Hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông
Theo kế hoạch, từ ngày 15-5 đến ngày 14-6-2020, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước ra quân tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Việc tổng kiểm tra này nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phát hiện các vi phạm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến góp ý, tập trung vào việc hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông.
Hành vi chở quá tải, quá khổ cần phải xử phạt nghiêm (Ảnh: Xe 3 bánh chở thép cồng kềnh trên đường Trường Chinh, đoạn qua phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM). Ảnh: HOÀNG THÁI HÙNG
Công khai, minh bạch, hạn chế gây phiền hà
Để việc tổng kiểm tra diễn ra đúng mục tiêu đề ra của Bộ Công an, cần có sự hợp tác tốt của mọi công dân và sự thực hiện đúng quy định của cán bộ, chiến sĩ CSGT. Việc kiểm tra phải công khai, minh bạch, làm cách nào tiện lợi và an toàn nhất cho người được kiểm tra. CSGT tuyệt đối tránh hành vi hách dịch, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hay các biểu hiện tiêu cực khác. Việc kiểm tra, xử lý cần theo một quy trình nhất định để tránh việc lạm quyền, lộng quyền, đồng thời các biện pháp xử lý cũng nên linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông.
Ngoài ra, cần có sự đồng bộ trong các hoạt động có liên quan. Chẳng hạn, bảo hiểm dân sự bắt buộc phải thực sự có giá trị thanh toán, bồi thường khi có tai nạn, đúng theo quy định của pháp luật và bảo đảm tiện lợi cho người dân. Hay cần xử lý nghiêm các cá nhân bán các loại bảo hiểm không có giá trị thanh toán mà hiện có một số người chấp nhận mua để né phạt. Việc thực thi các biện pháp xử phạt sao cho thuận lợi, có tính giáo dục và răn đe cao, thay vì gây ra sự bực dọc của người phải nộp phạt.
Video đang HOT
VÂN TÂM (quận Thủ Đức, TPHCM)
Hướng dẫn để người dân tự giác mua bảo hiểm xe máy
Nhiều người đang đổ xô đi mua bảo hiểm (BH) xe máy vì sợ bị CSGT phạt trong đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông. Trong thực tế, không ít người mua BH chỉ để cho có, chưa hiểu rõ về từng loại BH cũng như lợi ích cụ thể của từng loại. Do ham rẻ, nhiều người đã mua loại hình BH không bắt buộc, để rồi vẫn bị CSGT phạt vì không có BH dân sự bắt buộc.
Mua BH xe cộ là rất cần thiết, bởi không chỉ BH cho bản thân và tài sản của chủ xe, mà còn chia sẻ trách nhiệm cho những người liên quan hay chẳng may bị nạn do chủ xe gây ra. Lợi ích là vậy nhưng vì sao nhiều người dân không tự giác mua BH bắt buộc? Thực tế là để được chi trả BH, người mua BH xe máy phải có biên bản hiện trường, giám định tỷ lệ thương tật và tình trạng hư hỏng của xe, xác nhận của CSGT rằng người điều khiển xe không uống rượu bia, không vi phạm giao thông… Hoặc khó hơn nữa là yêu cầu phải có sự chứng kiến của các bên cùng lúc gồm CSGT, nhân viên bảo hiểm và những người liên quan. Do vậy, nhiều người đã phải bỏ cuộc khi làm hồ sơ để được hưởng quyền lợi BH xe máy.
Cùng với việc CSGT kiểm tra đôn đốc người đi xe máy mua BH bắt buộc, các công ty BH xe máy cần hướng dẫn rõ ràng từng điều khoản, điều luật với người mua BH, đồng thời cũng nên có chính sách giải quyết linh động để người mua cảm thấy quyền lợi chính đáng của họ được bảo vệ. Khi người dân hiểu rõ lợi ích của BH, thủ tục đơn giản bớt rườm rà và không đánh đố người mua, thì chẳng cần bị kiểm tra xử phạt, mọi người cũng đều tự nguyện mua BH xe máy.
TƯƠNG QUAN (quận 7, TPHCM)
Phạt nghiêm các hành vi vi phạm
Theo dõi thông tin về tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thường thấy những vụ có hành vi liều mạng. Chẳng hạn, ngồi lái xe bằng chân, buông hai tay, đánh võng khiêu khích người cùng tham gia giao thông, bấm còi xe inh ỏi làm người khác giật thót tim… Thậm chí, ngay trên đường cao tốc vẫn có những tài xế chạy ô tô ngược chiều; dừng xe trên làn đường khẩn cấp để selfie, live stream; phóng xe quá tốc độ quy định…
Đa phần những trường hợp phóng xe bạt mạng đều là những tài xế trẻ, ít kinh nghiệm, thích thể hiện mình, suy nghĩ nông nổi, liều lĩnh không nghĩ đến hậu quả. Chẳng những họ coi thường tính mạng chính mình, mà còn xem tính mạng người khác như cỏ rác. Hệ lụy từ tai nạn giao thông là rất đau lòng, nhiều người bị thương tật, tử nạn, để lại nỗi đau cho gia đình, gánh nặng cho xã hội. Vì vậy, trong đợt tổng kiểm tra này, nên phạt nghiêm đối với hành vi chạy mô tô dàn hàng ngang, phóng xe đánh võng tốc độ cao, chạy vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ; sử dụng các loại xe phân khối lớn gắn biển số khuất tầm nhìn, thay đổi kết cấu xe, đã độ pô hoặc tháo bỏ; sử dụng ma túy, rượu bia rồi điều khiển xe… Đợt tổng kiểm tra này phải thực hiện cho được mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông.
NGUYỄN THANH VŨ (quận Tân Phú, TPHCM)
Phân luồng giao thông 1 chiều qua cầu Rạch Miễu
Trong thời gian 24 ngày thực hiện duy tu, bảo trì lại mặt cầu Rạch Miễu, các xe qua cầu sẽ được phân luồng giao thông một chiều.
Ngày 9-4, ông Hà Ngọc Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu, cho biết từ ngày 8-4 công ty tiến hành duy tu, bảo trì các hạng mục thuộc dự án cầu Rạch Miễu. Trong đó bao gồm các hạng mục thảm bê tông nhựa mặt cầu.
Theo đó, đơn vị sẽ thi công vào ban đêm từ 20 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, thời gian thực hiện trong vòng 24 ngày. Quá trình thi công từ bên trái tuyến tính từ phía tỉnh Tiền Giang về tỉnh Bến Tre, bắt đầu tại vị trí đầu công trình giáp với cầu số 1. Sau khi thi công xong bên trái tuyến sẽ quay lại thi công bên phải tuyến phía tỉnh Bến Tre hướng về Tiền Giang.
Theo kế hoạch duy tu, bảo trì mặt cầu, do lưu lượng xe qua cầu Rạch Miễu rất lớn, quá trình thi công sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông qua cầu nên trước đó Công ty BOT Cầu Rạch Miễu đã có cuộc họp với Sở GTVT, Ban An toàn giao thông hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang thống nhất cho điều tiết giao thông một chiều qua cầu trong thời gian duy tu, bảo trì nhằm tránh tình trạng ùn ứ, kẹt xe trên cầu.
Cụ thể, công tác điều tiết lưu thông qua cầu sẽ do đơn vị thi công đảm trách, cách 15 phút mỗi chiều sẽ được lưu thông qua cầu. Lực lượng CSGT và thanh tra giao thông sẽ hỗ trợ về mặt an ninh trật tự qua khu vực cầu. Trong thời gian thi công, đội cứu hộ túc trực tại cổng xã Thới Sơn, nơi tiếp giáp giữa hai nhịp cầu để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn hoặc xe chết máy gây ùn tắc giao thông.
Mặt cầu Rạch Miễu đang được thi công sửa chữa. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Được biết tổng kinh phí duy tu, bảo trì mặt cầu Rạch Miễu khoảng 6 tỉ đồng. Theo kế hoạch ban đầu chỉ thi công ban đêm để đảm bảo lưu lượng xe ít hơn so với ban ngày và đảm bảo an toàn giao thông.
"Kế hoạch duy tu, bảo trì mặt cầu đã xây dựng từ năm 2019 và dự tính triển khai trong năm này nhưng lưu lượng xe đông quá nên chưa triển khai được. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay đang tập trung phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, lượng xe qua lại không nhiều nên chúng tôi triển khai duy tu mặt cầu ngay" - ông Nam cho biết.
Theo ghi nhận của Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu, hiện nay lượng xe qua lại cầu giảm 30%-40% so với những ngày chưa có dịch. Cụ thể, trước thời điểm có Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội và tạm dừng các loại phương tiện vận tải hành khách, xe du lịch..., lượng xe ghi nhận qua trạm của cầu Rạch Miễu khoảng 17.000-18.000 lượt/ngày đêm, tính ra mỗi ca khoảng 6.000 lượt xe. Tuy nhiên, sau khi có chỉ thị thì mỗi ca cao nhất chỉ khoảng 4.000- 5.000 xe, lượng xe ban đêm qua lại không nhiều.
Ông Nam cho biết thêm, hiện đơn vị mới thi công duy tu mặt cầu một buổi vào đêm 8-4 nên chưa có đánh giá cụ thể mà chờ triển khai 2-3 đêm nữa và qua mỗi đêm thi công sẽ họp để có đánh giá và rút kinh nghiệm quá trình thi công.
"Nếu lưu lượng xe vẫn ít như hiện nay, chúng tôi sẽ báo cáo và làm việc với sở, ngành hữu quan cùng ban an toàn giao thông của các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang để được hỗ trợ cho thi công cả ngày lẫn đêm. Như vậy sẽ rút ngắn thời gian thảm lại mặt cầu Rạch Miễu xuống dưới 24 ngày, sớm có mặt cầu mới cho xe thuận tiện qua lại" - ông Nam nói thêm.
Công trình cầu Rạch Miễu nằm trên tuyến quốc lộ 60 nối liền tỉnh Bến Tre với Tiền Giang, có tổng chiều dài toàn tuyến là 8.331 m, trong đó cầu số 1 (cầu dây văng dài 504 m, khẩu độ nhịp chính 270 m), cầu số 2 phía Bến Tre dài 381,8 m, bề rộng mặt cầu 15 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.400 tỉ đồng. Công trình cầu Rạch Miễu khánh thành đưa vào khai thác tháng 1-2009.
ĐÔNG HÀ
Tai nạn giao thông tại TP.HCM tăng mạnh vì đường quá thoáng Người dân TP.HCM hạn chế ra đường do dịch Covid-19 nên mật độ xe thấp, đường thông thoáng. Nhiều lái xe chủ quan, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ... khiến tai nạn giao thông gia tăng. Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM vừa thông tin về số liệu TNGT xảy ra trên địa bàn trong tháng 3/2020....