Hương vị cháo kiểu Hoa ở TP.HCM
Cùng với mì hoành thánh, phá lấu, dimsum… hương vị bình dị của món cháo kiểu Hoa cũng rất được lòng thực khách TP.HCM. Bạn có thể ghé đến thưởng thức món ăn tại các địa chỉ sau.
Từ cháo trắng, người Hoa đã kết hợp nhiều gia vị và nguyên liệu khác nhau như lòng, thịt bằm, nấm rơm, mực khô… để món ăn trở nên phong phú hơn. Tô cháo nóng thêm chút hành lá, gừng thái sợi, ăn cùng trứng bắc thảo và quẩy chiên thích hợp thưởng thức trong ngày se lạnh.
1. CHÁO SÁ SÙNG TƯ KÝ
Thư Nguyễn: “Nghe danh cháo sá sùng đã lâu, nay mình mới được ăn thử. Kiểu cháo tiều nhưng thêm sá sùng. Vị cháo vừa ăn, ngoài sá sùng còn có cật, thịt heo, phèo và cá, đồ ăn tươi ngon, ăn cùng rau tần ô và gừng thái sợi, thêm nhiều tiêu rất ấm người. Mình ăn ngay hôm trời mưa to nên càng đã. Chén nước chấm ngon lắm, nhiều gừng, vị chua chua”.
Krissi Nguyen: “Lâu lâu đổi khẩu vị, mình ghé quán ăn thử thì thấy khá ổn. Cháo ngọt tự nhiên. Giá hợp lý với 50.000 đồng/tô thập cẩm, gồm một miếng cật, 2 lát heo, 5-7 con sá sùng, 2 miếng phèo, 2 miếng cá, đồ ăn tươi”.
2. CHÁO MỰC PHÓ ĐỨC CHÍNH
Trang Nguyen: “Cháo của quán không quá đặc, sánh và nấu nguyên hạt cùng mực khô đã được ngâm mềm. Mực là loại nhỏ nên không bị dai và đặc biệt không tanh. Mình thích nhất là trứng bắc thảo bùi béo ăn với cháo rất hợp. Quẩy rán ở đây đặc ruột, thơm mùi bơ nhưng mình thấy hơi lạc quẻ nếu ăn với món cháo đơn giản thế này. Chỗ ngồi sạch sẽ, thoáng mát”.
Yu Khuân: “Quán nằm ngay trung tâm nên thực khách đi tầm trưa hay tối đều rất đông, có khi phải đợi bàn và hơi nóng. Thực đơn đa dạng, có cháo, bánh canh, nui ăn cùng thịt gà, thịt heo, giò, trứng bắc thảo… Mực nấu cháo là mực khô, không phải mực tươi, ăn cũng ngọt vị.
Giá cả khá mềm, tầm 30.000 đến 40.000 đồng/phần. Mấy cô nhân viên dễ thương, nhanh nhẹn, có khi quán đông phục vụ không kịp, gọi món không được nhưng có thể thông cảm. Điểm trừ là quán nhỏ, để xe ngoài cửa nhưng vẫn tính tiền 3.000 đồng/chiếc”.
Video đang HOT
3. CHÁO TIỀU CÔ ÚT
My Trần: “Quán ở vị trí dễ tìm, chỗ để xe miễn phí và có người trông. Tuy nhiên, không gian hơi tối và chật chội. Menu phong phú, các món cháo ngon, chế biến sạch sẽ. Nhân viên phục vụ chu đáo, phát số thứ tự để mình đợi món. Điểm trừ là giá khá cao, ăn tại chỗ hay mua mang về đều sử dụng tô nhựa. Quán chỉ phục vụ từ 15h30″.
Linh Phạm: “Mình lâu lâu mới ghé quán vì giá một tô cao so với mặt bằng chung. Trong nhà khá ngột ngạt, có menu dán sẵn trên tường. Ngày nào đông khách phải chờ lâu mới có cháo. Mấy anh phục vụ nhanh nhẹn, ông chủ hơi khó tính.
Mình thích nhất là cháo ở đây vì cho nhiều hành. Cháo nấu lỏng, nêm đậm đà. Tô cháo thập cẩm hơn 60.000 đồng đầy đủ phèo, tim, cật, gan, bao tử. Khi ăn cảm nhận vị ngọt của đồ tươi sống. Tuy nhiên miếng lòng cắt hơi to, nấu cứng và dai”.
4. CHÁO THẬP CẨM – TẠ UYÊN
Thực khách nhận xét:
Bon Nguyen: “Mình ăn quán này từ lúc còn bé, thích cháo lỏng và nhừ như ở đây. Cháo ngon, hải sản cũng tươi, cá lóc và cật dai giòn, thơm ngon, có thêm rau tần ô ăn đỡ ngán. Thái độ phục vụ tuỳ tâm trạng, bán cháo lúc nhiều lúc ít. Giá một phần cháo khá cao, khoảng hơn 60.000 đồng, quẩy và khăn 2.000 đồng/chiếc”.
Mèo Mụp: “Tô cháo thập cẩm nhỏ, ít cháo nhưng chất lượng với nhiều gan, bao tử, cật, có một dĩa quẩy và rau tần ô ăn kèm. Quán lề đường, đông khách. Giá cao nhưng chấp nhận được”.
Dùng nồi cơm điện nấu cháo gà buổi tối, hôm sau cả nhà có món cháo nóng hổi cực ngon ăn sáng
Một tô cháo gà nóng hổi nghi ngút khói là món ăn lý tưởng cho bữa sáng mùa đông. Vừa ngon miệng, ấm bụng lại giúp bồi bổ cơ thể.
Nguyên liệu cho món cháo gà:
100g gạo
3 tai nấm hương tươi
củ cà rốt
1 chiếc đùi gà góc tư
4g muối
1 mẩu gừng
15ml rượu nấu ăn
1 cây hành lá thái nhỏ
Cách nấu cháo gà bằng nồi cơm điện:
Gà rửa sạch, gạo vo sạch. Nấm hương rửa sạch thái lát, gừng thái lát và sợi. Cà rốt thái sợi.
Cho đùi gà vào nồi nước, thêm vài lát gừng cùng rượu nấu ăn vào. Đun sôi ở lửa lớn sau đó chuyển sang lửa vừa nấu trong khoảng 15 phút rồi vớt đùi gà ra để nguội.
Thịt gà nguội thì xé sợi, cho gạo đã vo vào nồi cơm điện, thêm thịt gà, cà rốt, nấm hương và gừng thái sợi vào. Đổ nước gấp 3 lần nguyên liệu (lượng nước có thể điều chỉnh ít nhiều theo sở thích muốn ăn cháo loãng hay đặc).
Nhấn nút nấu (cook) của nồi cơm điện, nấu khoảng 20-25 phút thì chuyển sang nút giữ ấm (warm), giữ ấm khoảng 15 phút là được. Sau đó mở nắp nồi cơm điện, thêm chút muối và hành lá vào đảo đều là xong.
Thành phẩm:
Món cháo gà nấm ăn vào mỗi buổi sáng mùa đông vừa giúp bổ sung dinh dưỡng, năng lượng còn giúp làm ấm cơ thể. Món cháo mềm ngon lại rất tốt cho dạ dày nữa đấy. Bạn có thể nấu món cháo này trước khi đi ngủ vào buổi tối, và chuyển sang nút giữ ấm. Sáng ra là bạn đã có một bát cháo gà nóng hổi ngon miệng rồi.
Chúc bạn làm được món cháo gà nấm thật ngon nhé!
Khách Tây thử ăn cháo lòng ở TP.HCM Cháo lòng là món ăn phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều thực khách nước ngoài không ăn được nội tạng sẽ e dè khi thưởng thức món cháo này.