Hương quê trong bát canh chua lá giang
Lá giang vốn quen thuộc với người dân quê, nhất là ở vùng núi, trung du. Thuộc giống dây leo, lá giang thường mọc thành lùm ở bờ rào, bụi rậm. Chỉ cần một vòng quanh lối nhỏ là đã có một rổ lá giang xanh mơn mởn, còn đọng những hạt sương mai.
Ngày còn ở quê, tôi được thưởng thức nhiều món ăn từ lá giang. Mấy ai có thể quên được cái thú ăn cá nướng cuốn với lá giang, rau rừng. Ở nơi xứ sở trung du quê tôi, mỗi khi nhà có giỗ, chạp, trong mâm cơm cúng ông bà không thể thiếu món cá suối nướng lá giang. Chọn những con cá suối thân tròn, to cỡ băng cổ tay làm sạch vẩy, mổ vứt bỏ mật và ruột, khứa chéo phần thân ngoài cá và tẩm gia vị. Gia vị để ướp cá gồm sả, ớt, tiêu, mì chính và rau thơm rừng tất nhiên cả lá giang đã thái mỏng. Độ mươi phút, gập ngang cá lại tiếp tục cho lá giang và gia vị nhồi vào giữa, dùng thanh tre tươi kẹp chặt và nướng trên than hồng. Khi lớp ngoài mình cá chuyển dần từ màu trắng sang vàng là được. Món này chấm nước mắm tỏi ớt ăn cùng với cơm hoặc cuốn lá giang non thì thật là tuyệt. Tháng 3 về, trong tiết trời se se lạnh, bên bếp lửa hồng, mùi cá hòa lẫn hương thơm thoảng thoảng của lá giang tạo nên một thứ mùi đặc trưng khó tả, vừa giản dị, quen thuộc mà nồng nàn ấm áp.
Trước đây, kinh tế còn eo hẹp, mỗi lần đi rừng, đến bờ suối người ta tranh thủ mò thêm ốc, những chú ốc thân nhỏ, dài bám vào đá được đem về nhà ngâm, rửa sạch rồi nấu canh cùng lá giang. Món ốc nấu lá giang vốn là đặc sản, giàu can xi, mát lại bổ dưỡng. Tuy chỉ là phụ liệu, nhưng chính cái vị thanh chua của lá giang đã tạo nên một nét rất riêng.
Ngày nay, lá giang được bán nhiều ở chợ quê nên người ta hay nấu canh lá giang với cá biển tươi, bỏ thêm một ít khế, hành, ngò, ớt để tăng thêm vị đậm đà. Cá mua về ( cá nhám, cá đuối…), làm sạch, ướp với nước mắm, một ít tiêu và không thể thiếu vị cay của ớt. Phi thơm hành tím, đổ cá vào, rim đến khi thịt cá săn lại, cho tiếp chuối chát trộn đều để thấm gia vị. Đổ hỗn hợp trên vào nồi nước đang sôi. Sau cùng, cho khế, cà chua, bỏ lá giang đã vò nát vào và tắt bếp. Cũng như tất cả món canh cá khác, canh chua lá giang dùng khi nóng mới ngon. Bữa cơm dân dã cùng canh chua lá giang tuy không cầu kỳ, không sang trọng nhưng mang đầy hương vị quê nhà.
Theo Monngonsaigon.com
Nhớ mãi những món ngon từ trái vả
Thành phố nơi tôi đang sinh sống, người ta không trồng nhiều vả. Thỉnh thoảng, bắt gặp một vài cây nhưng không sai quả như ở quê. Hôm nay đi chợ, chợt thấy những quả vả được bày bán trên sạp hàng mới biết mùa vả đã đến. Lại nhớ như in lời mẹ nói: "Người quê mình nhờ ăn những trái vả này mà lên núi, làm nương suốt ngày cũng không thấy nhức mỏi đó con à!".
Vả là cây mọc hoang ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng rừng núi ở miền Trung. Trên đường làng quê tôi, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp cây vả tỏa bóng che mát, quả mọc thành chùm xinh xắn, mịn màng lông tơ. Mỗi mùa vả đến, đầy ắp trên các chuyến xe hàng, trên gồng gánh đổ về các chợ. Người về thăm quê, khách đến nhà thế nào cũng được biếu một ít vả làm quà. Trái vả được ưa chuộng vì các món chế biến từ vả có vị rất riêng, ăn ngon miệng lại chữa được bệnh suy nhược, kém ăn, gầy yếu...
Người quê tôi thường dùng quả vả chế biến thành nhiều món ăn. Trái vả bào mỏng ăn sống với rau thơm, dùng chung với bánh xèo, hoặc ăn kẹp với nhiều món khác, công dụng như thể chuối chát bào mỏng vậy. Phổ biến nhất là vả trộn xúc bánh trán. Chọn những trái vả thật tươi, vỏ xanh biếc, ruột đỏ hồng. Đun nước thật sôi rồi mới cho vả vào luộc đến khi mềm (nhừ quá sẽ không ngon).
Vả luộc chín nhanh tay cho vào nồi nước lạnh để nguội, dùng dao vạt bỏ lớp vỏ bên ngoài, cắt mỏng và dọc theo chiều từ cuống đến núm trái. Dùng tay vắt mạnh cho kiệt nước sau đó bóp các miếng vả tơi ra. Ngày trước người ta thường trộn vả với tép khô, nay kinh tế khá hơn thường dùng thịt ba chỉ hay tôm lột. Trộn chung vả với thịt heo luộc đã xắt mỏng hoặc tôm cùng với đậu phộng rang giã dập, một ít rau quế, rau húng và bắp chuối sứ xắt mỏng, nêm thêm gia vị cho vừa ăn . Vả trộn ngon nhất là xúc bánh tráng nướng, chấm nước mắm cay.
Vả còn có thể chế biến thành các món kho với thịt, cá đồng...để ăn cơm hằng ngày. Mà ngon hơn hết là kho với cá rô, cá tràu (cá quả). Cá đem về con tươi, làm sạch ướp hành, ớt, tiêu, chế vào tí dầu, nước mắm bắc lên kho nhỏ lửa. Vả thái dày, cắt thành miếng bỏ vào nồi cá đang sôi. Khi vả đã ngả màu vàng sậm hơn, lấy đũa xăm thử thấy mềm thì tắt lửa. Cá có vị mặn mặn, ngọt ngọt và thơm của vả. Vả có vị ngọt của cá lại thêm cái béo của dầu, có thể ăn mãi không ngán.
Đặc biệt, vả muối với vị chua chua, ngọt ngọt từ lâu đã hiện hữu và chiếm vị trí quan trọng trong mâm cổ ngày giỗ chạp. Trước tiên, chọn những trái không quá già, dầm với nước pha một ít muối, vài giọt chanh cho bớt vị chát. Sau đó khứa từng lát mỏng theo hình tròn của trái vả cho đẹp mắt .Sắp vả vào lọ thủy tinh, đổ hỗn hợp dấm và đường đã đun sôi để nguội, thêm ít ớt đỏ tươi, một vài múi tỏi để có vị cay, lưu ý là phải có gừng để có được mùi thơm và giúp bụng ấm hơn.
Dù chỉ là món ăn đơn giản, dân dã, ấy vậy mà vả trộn, vả kho hay vả dầm muối lại không thể thiếu trong những bữa cơm của nhiều gia đình. Và những ai lần đầu được thưởng thức các món từ trái vả chắc chắc sẽ bâng khuâng, nhớ mãi cái vị thanh ngọt mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Theo Lao Động
Loanh quanh thưởng thức đồ ăn đường phố ở Hàn Quốc Phải nói rằng đồ ăn đường phố luôn có một sức hút đến kì lạ và điều này cũng không hề sai ở Hàn Quốc! Xứ sở Hàn Quốc xinh đẹp sẽ không hề làm bạn thất vọng khi dạo vòng quanh những con đường ở nơi đây, những điều ghi lại trong tâm trí bạn sẽ không chỉ là những con đường...