Hương mùa cũ
Có lẽ, ở mỗi thời đoạn của cuộc đời, con người ta lại gắn bó với một mùi hương nhất định, nhưng có những mùi hương khiến ta cứ đau đáu nhớ về như một hoài niệm đẹp không bao giờ tan vỡ. Tôi gọi đó là hương mùa cũ.
Thực ra mà nói, chúng ta vốn nặng lòng với cuộc đời đôi khi cũng vì những điều đã cũ. Và xuân này, trong muôn vàn hương vị mới mẻ giữa cái tiện nghi của phố phường, thoáng chốc tôi lại nhớ về một mùi vị cũ mà tôi gọi đó là “mùi Tết nhớ thương”.
Gia đình tôi trước kia nghèo khó. Tết của những năm bao cấp không xông xênh và tiện lợi như bây giờ. Hồi ấy, cả gia đình tôi sống nhờ vào nghề ủ rượu nếp vắt – thứ rượu được làm ra từ “hạt ngọc của trời”. Tôi được rèn nghề từ tấm bé dù chưa ý thức được rằng đó là thức quà mang hương vị truyền thống của ẩm thực Việt. Chỉ biết mẹ đã lấy những đồng tiền ít ỏi từ nghề ủ rượu này để nuôi năm miệng ăn, ba chị em tôi lại cùng tuổi đến trường, chật vật mãi. Tất nhiên, Tết cũng chỉ trông chờ vào chừng ấy.
Mẹ tôi học nghề làm rượu nếp từ một gia đình phía Bắc chuyển vào sinh sống cạnh nhà. Thức rượu ấy, ngoài tác dụng bồi bổ sức khỏe còn giúp ăn ngon miệng, làm ấm cơ thể và kích thích tiêu hóa.
Năm 12 tuổi, tôi đã biết giúp mẹ nhen bếp than, đun nước, đãi nếp và đồ nếp lên thành xôi. Tôi có thể làm thành thạo các công đoạn ủ rượu như thể hành nghề đã mấy chục năm vậy. Còn nhớ, cô bé ngày xưa cứ hì hục bới xôi ra nia, khéo léo trải đều tay cho tơi từng hạt. Đợi vài phút cho tới khi sờ tay thấy xôi âm ấm là bắt đầu rắc men. Thứ men làm từ bột gạo và một số vị thuốc Bắc ấy, đã được bố tôi tán thành bột mịn, rây bỏ trấu từ trước. Ủ trong lu kín chừng dăm ba hôm là nếp dậy mùi thơm…
Những ngày bếp dột mưa, bố tôi vác từng lọn củi, mẹ khệ nệ khiêng từng lu nếp lên nhà trên, sợ thấm nước rồi vài bữa lại mất đi “nồi gạo”. Tôi ngày nào đi học cũng suýt muộn giờ vào lớp, vì vừa ủ rượu xong là ôm cặp sách lao đi, mười đầu ngón tay còn dính đầy men rượu. Thấm thoát mà đã mười mấy năm…
Video đang HOT
Tôi vẫn còn nhớ như in cái mùi vị dịu êm của nếp mới khi vừa “chín” tới, có chút ngậy của hạt nếp bung mềm, có chút cay nồng của hơi men ngấm từ đầu lưỡi vào đến tận cổ họng. Rượu nếp vắt thường đánh lừa cảm giác của người uống, ngọt đến mức tưởng không thể nào khiến cho ta say khướt nhưng lại dần làm ta chếch choáng tự lúc nào không hay.
Vẫn bộ bàn ghế nhựa đơn sơ, vẫn chậu hoa vạn thọ vàng ưng ửng, chai rượu nếp đặt cạnh đấy là thức quà “xịn” nhất để mời khách của nhà tôi ngày ấy. Bố tôi tự hào giới thiệu “cây nhà lá vườn” mỗi khi đón khách vào mấy ngày Tết, dù khách gần gũi hay xa xôi, thân quen hay lạ lẫm. Những câu chuyện nghênh đón mùa xuân cũng theo men rượu mà nồng lên giữa căn nhà trống hoác, cái nhọc nhằn của một năm khó khổ cùng vì thế mà được xua tan. Chị em tôi ngóng Tết từng ngày, tụm năm tụm ba lại, cười hớn hở dù chẳng được uống rượu rồi hà một hơi dài như người lớn.
Hương vị say nồng của rượu nếp là mùi hương gắn bó nhiều nhất với tuổi thơ tôi. Ngày hôm nay, khi mãi lao mình ra với cuộc mưu sinh, tôi dường như quên mất gia đình mình từng sống bằng nghề làm rượu nếp, quên dáng cha ngồi khúm núm giã men trong những buổi chiều chênh chếch nắng, quên lưng mẹ đang còng đi trong từng buổi sớm tảo tần mà khăn len chẳng đủ ấm lòng gió nghiêng.
Tôi thấy mình chưa bao giờ nỗ lực để đưa hương vị tuyệt diệu đó đến với mọi người như một thương hiệu “thơm thảo” mà cha mẹ tôi đã từng dày công lưu giữ.
“Nhiều gia đình, dòng họ có truyền thống tốt đẹp về học tập, lao động, nghề nghiệp, văn hóa và đạo đức. Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ là tiếp nối, phát triển và làm rạng rỡ thêm truyền thống ấy”. Tôi đã dạy học trò của mình những điều như thế trong bài giảng của những ngày giáp Tết. Ngẫm lại, tôi bỗng thấy hổ thẹn vô cùng.
LỮ HỒNG
Theo thegioitiepthi.vn
Tôi trở thành tên trộm vì... thèm bánh thuẫn
Quê nghèo, xóm nghèo nhưng giàu mùi Tết.Thơm ngọt rim gừng, rim dừa, rim bí. Thơm lừng những chiếc bánh tráng trắng ngà nóng hổi mới vớt khỏi lò. Thơm nhức mũi những mẻ nếp phồng to làm cốm. Ôi, ra rồi, thơm phức mùi chiếc khuôn bánh thuẫn vừa được mở nắp.
Mùi thơm đặc trưng không thể lẫn. "Bây ơi, tới rồi, Tết tới rồi!". Tôi sẽ bằng tốc độ ánh sáng đi "lan tỏa" cái mùi ngất ngây ấy cho chúng bạn ngay sau khi hương thơm của mẻ bánh đầu tiên chảy tràn xuống lồng ngực.
Bánh thuẫn, đấy là thứ bánh ngon nhất mà tôi từng được ăn (hồi đó tôi nghĩ vậy). Còn bây giờ, ý nghĩ ấy vẫn chưa thay đổi mà tôi còn kết luận, bánh thuẫn - thứ bánh nhà quê ám ảnh người dân quê.
Trẻ nhỏ quây quần xem bà làm bánh thuẫn. Ảnh: IT.
Ám ảnh lắm. Quê tôi hồi đó, dấu hiệu rõ ràng nhất của Tết là mùi bánh thuẫn. Tôi gọi bánh thuẫn là bánh nhà quê. Bột khoai hạ nhà làm, trứng vịt ngoài chuồng, chỉ cần mua đường cát, hũ va ni (hoặc củ gừng giã lấy nước) thì sẽ có những mẻ bánh thơm... mênh mang bất tận. Trời ơi, tôi đang thấy như mình đang ngồi chứng kiến những chiếc bánh được quyện từ hỗn hợp trứng, bột, đường vun tròn, xòe bốn tai hoa trong lửa. "Đợi một chút nữa" - mẹ "hét" lên khi tôi hồi hộp đòi mở nắp. Sau mấy giây nín thở rồi cũng tới giờ khắc chiếc nắp đồng được mở, những chiếc bánh nở tai hoa dậy mùi được vớt ra sắp ngay ngắn. Vàng ruộm, thơm nức, ngọt vừa đủ - tôi luôn được mẹ cho "khai vị" chiếc bánh đầu tiên. Sướng mê tơi! Vừa ăn vừa thán phục - đó quả là thứ bánh đơn sơ mà "nhức nhối".
Tôi đã nghĩ mình là đứa trẻ duy nhất của thế gian này thèm bánh thuẫn. Vì thèm nên ám ảnh. Với tôi, ngày nhà làm bánh thuẫn sẽ là một ngày trọng đại. Nếu là ngày tới trường thì tôi xem là ngày xui xẻo. Xin lỗi cô thầy vì ngày hôm đó học trò khó lòng dung nạp kiến thức khi trong đầu cứ chất chứa mùi bánh thuẫn. Và như thế, tan học, tôi sẽ ba chân bốn cẳng phóng về nhà. May quá, tôi luôn về nhà trước mẻ bánh cuối cùng. Không kịp thay đồ, tôi sà lại chực mẻ bánh vét xoong - còn một ít nguyên liệu mẹ sẽ rót thêm nước ấm đánh đều và rót vào các khuôn, mỗi khuôn một ít. Tôi sẽ hí hửng xin mẹ được tự tay vớt những chiếc bánh mềm èo, xốp xịch đó. Bánh vét xoong là mẻ bánh ngon nhất trần đời. Những chiếc bánh mềm mềm, nong nóng dậy mùi, vừa thổi vừa ăn, ngon ơi ngon... Ăn bánh thuẫn đừng vội - mẹ dặn. Tôi sẽ cẩn thận cầm, hít no nê đã đời rồi từ từ nhẩn nha chiếc bánh đặc biệt ấy.
Tết đến, mẹ sẽ chọn những chiếc bánh thuẫn đẹp nhất cúng tổ tiên và mời khách. Một đĩa bánh thuẫn nở đều nở đẹp, sự giòn thơm phô tràn ra bên ngoài. Khách đến nhà chúc Tết, đầu tiên sẽ là lời khen "bánh thuẫn năm nay đẹp quá..." - mẹ sẽ cười mãn nguyện, lời khen ấy có giá trị hơn bất cứ một câu chúc Tết mĩ miều nào.
Còn tôi, niềm vui những mùa xuân tuổi nhỏ đơn giản lắm. Chỉ cần cầm cái bánh thuẫn giòn rụm, cắn vào một miếng, vị ngọt của bánh tan ra trên đầu lưỡi, ngây ngất nghe mùi thơm lan tỏa xung quanh là tôi đã thấy như thu cả mùa xuân.
Nói tới bánh thuẫn lại nhớ đến lần đầu phạm tội. Năm đó mùa màng thất bát, các con đổ bệnh, túng bấn nên mẹ phán "Tết này khỏi bánh khỏi trái". Tôi thiếu điều muốn được nằm luôn trên giường bệnh mà không thiết chuyện Tết nhứt vì không được ngồi bên âu lửa ngắm những chiếc bánh xòe tai hoa. Nhà có sẵn bột, mua thêm ký đường là được mà. Mày đẻ được trứng thì mẹ làm...
Không đẻ được thì lấy trộm. Tôi đã khóc òa khi bọc trứng vừa được mang ra khỏi cửa chuồng thì gặp bác Sáu, chủ trại vịt bên sông. Cháu xin lỗi. Tại... tại... cháu thèm bánh thuẫn mà mẹ không... Chiều hôm đó, tôi mếu máo, nín thở nép bên cửa khi thấy bác Sáu từ ngoài cửa bước vào kêu to: "chị Hai ơi, chị Hai ơi". Chết rồi, bác đi mắng vốn. Nhưng khi mẹ chạy ra thì tôi thấy bác dúi túi trứng vào tay bảo làm bánh thuẫn cho sắp nhỏ: "Tết không được ăn bánh thuẫn buồn lắm, hồi nhỏ tui cũng vậy"...
Bây giờ tuổi đã ngấp nghé tứ tuần, xa quê chừng ấy năm, nghĩ về Tết, trong đầu tôi, trong tim tôi, không có thứ gì khác ngoài mùi bánh thuẫn.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Theo thegioitiepthi.vn
Vì một cái Tết ấm no không lo béo, dân tình 'rần rần' khoe bánh chưng, bánh tét size mini Những chiếc bánh nhỏ xíu chỉ cỡ 2 đầu ngón tay đang được cư dân mạng chia sẻ rầm rộ, thu hút sự chú ý. Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, bên cạnh những điều tốt đẹp, may mắn đang đón chờ mỗi người thì không ít bạn trẻ còn 'đau đầu' vì một vấn đề khác: Đó...