Hướng dẫn muối dưa hành không bao giờ bị hăng và nổi váng
Dưa hành là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm và mâm cúng ngày Tết, bên cạnh đó dưa hành là một món chống ngấy vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, muối dưa hành như thế nào để không bị hăng và nổi váng thì không phải ai cũng biết, cùng tham khảo công thức dưới đây để làm món dưa hành thơm giòn bạn nhé.
1. Chuẩn bị nguyên liệu để muối dưa hành:
- 700gr hành củ tím
- 600gr khế chua (chọn khế chín cho nhiều nước)
- 200gr muối hạt
- Muối tinh 1/2 thìa cà phê
- 200gr đường cát trắng
- Dấm trắng (mọi người cứ để cả chai vì vừa phải để rửa hành,vừa phải nấu nước ngâm hành)
- Lọ thuỷ tinh để muối hành
2. Các bước thực hiện làm món dưa hành:
Bước 1: Hành tím lột vỏ,cắt bỏ rễ (không rửa hành bằng nước tránh hỏng hành)
Bước 2: Khế chua rửa sạch lau khô từng quả thái lát mỏng (nên mua khế chín để nhiều nước,của mình khế còn chưa chín nên lượng nước không nhiều vì vậy tuỳ cơ ứng biến để tăng thêm lượng khế). Khế thái mỏng,vắt lấy nước, phần bã để riêng, nếu khó vắt thì cho vào máy xay qua để dễ vắt nước hơn.
Video đang HOT
Bước 3: Chuẩn bị một cái hộp nhựa to hoặc bát to, xếp một lớp hành, một lớp muối hột, lần lượt cho đến hết. Sau đó đổ hết phần nước khế vào cho ngập xăm xắp,phần bã khế thì rắc lên trên cùng, đậy lắp lại để 1 ngày, 1 đêm thỉnh thoảng mở ra đảo đều cho nước khế ngấm vào hành.
Bước 4: Sau một ngày vớt hành ra rửa qua hai lần giấm (lấy một cái bát đổ một lượng giấm vào,thả vài củ hành vào rửa lần lượt cho đến hết, sau đó đổ phần giấm vừa rửa đi thay bằng một phần giấm mới và cho hành vào tráng lại là xong). Đổ hành ra cái rổ cho ráo.
Bước 5: Đun 300ml giấm với 250gr đường cát trắng, thêm 1/2 thìa cà phê muối tinh, đun cho tan đường và muối rồi để nguội.
Bước 6: Lọ thuỷ tinh muối hành rửa sạch, tráng nước sôi để thật khô ráo.
Bước 7: Xếp hành vào hũ thuỷ tinh, đổ phần hỗn hợp đã đun vào, lấy vật nặng chèn lên trên hũ hành, đậy kín sau 4-5 ngày là ăn được. Vì muối bằng dấm nên thành quả chua nhanh nên sau khi hành ăn được phải vớt hết hành muối ra một hộp nhựa đậy kín để tủ lạnh ăn dần. 3. Những lưu ý khi muối dưa hành:
Lọ thủy tinh để muối dưa hành phải được rửa sạch và phơi khô, nếu lọ chưa khô rất có khả năng hành sẽ bị lên váng. Sau khi nhặt hành bạn cũng không nên rửa hành với nước lã, làm như vậy hành rất dễ bị hỏng khi muối.
- Mọi người lưu ý nếu thích ăn vừa miệng thì phần nước ngâm cho thêm 1/2 thìa cà phê muối.Còn thích ăn để chấm thêm thì không cho muối tinh vào phần nước ngâm nữa vì bước đầu ngâm muối hạt hành cũng ngấm một phần muối rồi nên tuỳ theo sở thích để điều chỉnh nhé.
- Nếu bạn cho quá tay muối, món dưa hành quá mặn thì bạn chữa mặn như sau: bóc bớt vỏ bên ngoài, chẻ làm đôi, rửa với nước đun soi để nguội. Vớt hành vẩy ráo rồi trộn với đường, ớt tươi hoặc tương ớt, chút giềng giã nhỏ là món hành sẽ bớt mặn. Hoặc bạn có thể tận dụng để kho cá, chẻ ra nấu riêu cá cuộn rau sống hoặc kho thịt cũng được.
Theo Dân Việt
Giải mã mâm cỗ Tết
Tết để sum vầy, Tết để con cháu làm những mâm cỗ, thắp nén nhang thơm dâng lên tiên tổ thể hiện lòng thành kính. Song có điều không phải ai cũng hiểu hết tận cùng ý nghĩa của mâm cỗ Tết trong dòng chảy văn hóa của người Việt.
Tinh hoa trong mâm cỗ Tết cổ truyền
Nghệ nhân Ánh Tuyết.
Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, một người con của Hà Nội - Người Việt xưa rất coi trọng việc chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết. Những món ăn trong mâm cỗ truyền thống ngày Tết là những món đặc sắc, hiếm có trong những mâm cơm hàng ngày.
Mâm cỗ Tết của người Việt phụ thuộc phần nhiều vào kinh tế của từng gia đình. Với những gia đình có điều kiện kinh tế trung bình thì mâm cỗ thường có 4 bát 4 đĩa, không kể xôi, nước chấm và dưa hành, tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa, 4 phương. 4 bát bao gồm: Canh bóng thả, chân giò hầm măng khô, mọc nấm thả và miến. 4 đĩa bao gồm: Thịt gà, nem rán, bánh chưng, giò lụa (hoặc chả quế, giò thủ).
Các món bày trên đĩa thường mang ra dùng trước, còn các món bày trong bát thì dùng sau. Với những gia đình khá giả có thể làm mâm cỗ to hơn với 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa, thêm một số món rất đặc sắc như cá chép, cá trắm kho riềng, tôm sú hấp, nộm su hào hoặc đu đủ...
Bên cạnh đó, mỗi khi Tết đến, những món mứt được làm từ thực phẩm trong nhà như bí, gừng... cũng được các chị em tự tay chuẩn bị để cùng gia đình thưởng thức sau mỗi bữa ăn, tăng thêm hương vị ấm áp trong những ngày đầu của năm mới.
Mâm cỗ Tết cổ truyền ngày xưa có thể không đầy đủ, nhưng không thể thiếu bánh chưng, canh măng, giò mỡ, hành muối và thịt. Bánh chưng thường được luộc từ 27 - 28 Tết, riêng món măng được ngâm nước gạo từ vài ngày trước rồi để bên cạnh nồi bánh chưng cho nóng để tiết kiệm củi, còn các loại thực phẩm khác tùy thuộc vào sự sáng tạo của người phụ nữ trong gia đình...
Tùy văn hóa từng vùng miền mà cỗ Tết cũng có sự khác biệt. Để phù hợp với phong tục tập quán thì mỗi nơi có một mâm cỗ khác nhau, tạo nên sự đa dạng về văn hóa ẩm thực. Ví dụ như ở vùng núi, ngoài những món cần có thì mâm cơm Tết thường có thêm các đặc sản như thịt trâu gác bếp, lạp sườn hun khói...
Còn với người Hà Nội cổ thì món bóng lại là món đặc trưng nhất. Món bóng có từ hàng trăm năm nay, bóng bì lấy từ phần vai của lợn, sau khi luộc lên lọc hết mỡ đưa ra phơi và nướng phồng.
Từ nguyên liệu chính là bóng bì người Hà Nội xưa đã chế biến thành các món ăn như bóng xào, canh bóng. Nguyên liệu để làm món canh bóng cũng rất cầu kỳ, để thái một đĩa hạnh nhân phải mất đến 2 giờ; cà rốt, củ đậu, su hào, giò, chả, thịt đều phải thái một cự ly giống nhau, vuông góc.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink gói bánh chưng dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Ánh Tuyết. Ảnh: Đinh Lan
Có lẽ cách làm khá cầu kỳ nên ngày nay những món từ bóng bì đã trở thành đặc trưng của người Hà Nội mà không nơi nào có được. Mâm cỗ Tết xưa cũng được bày biện khá cầu kỳ, có nhà cẩn thận thì tỉa chân tẩy, có nhà muốn nhanh thì bày biện đơn giản, nhưng đa phần mọi người đều muốn để cho mâm cỗ ngày Tết thêm phần bắt mắt nên rất chú trọng đến khâu trang trí bằng cách tỉa chân tẩy.
Tùy từng món khô hay nước mà cách bày biện cũng được các gia đình linh hoạt tạo hình, sự khéo léo, chu đáo của người phụ nữ cũng được thể hiện qua cách nấu những mâm cỗ dâng lên tổ tiên.
Thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt
Những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt cũng được thể hiện qua mâm cỗ Tết cổ truyền. Xuất phát từ quan niệm của người Việt xưa về sự no đủ trong ngày Tết, các cụ quan niệm rằng những ngày đầu năm phải no đủ thì quanh năm mới được ấm no, hạnh phúc. Còn nếu trong những ngày đầu tiên của năm mới mà bữa ăn thiếu thốn, ăn uống không đầy đủ thì cả năm sẽ đói kém, làm ăn quanh năm không thể phát đạt.
Mâm cỗ ngày Tết cũng là nơi gia đình đoàn tụ, sum vầy, là nơi những thành viên trong gia đình cùng nhau chia sẻ những điều phiền muộn trong năm cũ và hy vọng vào một năm mới sung túc hơn. Mâm cỗ Tết cũng là nơi anh em, hàng xóm, đồng nghiệp quây quần để cùng chúc cho gia chủ có một năm mới may mắn và an lành.
Trong mâm cỗ, những món ngon nhất sẽ được dành cho những người lớn tuổi và trẻ em trong gia đình. Có thể nói, phong tục kính trên, nhường dưới của người Việt đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không quốc gia nào sánh được.
Mâm cỗ Tết
Những suy nghĩ từ việc kính trên nhường dưới, đùm bọc nhau, nghĩ về nhau đã tạo nên những mắt xích kết nối các thế hệ trong gia đình. Sự kính trên nhường dưới cũng được lan truyền đến những thành viên nhỏ tuổi trong gia đình.
Những cô bé, cậu bé được chứng kiến bố mẹ dành dụm thực phẩm cho những ngày Tết, được tham gia vào những công việc nhỏ nhất như: Rửa lá dong, trông bánh chưng cùng cha mẹ; chọn những chiếc bánh to, đẹp để rửa sạch, lau khô, buộc lạt đỏ dâng lên ban thờ hay cùng cha mẹ đã giúp các em tự ý thức về việc kính trọng tổ tiên cùng những người lớn trong gia đình.
Để rồi sau này lớn lên, chính các em sẽ là người kế truyền cha mẹ dâng lên tổ tiên những tình cảm chân thành, kể lại cho những thế hệ sau về truyền thống biết ơn ông bà cha mẹ, dù đi bất cứ nơi đâu cũng không thể quên ngày lễ cổ truyền của dân tộc.
Sự thay đổi của cuộc sống hiện đại đã khiến cho những mâm cỗ Tết ngày nay có đôi chút thay đổi, thế nhưng những món đặc trưng trong ngày Tết đến nay vẫn được từng gia đình kế truyền.
Chính những món ăn cầu kỳ trong mâm cỗ Tết truyền thống đã tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa của người Việt. Kết nối các thành viên trong gia đình, tạo nên sự ấm cúng trong từng gian bếp mỗi khi xuân về.
Lương Hằng
Theo laodongthudo
Học cách làm cơm cháy kho quẹt ngon hơn hàng quán Cơm cháy kho quẹt là món ăn vặt được rất nhiều bạn trẻ ưa thích. Nếu thử bắt tay vào làm, bạn sẽ thấy món ăn này cực kỳ đơn giản đấy. Gạo tẻ. Ảnh minh họa. Để làm cơm cháy kho quẹt ngon bạn cần tiến hành các bước sau: Nguyên vật liệu - 1 chén gạo tẻ. - 1 chén gạo...