Hướng dẫn nuôi trồng thủy sản tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung
Trước khi cấp nước vào ao nuôi cần thử bằng cách thả cá, tôm giống trực tiếp vào mẫu nước đã xử lý lấy từ ao lắng. Khuyến khích áp dụng hình thức ương giống trong giai hoặc ao nhỏ (khoảng 20-45 ngày) trước chuyển ra ao nuôi thương phẩm.
Ngày 29.8.2016, Bộ NNPTNT đã có văn bản sô 7268/BNN-TCTS hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Bắc miền Trung gửi UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Ảnh minh họa
Theo Bộ NNPTNT, để phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh là nơi cư trú của các loài thủy sản, khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại ba khu vực biển (Hòn Sơn Dương – tỉnh Hà Tĩnh, cách bờ 1,5 km với diện tích 300 km2; Cửa Nhật Lệ – tỉnh Quảng Bình, cách bờ 1,5 km với diện tích 330 km2 Hòn Sơn Chà – tỉnh Thừa Thiên Huế, cách bờ 1,5 km với diện tích 160 km2) * và không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như nghề: lưới kéo, rê đáy, lặn, câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Sở NNPTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản định kỳ lấy mẫu muối và giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm muối với các chỉ tiêu phân tích: Cadimi, chì, thủy ngân, arsen, phenol, xyanua; tần suất 01 lần/tháng theo từng khu vực sản xuất muối.
Tổ chức thực hiện giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ và lưu ý các loại hải sản tầng đáy thường gặp ở vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Đối với nuôi lồng, đăng, quầng và bãi triều, chủ các cơ sở nuôi cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của cơ quan chức năng và chủ động kiểm tra các thông số môi trường cơ bản trước khi thả nuôi; thực hiện vệ sinh lồng/bè, bãi triều, chuẩn bị đầy đủ cở vật chất, trang thiết bị trước khi thả giống; sử dụng giống có kích cỡ lớn, được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng khi thả nuôi, nên thả nuôi mật độ thưa; hạn chế sử dụng thức ăn tươi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nên thay bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao, kết hợp bổ sung vitamin C và các khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi thủy sản nuôi và quan trắc các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đối với nuôi trong ao, đầm, tổ chức lấy nước vào ao, đầm nuôi theo khuyến cáo của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản. Nước biển trước khi đưa vào ao nuôi phải xử lý trong ao chứa/ lắng và thực hiện quy trình xử lý nước như sau: nước biển được lấy vào ao chứa, xử lý bằng Chlorin A nồng độ 20ppm (dùng 20gr cho 1m3 nước), sục khí hoặc quạt nước ít nhất 24h kể từ khi xử lý Chlorin A để diệt khuẩn, tiếp theo xử lý nước bằng EDTA với liều lượng từ 1-2ppm để loại bỏ kim loại nặng.
Trước khi cấp nước vào ao nuôi cần thử bằng cách thả cá, tôm giống trực tiếp vào mẫu nước đã xử lý lấy từ ao lắng. Khuyến khích áp dụng hình thức ương giống trong giai hoặc ao nhỏ (khoảng 20-45 ngày) trước chuyển ra ao nuôi thương phẩm;
Trong quá trình nuôi cần quản lý chặt chẽ số lượng và chất lượng thức ăn sử dụng để đảm bảo hiệu quả và hạn chế ô nhiễm môi trường; duy trì độ sâu nước ao>1,2m để hạn chế biến động môi trường ao nuôi; tăng cường vệ sinh/siphon đáy ao, sử dụng các loại chế phẩm sinh học có khả năng cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi…
Theo Kh.V (Lao Động)