Hương vị biển chinh phục lòng người
Bản chất của nước mắm là hương vị biển, nhưng không phải vùng biển nào cũng có đủ nguyên liệu để làm ra thứ nước mắm hảo hạng màu vàng ươm, trong suốt, thơm dai dẳng, đậm đà và ngọt hậu…Mùi thơm lẫn tiếng thơm của sản phẩm nước mắm gia truyền có xuất xứ Nha Trang khiến nhiều người cất công đến tận thành phố biển tìm mua sản phẩm. Và, không biết từ bao giờ, nước mắm Nha Trang đã trở thành đặc sản không thể thiếu trong hành lý của du khách. ..
Hương biển
Không biết từ bao giờ và ai là người đầu tiên nghĩ ra công thức làm nước mắm bằng cách trộn đều “3 cá với 1 muối”, lèn chặt, giang nắng, chờ cốt nhục hòa tan thành nước, rồi trích nước ấy để dành, làm nước chấm hoặc gia vị chế biến các món ăn truyền thống. Nói không ngoa, Việt Nam là xứ sở của các loại mắm, từ mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm, mắm lóc…đến mắm cua, mắm cáy và cả mắm chay làm bằng hoa quả, ngũ cốc; nhưng nổi tiếng nhất vẫn là mắm nước mà trong dân gian cũng như trên thương trường quốc tế đều gọi là nước mắm.
Đi dọc miền duyên hải, dường như làng biển nào cũng có những dòng họ “duyên nợ” với nghề gia truyền làm nước mắm, nhưng chỉ ở Cát Bà (Hải Phòng), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) nước mắm…thơm lừng từ trong nước đến nước ngoài. Riêng mùi thơm lẫn tiếng thơm của sản phẩm nước mắm có xuất xứ Nha Trang đã quyến rũ biết bao người.
Những năm gần đây, một số công ty ở 2 miền Nam-Bắc cử nhân viên đến Nha Trang tổ chức thu mua nguyên liệu, sau đó “đặt hàng” cho bà con muối chượp, rồi thu mua trọn gói toàn bộ nước cốt, đem về Hà Nội, Sài Gòn…Công nghệ quảng cáo khiến mọi người tin tưởng nước mắm sản xuất trên dây chuyền công nghiệp đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng không ít sản phẩm lưu hành trên thị trường là cốt nước mắm Nha Trang pha loãng với hương liệu, phẩm màu…
Theo phân tích khoa học, nước mắm là hỗn hợp muối với các axit amin được chuyển hóa từ protein trong thịt cá, qua quá trình thủy phân với tác nhân là các hệ enzyme có sẵn trong ruột cá cùng một loại vi khuẩn kỵ khí chịu mặn. Nước mắm Nha Trang thơm ngon nổi tiếng khắp thế giới, bởi vì được chế biến bằng phương pháp thủ công và nguyên liệu hoàn toàn là cá biển.
Bà chủ hãng nước mắm Tân Phong ở cửa Bé- Nha Trang, một gia tộc đã 5 đời chuyên sống bằng…nước mắm, cho hay: “Muốn đảm bảo chất lượng đồng nhất, kinh nghiệm gia truyền rất giản đơn: loại bỏ hết cá ươn, cá lớn và tìm chỗ đón được nhiều ánh mặt trời nhất để đặt thùng chượp.”
Kỹ thuật làm nước mắm truyền thống phụ thuộc hoàn toàn chất lượng nguyên liệu, điều kiện thời tiết, nhiệt độ tự nhiên và kinh nghiệm trộn muối, đảo nước…trong khoảng thời gian ủ chượp ít nhất 12 tháng, mà không sử dụng bất cứ thứ hóa chất nào; vì thế mùi vị, màu sắc nước mắm của mỗi vùng không giống nhau. Nước mắm cá cơm Nha Trang không lẫn vào đâu được, bởi vì người Nha Trang có thói quen dự trữ muối khoảng 1 năm trước khi vào mắm để giảm vị chát.
Video đang HOT
Thương hiệu Việt
Cuối năm 2012, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã công bố top 10 đặc sản nước chấm, gia vị nổi tiếng Việt Nam; riêng miền Trung, duy nhất nước mắm Nha Trang với 6 nhãn hiệu nổi tiếng sản xuất theo phương pháp cổ truyền được cấp giấy chứng nhận, đó là nước mắm 584, Chín Tuy, Châu Sơn, Ngọc Hà, Hương Lan và Mỹ Thuận.
Chủ tich Hiệp hội nước mắm Khánh Hòa, TGĐ Công ty CP nước mắm 584 Nha Trang Đỗ Hữu Việt là người có công đột phá thị trường bằng cách đóng chai nước mắm để tiếp cận người tiêu dùng khắp 3 miền đất nước. Đến thời điểm này, nước mắm 584 Nha Trang là thương hiệu duy nhất trong ngành sản xuất nước mắm được trao giải thưởng “ Sao vàng đất Việt”.
Ông Việt cho biết: “Nha Trang hiện có gần 10 cơ sở đăng ký hành nghề sản xuất, kinh doanh nước mắm với tổng sản lượng xấp xỉ 40 triệu lít/năm. Công ty chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên tham gia chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) do Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) chủ trì, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua việc hướng dẫn các cơ sở sản xuất trên địa bàn tiếp cận khoa học kỹ thuật, thực hiện kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng và xuất khẩu nước mắm”.
Kiên trì tiếp thu kinh nghiệm cổ truyền, kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và kiểm soát an toàn thực phẩm, Công ty CP nước mắm 584 Nha Trang mở rộng liên kết với các hộ gia đình tại địa phương, phổ biến và ứng dụng qui trình sản xuất thống nhất, với mục tiêu tạo ra sản phẩm đồng nhất, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Quí 3/2013, Công ty CP nước mắm 584 Nha Trang đã được cấp chứng nhận ISO 22000:2005 và hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm HACCP; đồng thời tiếp tục được nhận giải thưởng danh hiệu Sao vàng đất Việt.
Vua đầu bếp
Chắc hẳn, nhiều người chưa nguôi cảm xúc hào hứng khi theo dõi mùa thứ ba cuộc thi Vua đầu bếp (MasterChef) phát sóng trên hệ thống truyền hình FOX của Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm 2012). Vâng, hàng triệu khán giả khắp thế giới xúc động đến sửng sốt khi nghe ban giám khảo xướng tên cô gái mù Christine Hà đoạt giải quán quân với hai món ăn bình dân thuần Việt là cá kho tộ và cơm tấm sườn. Mọi người đều biết, sự khác biệt làm nên chiến thắng, nhưng không phải ai cũng hiểu nước mắm quện với hành, tỏi thấm tháp trong cá, thịt… được điều chỉnh bởi khướu giác và thính giác của một người có cảm hứng nấu ăn từ năm 14 tuổi, đã tạo thành hương vị đặc biệt thơm ngon, quyến rũ giới sành ăn.
Nhập từ khóa “vua đầu bếp Christine Hà” trong ô tìm kiếm của google, khoảng nửa giây, có ngay trên 100 ngàn kết quả. Xem lại phần thi chung cuộc (đêm10.9.2012) trên You Tube, mọi người đều cả quyết, rằng nước mắm góp phần quyết định chiến thắng tuyệt đỉnh của cô gái mù gốc Việt. Phải chăng, nhờ khướu giác mách bảo, Christine Hà đã nhanh tay nhấc chai nước mắm, rưới thêm vào trách cá, sôi xèo xèo…? Bằng cách ấy, một lần nữa, hương vị biển được nướng chín, phả vào ngũ giác từng đầu bếp nổi tiếng tài hoa và khó tính nhất nước Mỹ. Dĩ nhiên, người Việt Nam, ai cũng biết, trước khi kho cá, nướng sườn…, Christine Hà đã ý tứ ướp nước mắm lẫn gia vị vừa đủ thấm tháp món ngon.
Theo nhận xét của các chuyên gia ẩm thực hàng đầu thế giới, nét đặc biệt và riêng biệt của ẩm thực Việt Nam mà các nước khác, nhất là phương Tây không có, chính là gia vị nước mắm. Mâm cơm thường ngày hay giỗ, kỵ, lễ,Tết…đều có chén nước mắm ở giữa để dùng chung, khẩu vị đậm đà hơn và tình cảm nồng ấm hơn. Vâng, nhìn từ bình diện văn hóa ẩm thực, nước mắm là tinh túy thể hiện bản sắc Việt Nam.
Theo Laodong
Biến thịt lợn sề thành... thịt bò
Thịt bò hiện dao động khoảng 200.000 - 250.000/kg, trong khi thịt lợn sề tại các lò mổ chỉ ở mức 60.000 - 70.000đ/kg, chênh lệch gấp 4 lần khiến dân buôn không ngần ngại dùng đủ mọi cách biến thịt lợn sề thành thịt bò bằng các loại phẩm màu, hóa chất.
Cách bày xen kẽ thịt bò giả với thịt bò, người mua khó mà phân biệt
Thật - giả khó phân biệt nhờ...
Chị Hoàn ở Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội có thâm niên làm giò hơn hai chục năm nay, cho biết: Ở các khu chợ đầu mối, chợ lớn các quầy hàng chuyên bán thịt bò nhưng thực ra lẫn trong đó có cả thịt lợn sề được chủ quầy để lẫn với thịt bò để lừa người mua.
Chị Hoàn cho biết thêm: Tháng trước, giáp tết ngày nào xưởng làm giò của chị cũng nhập 15-20kg thịt bò, mua với số lượng lớn nên dân buôn dễ dàng đánh tráo cho lẫn thịt bò giả, thực chất là lợn nái già vào. Thoạt nhìn loại thịt này đỏ au không khác gì thịt bò, nhưng sau khi rửa với nước màu nhạt dần và ngửi thấy có mùi tanh chứ không phải là mùi hôi thì khẳng định là thịt lợn nái sề. Chị đã mang hơn 7kg thịt lợn giả bò trả lại và chủ quầy hàng đã phải công nhận đó không phải là thịt bò và đưa trả lại tiền.
Chợ Phùng Khoang là chợ đầu mối lớn buôn bán các loại thịt gia súc, gia cầm - dân buôn chủ yếu đổ về đây lấy hàng bởi giá khá mềm.
Một tiểu thương thú thật, chỉ lúc khan hàng lắm mới "đánh lừa" người tiêu dùng thôi không thì mất hết khách, mà "lòe" họ cũng phải khéo léo, nếu là khách lạ thì cắt thịt bò giả bán, khách quen chỉ xén một vài lạng lẫn với thịt bò thật như thế khi mang về chế biến khó mà phát hiện ra được.
Tìm đến cơ sở giết mổ lợn lâu năm của ông Nguyễn Văn Bang (phố Tía, Thường Tín), ông này cho biết: "Mỗi lần mua lợn sề về mổ, cánh tiểu thương chuyên buôn thịt bò, hàng cơm và phở bò giành nhau lấy hết, nhất là hàng cơm, phở nhiều khi còn cãi cọ nhau để tranh hàng".
Theo kinh nghiệm của ông Bang, lợn nái sề già thịt rất dai, bì dày, dân buôn dùng phẩm màu tẩm ướp cho có màu đỏ au sẽ được thịt lợn giả bò, khiến người mua khó mà nhận biết được. Tuy nhiên nếu quan sát và kiểm tra kỹ, người tiêu dùng vẫn có thể phát hiện được bởi thớ thịt bò nhỏ và dài màu đỏ tươi, mùi hôi đặc trưng, phần mỡ và bì có màu vàng nhạt, khi ấn vào miếng thịt thấy rất mềm. Trong khi thớ thịt lợn to và ngắn, bì và mỡ có màu trắng, mùi tanh, màu đỏ có được là nhờ phẩm màu nhưng nếu rửa kỹ nhiều lần màu đỏ sẽ dần biến mất, để lộ ra màu hồng nhạt của thịt lợn.
...các loại phụ gia
Chị Na (người làm thuê tại một quán cơm bình dân (Thụy Khuê-Tây Hồ, Hà Nội)) cho biết, để tiết kiệm, bà chủ thường tự đi mua thịt lợn sề về hoặc đặt tại các quầy thịt lợn lớn ở chợ đem về giả làm thịt bò bằng phẩm màu hoa hiên, loại phẩm màu này cho màu sắc của thịt lợn giống hệt thịt bò, trong quá trình xào, nấu màu thịt sẽ không còn đỏ tươi như lúc nhuộm mà chuyển sang màu hơi trắng, đặc biệt là không có mùi vị của thịt bò thật. Tuy nhiên, những vấn đề này xử lý đơn giản, trong quán lúc nào cũng sẵn các loại phụ gia như: Nước tinh bò bột hương vị bò tạo mùi thơm hấp dẫn như thịt bò thật, người ăn dù có tinh ý cũng khó phát hiện ra. Còn những chất phụ gia này thì... chợ nào cũng có.
Chúng tôi đến chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm không khó để hỏi mua được các loại gia vị làm giả bò từ: Gia vị bò khô, xốt tiêu bò, nước tinh bò, bột tạo hương vị bò rất đa dạng, đặc biệt được bày bán công khai với giá khá mềm.
Một số cơ sở nấu cỗ thuê đánh tráo nguyên liệu trong các món bò xốt tiêu đen, bò xốt vang ngoài thịt lợn sề giả bò còn có lẫn cả thịt lợn thì họ dùng thêm soda cho nhanh, hiệu quả tức thì, đơn giản hóa quy trình làm mềm thịt.
Phần thịt rẻ sườn của lợn sề có mùi hôi giống thịt bò, giá lại rẻ hơn so với rẻ sườn thịt bò thật nên hàng phở thường đặt mua, khi ninh chín thì không còn mùi của thịt bò nữa, phần thịt bị tơi ra không dai như thịt bò, nhưng theo cánh hàng phở cho biết thì họ sẽ cho các loại phụ gia giả vị bò đánh lừa vị giác của thực khách", ông Bang nói.
Theo Dantri
Thuần khiết mận trái mùa Cao nguyên Mộc Châu vốn rất nổi tiếng với những rừng đào phớt hồng, rừng mận nở trắng mỗi dịp xuân về. Vào những mùa hoa mận nở tháng Giêng, tháng Chạp, những cánh rừng mận bạt ngàn đơm bông trắng toát phủ kín cả núi rừng. Những ngày giáp tết này trên cao nguyên Mộc Châu, khi mùa hoa mận chính vụ...