Hungary nói “không” với người tị nạn
Ngày 20/7, Hungary đã ra tuyên bố từ chối tiếp nhận người xin quyền tị nạn và người tị nạn.
Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ hôm 20/7, tất cả các nước thành viên và một số nước châu Âu khác đã đưa ra cam kết con số người tị nạn sẽ tiếp nhận trong vòng hai năm tới, ngoại trừ Hungary.
Đây không phải là lần đầu tiên Hungary tuyên bố nước này từ chối tiếp nhận người xin quyền tị nạn và người tị nạn theo hai chương trình di dời và tái định cư của EU. Lý giải điều này, các quan chức của Hungary cho rằng Hungary hiện đang chịu quá nhiều áp lực trong việc giải quyết làn sóng người nhập cư trái phép vào nước này.
Ngoại trưởng Péter Szijjarto nói rằng hàng ngày có từ 1.300 đến 1.500 người di cư tìm cách vào Hungary và chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 86.500 người di cư bất hợp pháp đã vào nước này, trong đó hơn 93% vượt qua đường biên giới giữa Hungary và Serbia.
Thủ tướng Hungary – Viktor Orban tuyên bố Hungary sẽ không trở thành điểm đến của người tị nạn. (Ảnh: AP)
Ông Péter Szijjarto nói thêm rằng nếu áp lực này không có dấu hiệu suy giảm, số người di cư đến Hungary có thể lên tới con số 200.000 vào cuối năm nay. Đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh hơn trong thời gian tới, các tuyến đường di cư chủ yếu sẽ được chuyển từ vùng biển Địa Trung Hải sang đường bộ và Hungary sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu của người tị nạn. Con số thống kê mới đây cho biết năm 2014 Hungary tiếp nhận số người xin tị nạn trên bình quân đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia EU khác trừ Thụy Điển, lên đến gần 43.000 người so với 2.000 của năm 2012.
Video đang HOT
Làn sóng người xin tị nạn tăng đột biến thời gian qua buộc chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban phải đưa ra quan điểm cứng rắn của mình. Phát biểu trong một chuyến thăm Pháp hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Orban nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn cản ngay dòng người xin tị nạn vào nước này. Ông tuyên bố Hungary sẽ không trở thành đích đến của người di cư, và chừng nào ông và chính phủ của ông còn nắm quyền thì ông sẽ không cho phép điều này xảy ra.
Phát biểu với truyền thông Áo gần đây, người phát ngôn của chính phủ Hungary ông Zoltan Kovacs mô tả Hungary như là “một con thuyền đã đầy người”, không thể chứa thêm được nữa, và kêu gọi có giải pháp từ các nước EU.
Hungary tuyên bố nước này cũng đã cạn kiệt mọi nguồn lực để giải quyết cuộc khủng hoảng người xin tị nạn khi các cơ sở vật chất phục vụ cho người tị nạn đã bị quá tải. Trong một động thái gây tranh cãi trong các nước EU, chính phủ của Thủ tướng Orban quyết định xây một hàng rào dây thép gai cao 4m dài 175km dọc biên giới với Serbia để ngăn cản dòng người tị nạn vào nước này.
Đồng thời Hungary tuyên bố tạm dừng thực hiện Quy chế Dublin III, theo đó nước này sẽ không chấp nhận đương đơn xin quyền tị nạn đã bị từ chối đến từ các nước thành viên EU khác. Hungary sẽ không chấp nhận những người đến nhập cư cho đến khi Liên minh châu Âu đảm bảo rằng Hungary sẽ không phải đón thêm người tị nạn nào nữa.
Động thái này, theo người phát ngôn của chính phủ, là để bảo vệ quyền lợi và nhân dân Hungary. Tuy nhiên, đáng lưu ý là Quy chế Dublin III không có điều khoản nào cho phép các nước thành viên tạm dừng nghĩa vụ của mình liên quan tới việc chuyển giao người tị nạn. Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner chỉ trích quyết định trên của Hungary và đề nghị Hungary tuân thủ các Quy định Schengen về việc duy trì biên giới mở trong EU.
Bà Márta Pardavi, đồng chủ tịch Ủy ban Helsinki của Hungary, cũng chỉ trích quyết định của chính phủ từ chối hợp tác với EU trong vấn đề người tị nạn để tập trung giải quyết các vấn đề trong nước. Theo đó, một số nước EU khác, trong đó có Italia, đang nỗ lực hơn nhiều so với Hungary để giải quyết bài toán người nhập cư, nhưng họ vẫn sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với EU. Bà Pardavi cảnh báo nếu Hungary từ chối tuân thủ Quy chế Dublin III thì rất có thể sẽ có một làn sóng người tị nạn khác ngay trong lòng EU./.
Hữu Bình
Theo_VOV
Triều Tiên từ chối tham dự đối thoại quốc phòng tại Hàn Quốc
Triều Tiên ngày 20/7 ra tuyên bố cho rằng, lời mời Bình Nhưỡng tham gia đối thoại của phía Hàn Quốc chỉ là một "thủ đoạn chính trị".
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vừa từ chối lời mời của phía Hàn Quốc về việc tham gia Đối thoại Quốc phòng Seoul diễn ra vào ngày 9/9 tới, cũng như các hoạt động tiếp xúc giữa Chủ tịch Quốc hội 2 nước.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc mời Triều Tiên tham dự Đối thoại quốc phòng Seoul kể từ khi diễn đàn này được tổ chức năm 2012. Dự kiến khoảng 250 quan chức quân sự từ 32 quốc gia sẽ tham gia đối thoại này.
Ông Kim jong-un duyệt đội danh dự quân đội Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, Ủy ban Thống nhất hòa bình của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 20/7 ra tuyên bố cho rằng, lời mời Bình Nhưỡng tham gia đối thoại của phía Hàn Quốc chỉ là một "thủ đoạn chính trị". Theo Ủy ban này, quan hệ liên Triều đang ở mức độ mà cả 2 bên không thể đối mặt với nhau.
Bình Nhưỡng nhấn mạnh, để tổ chức được các cuộc đối thoại quốc phòng có sự tham gia của cả 2 miền Triều Tiên như đề xuất của Hàn Quốc và hâm nóng mối quan hệ liên Triều thì trước tiên cần phải có một bầu không khí thích hợp.
Ủy ban Thống nhất hòa bình của Triều Tiên cho rằng, sẽ là không hợp lý khi Hàn Quốc muốn tổ chức đối thoại quốc phòng với Triều Tiên trong khi vẫn đe dọa hòa bình trên bán đảo này bằng các cuộc tập trận với Mỹ.
Tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Ui-hwa cũng đã đề nghị những người đồng cấp Triều Tiên thu xếp các cuộc tiếp xúc giữa 2 bên bất cứ khi nào thuận tiện nhưng Ủy ban Thống nhất hòa bình của Triều Tiên cũng đã từ chối.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất của Hàn Quốc Jeong Joon-hee ngày 20/7 ra tuyên bố lấy làm tiếc vì phía Triều Tiên từ chối cả 2 lời đề nghị trên. Ông kêu gọi phía Triều Tiên đáp lại một cách tích cực những đề nghị liên quan đến đối thoại của Hàn Quốc, cho rằng quan hệ liên Triều sẽ không thể được cải thiện nếu không có đối thoại và hợp tác./.
Diệu Hương Theo KBS
Theo_VOV
Nga là khách mời trong cuộc tập trận của NATO "Không có gì bí mật khi chúng tôi tập trận. Vì vậy, Nga và các nước quan sát viên khác nếu quan tâm...sẽ được mời", Tướng NATO Domrose cho biết hôm 15/7. Tuyên bố của Tướng Hans-Lothar Domrose được đưa ra khi trả lời trong cuộc họp báo hôm 17/7. Theo đó, trong cuộc tập trận mang tên Trident Juncture-2015 Nga có thể...