Hương vị quê hương: Cá cấn kho nghệ
Có những món ăn không chỉ đơn thuần là món ăn mà trong đó còn ẩn chứa cả những hương vị mộc mạc, thân thương của một hồn quê để mỗi khi nhắc đến lại thấy nao lòng. Vào những ngày đầu mùa lũ, người dân quê tôi không ai bảo ai nhưng hầu như người nào cũng muốn được một lần thưởng thức món cá cấn kho nghệ.
Khoảng đầu tháng 9 âm lịch, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, ruộng đồng bắt đầu xâm xấp nước là lúc những con cá nhỏ bằng đầu đũa theo nước các khe, rạch chảy vào ruộng. Lúc này, những nhà làm nông tranh thủ mang theo rớ (có nơi gọi là vó) đến các dòng chảy mà bắt cá. Rớ được thả xuống, vài phút sau cất lên, cơ man nào là cá như: chép, diếc, rô, trảnh… mà trong đó chủ yếu là cá cấn (những chú cá con) thi nhau tuồn vào trong rớ. Những con cá với lớp vảy lấp lánh nhảy lách tách trong rớ nghe rất vui tai. Dĩ nhiên, vui mắt vui tai chỉ là cảm giác thoáng qua, còn cái chính là sau đó bên mâm cơm gia đình hôm ấy sẽ có một đĩa cá kho thật đậm đà.
Cá cấn phải kho với nghệ mới ngon. Ở quê thì hầu như nhà nào cũng trồng vài ba cụm sả, bụi nghệ trong vườn nên chẳng khó để tìm những gia vị ấy. Sau khi đào nghệ lên, củ thì đem giã nát, lá thì cắt ra từng khúc nhỏ chừng 3 cm. Lấy củ nghệ đã giã nát cho vào cá, nêm thêm một số gia vị như muối, tiêu, ớt bột ngọt… rồi cho tất cả vào nồi đất. Khâu cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng để cá dậy mùi hương là phủ lên cá lớp lá nghệ xắt khúc. Sau đó, đặt nồi lên bếp và canh lửa liu riu chừng 15-20 phút là sẽ có nồi cá cấn kho nghệ thơm lừng. Bên nồi cơm trắng còn bốc khói nghi ngút là đĩa cá cấn vàng ươm, cả gia đình quây quần bên nhau để thưởng thức trong khi ngoài kia mưa ràn rạt quất vào mái rạ…
Video đang HOT
Cái hương vị giòn giòn ngọt dịu của cá, cái mùi hăng hăng của lá nghệ đã làm nên những bữa cơm đạm bạc mà đầy ắp tình quê. Với những người xa xứ, khi tiết trời báo hiệu sắp vào mùa nước lũ, không ai không nhớ đến món ăn dân dã ấy.
Theo TNO
Hương vị miền quê: Bánh hỏi cháo lòng
Trước đây, bánh hỏi ra bánh hỏi, cháo lòng ra cháo lòng. Chẳng biết ai có sáng kiến "hôn phối" hai món này để trở thành món bánh hỏi cháo lòng. Theo tôi biết, món cặp đôi này chỉ mới được đưa ra quán xá đại trà đâu chỉ hơn mươi năm nay. Xa hơn, tôi nhớ ngày trước bánh hỏi chỉ ăn với chà bông tôm, sau đó kẹt tôm thì xài chà bông thịt, chẳng hiểu lòng heo gá nghĩa với bánh hỏi khi nào.
Không phải món nào cũng "ăn ở" được với nhau. Riêng sự lan truyền mau chóng của món bánh hỏi cháo lòng đã chứng tỏ sự "thuận hòa" tuyệt đối! Giờ thì món bánh hỏi cháo lòng đã có mặt hầu khắp trong nam ngoài bắc, nhưng tôi chưa thấy nơi nào phổ biến ở nhiều quán ăn, tiệc tùng như tại Quy Nhơn (Bình Định) - riêng khu vực ngã ba Phú Tài đã hội tụ san sát mấy chục quán, như là một "thủ đô" bánh hỏi cháo lòng.
Ngồi ăn bánh hỏi cháo lòng giữa mùa mưa Quy Nhơn, tôi chạnh nhớ câu ca của người đất võ Bình Định:
Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ
Em thương một người có mẹ không cha
Bánh xèo bánh đúc có hành hoa
Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn...
Bánh hỏi mà không dầu xào hẹ thì khỏi nói, nhưng tôi biết câu ca này chắc chắn ra đời khi bánh hỏi chưa "sánh duyên" với cháo lòng. Chứ nếu không thì câu cuối có khi phải sửa thành: Bánh hỏi thiếu cháo lòng... như ma không kèn.
Các gánh bánh hỏi cháo lòng ở Quy Nhơn luôn dậy sớm. Lòng tươi được đặt hàng từ các lò mổ, còn các lò bánh hỏi thì có mặt khắp nơi ở đây. Lòng làm sạch, luộc vừa chín tới; lấy nước luộc này thêm ít gạo nấu loãng với huyết heo, nêm nếm gia vị vừa miệng. Ấy là món cháo lòng hôi hổi này đây.
Đến các quán bình dân ở Quy Nhơn, khách mê lòng heo sẽ thỏa thích hơn với những miếng lòng non xắt lớn, kèm thêm ít gan, cật, cổ họng, dồi...; nước mắm ngon ớt tỏi, ít rau thơm và cả một tô cháo lớn thì có thể... đánh võ đến trưa.
Nói về bánh hỏi cặp đôi xứ Quy Nhơn thì quá sức phong phú. Nào là bánh hỏi thịt heo nướng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi gà nướng, bánh hỏi heo quay... Nào là bánh hỏi chả giò, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng. Kể ra món bánh hỏi thật "dễ tánh", thế nhưng chỉ có bánh hỏi cháo lòng mới đáp ứng được rộng rãi khẩu vị phong phú của bữa sáng. Bởi vừa có "khô" (bánh hỏi), vừa có "nước" (cháo lòng), "nóng nóng, nước nước" mà có thêm ít lòng tươi buổi sáng thì quá chắc cú!
Theo TNO
Cá chuồn năm ngoái Đó là cách nói về cá chuồn thính từ năm trước, năm sau xuất hiện giữa chợ để... mang tiếng là cá "mùa xưa" mà lắm người mua không thua chi cá mới. Ảnh Trần Cao Duyên Những ngày đông, biển động liên miên, cái vảy cá tươi cũng không có nên cụm từ "cơm rau mắm muối" không còn là lối nói...