Hương cốm miền Nam
Say rượu, say tình không gì là lạ nhưng có kẻ bảo rằng mình say hương! Đó phải chăng là thứ hương đồng cỏ nội, là chút bâng khuâng thoảng theo hương cốm bay?
Có thứ hương cốm làm ngất ngây người Hà Thành thì cũng có thứ hương cốm làm dịu lòng kẻ ở đất phương Nam…
Nếu ai đã từng mê mẩn với “Mùa thu hương cốm mới” của trời Hà Nội trong độ chớm thu về thì ắt hẳn cũng phải nặng lòng với hương cốm dẹp dân dã của người miền Tây chân chất. Đúng vậy, cốm dẹp là đặc sản của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng biết tự khi nào mà người ta đem nó vào đất Sài Gòn này. Một chút hương đồng gió nội nồng nàn ngây ngất đó chăng?
Đâu rồi những gánh hàng rong?
Lẳng lặng trên đôi quang gánh luồn vào các ngõ hẻm, những người bán cốm dẹp nhẫn nại cất tiếng rao dài nghe mà nao lòng: “Ai xôi… cốm dẹp hông?”. Một vài đứa trẻ ùa ra từ nhà í ới gọi. Chúng chọn nào là xôi gấc, xôi lá cẩm, xôi đậu và nhìn mớ cốm dẹp như nhìn một thứ của lạ. Chúng hỏi: “Này là gì hả cô?”. Người bán đon đả: “Cốm dẹp đó con, mua về ăn thử nghen!”. Chúng ngần ngừ và quay đi kèm theo một chút tiếc nuối, bẽn lẽn. Cũng khó trách được trẻ con, có mấy đứa từng nghe và biết cốm dẹp đâu mà. Chúng dễ dàng bỏ qua thứ đặc sản đậm đà hương đồng nội. Thế nhưng trong mớ bánh sáng của những bà mẹ thôn quê, cốm dẹp là thứ hàng quen thuộc lắm. Và cũng không ít những bà mẹ ở thành thị này, tìm cốm dẹp về cho cả nhà ăn thử.
Đi sâu vào các chợ, hỏi thăm người bán cốm dẹp, người ta chỉ ở các hàng gạo. Đó là loại cốm thô chưa chế biến. Nếu muốn mua thứ đã làm sẵn thì chịu khó mà… đón hàng rong, năm thì mười họa may mắn sẽ gặp. Nghe qua có vẻ buồn cho một thứ quà chợ ngon không kém các thứ xôi nhưng có phải chính vì thế mà cốm dẹp trở nên đẹp hơn trong kí ức những người đã từng thưởng thức nó.
Video đang HOT
Ngày nay, ít có ai chỉ chuyên bán cốm dẹp, bao giờ trong mớ hàng của họ cũng kèm theo các loại bánh làm từ nếp hay các thứ xôi đủ màu. Cốm dẹp cũng làm từ nếp đó chứ nhưng là thứ nếp đồng vừa đỏ đuôi, chưa chín rộ, hạt còn mềm và thơm mùi sữa. Thứ này có thể dùng gói bánh tét nhưng không gì qua được món cốm dẹp trộn dừa non, ngon mỡ màng. Cái vị béo bùi ngây ngây khiến không ít người ghiền cốm như trẻ ghiền… hàng rong vậy. Nếu may mắn bắt gặp một đôi quang gánh hay một hàng xôi có bán cốm dẹp giữa chợ nên chọn mua về, nếu không sẽ mất đi cái thú hào sảng là thưởng thức món ăn của đồng bào Khmer ngay tại đất Sài Gòn. Nhưng dường như cách làm món này khá đơn giản, người ta có thể chế biến ngay tại nhà nên các gánh hàng rong cũng thưa dần chăng?
Món ăn dân dã của người Khmer
Hỏi một người bán tại chợ Bà Chiểu, anh đon đả chỉ ngay cách làm và không quên mời khách nếm thử. Anh hướng dẫn bài bản theo cách của một người làm chuyên nghiệp lâu năm. Đầu tiên, lựa thóc hay gạo đen trong bịch cốm bỏ đi, xong xả nước thật lạnh vo nhanh cho ra bớt bụi cám, chắt thật ráo nước. Xong xuôi, cho cốm vào thau rộng vẩy phần nước cốt dừa còn âm ấm (đã nấu với đường có thêm vài giọt dầu chuối cho thơm) vào cốm rồi trộn đều, trải ra mâm để khoảng 1 tiếng cốm nở mềm là được. Cuối cùng, bào mỏng phần dừa cứng thành sợi rắc lên cùng với ít muội, đậu phộng là được.
Đơn giản mà rất ngon, đâu cần cầu kì công phu gì cho lắm. Được biết, gắn với món ăn ngon này là lễ hội truyền thống Ok Om Bok hay còn gọi là lễ hội Cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 hàng năm. Tản mạn một chút về văn hóa mới thấy được hết cái hồn của cốm dẹp miền Nam vì đôi khi người thưởng thức cứ ngỡ đó là quà của Hà Nội. Món này ăn sáng cũng được nhưng ăn trưa lại càng thú vị hơn và hình như đó là thứ có thể bán mọi lúc mọi nơi. Buổi tối, ngang qua những góc phố, đôi khi cũng thấy từng đôi quang gánh lặng lẽ giữa phố đông người, nhẫn nại mời mọc từng gói cốm thơm lừng.
Món ăn đường phố thường dân dã, dễ tìm, dễ làm, không ăn thì thôi, nếu ăn mà thích thì đâm ra ghiền. Cốm dẹp cũng vậy, có người từng tròn mắt không biết thứ ấy là gì vì đôi khi thấy trên đường mà không thể gọi tên nhưng cũng có người cứ nhắc đến là phải tìm mua ngay cho bằng được.
Cốm dẹp – cái tên bình dân tưởng không thể bình dân hơn được nữa nhưng quả thật đó là thứ hương cốm miền Nam mặn nồng xao xuyến…
Trong lễ hội truyền thống Ok Om Box, người Khmer thường bày cốm ra giã. Muốn quết cốm dẹp phải có cối bồng. Đây là loại cối giống như cối giã gạo của bà con ta ở nông thôn ngày trước nhưng phải được khoét lòng hẹp và sâu hơn. Chày để quết cốm được làm bằng một thanh gỗ suôn, dài khoảng 1 thước rưỡi. Trước khi quết, nếp được rang trong một cái nồi, thường là nồi đất, mỗi lần rang vài ba lon, tùy theo cối quết lớn hay nhỏ. Đảo nếp cho đều, khi thấy hạt nếp vừa giòn là cho vào cối. Cốm mới quết rất giòn và dẻo ăn không cũng cảm nhận được hương vị đặc trưng của nó.
Theo chudu24.com
Cá lóc nướng: Hương Nam bộ chốn Sài thành
Cá lóc nướng trui là một món ăn dân dã đặc trưng cho miền đồng nước Nam Bộ.. Món ăn này gắn liền với quá trình khai hóa đất phương Nam của dân tộc Việt.
Chế biến món cá lóc nướng trui dân giã rất đơn giản, cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Cá lóc vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, được xuyên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, sau vùi cá vào đống rơm khô rồi châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.
Cá lóc nướng trui, đặc sản của người dân Nam bộ
Riêng với cá lóc từ 700-800gr trở lên muốn cho thịt cá được chín đều hoàn toàn bạn nên vạch miệng cá ra chế nước vào trong miệng cá sao cho nước vào đầy dạ dày cá rồi mới nướng, làm như vậy khi nướng thì dưới tác động của nhiệt nuớc trong bụng cá sẽ sôi lên trong môi trường kín làm cho thịt cá được chín hoàn toàn.
Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột mới cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon vùa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng đặc sản của dân Nam Bộ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc nướng trui thường ăn với nước mắm me.
Cá lóc nướng được bày bán nhiều nơi ở Sài Gòn
Ở cái đất Sài Gòn ồn ào vội vã này, muốn thưởng thức món cá lóc nướng trui dân dã cũng thật khó. Tuy nhiên, đúng như câu nói ở Sài Gòn không thiếu bất cứ món ngon nào, mặc dù bạn không thể tìm ra một nơi nào chế biến cá lóc nướng theo kiểu dân dã như vậy, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy món cá lóc nướng ở vô số những quán ăn từ vỉa hè bình dân đến nhà hàng sang trọng.
Một trong những con đường bán cá lóc nướng trui nhiều và nổi tiếng nhất là đường Tân Kì Tân Quý thuộc quận Tân Phú. Ở đây, cứ vào khoảng 5 giờ chiều là cá lóc nướng được bày bán dọc hai bên đường. Cá lóc ở đây có thể nói là "dân dã" nhất Sài Gòn, sau khi rửa sạch cá, lấy một cây mía đường đâm xuyên qua miệng cá rồi đem lên bếp than hồng nướng, làm như vậy cá sẽ không bị mất máu và rất ngọt khi chín. Trên bếp than hồng, người ta trải 1 lớp lá chuối bên dưới cá để khi nướng cá sẽ không bị cháy và mùi thơm của lá chuối sẽ làm cho thịt cá thơm ngon hơn.
Sau khi cá chín, người ta đem cá trải lên một lớp giấy bạc, rưới thật nhiều mỡ hành, đậu phộng rang đâm nhuyễn lên khắp mình cá, sau đó quấn lớp giấy bạc lại, rút cây mía ra. Làm như vậy sẽ giữ cho cá luôn nóng hổi và ngát hương thơm.
Cá lóc nướng ở đây có thể ăn với mắm me, mắm nêm. Cá chín ăn kèm với bún, bánh cuốn, các loại rau... tùy khẩu vị và sở thích của mỗi người.
Giữa chốn Sài thành tấp nập, món cá lóc nướng đem tôi trở về với miền quê Nam bộ yêu dấu.
Theo MonngonSaigon.com
Bát canh phu thê Không chỉ tồn tại trong kho tàng ca dao, râu tôm nấu với ruột bầu còn là một món ăn dân dã và hết sức quen thuộc trong bữa cơm của người nông dân. Thời buổi khó khăn về kinh tế đó đã xa rồi, người ta không ăn món canh này do thiếu thốn về kinh tế mà vì thèm thuồng hương...