quan trọng là khâu thực hiện sau này như thế nào. Tôi nghĩ, UBND TP cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Mỗi đại biểu HĐND TP đều hy vọng việc giám sát của mình phải có kết quả là cơ quan chấp hành phải thực hiện nghiêm túc. Với chức năng, quyền hạn của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đeo bám vấn đề, theo sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên UBND TP tiếp theo”.
ĐB Nguyễn Tùng Lâm (Đống Đa): Chưa rõ giải pháp phối hợp
Nhiều câu được khen là rõ, song một số câu còn né tránh, chưa trả lời hết được ý đại biểu mong muốn. Đặc biệt, theo tôi, các giải pháp nêu ra là chưa đủ. Lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm chẳng hạn. Một mâm cơm, 3 cơ quan cùng quản lý. Vậy điều cử tri và ĐB HĐND TP mong muốn là giải pháp mà 3 cơ quan cùng phối hợp thực hiện như thế nào để mâm cơm đó an toàn. Quảng cáo về thực phẩm cũng thế. Sao lại để họ tự tung tự tác quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng. Vậy cơ quan quản lý đã ở đâu khi họ làm vậy? Đó mới là những nội dung mà ĐB HĐND TP cần làm rõ”.
ĐB Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm): Nhiều vấn đề cần thời gian để làm rõ
“Vấn đề nợ xây dựng cơ bản và các dự án xây dựng – chuyển giao quan trọng và phức tạp. Do vậy, không phải dễ trả lời cũng như xử lý. Trong phần báo cáo có nguyên nhân khách quan, chủ quan song vấn đề là khắc phục nợ đọng như thế nào, nhanh hay chậm… Tôi cho rằng trả lời của lãnh đạo UBND TP, Ủy viên của UBND TP cơ bản chấp nhận được. Tất nhiên, còn một số khía cạnh phức tạp cần có thời gian nghiên cứu đầy đủ và trả lời thêm. Thực tế, có những vấn đề không phải chỉ mấy phút là trả lời được, cần có thời gian tổng kết, đánh giá thận trọng”.
Theo ANTD
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 - HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV
Sau 5 ngày làm việc tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, dân chủ, chiều 6-12, kỳ họp thứ 8 - HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV đã chính thức bế mạc.
Kỳ họp thứ 8 - HĐND TP Hà Nội đã thành công tốt đẹp
Đẩy mạnh hoạt động giám sát
Bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, tại kỳ họp này, HĐND TP đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND TP về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách năm 2013 và quyết nghị nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, thu, chi ngân sách năm 2014.
HĐND TP đã xem xét, thông qua 17 Nghị quyết quan trọng thuộc thẩm quyền. Đặc biệt, tại kỳ họp này, HĐND đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường thuộc TP Hà Nội, trình Chính phủ phê duyệt.
"HĐND đã thực hiện giám sát trực tiếp qua hình thức chất vấn UBND TP và các sở, ngành liên quan. Nội dung chất vấn trực tiếp của các vị đại biểu HĐND được nêu ra hết sức thẳng thắn, tâm huyết, xây dựng, đi đúng vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm", bà Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá.
Chủ tịch HĐND TP cũng khẳng định: "Qua chất vấn đã gợi mở những vấn đề, các giải pháp để UBND TP, các sở, ngành tập trung giải quyết hiệu quả các nội dung được nêu, theo hướng phân công rõ cơ quan, rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ thời gian thực hiện, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, dứt điểm những điều đã cam kết trước HĐND và cử tri Thủ đô".
"Để các nghị quyết vừa được thông qua sớm đi vào cuộc sống, ngay sau kỳ họp này, HĐND đề nghị UBND Thành phố, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả. HĐND đề nghị các ban, tổ ĐB và ĐB HĐND báo cáo với cử tri về kết quà kì họp, tăng cường phối hợp để tổ chức thực hiện nghị quyết, đẩy mạnh các hoạt động giảm sát", Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh.
Ưu tiên thúc đẩy phát triến sản xuất kinh doanh
Với dự và phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, Chủ tịch UBND TP - Nguyễn Thế Thảo cho biết: "Tại kỳ họp này, UBND thành phố đã nhận được 361 ý kiến, kiến nghị của cử tri và 29 câu hỏi chất vấn của đại biểu. Các Phó chủ tịch, Thành viên ủy ban và các cơ quan của UBND thành phố đã trả lời trực tiếp tại hội trường và báo cáo bằng văn bản, giải trình đầy đủ, trách nhiệm các ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND TP".
"Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là những yêu cầu, mong muốn từ thực tiễn và là ý kiến đóng góp cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP. Thay mặt UBND Thành phố tôi xin chân thành cảm ơn, nghiêm túc tiếp thu và sẽ chỉ đạo thực hiện, báo cáo kết quả với HĐND", Chủ tịch UBDN TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định.
Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, mặc dù trong bối cảnh kinh tế Thủ đô và đất nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn dự báo. Nhưng TP đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phát huy cao độ tinh thần chủ động, tích cực triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả khá toàn diện.
"Tuy nhiên, còn những hạn chế và yếu kém mà vừa qua UBND TP đã khắc phục, đang khắc phục và tới đây sẽ tiếp tục khắc phục, xử lý. Như sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, thị trường bất động sản phục hồi chậm, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được khắc phục... Công tác quản lý ở một số ngành, lĩnh vực còn yếu kém, để xảy ra sai phạm, gây bức xúc trong dư luận nhân dân như quản lý công trình văn hóa, quản lý y tế, phòng cháy chữa cháy, xử lý ô nhiễm môi trường", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn nhìn nhận.
Trên cơ sở mục tiêu chung của cả nước, xuất phát từ thực tiễn của Thủ đô, UBND TP đã báo cáo và trình HĐND thống nhất quyết nghị mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.
"TP sẽ tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào tập trung tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn. Đồng thời tiếp tục các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi chọ doanh nghiệp tiếp cận vốn, thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, lao động, việc làm. Tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí", Chủ tịch UBND TP chỉ rõ.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: "Năm 2014 trong chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ trọng tâm, UBND TP xác định là "Năm trật tự và văn minh đô thị". Nếu chúng ta không giữ gìn, không lập lại trật tự thì sẽ mất đi hình ảnh của một Thủ đô văn hiến, mất đi nét đẹp, thanh lịch của người Tràng An, mất đi đặc sắc văn hóa sứ Đoài và sẽ không thể hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại".
Theo ANTD
Tăng mức trích Quỹ, giữ ổn định giá bán xăng dầu Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu đầu mối giữ nguyên giá bán, tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu diezel. Mặt hàng xăng tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá từ 200 đồng/lít lên 300 đồng/lít Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu thế giới kể từ sau ngày điều hành...