“Hướng đạo sinh” 2 giỏi ở vùng nắng gió Mỹ Hiệp
Anh Châm Ngọc Hoàng Lan, thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) được biết đến là chi hội trưởng 2 giỏi. Anh vừa giỏi vận động bà con tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, vừa giỏi hướng dẫn bà con phát triển sản xuất.
Khai mở lối đi
Toàn thôn Mỹ Hiệp có 621 hộ với 2.694 nhân khẩu, trong đó có 85% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Chính vì vậy, trình độ nhận thức người dân còn hạn chế, kinh tế còn lạc hậu, đường giao thông đi lại khó khăn. Với cương vị là chi hội trưởng nông dân, anh Châm Ngọc Hoàng Lan đã cùng cấp ủy, chính quyền và bà con trong thôn từng bước tìm cách tháo gỡ những khó khăn này.
Anh Lan định hướng cho nông dân chăn nuôi. Ảnh: C.T
Châm Ngọc Hoàng Lan là chi hội trưởng rất có uy tín với đồng bào Raglai thôn Mỹ Hiệp. Nhiệt huyết, sự năng động, tấm chân tình của Lan đối với công việc cộng đồng đáng được nêu gương, nhân rộng…”. Ông Đào Văn Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Sơn
Anh Lan tâm sự: “Đứng trước nhiều khó khăn rối như tơ vò của bà con, ban đầu tôi cũng không biết “gỡ” từ đâu, “gỡ” như thế nào. Bình tâm lại, tôi xác định phải cùng bà con phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập mới…”.
Video đang HOT
Để có vốn sản xuất, anh Lan tích cực phối hợp chính quyền, đoàn thể chính trị- xã hội của thôn hướng dẫn cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Ngoài ra, anh còn phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân. Địa phương hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, anh Lan đến từng hộ vận động bà con hiến đất, hiến cây để làm đường giao thông.
Anh Lan cho hay: “Con đường trong thôn trước đây vừa chật hẹp, vừa lầy lội. Đã có những chuyến nông sản bị đổ, rơi hết xuống đường, còn học sinh sợ mưa lầy lội không dám đến trường…”.
Năm 2014, anh Lan vận động hộ ông Bo Thanh Bang hiến 20m2 đất mà không nhận đồng tiền đền bù nào và chặt 2 cây me để làm đường. Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa rộng. Năm 2015, anh và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của thôn đã vận động 10 hộ dân hiến 400m2 đất để làm đường bê tông nông thôn.
Mở mắt nhìn và bước tới
Cái nghèo, lạc hậu đã khiến không ít hộ đồng bào Raglai ở Mỹ Hiệp bị “hãm” trong tầm nhìn hạn hẹp và không dám bước tới.
Anh Lan luôn trăn trở làm cách nào để người dân thoát nghèo. Trăn trở đó đã đưa anh đến quyết tâm phải đi học các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương. Học xong, anh trực tiếp làm. Làm hiệu quả rồi tiếp tục triển khai vận động, hướng dẫn bà con trong thôn cùng làm theo. Những năm gần đây, các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho nông dân. Điển hình như mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi cừu sinh sản, trồng cây bắp thương phẩm, trồng mì, đậu xanh…
Anh Ta In Tá, dân tộc Raglai thổ lộ: “Tôi được anh Lan hướng dẫn cách làm ăn, hướng dẫn vay vốn nên đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu”. Hiện gia đình anh Ta In Tá đã có 3 chiếc máy cày, 1 chiếc máy kéo, 12 con bò, bình quân mỗi năm thu lãi ròng trên 150 triệu đồng.
Chi hội Nông dân thôn Mỹ Hiệp hiện nay có hơn 300 hội viên, trong đó có 75% số hội viên có kinh tế khá giả. Không sinh hoạt chiếu lệ, sơ sài, các hội viên thường xuyên trao đổi học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất.
Theo Danviet
Chi hội trưởng "hai giỏi"
Đến với bản Lả Sẳng thuộc phường Chiềng An, thành phố Sơn La, hỏi chị Lù Thị Hải, nhiều người cho biết: "Đó là người phụ nữ hai giỏi của bản chúng tôi". Lời khẳng định đầy vẻ tự hào ấy càng làm tôi nhanh muốn gặp gỡ người phụ nữ này.
Giỏi việc Nước
Là Chi hội trưởng Nông dân bản Lả Sẳng, công việc thường ngày của chị Hải cũng thêm tất bật. Bản có mấy chục hộ dân, đều là đồng bào dân tộc Thái, trình độ dân trí, nhất là kỹ thuật canh nông còn nhiều hạn chế. "Nhưng tất cả các hộ ở đây đều làm nông nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại gắn với sản xuất hàng hóa, bởi thế nhu cầu tìm hiểu của bà con về những tiến bộ xã hội trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và kinh tế thị trường rất lớn.
Có những câu hỏi rất đơn giản: Khi nào thì bón thúc cho cây trồng? Khi nào thì sử dụng phân lân, phân đạm, kali... ? Nhưng cũng có những câu hỏi mang tính tiên đoán hoặc cần hạch toán kinh tế cao, làm tôi lúng túng như: Năm nay quả mận hậu, mận tam hoa có được giá hơn năm trước không? Nên bán cà phê quả tươi hay bán cà phê nhân thì lợi hơn? Nuôi bò và nuôi lợn thịt cái nào lãi hơn?... Với những câu hỏi khó ấy, tôi lại phải đi tìm cán bộ khuyến nông, cán bộ hội cấp trên để tìm câu trả lời thỏa đáng cho hội viên" - chị Hải tâm sự.
Mô hình tưới ẩm tự tạo theo công nghệ Israel được chị Hải vận dụng vào trồng cỏ, ngô làm thức ăn chăn nuôi gia súc thành công ở bản Lả Sẳng. Ảnh: Kiều Thiện
Ở vào cái tuổi 50, chị Hải vẫn không quản ngại khó khăn khi một hội viên, nông dân trong bản cần sự giúp đỡ của chị. "Ngoài nhiệm vụ của Chi hội trưởng Nông dân, chị Hải còn là khuyến nông viên của bản dù không được hưởng phụ cấp khuyến nông viên. Chị ấy luôn chân thành trong mọi việc nên được mọi người tin yêu. Chi hội Nông dân của chị ấy đã huy động 100% số hộ tham gia tổ chức hội với mức bình quân mỗi hộ là 2 hội viên. Tuy bản ở xa trung tâm nhưng đến nay cả bản chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo do hoàn cảnh bệnh tật, còn lại đều từ mức sống trung bình trở lên, trong đó đã có 14 hộ khá, giàu rồi đấy" - Trưởng bản Lả Sẳng - ông Lù Văn Đạt bảo vậy.
Đảm việc nhà
Nhìn vào gia cảnh của chị Hải mới thấy tấm lòng nhiệt huyết với công việc chung của chị thật lớn. "Chồng tôi bị đau yếu sau vụ tai nạn gãy chân nên không giúp được việc nhà nhiều, nương vườn thì lại càng khó hơn. Nhiều lúc tôi vừa chăm con, cháu; vừa lao động quần quật mới đáp ứng được yêu cầu tiến độ của mùa vụ. Bây giờ con cái đã lớn, cũng đỡ đần được nhiều nên tôi có thêm thời gian công tác xã hội" - chị Hải kể.
Anh Lường Như Huỳnh, chồng chị Hải, bảo: Tôi được người vợ vừa giỏi giang, vừa tần tảo, đã giúp đỡ tôi nhiều lắm. Hơn 1ha đất nương, vườn này, mỗi năm cho thu hoạch cả trăm triệu đồng từ bán mơ, mận hậu, cà phê cũng là nhờ phần lớn vào công sức của vợ tôi. Vừa qua, cô ấy còn nhất trí đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tưới ẩm vào trồng cỏ và nuôi bò nhốt chuồng do Hội Nông dân tỉnh vận động. Thấy vợ vất vả, tôi đã gàn nhưng cô ấy bảo: Mình không làm gương thì người dân khó tin và làm theo. Tôi cũng đành để cho vợ làm mô hình, nhưng thấy cô ấy đảm đương thêm hơn chục con bò nuôi nhốt mà thương...
Anh Lò Văn Hải - Phó Chi hội Nông dân bản Lả Sẳng bảo rằng: Người như chị Hải khó kiếm lắm. Làm cán bộ bản thì chỉ có vất vả thêm ra trong khi hoàn cảnh gia đình đã vất lắm rồi. Nhưng bà con tin yêu, cấp trên tin tưởng nên có muốn nghỉ cũng chẳng dễ đâu. Cán bộ như chị ấy thì đúng là bạc, là vàng của dân bản.
Theo Danviet