Hương vị quê hương: Im re khi gặp cá kè nướng than
Cá thu, cá trích, cá mè/Im re khi gặp cá kè nướng than”. Người dân vùng biển miền Trung đã “ca tụng” độ ngon của con cá kè như vậy đó.
Cá kè nướng than
Cá kè, có nơi gọi là cá tắc kè, là một loại cá biển có hình dạng kỳ dị, gần giống con tắc kè. Số lượng cá kè đánh bắt được cũng rất ít. Thỉnh thoảng mới có được dăm mười con. Dù hiếm nhưng cách đây hàng chục năm, tôi còn nhớ dân vùng biển không quý cá kè vì ít ai ăn bởi cái hình dạng trông rất “quái” của chúng. Dần dần người ta phát hiện thịt cá kè ngon mà nhiều loại cá khác không sánh được, và giờ thì nó đã trở thành món “nhậu sành điệu”. Hôm nào ngư dân đánh bắt được cá kè thì y như rằng có người hớt tay trên ngay lập tức.
Điều gì khiến cá kè bỗng trở nên “nổi như cồn” vậy? Phải khẳng định rằng bên trong cái hình thù kỳ lạ của loài cá này là phần thịt cũng ngon một cách kỳ lạ. Cá kè có thể dùng để kho, nấu canh ngót, nhưng tuyệt cú mèo nhất là nướng mọi. Khi có cá kè, chẳng cần làm vảy, cắt mang, moi ruột, cứ để nguyên như thế cho lên bếp than hồng mà nướng.
Video đang HOT
Nướng cá kè phải cho lửa than riu riu, để cá không cháy “hỗn” lớp da bên ngoài và chín đều. Sau khi lớp da cứng của cá cháy hoàn toàn thì đem cá ra lột lớp da rất dễ dàng rồi thưởng thức phần thịt trắng phau, săn chắc và ngọt lừ. Nhiều người ví thịt cá kè không khác gì thịt gà. Tuy nhiên, theo tôi, món cá kè quyến rũ hơn thịt gà bởi mùi thơm, vị cá và cả cách chế biến, cách ăn. Riêng cách ăn thì phải đúng chất hoang dã, dùng tay mới đúng bài. Cả bộ lòng béo ngậy, nhân nhẩn cũng nên cho cái miệng trải nghiệm.
Cá kè nướng tăng thêm phần khoái khẩu là nhờ chén muối ớt cay xè. Muối phải dùng muối nguyên hạt đem giã, mà đặc biệt dùng muối Sa Huỳnh càng đúng điệu. Còn ớt phải là ớt bay (ớt xiêm) xanh. Muối Sa Huỳnh hợp cùng ớt bay làm đồ chấm thì con cá kè cũng “tặc lưỡi” khen ngon. Nhưng để trọn bộ gia vị cần có “rau răm hỏi thăm cá kè”.
Mùa này về vùng duyên hải miền Trung, bạn có thể tìm thấy cá kè. Dĩ nhiên, phải đến tận bãi biển mới “giành giật” được dăm mười con cá kè chứ tìm ở chợ có lẽ đỏ mắt cũng không thấy.
Theo Thanhnien
Hương vị quê hương: Chè bột sắn, ký ức hương quê
Trong tiết trời se lạnh mùa hạ chuyển sang thu, nỗi nhớ nhà, nhớ má càng thêm quay quắt. Tôi ước gì được ngồi trong quán chè xưa của má, được ngửi mùi khói, mùi rơm rạ, than củi và hít hà nồi chè bột sắn nóng hổi.
Những chén chè nóng hổi vừa được nấu xong
Hồi học cấp 2, tôi thường cùng má ra quầy bán chè. Đồ nghề chỉ là một bếp than đặt nồi chè nóng hổi, một sọt đựng những thứ linh tinh: ly, muỗng, bình nước chè... và vài cái ghế nhỏ. Khi có khách, má cười vồn vã, múc từng chén chè, nhanh tay thêm một ít mè rang hoặc một ít dừa sợi lên trên nếu khách yêu cầu.
Chè bột sắn mới nhìn tưởng chừng như món phổ thông, ai cũng nấu được. Nhưng nấu cho ra chè ngon thì không dễ. Là bởi có những mẹo riêng và phải kỳ công một chút nó mới có hương vị đặc trưng.
Chè bột sắn gồm lớp vỏ bằng bột sắn bao bên ngoài khối nhưn bên trong. Nhưn có thể làm từ đậu xanh, đậu phộng. Riêng chè bột sắn má tôi nấu là món chè truyền thống của quê tôi, nhưn nhất thiết phải từ cơm dừa già mới hái vào và đã cắt nhỏ tỉ mỉ vừa ăn. Đặc biệt, bột sắn được xay từ những lát sắn khô, trắng, hàm lượng tinh bột cao. Có như vậy chè mới thơm, không bị chua. Bột sắn tuyệt đối không bị biến màu, không bị mốc.
Nguyên liệu chế biến chè bột sắn
Bột được mang đi nhào trộn thật kỹ với nước ấm cho đạt đến độ dẻo thích hợp. Tiếp theo là khâu tạo hình chè. Lấy một khối bột sắn ép thành miếng mỏng, cho viên dừa vào giữa, túm các góc bột sao cho bột có thể bao kín phần nhưn phía trong và vo thành viên tròn. Sau khi định hình, từng viên chè được thả vào luộc trong nước sôi cho đến khi chúng nổi lên mặt nước. Cuối cùng, cho các viên chè vào nồi nước đường đến khi ngấm đường, thêm một ít gừng trước khi tắt bếp.
Má tôi dùng đường tán hoặc đường cát màu vàng mật, đủ để chè khi chín có màu vàng sóng sánh. Chính đường vàng tạo nên vị ngọt thanh hòa quyện vị bùi béo của bột sắn cùng hương thơm nồng của gừng... ăn vào mà như thưởng thức hết trọn mọi hương vị tự nhiên của đồng quê. Chén chè sắn nóng hổi, đặc vừa, ngấm đều vị ngọt và thêm nét duyên bởi những sợi dừa trắng tinh, lác đác vài hạt mè rang vàng đượm.
Quán chè của má nằm ven đường, nên mấy cô, mấy dì trên đường đi chợ thường ghé vào ăn một chén cho... ngọt miệng, kể cho nhau nghe câu chuyện xóm làng.
Lớn lên, dẫu có đi qua biết bao ngả đường, trong tôi hình ảnh má với quán chè quê kiểng vẫn luôn hiện hữu. Giờ má đã lớn tuổi, chị em tôi mỗi người lập nghiệp một nơi và quán chè cũng đã nghỉ bán từ rất lâu rồi. Nhưng mỗi lần nghe tiếng mưa lộp độp rơi rớt bên ngoài, tôi ước gì được cùng má nấu nồi chè nóng hổi để thêm một lần thưởng thức vị ngọt thanh của đường sên, bùi thơm của hạt chè sắn một thời tuổi thơ.
Theo Thanh Niên
Bếp Việt và hương vị quê hương "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà." Hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Hữu Quang như gói gọn hết tâm tư của những người con xa nhà, xa quê hương. Chỉ một điều nhỏ nhoi bình thường như tiếng cơm sôi cũng khiến trào dâng nỗi nhớ khôn nguôi một góc bếp của...