Hướng tới một thế giới không còn đói nghèo
Sáng 28.9 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên thảo luận chung Đại hội đồng LHQ – Ảnh: TTXVN
Với tiêu đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không có đói nghèo”, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, thể hiện tinh thần Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào công việc chung của LHQ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ Việt Nam đã đưa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào chiến lược phát triển của mình. Việt Nam cũng nỗ lực cùng các thành viên khác xây dựng Cộng đồng ASEAN – ngôi nhà chung của các quốc gia Đông Nam Á.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định dù hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn chưa được loại bỏ. “Vẫn còn đó bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi, gần đây nhất là ở Syria – nơi chúng ta cần mạnh mẽ lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời dành cho hòa bình mọi cơ hội, tìm mọi giải pháp hòa bình để loại bỏ vũ khí hóa học trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết của LHQ. Vẫn còn đó mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên.
Biển Hoa Đông, biển Đông vẫn chưa lặng sóng vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ… Chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có thể dẫn tới xung đột, thậm chí dẫn tới chiến tranh”.
Thủ tướng khẳng định đối với biển Đông, nơi hơn một nửa hàng hóa thế giới đi qua – bảo đảm an ninh an toàn hàng hải là lợi ích thiết thực không chỉ đối với khu vực mà cả thế giới. “Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đồng thời vì lợi ích chung, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), các thỏa thuận khu vực và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)”.
Từ đó, theo Thủ tướng, “bất kỳ hành động hiếu chiến nào đều phải bị lên án, ngăn chặn. Bất cứ nỗ lực ngăn ngừa xung đột nào đều phải được trân trọng, ủng hộ” và “xung đột, chiến tranh chỉ có thể được ngăn chặn khi những hành động trái với Hiến chương LHQ, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền… phải được đấu tranh loại bỏ. Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi các quốc gia tôn trọng độc lập chủ quyền và truyền thống văn hóa của nhau, không áp đặt tiêu chuẩn chính trị, đạo đức lên nhau; khi vai trò của LHQ, của HĐBA LHQ được phát huy…
Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ Việt Nam luôn nỗ lực tham gia kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng kết thúc bài phát biểu của mình với niềm tin rằng “Chương trình nghị sự vì phát triển sau năm 2015″ của LHQ sẽ được hoàn thiện hướng tới một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo. Tất cả vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng. Tất cả để hành tinh của chúng ta mãi mãi một màu xanh. Màu xanh của hòa bình, màu xanh của phát triển bền vững.
Video đang HOT
Trong thời gian ở Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến TTK LHQ Ban Ki-moon, đồng thời có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với những người đồng cấp Haiti và Moldova, các quan chức cấp cao của Mỹ và LHQ cũng như lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Thủ tướng cũng có buổi làm việc với đại diện những doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ.
Ngày 28.9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến công tác thăm chính thức Pháp và dự phiên họp Đại hội đồng LHQ.
COC sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới
Bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với giới phóng viên quốc tế rằng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) sẽ giúp bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do đi lại trên biển, theo TTXVN. Thủ tướng còn nhấn mạnh COC sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho khu vực mà toàn thế giới vì phân nửa lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua khu vực biển Đông.
Về câu hỏi mục tiêu của việc Việt Nam và Mỹ tăng cường quan hệ hợp tác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tất cả nỗ lực xây dựng, tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước đều vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển và với Mỹ cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nếu Mỹ thông qua “đạo luật nhân quyền Việt Nam” như đề cập của một phóng viên thì đó sẽ là một bước lùi trong quan hệ song phương vì nghị quyết không phản ánh đúng với thực tế ở Việt Nam, mang tính can thiệp và áp đặt.
Trả lời câu hỏi liệu một Trung Quốc trỗi dậy có làm ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam – Mỹ hay không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Sự hùng mạnh của Trung Quốc có lợi cho khu vực và cả thế giới nhưng với điều kiện Trung Quốc phải tôn trọng độc lập chủ quyền của nước khác, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật biển.
Về câu hỏi vai trò của Việt Nam trong các cơ quan LHQ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam từng được bầu làm ủy viên không thường trực HĐBA, đã và đang phấn đấu hết mình trong LHQ trên tất cả các lĩnh vực với 2 trụ cột chính là hòa bình và phát triển.
Minh Trung
Nhật muốn vào thường trực HĐBA, Trung Quốc phản ứng
Ngày 27.9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố tất cả thành viên LHQ, gồm cả những nước muốn đóng vai trò lớn hơn ở HĐBA LHQ, trước hết “cần tôn trọng lịch sử và không nên thách thức những thành quả của cuộc chiến tranh chống phát xít”, theo Tân Hoa xã.
Phản ứng này nhằm vào bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Đại hội đồng LHQ kêu gọi cải tổ HĐBA và Nhật có khả năng đóng vai trò thành viên thường trực.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm khi ông Rouhani trên đường ra sân bay về nước sau khi dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York, theo AFP. Đây là cuộc liên lạc trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo 2 nước kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Trong cuộc nói chuyện 15 phút thông qua các thông dịch viên, 2 tổng thống thảo luận các diễn biến tích cực gần đây liên quan đến giải quyết tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran.
Cùng ngày, HĐBA LHQ thông qua nghị quyết về tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria và lên án vụ tấn công bằng khí độc hồi tháng 8, khiến 1.400 người thiệt mạng, theo AFP. Nghị quyết tạm thời chặn đứng khả năng phương Tây tấn công Syria. Dự kiến, các thanh sát viên quốc tế sẽ đến Syria vào tuần tới để bắt đầu công tác thống kê, kiểm tra vũ khí hóa học. Trong khi đó, hơn 30 nhóm nổi dậy nhỏ ở Syria vừa tuyên bố cắt đứt quan hệ với nhóm đối lập chính Syria được phương Tây hậu thuẫn là Hội đồng Dân tộc Syria, theo Reuters.
Văn Khoa
Theo TTXVN
"Hy vọng Thủ tướng VN sẽ truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo khác"
Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại VN, đã bày tỏ hy vọng Thủ tướng VN, khi đọc diễn văn tại Đại hội đồng LHQ, sẽ truyền cảm hứng cho các vị lãnh đạo khác khi chia sẻ kinh nghiệm của VN giảm được 1/3 người nghèo trong chưa đầy 10 năm.
Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại VN
Vào sớm mai, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, sẽ có bài phát biểu tại kỳ họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ. Nhân sự kiện này, bà Pratibha Mehta, đã có bài viết gửi báo Dân Trí về những đánh giá và kỳ vọng sắp tới đối với tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam.
Theo bà Pratibha Mehta, kỳ họp của Đại hội đồng LHQ diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi sâu sắc trên toàn cầu. Bên cạnh những tiến bộ to lớn thế giới đã đạt được, vẫn còn những bất đồng, vẫn còn những cuộc xung đột dai dẳng, vẫn tồn tại tình trạng không có việc làm, xói mòn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Bà hy vọng, khi Thủ tướng Việt Nam đọc diễn văn tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng sẽ truyền cảm hứng cho các vị lãnh đạo khác khi chia sẻ với họ kinh nghiệm của Việt Nam đã giảm được một phần ba người nghèo trong chưa đầy 10 năm.
8 Mục tiêu phát triển Thiên niên Kỷ 1. Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn 2. Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học 3.Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ 4. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em 5. Cải thiện sức khỏe bà mẹ 6. Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác 7. Đảm bảo sự bền vững của môi trường 8. Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển
Theo bà, "Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đầy ấn tượng hướng tới việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đến năm 2015. Việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và bà mẹ, cải thiện sức khoẻ và tăng cường khả năng tiếp cận với giáo dục đã mang lại niềm hy vọng cho hàng triệu công dân Việt Nam và gia đình của họ."
Và bà nhận định, đó là "những thành tựu to lớn mà Việt Nam có quyền tự hào và là niềm hy vọng và triển vọng cho các quốc gia khác".
Tuy nhiên, theo bà, để thực hiện được tất cả 8 Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam vẫn cần tiếp tục phấn đấu ở 3 mục tiêu, đó là cuộc chiến chống HIV, bảo đảm tính bền vững về môi trường và phát triển quan hệ đối tác.
Bà cũng lưu ý ở 5 mục tiêu mà Việt Nam đã thực hiện được hoặc có khả năng thực hiện được ở cấp quốc gia cho đến năm 2015, tiến độ thực hiện còn chênh lệnh giữa các tỉnh, huyện và xã, vùng dân tộc...
Bà Pratibha Mehta cho rằng: "Chúng ta đang tiến nhanh đến thời hạn 2015, nhưng ở phía trước còn nhiều thách thức và thời gian không cho phép chúng ta nghỉ ngơi sau thành công đạt được. Đây chính là lúc chúng ta cần đặt ra chương trình nghị sự phát triển mới cho tương lai để duy trì đà phát triển sau năm 2015."
Theo bà, chương trình nghị sự phát triển mới cho giai đoạn sau năm 2015 phải duy trì, thậm chí là thúc đẩy hơn nữa được đà phát triển đã có.
Bà cũng cho biết, "trong 12 tháng qua, để góp phần xây dựng một "Thế giới mà chúng ta mong muốn", Liên hợp quốc đã thu thập quan điểm và tiếng nói của hơn một triệu người trên toàn thế giới. Việt Nam đã có vai trò tích cực trong quá trình này và giờ đây Việt Nam có tiếng nói rất đáng tin cậy trong việc hình thành chương trình nghị sự phát triển cho giai đoạn sau năm 2015."
PV
Theo Dantri
Việt Nam: Thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh AFP). Sự kiện này nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng đường lối hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam. Đồng thời, khẳng định Việt Nam là...