Hướng dẫn quản lý thuế “tất cả trong một”
Do luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020 chỉ quy định nguyên tắc nên rất khó thực hiện nếu thông tư hướng dẫn không quy đinh chi tiết, cụ thể.
VCCI vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào Dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn quản lý thuế. Tuy nhiên, khi Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020 được lấy ý kiến đóng góp vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn.
Doanh nghiệp phải tra cứu cả luật, nghị định lẫn thông tư
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp tại Hội thảo góp ý Thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế vào sáng nay (ngày 22/3/2021), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cảm thấy “choáng” khi nhận được hồ sơ của Dự thảo thông tư vì có rất nhiều tài liệu, thuyết minh chi tiết, mẫu biểu cùng bản Dự thảo “đồ sộ” dày cả gang tay.
“Các văn bản hướng dẫn luật, nghị định thường chỉ là quy định các nội dung mang tính kỹ thuật, nhưng nội dung hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế thì ngoài yếu tố kỹ thuật còn rất nhiều nội dung mới, vì vậy không chỉ có nhân viên kế toán của doanh nghiệp quan tâm mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người nộp thuế (bao gồm cả doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân)”, ông Tuấn phát biểu.
Không chỉ ông Tuấn mà rất nhiều doanh nghiệp cảm thấy “choáng ngợp” trước sự “đồ sộ” của Dự thảo lên đến cả trăm trang với rất nhiều điểu khoản, phụ lục, biểu mẫu quy định tất cả các nội dung liên quan đến quản lý thuế và điều chỉnh với tất cả người nộp thuế không chỉ doanh nghiệp, tổ chức; hộ gia dình, cá nhân kinh doanh lẫn không kinh doanh; cả hoạt động thương mại xuyên biên giới mà nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam và bao trùm toàn bộ các khoản thu, sắc thuế.
Video đang HOT
Là người tiếp cận với Dự thảo từ rất sớm, thậm chí đã từng tổ chức hội thảo liên quan đến vấn đề này, nhưng bà Hà Thị Tường Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Kế toán, kiểm toán cũng phải thừa nhận: “Dự thảo có quá nhiều nội dung, nên bản thân tôi cũng đọc trước quên sau thì không hiểu kế toán của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thế nào”.
Vì vậy, bà Vy đề nghị Bộ Tài chính tách làm thông tư này thành 2 thông tư khác nhau, một thông tư quy định cụ thể về kế toán, kê khai thuế và thông tư còn lại hướng dẫn chung về quản lý thuế. “Vì trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp không nắm chắc được toàn bộ quy định nếu gộp toàn bộ vào một văn bản”, bà Vy nói thêm.
Để cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật, những quy định đã được luật hóa thì nghị định hướng dẫn không nhắc lại, kể cả làm rõ thêm; những quy định đã được luật hóa hoặc đã được quy định trong nghị định hướng dẫn thì thông tư hướng dẫn không được quy định lại, kể cả là quy định cụ thể, chi tiết.
“Đây là bước cải cách thủ tục trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với hướng dẫn quản lý thuế thì việc xây dựng văn bản “tất cả trong một” thực sự gây khó cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp phải tra cứu đồng thời cả luật, nghị định lẫn thông tư trong khi đó, những quy định trong luật, nghị định rất khó thực hiện vì chỉ quy định nguyên tắc, không quy định cụ thể, chi tiết”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai, kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng, vẫn biết là nếu quy định “tất cả trong một” trong thời gian đầu thực hiện có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tra cứu cả luật, nghị định lẫn thông tư mới thực hiện được thay vì chỉ cần nắm chắc thông tư như hiện nay.
“Nhưng Ban soạn thảo Thông tư hướng dẫn quản lý thuế không thể làm khác được vì theo quy định những nội dung nào mà Luật Quản lý thuế, Nghị định 126/2020 không giao Bộ Tài chính hướng dẫn thì không được ban hành thông tư hướng dẫn vì vậy không có cách gì khác là doanh nghiệp đồng thời phải nắm chắc cả luật, nghị định và thông tư hướng dẫn thay vì chỉ cần nắm chắc thông tư hướng dẫn như hiện nay”, bà Hải muốn cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ.
Quản lý quá chặt gây khó khăn cho người nộp thuế
Bà Hải nhấn mạnh, quan điểm xây dựng Thông tư hướng dẫn quản lý thuế là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế và việc chỉ xây dựng một văn bản hướng dẫn thay vì nhiều văn bản khác nhau cũng nhằm mục dích này. Tuy nhiên, trong thời gian đầu mới thực hiện ít nhiều gây khó khăn cho một số doanh nghiệp vì đã quen với việc chỉ nghiên cứu kỹ các thông tư hướng thay vì phải nghiên cứu cả luật lẫn nghị định và thông tư hướng dẫn.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ Dự thảo, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định rằng, rất nhiều quy định trong Dự thảo quá chặt chẽ, chỉ tạo thuận lợi cho việc quản lý thuế nhưng gây phiền hạ cho doanh nghiệp, người nộp thuế. “Quy định về hoàn thuế trong Dự thảo là một trong những ví dụ điển hình”, ông Thịnh dẫn chứng.
Phó tổng giám đốc tư vấn thuế Công ty Kiểm toán Ernst & Young Vietnam, bà Phạm Thu Trang cũng cho rằng, quy định về hoàn thuế trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, đóng cửa, phá sản có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Mặc dù Dự thảo quy định, trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế chưa khấu trừ hết đề nghị hoàn, có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn trả nhưng bà Trang vẫn lo ngại việc được hoàn trả tiền thuế sẽ không hề dễ dàng nều không quy định cụ thể thời gian tối đa hoàn thuế cho doanh nghiệp.
“Nếu doanh nghiệp không “nợ nần” gì ngân sách nhà nước, gặp khó khăn mà buộc phải đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động thì cơ quan thuế tự động chấm dứt mã số thuế. Ngược lại nếu doanh nghiệp có số thuế nộp thừa, số thuế chưa khấu trừ hết, gặp khó khăn chắc chắn phải chờ đợi. Khi đó, đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động không được vì sẽ bị đóng mã số thuế, tiếp tục hoạt động không xong nên cần phải quy định cụ thể về vấn đề này”, bà Trang kiến nghị.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Cúc phản ánh, quy định thuế thu nhập cá nhân tạm nộp theo tháng, tháng nào có thu nhập vượt ngưỡng chịu thuế đều bị khấu trừ trong khi tổng hợp cả năm không phải nộp thuế. Nhưng muốn lấy lại số tiền nộp thừa (hoàn thuế) thì cá nhân phải đợi đến 31/3 năm sau, sau khi quyết toán thuế.
“Thông thườn người lao động có thu nhập tăng đột biến vào tháng 1, tháng 2 do nhận được tiền thưởng, tiền lương tháng 13, tiền chuyên cần, tiền năng suất và ngay lập tức bị khấu trừ trong khi bình quân thu nhập cả năm chưa phải đến mức phải nộp thuế. Để tránh thiệt thòi cho người lao động, nhiều doanh nghiệp đã chia đều số tiền mà người lao động nhận được trong tháng 1, tháng 2 cho 12 tháng, nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra chắc chắn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Cần phải quy định cụ thể về nội dung này không chỉ giảm gánh nặng cho người nộp thuế, cho doanh nghiệp và cho bản thân cơ quan thuế khi phải thực hiện hoàn thuế”, bà Cúc kiến nghị.
Sửa tỷ lệ điều chỉnh mức thuế khoán từ 50% xuống 20%
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, để đảm bảo phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh COVID-19.
Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, đối với nội dung về hộ khoán do Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 giao Bộ Tài chính hướng dẫn, tại dự thảo Thông tư có điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC như sau:
Về việc điều chỉnh mức thuế khoán (tại tiết c điểm 2.3 khoản 2 Điều 8 dự thảo Thông tư): Việc xác định doanh thu tính thuế của hộ khoán có điểm mới so với hiện hành đó là trường hợp hộ khoán có thay đổi doanh thu thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm theo thực tế nếu doanh thu có thay đổi từ 20% trở lên.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP thì chỉ trường hợp thay đổi doanh thu từ 50% trở lên thì cơ quan thuế mới thực hiện điều chỉnh. Điều này đã gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc điều chỉnh mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là trong thời gian COVID-19, những hộ bị ảnh hưởng thay đổi doanh thu dưới 50% sẽ không được điều chỉnh giảm thuế khoán.
Ngoài ra, mức giao tăng dự toán hàng năm đối với khu vực ngoài quốc doanh trong đó bao gồm hộ kinh doanh thường ở mức từ 10% đến 20% (theo số liệu báo cáo thực tế trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay) nhưng cơ quan thuế chỉ có thể điều chỉnh tăng mức thuế khoán nếu doanh thu tăng trên 50% - điều này gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc thực hiện dự toán thu ngân sách. Do đó, để có thể điều chỉnh tăng/giảm mức thuế khoán trong năm phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đáp ứng việc hoàn thành dự toán thì cần phải quy định một tỷ lệ phù hợp là 20%.
Đối với một số đối tượng như: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; cá nhân cho thuê tài sản; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, bảo hiểm, đa cấp, mặc dù các nội dung về nguyên tắc khai thuế, hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, địa điểm nộp hồ sơ đã được quy định chung tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Để thực hiện thống nhất và dễ tra cứu, đặc biệt là đối tượng cá nhân phát sinh nhiều hình thức đặc thù cần phải có hướng dẫn cụ thể, do đó, tại dự thảo Thông tư có hướng dẫn cụ thể riêng cho từng đối tượng này để thuận tiện cho người nộp thuế tra cứu hồ sơ thủ tục và thực hiện đúng quy định.
Bộ Tài chính đánh giá các sửa đổi này không phát sinh thủ tục hành chính. Việc sửa đổi tỷ lệ điều chỉnh mức thuế khoán từ 50% xuống 20% để đảm bảo để phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh COVID-19.
Cải thiện môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp chờ kế hoạch thực thi Với 10 giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà TPHCM vừa đưa ra, các doanh nghiệp cho rằng vẫn chung chung, giống như 10 đầu việc, đồng thời cho biết đang chờ đợi những mục tiêu và kế hoạch thực thi từng đầu việc đó như thế nào. Ông Mã Thanh Danh, Phó TGĐ Tập đoàn KIDO. Xung quanh...