Hướng đi mới cho làng nghề thủ công mỹ nghệ Thủ đô
Chiều 10/6, tại Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm – Hà Nội), đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nghệ nhân làng nghề đã về dự Đại hội đại biểu lần thứ IV nhiệm kỳ 2022-2027 của Hiệp hội Thủ công mỹ nghề và Làng nghề Hà Nội nhằm tìm hướng đi mới, đầy sáng tạo và tâm huyết cho làng nghề thủ công mỹ nghệ Thủ đô trong giai đoạn mới.
Các sản phẩm gốm sứ được trưng bày tại Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Phương Anh/TTXVN
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho biết: hầu hết tại đây là những người làm nghề trong các làng nghề truyền thống của Thủ đô, hậu duệ đời thứ 15, các con là đời thứ 16 trong 19 dòng họ gốc sinh sống tại làng gốm cổ Bát Tràng cùng các đồng nghiệp trong các làng nghề của Thủ đô đã về dự Đại hội.
“Đây là cơ hội để chúng tôi để trình bày nguyện vọng, cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề của ông cha tổ nghiệp cũng như khai thác thật nhiều các câu chuyện cổ tích bất tận về nghề, về sản phẩm nghề để phục vụ cho du lịch cộng đồng trong các làng nghề truyền thống của Thủ đô, nhằm góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương và thành phố. Đặc biệt, Đại hội rất mong muốn được lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm, xây dựng chiến lược và tầm nhìn cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô”.Bà hà Thị Vinh nhấn mạnh.
Hà Nội có tới 1.350 làng nghề; trong đó, có tới 308 làng nghề truyền thống và là cái nôi của số lượng làng nghề và nghệ nhân đông nhất của cả nước. Hơn 15 năm qua, Hiệp hội luôn là nơi giao lưu, học hỏi của các hội viên, là cầu nối để các hội viên được tiếp cận nhanh nhất đến cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng luôn luôn đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất như hợp lý hóa trong sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới có tính cạnh tranh và hấp dẫn thị trường, nâng cao được giá trị sản phẩm trên thị trường.
Để giúp các hội viên đưa sản phẩm ra thị trường thế giới thông qua các hội chợ quốc tế, Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến- Đầu tư thương mại và Du lịch và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) như Hội chợ megashow tại Hong Kong (Trung Quốc), Hội chợ thủ công mỹ nghệ tại thành phố Frankfurt (Cộng hòa liên bang Đức), Hội chợ tại Mỹ, Italy, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Myanmar, Lào, Thái lan và Campuchia.
Đặc biệt sau 2 năm tổng kết chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Trung ương đã lựa chọn được 20 bộ sản phẩm đạt 5 sao cho toàn quốc; trong đó, Hà Nội chiếm 4 bộ sản phẩm và là thành phố có nhiều sản phẩm đạt tiêu chí 5 sao nhất nước. Vinh dự hơn là 4 bộ sản phẩm 5 sao này đều là thành tích của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội.
Bên cạnh đó, các thành viên của Hiệp hội cũng tham gia nhiều cuộc thi về thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đạt được nhiều giải thưởng cao như giải nhất, nhì, ba và cũng là một trong những tiêu chí để các hội viên được tham gia xét tặng danh hiệu nghệ nhân các cấp.
Video đang HOT
Phát biểu tại Đại hội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội trong những năm qua đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của làng nghề Thủ đô nói riêng và vào kinh tế xã hội của Hà Nội nói chung.
Đặc biệt, Chương trình OCOP Hà Nội đã thổi một luồng sinh khí mới giúp cho các chủ thể sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, phố nghề của thủ đô nhận thức sâu sắc để thay đổi tư duy sản xuất, bộ tiêu chí chấm sao đã giúp các chủ thể tự hoàn thiện, thay đổi tích cực hệ thống hóa, hợp lý hóa trong quá trình sản xuất để đạt được sao cao trong bộ tiêu trí mà thành phố đề ra.
“ Sản phẩm OCOP còn là nơi để các nghệ nhân làng nghề kể lại những câu chuyện thông qua sản phẩm, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của từng nghề trong suốt chiều dài lịch sử của hàng trăm năm, hàng ngàn năm được lưu giữ trong mỗi làng nghề của thủ đô của chúng ta. Từ hàng ngàn, vạn các câu chuyện này đi cùng năm tháng của dòng lịch sử trong các làng nghề, phố nghề là sản phẩm vô tận, vô cùng hấp dẫn hy vọng sẽ được khai thác đồng hành cho chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô”- bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Tại Đại hội, các đại biểu cũng nêu nên nhiều khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội đang phải đối mặt như sản phẩm ngày càng cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các nước trong khu vực, chi phí sản xuất đầu vào ngày càng cao, mẫu mã cần được thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, các doanh nghiệp làng nghề lại gặp rất khó khăn về nguồn vốn, mở rộng mặt bằng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị tiên tiến. Về chất lượng nguồn lao động trong các làng nghề còn rất yếu về kiến thức và kỹ năng nghề, đồng thời ô nhiễm môi trường đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Khách tham quan các sản phẩm gốm, sứ trưng bày tại Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Phương Anh/TTXVN
Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, nhất là các thế hệ trẻ có cơ hội làm nghề, các đại biểu kiến nghị thành phố Hà Nội nên có chủ trương để các trường, trung tâm đào tạo nghề biên soạn các giáo trình riêng cho các học viên về môn thiết kế sản phẩm trên máy và các kỹ năng chuyên môn sâu về nghề cho từng dòng sản phẩm.
Đồng thời, Hà Nội cần phát động phong trào xuống đến thôn xã trong các làng nghê động viên cho các con em đi học nghề nhằm phát triển nghề tại địa phương. Để khuyến khích thế hệ trẻ học nghề truyền thống của địa phương, Hà Nội nên có 1 nguồn quỹ về tài chính để cấp học bổng hoặc cho vay không lãi để giúp cho nhiều con em có cơ hội đi học nghề.
Ngoài ra, Hà Nội cần tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch nhằm lựa chọn sản phẩm đặc trưng tiêu biểu đáp ứng nhu cầu mua sắp lưu niệm của du khách khi đến Thủ đô, đồng thời khơi dậy sức sáng tạo của nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thủ đô và cả nước.
Tại Đại hội lần thứ IV bà Hà Thị Vinh được sự tín nhiệm của các hội viên nên tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghề và Làng nghề Hà Nội nhiệm kỳ 2022-2027.
Chế biến cá khô tại Bến Tre nhộn nhịp vào vụ tết
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hoạt động sản xuất ở làng nghề truyền thống chế biến cá khô, tôm khô tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre lại nhộn nhịp.
Các hộ sản xuất cá khô ở làng nghề truyền thống chế biến cá khô Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN
Hiện, các hộ của làng nghề đang tất bật "chạy đua" sản xuất sản phẩm cá khô các loại, để phục vụ cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những sản phẩm chất lượng trong dịp Tết cổ truyền.
Đang cùng nhân công tất bật chuẩn bị nguồn nguyên liệu để đưa cá lên giàn phơi đón ánh nắng đầu tiên của ngày mới, bà Nguyễn Thị Tươi, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại cho hay, vào dịp cuối năm là thời gian bận rộn nhất của người dân sản xuất khô tại làng nghề cá khô Bình Thắng.
Thời điểm này, các hộ dân làm nghề cá khô đang gấp rút cho các đơn hàng vào dịp cuối năm để phục vụ tết sắp tới. Cùng đó, thời điểm hiện nay, các tàu thuyền đánh cá đang tập trung về bến để vui Xuân, đón Tết. Do vậy, lượng cá nguyên liệu để làm khô dồi dào hơn, người dân làm cá khô tăng tối đa công suất để vừa có cá khô bán dịp tết, vừa để sản xuất hàng trữ lại cho những tháng đầu năm khi tàu đánh cá ra khơi, nguồn nguyên liệu khan hiếm.
Bà Tươi chia sẻ, vào dịp cuối năm, lượng hàng tăng lên nhưng do tuân thủ quy định phòng chống dịch nên cơ sở của gia đình không thuê thêm nhân công thời vụ, chỉ có 4 nhân công làm xuyên suốt để đảm bảo phòng chống dịch.
Tuy năm nay ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng tình hình sản xuất khô cá vẫn khả quan vào dịp cuối năm, các đơn hàng truyền thống tại các tỉnh vẫn đặt hàng, hứa hẹn có một cái tết vui tươi, sung túc tại làng cá khô Bình Thắng.
Từ làng nghề truyền thống với hầu hết các công đoạn đều làm thủ công, giờ đây dân làng đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm ra sản phẩm ngon hơn, bảo quản được lâu nên sản phẩm được bán đi xa hơn. Hiện tại, người dân không chỉ mở rộng sản xuất mà còn hướng đến sản phẩm sạch nhằm phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Đặng Hoàng Nam, Công ty Thương mại Cá Việt cho hay, khu vực biển Bình Đại với làng nghề khai thác thủy sản lâu đời, đây là điều kiện để phát triển ngành cá khô xuất khẩu. Hiện công ty đang sản xuất các loại cá khô để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ với sản lượng hơn 700 tấn năm, kim ngạch xuất khẩu hơn 16 triệu USD/năm; trong đó, làng nghề khai thác thủy sản Bình Đại cung ứng hơn 20% nguyên liệu sản xuất của công ty.
Ông Nam cho biết, trong thời gian tới, công ty tiếp tục liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tàu khai thác đánh bắt thủy sản của địa phương để có vùng nguyên liệu ổn định hơn trong sản xuất.
Nằm dọc sông Tiền cách biển chỉ 5km, làng nghề chài lưới xã Bình Thắng hình từ rất lâu đời. Từ sản xuất tiêu thụ tại địa phương, đến nay làng nghề cá khô Bình thắng hình thành và phát triển với sản lượng khá lớn và tiêu thụ khắp các tỉnh trong khu vực. Những con cá tươi ngon, qua bàn tay khéo léo của bà con làng nghề đã biến thành món cá khô thơm ngon và là đặc sản của huyện Bình Đại như: khô cá lù đù, mực một nắng, cá chỉ vàng, cá lưỡi trâu, cá đổng...
Sản phẩm từ làng nghề cũng ngày một vươn xa để đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của nhiều gia đình.
Theo ông Phạm Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thắng, năm 2007, làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng được UBND tỉnh Tre công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện tại, làng nghề 26 hộ tham gia sản xuất, với sản lượng bình quân khoảng hơn 1 tấn cá khô/ngày. Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán, sản lượng cá khô của làng nghề tăng lên gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Làng nghề cá khô Bình Thắng hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là những tháng gần Tết vì nhu cầu của thị trường lớn. Sản phẩm của làng nghề rất phong phú như: cá khô, cá tẩm gia vị, cá một nắng, mực một nắng...
Các hộ sản xuất cá khô ở làng nghề truyền thống chế biến cá khô Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN
Ông Phong cho biết thêm, hiện nay địa phương phối hợp ngành chức năng hướng dẫn người dân làng nghề sản xuất sản phẩm ngày càng chất lượng, theo quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, xã cũng đang làm hồ sơ để sản phẩm cá khô làng nghề đăng ký sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, địa phương hướng tới xây dựng thương hiệu làng nghề để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường.
Sản phẩm OCOP quốc gia - Bài cuối: 'Sức bật' cho kinh tế nông thôn Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Thu hoạch vải thiều...