Hương bùn
Sài Gòn ngày cuối năm, từ ngõ đường sách Nguyễn Văn Bình qua Diamond Plaza rồi Phạm Ngọc Thạch, đâu đâu cũng dễ bắt gặp những rộn ràng, tươi mới với tà áo dài tung bay khoe sắc trong gió xuân.
Chợt khựng lại giữa thênh thang nắng, phía góc nhỏ bày biện đầu cassette JVC, ti vi trắng đen 14 icnh, máy may Sinco cổ, mấy lu sành là cậu nhóc xúng xính áo dài, kéo tay má chạy lại, ngó vô coi “có nước không” rồi quay ra cười toét hàm răng sún “con nghe toàn mùi đất”. Như thấy ấu thơ mình từ quãng kí ức nào xa xăm dội về.
Một góc phố ông đồ Sài Gòn tết Kỷ Hợi tái hiện khung cảnh ngôi nhà xưa. Ảnh: Thảo Nguyên.
Xuân Kỷ Hợi là đúng 20 mùa tha hương của gia đình tôi. 20 mùa Tết miền Nam khác lắm so với ngôi làng nhỏ ven sông Mẹ Thu Bồn năm ấy. Xa lâu mới thấm thía, thèm hít hà mùi quê ngày Tết, thứ mùi đặc trưng của khó nghèo và ân tình, chỉ cảm nhận được khi đã qua dâu bể đời người, đứng bên này rưng rưng thương nhớ phía bên kia “ngày xưa”.
Hồi ấy, ở làng, hầu như nhà nào cũng có hàng rào chè tàu thẳng băng, thản nhiên xanh bất chấp gió mưa, nắng gắt. Tới chừng 25, 26 tháng Chạp, củ kiệu nồng nồng cay cay, va ni thơm lừng trên từng sợi mứt dừa xếp lớp trong nia phơi hàng rào, trải từ nhà này qua nhà kia như một dấu hiệu “Tết rồi đó”.
Thấy ấu thơ mình trong nụ cười xuân trẻ nhỏ. Ảnh: Thảo Nguyên.
Trong khi má phải ngồi băm mấy cây chuối để dành cho heo, ba đánh véc ni bộ bàn ghế gỗ tiếp khách, lau dọn bàn thờ thì nhiệm vụ của chị em tôi là khiêng nước đổ đầy ảng xi măng và mấy lu sành, chớ ba bữa Tết ai lại đi khiêng nước. Giếng làng cách nhà chừng 300m, ruộng lúa, rẫy khoai lang vây quanh. Em trước chị sau, thùng nhôm trồi lên sụt xuống giữa hai đầu đòn gánh, bước tới đâu nước bắn ra tới đó. Có bận trời mưa, đoạn đường ngắn mà chỗ trơn trượt, chỗ bệt đầy bùn, ngã lăn chiêng, bùn ngai ngái ập vô mũi, vô óc, cứ khóc khan, sau rốt thì đứng dậy phủi mông, mặt mày lấm lem dậm chân thình thịch đi về “em không khiêng nữa mô”. Chị ôm đòn gánh, ngồi mếu máo, kêu “mi không thương ba má hả”. Nghe rứa, chột dạ, vùng vằng quay lại khiêng tiếp. Nhiều năm sau này ở miền Nam, thèm một chiều 30 Tết đi khiêng nước bết bùn mà đâu có được.
Ngay cả những năm khó khăn, giá heo rớt thê thảm, nồi chè đậu bán không được mấy, ba phải nằm viện ngoài Đà Nẵng cả tháng trời mới đỡ, má vẫn cố gắng may cho chị em tôi mỗi đứa một bộ quần xanh áo trắng, mặc tết xong thì để đi học. Thuở đó, nhiều gia đình còn bán lúa non, kí sổ chờ tới tháng Ba gặt, 5 ang phải trả 7 để có tiền sắm Tết cho con. Má hay thủ thỉ với ba: “Không có đồ mới tội mấy đứa”. Cô Liễu thợ may ở cạnh nhà, mặc nhiên phải tối 30 mới tới lượt chị em tôi nhận đồ. Má nói để giặt rồi hong lửa cho khô, mấy đứa con thì giữ rịt trong lòng, miết tay lên từng nếp gấp, hít mùi hồ vải mà kêu thơm quá chừng, nôn nao ngóng tới sáng mồng Một là mặc vô liền, giục ba má lẹ lẹ về khoe với nội, không cần ăn uống.
Video đang HOT
Hai má con trong góc nhỏ tết xưa được tái hiện ở phố ông đồ Sài Gòn. Ảnh: Thảo Nguyên.
Thời tiết quê kì lắm, cứ dè ba bữa Tết lại mưa. Gần 8 km đường, cả nhà năm người, chỉ thằng út được ngồi vắt vẻo sau yên xe đạp ba dắt, còn lại bốn bà con đều xoắn quần tới gối, tay xách giày lội trong sương sớm. Từng bước chân đi là hăng hắc mùi đất, ngai ngái mùi bùn non. Nội sống cùng chú thím, làng cũng nghèo như chỗ nhà tôi, nước đi gánh, đi khiêng từng thùng nhôm đâu dám xài ào ào như nước máy bây giờ, dội một ca là xót một ca, thành ra rửa chân cũng qua loa, mùi bùn theo người tới tối.
Rồi chúng tôi đi, chưa kịp qua hết ấu thơ. Ước vọng trang đời mới bớt cơ cực hơn nhanh chóng bị dập tắt giữa nhọc nhằn của phố. Má theo nghề làm bánh tráng, mì Quảng. Để có căn nhà tá túc, 5 năm đầu không Tết, không bánh tét, không mứt dừa, không nồi thịt kho hột vịt, không hũ củ kiệu, không luôn quần áo mới. Có một lần, đêm 30, má dắt tay con gái đi bộ 20 phút lên cửa hàng, tần ngần đứng nhìn bộ váy hồng tay bèo phồng lồng trong bọc ni lông rồi về, hẹn chừng nào có tiền sẽ mua. Trưa mồng Một, sau khi tráng xong 20 vĩ bánh mè đen, cả nhà ngồi bó gối trên phản nhìn ra đường. Giữa lưng chừng mấy mẫu chuyện chồng bánh, cân mì, con gái hỏi lòng cắc cớ: “Bữa ni đường về nội có nhiều bùn không ta?”.
Phố rộn ràng, những cười nói xênh xang bốn phía, thoáng nghe nhóc nhỏ nói đất, nói bùn, khóe mắt chợt cay cay.
THẢO NGUYÊN
Theo thegioitiepthi.vn
Đường phố Sài Gòn lộng lẫy chào đón Tết Kỷ Hợi
Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, các tuyến đường và các trung tâm mua sắm ở trung tâm TP.HCM trở nên lung linh hơn với các họa tiết trang trí ngập sắc xuân.
Các con đường ở trung tâm TP.HCM được thay áo mới đón Tết Kỷ Hợi
Những ngày cuối năm, các tuyến đường ở trung tâm TP. HCM trở nên nhộn nhịp khi được khoác tấm áo mới mừng xuân.
Một số trung tâm thương mại như Diamond Plaza, Takashimaya cũng như các khách sạn lớn quanh khu vực đường hoa Nguyễn Huệ cũng được trang trí lộng lẫy với hình ảnh chú lợn, tiểu cảnh ông đồ, mai vàng, mô hình bánh chưng - bánh tét.
Các con đường như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... lung linh bởi những dãy đèn màu với nhiều họa tiết hoa
Vòng xoay Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch sáng rực đèn màu
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa được trang trí hoa mai - đào đan xen nhau
Công nhân vệ sinh quét dọn cho đường phố đón Tết
Đường Đồng Khởi lung linh bởi những cột đèn màu xanh, vàng
Càng về tối, càng có nhiều người xuống đường du xuân. Ai nấy đều hớn hở, tạm gác công việc để đón xuân
Đường Đồng Khởi luôn tập trung đông người và xe cộ
Đông vui nhất có lẽ là đoạn đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn Nhà văn hoá Thanh Niên), nơi có phố ông đồ
Khu vực này được trang trí những cành mai vàng rực
Tại các trung tâm thương mại, nhiều tiểu cảnh và linh vật cũng được thiết kế sặc sỡ
Người Sài Gòn chụp ảnh kỷ niệm năm mới Kỷ Hợi 2019
Theo thanhnien.vn
Hơn 45.600 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông trong 8 ngày nghỉ Tết Trong số đó, 16.687 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi và 187 trường hợp tử vong tại các bệnh viện. Thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chiều ngày 10/2, tức mùng 6 Tết Kỷ Hợi, cho biết so sánh 7 ngày nghỉ Tết (từ 7 giờ ngày 29 đến 7 giờ ngày mùng 6)...