Hướng dẫn pháp luật bỗng dưng… “teo tóp”!
Trong 3 ngày (18 – 19 – 20.12) tại TPHCM, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính chủ trì hội nghị với LĐLĐ của 32 tỉnh – thành và CĐ ngành T.Ư phía nam, có sự tham gia của ngài Youngmo – cố vấn trưởng dự án quan hệ lao động của ILO tại VN – và các chuyên gia pháp luật Bộ LĐTBXH, chuyên gia khoa luật các trường đại học, để góp ý 6 dự thảo nghị định (DTNĐ) hướng dẫn chi tiết Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012.
HĐLĐ của những NLĐ này rất cần hướng dẫn chi tiết đúng pháp luật để đỡ dẫn đến tranh chấp lao động đông người (ảnh minh hoạ).
Trong đó, DTNĐ quy định chi tiết về HĐLĐ không được đồng tình, bởi nó làm cho việc hướng dẫn pháp luật bỗng dưng bị… “teo tóp”!
Video đang HOT
Theo PCT Mai Đức Chính: BLLĐ hiện hành được NĐ số 44/2003/NĐ-CP hướng dẫn rất kỹ về HĐLĐ, đã tạo khung pháp lý đồng bộ, không chỉ bảo vệ được quyền lợi NLĐ, mà còn tạo điều kiện cho NSDLĐ tuyển dụng, sử dụng, quản lý NLĐ. Theo đó, tỉ lệ giao kết HĐLĐ đã đạt khoảng 97,2% về cơ bản các bên đã thực hiện HĐLĐ đúng quy định như hướng dẫn tại NĐ 44/2003/NĐ-CP. Tuy nhiên, khi sửa đổi toàn diện BLLĐ 2012, Quốc hội chỉ giao Chính phủ hướng dẫn một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật LĐ, nên trong DTNĐ này, ban soạn thảo chỉ có thể… “tóm” thành 3 “câu chuyện”: Thứ nhất, quy định NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ thì việc tham gia BHXH và BHYT thế nào? Thứ hai, HĐ thuê NLĐ làm giám đốc DN có vốn nhà nước ra sao? Thứ ba, trình tự thủ tục thanh tra LĐ tuyên bố và xử lý HĐLĐ vô hiệu kiểu gì?
Về “câu chuyện” thứ nhất: Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên tắc BHXH là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, không đóng không hưởng. Thực tế hiện nay, mỗi NLĐ chỉ có một sổ BHXH ghi lại quá trình làm việc với NSDLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc, nên DTNĐ cần quy định NLĐ được quyền chọn lựa một trong những NSDLĐ tham gia BHXH, BHYT và có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với những NSDLĐ khác để những NSDLĐ còn lại thanh toán phần trách nhiệm đóng BHXH, BHYT vào tiền lương cho NLĐ. Tuy nhiên, những người khác không đồng tình, bởi lẽ: Khi NLĐ bị tai nạn lao động trong lúc làm việc cho NSDLĐ không đóng BHXH thì về lâu dài họ sẽ không được cơ quan BHXH giải quyết chính sách, dù trước đó NSDLĐ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ. Theo quan điểm của ngài Youngmo: “BHXH giống như một loại thuế, mục đích để chia sẻ rủi ro vì lợi ích cộng đồng chứ không vì cá nhân NLĐ”. Ngài nêu ví dụ rất sinh động: “Mỗi sáng tôi ăn 2 cái bánh mì và tôi phải chịu thuế GTGT cho 2 cái bánh mì đó. Thế nhưng, nếu tôi ăn một cái bánh ở tiệm này rồi qua tiệm khác ăn cái nữa rồi bảo chủ tiệm phải bớt tiền thuế GTGT vì tôi đã chịu thuế khi ăn cái trước ở quán kia, chắc chắn không được chấp nhận”. Theo ngài Youngmo: “Tất cả DN đã sử dụng LĐ là phải đóng BHXH. Còn quản lý BHXH khó khăn thế nào thuộc trách nhiệm nhà nước”.
Về “câu chuyện” thứ hai: Việc thuê NLĐ làm giám đốc DN có vốn nhà nước, nhưng vốn nhà nước là bao nhiêu (3% hoặc 5% hay 30% trở lên?) đã không được DTNĐ đề cập. Nhiều người cho rằng DN có vốn nhà nước phải từ 51% trở lên. Thế nhưng, hầu hết DN loại này giám đốc đều là người được nhà nước giao vốn, làm việc bằng chế độ điều động bổ nhiệm và phải chịu trách nhiệm bằng “sinh mạng chính trị”. Nếu ký HĐLĐ thì địa vị pháp lý của họ rất… “lằng nhằng”, bởi lẽ: Ở các tập đoàn kinh tế hoặc TCty 90, 91, các chủ tịch HĐTV hoặc HĐQT là viên chức, đã ký HĐLĐ với các chủ tịch HĐQT của Cty những vị này là NLĐ lại ký HĐLĐ với NLĐ khác để thuê làm giám đốc Cty, rồi giám đốc Cty lại ký HĐLĐ với những NLĐ khác nữa làm công ăn lương. Vậy, ai mới thực sự là người chịu trách nhiệm về thành quả LĐ (bảo toàn, phát triển vốn nhà nước)?
Về “câu chuyện” thứ ba: DTNĐ về HĐLĐ lại quy định thẩm quyền của thanh tra(?!). Đáng nói, việc thanh tra LĐ tuyên bố HĐLĐ vô hiệu sẽ dẫn đến “nhân nọ – quả kia”, cụ thể: Nếu thanh tra LĐ cấp sở tuyên bố HĐLĐ vô hiệu mà NLĐ hoặc NSDLĐ không đồng ý sẽ khiếu nại hành chính lên Thanh tra Bộ LĐTBXH hoặc khởi kiện ra toà hành chính, lúc đó “quan hệ lao động phát sinh hậu quả hành chính”, thì thanh tra LĐ bỗng dưng biến thành bị đơn, trong khi mâu thuẫn giữa NLĐ và NSDLĐ do HĐLĐ trái luật vẫn… còn nguyên! Đây là điều tối kỵ trong xây dựng pháp luật.
Điều hết sức oái oăm là, DTNĐ đã xác định: NĐ này có hiệu lực từ 1.5.2013. Hủy bỏ NĐ số 44/2003/NĐ-CP ngày 9.5.2003 hướng dẫn chi tiết thi hành BLLĐ về HĐLĐ. Có nghĩa tới đây việc hướng dẫn thực hiện BLLĐ 2012 về HĐLĐ sẽ “teo tóp” chỉ còn 3 câu chuyện vô lý nói trên! Vì thế, tại hội nghị, PCT Mai Đức Chính phải an ủi các đại biểu rằng: “Tổng LĐLĐVN sẽ cùng Bộ LĐTBXH kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ hướng dẫn mở rộng ngoài những điều mà BLLĐ 2012 quy định, để pháp luật lao động thực sự đi vào cuộc sống”.
Theo laodong
Lương hưu không đáp ứng đủ nhu cầu tuổi già
Bộ LĐTBXH đề xuất mô hình bảo hiểm hưu trí bổ sung tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích cả người sử dụng lao động và người lao động tiết kiệm trong thời gian làm việc cho tuổi già.
Ngày 30.11, tại TPHCM, Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội thảo đề xuất những nội dung chủ yếu về bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam. Đây là loại hình bảo hiểm tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể. Mức đóng dựa trên sự thỏa thuận của hai bên.
Tại hội thảo, Bộ LĐTBXH đề xuất mô hình bảo hiểm hưu trí bổ sung tại Việt Nam như: Tạo khuôn khổ pháp lý cho những doanh nghiệp đã thực hiện hưu trí bổ sung. Đồng thời khuyến khích cả người sử dụng lao động và người lao động tiết kiệm trong thời gian làm việc cho tuổi già.
Cụ thể, mức đóng từ 5-10% mức thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động, trong đó, mức đóng tối đa 10 triệu đồng/tháng. Trường hợp người lao động từ 45 tuổi trở lên có thể đóng mức cao hơn nhưng tối đa không vượt 15% mức thu nhập thực tế/tháng... Như vậy, người lao động sau khi nghỉ hưu ngoài lương cơ bản hằng tháng, họ còn được nhận thêm khoản thu nhập này.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân thì, loại hình bảo hiểm này đã được triển khai từ khá lâu với nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam lương hưu là khoản thu nhập duy nhất đối với người lao động khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo thống kê, mức lương hưu bình quân tại Việt Nam khoảng 3,2 triệu đồng/tháng, so với nhu cầu tuổi già đang mất cân đối chi tiêu, do lương hưu gắn chặt với lương người đang lao động.
Mặt khác, khả năng ngân sách để chi trả lương hưu và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong thời gian gần đây (dự kiến 2023 chi bằng thu).
Theo laodong
Điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2013 ở phía nam: Cần sự đồng thuận Ngày 17.12, tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân đã chủ trì hội nghị triển khai Nghị định số 103/2012/CN-CP ngày 4.12 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng năm 2013 trong các DN với sự tham gia của đại diện các sở LĐTBXH, Ban quản lý các KCX-KCN và LĐLĐ các tỉnh - thành phía nam. Điều chỉnh...