Hướng dẫn nông dân đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử
Ngày 4/6, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước và Bưu điện tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị chuyên đề “Hướng dẫn nông dân về thương mại điện tử và quy trình, cách thức đưa nông sản lên sàn giao dịch”.
Tại hội nghị chuyên đề, cán bộ hội, hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, người dân tham dự được hướng dẫn quy trình tham gia thương mại điện tử như: tạo tài khoản, cách khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên gian hàng, theo dõi đơn hàng trên sàn giao dịch, cách chụp ảnh, quay clip, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm, cách thức đóng gói, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm…
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang, hội nghị sẽ giúp cán bộ, hội viên nông dân, thành viên hợp tác xã nắm được thông tin, kỹ năng cơ bản về thương mại điện tử; kinh nghiệm và cách thức giới thiệu, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, góp phần quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử.
Đây cũng là dịp giúp nông dân tiếp cận với công nghệ mới, thay đổi tư duy bán hàng truyền thống và cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản về kinh doanh số. Từ đó, giải quyết triệt để bài toán “đầu ra” cho sản phẩm nông sản.
Video đang HOT
Quan điểm của Bình Phước là coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số. Do đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất – kinh doanh, nông hộ chuyển đổi số; tích cực xây dựng và tạo lập “dữ liệu mở” phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Hiện tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 và triển khai hỗ trợ đưa hợp tác xã, nông hộ lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất – kinh doanh, nông hộ thay đổi và tiếp cận với chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất, nhằm đưa các sản phẩm nông sản, OCOP lên sàn thương mại điện tử, tăng sức cạnh tranh, chủ động mở rộng thị trường đầu ra, thu hút nguồn khách hàng đa dạng ở mọi lúc, mọi nơi; giảm bớt khâu trung gian để tăng giá trị lợi nhuận sản phẩm – ông Nguyễn Minh Quang cho biết thêm.
Bình Phước hiện có khoảng 218 doanh nghiệp, hợp tác xã bán hàng trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Tiki, Lazada, Shopee, Vỏ Sò… và trên Sàn giao dịch nông sản tỉnh với gần 500 sản phẩm được bán trực tuyến. Có 5 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện.
Ngoài ra, thời điểm hiện tại, có trên 1.411 doanh nghiệp của tỉnh đang dùng phần mềm kế toán Misa Amis; trên 200 doanh nghiệp đang dùng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất; trên 1.123 doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử; ngành thuế tỉnh đã và đang chuẩn hoá dữ liệu hoá đơn điện tử cho trên 8.049 người nộp thuế.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã đề ra quyết tâm đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; kinh tế số chiếm 20% GRDP; có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5 đến 7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa.
Nâng cao vị thế nông sản - Bài cuối: Tạo vị thế vững chắc cho sản phẩm OCOP
Từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm địa phương đã dần được người tiêu dùng biết đến và đón nhận. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP ngày càng thăng hạng và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, cần nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ từ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường đến vốn mở rộng sản xuất.
Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Phát triển thị trường
Sản phẩm OCOP với các tiêu chuẩn chất lượng đang từng bước được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, nhưng mức độ bao phủ thị trường và lợi thế cạnh tranh vẫn còn hạn chế. Bà Nguyễn Thị Mộng Trinh, Trưởng phòng Kinh doanh Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ du lịch Đầu tư - Xây dựng Cần Giờ Tương Lai, cho biết, Bên cạnh nỗ lực xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu hàng hoá, hợp tác xã cũng từng bước phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Đến nay, các sản phẩm của Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai đã có mặt tại 10 điểm kinh doanh, cửa hàng, đại lý và cơ sở bán lẻ tại Tp.Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh, thành lân cận bao gồm các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Satra. Ngoài ra, hợp tác xã cũng đang cung cấp thực phẩm cho 10 trường học bán trú trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Tuy nhiên, theo bà Trinh, các sản phẩm OCOP chưa được nhận diện rộng rãi nên khả năng cạnh tranh so với sản phẩm chưa được chứng nhận còn hạn chế. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ cũng như đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm, thương hiệu có chứng nhận, giúp sản phẩm tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn nữa.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, doanh nghiệp có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, chia sẻ, sau khi được chứng nhận OCOP, các sản phẩm được thành phố hỗ trợ tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh tại các hội chợ, triển lãm... Nhờ đó sản phẩm được khách hàng đánh giá cao hơn, yên tâm về chất lượng sản phẩm và sức mua có tăng hơn trước.
Ngay sau khi được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp đồng phân phối với 2 hệ thống bán lẻ lớn Saigon Co.op và Satra, nhờ đó, cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận và tìm kiếm đối tác phát triển thị trường tốt hơn. Đây sẽ là bệ đỡ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu đưa sản phẩm phủ hết thị trường các tỉnh, thành trong nước bên cạnh các điểm bán hàng OCOP và các điểm bán hàng trên hệ thống phân phối hiện có của doanh nghiệp.
"Song song với phát triển thị trường nội địa, Xuân Nguyên cũng sẽ tận dụng những chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại dành cho sản phẩm OCOP của Nhà nước để quảng bá và xuất khẩu sản phẩm có gắn thương hiệu của doanh nghiệp ra thị trường thế giới, thay thế dần việc xuất thô như hiện nay.", ông Lư Nguyễn Xuân Vũ thông tin về định hướng phát triển thị trường.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op cho biết sản phẩm OCOP đã có mặt tại kệ hàng siêu thị từ nhiều năm trước, đến nay đã có nhiều thay đổi tích cực về chất lượng, mẫu mã bao bì. Tuy nhiên, do các đơn vị sản xuất có quy mô nhỏ, hạn chế về năng lực cung ứng nên phần lớn sản phẩm OCOP được thu mua, tiêu thụ trong phạm vi nhỏ.
Theo đó, cần tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu sự khác biệt giữa sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương (không có chứng nhận OCOP), từ đó tạo cơ sở để gia tăng tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đánh giá cao Chương trình OCOP, nhưng theo nhiều chuyên gia, để sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn, các địa phương có cùng thổ nhưỡng, khí hậu... nên phối hợp để hình thành các vùng sản xuất lớn với chất lượng được kiểm soát tốt và giảm chi phí sản xuất tối đa. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để sản phẩm OCOP không chỉ phát triển mạnh ở thị trường trong nước mà còn có thể vươn xa hơn ra thị trường nước ngoài.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, nhờ triển khai Chương trình OCOP mà nhiều "đặc sản" truyền thống được nâng cấp cả về chất lượng và mẫu mã, từ đó thuyết phục được nhiều người tiêu dùng hơn. Chứng nhận sản phẩm OCOP chính là bảo chứng cho sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng của các nông sản, đặc sản địa phương.
Trong thời gian tới, Tp.Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án phát triển sản phẩm OCOP với các đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể hơn như hỗ trợ lãi vay cho các tổ chức đầu tư phát triển sản phẩm mới. Ngành nông nghiệp và công thương thành phố cũng sẽ liên kết với các hệ thống siêu thị tổ chức khu trưng bày riêng dành cho các sản phẩm OCOP nhằm gia tăng tính nhận diện và tiếp cận khách hàng. Song song đó, hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và phát triển thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử.
Gắn sản phẩm OCOP với du lịch
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Ngay từ khi khởi nghiệp với sản phẩm mật dừa nước, anh Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty VIETNIPA đã xác định phát triển sản phẩm gắn với du lịch cộng đồng tại huyện Cần Giờ. Với lợi thế là người tiên phong trong khai thác và chế biến các sản phẩm từ mật dừa nước, VIETNIPA đã chủ động liên kết với các điểm dừng chân, hộ kinh doanh nước giải khát để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm rừng dừa nước kết hợp với thưởng thức sản phẩm mật dừa nước tại chỗ và mua về làm quà.
Theo anh Phan Minh Tiến, việc dẫn dắt khách du lịch trải nghiệm thực tế sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, từ đó tạo hiệu ứng truyền thông tốt hơn cho sản phẩm. Đến nay, doanh số bán hàng qua kênh du lịch chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của VIETNIPA, hơn nữa thông qua khách du lịch quốc tế, sản phẩm của VIETNIPA đã được khách hàng nước ngoài biết đến và một số đối tác đã kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất khẩu.
Từ vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến tại huyện Củ Chi, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiên nhiên Việt là doanh nghiệp có 4 sản phẩm bột rau được công nhận OCOP 4 sao và 1 sản phẩm được UBND Tp. Hồ Chí Minh làm hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng, công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao (sản phẩm OCOP quốc gia).
Chị Nguyễn Ngọc Hương, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiên nhiên Việt cho rằng, sản phẩm OCOP rất phù hợp với các hoạt động du lịch bởi đây là chứng nhận tôn vinh các sản phẩm bản địa khi khai thác được chuỗi giá trị tại địa phương từ nguyên liệu, lao động đến chế biến tại chỗ và trải qua quy trình xét duyệt khắt khe của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo chị Hương, khi du lịch hồi sinh, tiêu thụ sản phẩm qua kênh này cũng tăng theo, dù sản phẩm đã được phân phối khắp thị trường nội địa và xuất khẩu đi nhiều thị trường nước ngoài, nhưng thời gian tới công ty sẽ kết nối đưa sản phẩm vào các khu du lịch, các trạm dừng chân trên địa bàn để phục vụ du khách. Việc gắn sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch không chỉ giúp gia tăng doanh số bán hàng tại chỗ mà còn tạo ra không gian để doanh nghiệp và du khách trao đổi nhiều hơn về câu chuyện của sản phẩm cũng như những nét văn hoá đặc trưng của địa phương.
Ông Đinh Minh Hiệp phân tích, Tp.Hồ Chí Minh là một đô thị lớn với tốc độ đô thị hoá ngày càng cao nên các sản phẩm nông nghiệp của thành phố không đa dạng và cũng khó có thể mở rộng về quy mô như nhiều tỉnh, thành khác. Chính vì vậy, Tp.Hồ Chí Minh đang xây dựng hướng đi riêng, đó là gắn Chương trình OCOP với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Tp.Hồ Chí Minh tiếp tục định hướng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP là các sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc địa phương, mang đặc trưng về giá trị văn hoá, sản phẩm làng nghề nông thôn, dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu. Với nhóm dịch vụ, thành phố sẽ tập trung các dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch dựa trên thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan và văn hoá vùng miền mỗi địa phương.
"Kết hợp hàng hoá bản địa với dịch vụ cộng đồng sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc; trong đó, các sản phẩm OCOP sẽ được giới thiệu với du khách như là một trong những món quà độc đáo của Tp. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ngành nông nghiệp có thể phối hợp với ngành du lịch Thành phố, các công ty lữ hành để đưa những nơi sản xuất, trồng trọt đặc sản OCOP thành những điểm đến tham quan cho du khách. Điều này không chỉ giúp gia tăng giá trị cho từng chủ thể mà còn tạo tiền đề thúc đẩy việc phát triển các chuỗi kinh tế liên kết bền vững trong tương lai", ông Đinh Minh Hiệp nhấn mạnh.
Rực rỡ sắc màu nông sản tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP 2022 Ngày 28/5, Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022 diễn ra tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Tại đây, hơn 50 tỉnh, thành trong cả nước đã mang đến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc trưng, tạo nên một Festival rực rỡ sắc màu. Tỉnh Sơn La đã lựa chọn hơn 220 mặt...