Hungary đồng ý thanh toán khí đốt bằng đồng ruble
Theo hãng thông tấn Czech (CTK), ngày 28/2, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto xác nhận nước này đã đồng ý với các điều khoản thanh toán của Moskva đối với khí đốt của Nga.
Đồng ruble của Nga tại thủ đô Moskva, ngày 24/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo ông Szijjiarto, 85% lượng khí đốt và 65% nguồn dầu mỏ của Hungary là nhập khẩu từ Nga. Do điều kiện cơ sở hạ tầng, Hungary không có các lựa chọn thay thế để đảm bảo các nguồn năng lượng hoặc các tuyến đường cho phép nước này ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga trong những năm tới.
Kể từ khi xung đột tại Ukraine, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva theo nhiều giai đoạn, trong đó EU hiện đang thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, Hungary lại là một trong số ít các quốc gia EU phản đối động thái này do lo ngại về tình trạng năng lượng và nền kinh tế của chính nước này.
Nhằm đáp trả những phản ứng gay gắt của phương Tây đối với việc Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố khách hàng từ “các quốc gia không thân thiện” sẽ phải thanh toán khí đốt mua của Nga bằng đồng ruble. Các nước EU và các công ty khí đốt của châu Âu đã từ chối yêu cầu trên vì cho rằng việc thay đổi phương thức thanh toán sẽ vi phạm các hợp đồng đã kí kết.
Về phía các nhà cung cấp khí đốt của Nga, việc thanh toán bằng đồng ruble sẽ giúp tăng đáng kể doanh thu. Nga đã phát triển và cung cấp cho các khách hàng một hệ thống thanh toán mới. Theo kế hoạch thanh toán này, khách hàng mua nguyên liệu thô phải mở hai tài khoản ngân hàng bằng đồng ngoại tệ và đồng ruble với Gazprombank, ngân hàng do Kremlin kiểm soát. Khách hàng mua năng lượng thanh toán bằng đồng euro hoặc USD, sau đó Gazprombank sẽ chuyển số tiền này vào tài khoản đồng ruble. Theo một nguồn tin thân cận với Gazprombank, 10 khách hàng châu Âu mua khí đốt của Nga đã mở tài khoản như vậy và 4 trong số đó đã thanh toán theo phương thức nói trên.
Công ty khí đốt Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vào sáng 27/4. Lý giải cho quyết định trên, Gazprom cho biết các công ty khí đốt PGNiG (Ba Lan) và Bulgargaz (Bulgaria) đã từ chối trả tiền bằng đồng ruble theo yêu cầu của Moskva. Điều này đã khiến giá khí đốt tại thị trường châu Âu ngay lập tức đã tăng lên đáng kể.
Ukraine khẳng định có đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu hiện nay
Ngày 28/4, Ukraine khẳng định có đủ khí đốt tự nhiên và điện để đáp ứng nhu cầu hiện nay, song tình trạng này sẽ khó duy trì đến cuối mùa Thu.
Công nhân làm việc tại cơ sở dự trữ khí đốt Bilche-Volytsko-Uherske ở gần làng Bilche, khu vực Lviv, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, người đứng đầu Ủy ban Năng lượng và dịch vụ công cộng của Quốc hội Ukraine, ông Andriy Herus nhấn mạnh nước này vẫn còn đủ khí đốt và điện, khi lượng khí đốt được tiêu thụ thấp hơn so với mức sản xuất. Ông Herus nhận định tăng trưởng kinh tế đang suy giảm nhanh chóng, một số công ty thậm chí đã ngừng hoạt động do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine. Bên cạnh đó, tháng 5 cũng đang gần kề và đây là giai đoạn tiêu thụ khí đốt thường ở mức thấp.
Tuy nhiên, ông Herus cảnh báo tình hình sẽ trở nên khó khăn khi thời tiết lạnh hơn. Trong giai đoạn từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 4, tiêu thụ năng lượng sẽ tăng mạnh tại Ukraine do nhu cầu sưởi ấm.
Liên quan đến hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga, nhà vận hành Gascade cho biết trong 24 giờ qua, dòng khí đốt của Nga qua đường ống Yamal-châu Âu thông qua trạm bơm Malnov ở biên giới Đức-Ba Lan đã tiếp tục tăng từ 12.742.545 kWh/h lên 13.191.391 kWh/h. Trong khi đó, số liệu của công ty vận hành TSO Eustream của Slovakia cho thấy lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine sang Slovakia vào khoảng 599.036 MWh, thấp hơn so với mức 601.288 MWh được ghi nhận trong 24 giờ trước đó. Ngoài ra, dòng khí đốt sang Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 ở Biển Baltic ở mức 72.166.427kWh/h, không thay đổi nhiều so với một ngày trước.
Trước đó, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria với lý do Moskva đã không nhận được khoản thanh toán bằng đồng ruble từ hai quốc gia này cho các hợp đồng mua khí đốt. Trong tuyên bố ngày 27/4, Gazprom cho hay đã thông báo tới hai cơ quan năng lượng Bulgargaz của Bulgaria và PGNiG của Ba Lan về quyết định ngừng cung cấp khí đốt, đồng thời nêu rõ quyết định sẽ có hiệu lực cho đến khi các khoản thanh toán được trả bằng đồng ruble theo đúng chủ trương của Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố tháng trước. Gazprom khẳng định vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua Ukraine theo yêu cầu của khách hàng.
Trước động thái này, báo Financial Times dẫn các nguồn thạo tin ngày 28/4 cho biết các nhà phân phối khí đốt ở Đức, Áo, Slovakia và Hungary đang chuẩn bị mở tài khoản đồng ruble với ngân hàng Gazprombank để thanh toán hợp đồng khí đốt với Nga. Trong số này có hai nhà nhập khẩu lớn nhất châu Âu là Uniper của Đức và Tập đoàn OMV của Áo. Theo nguồn tin, OMV khẳng định đã xem xét yêu cầu của Gazprom về các phương thức thanh toán do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và đang nghiên cứu giải pháp phù hợp với các lệnh trừng phạt.
EC cho phép các doanh nghiệp mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble Trong một thông báo ngày 22/4, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể tuân thủ hệ thống thanh toán mà Nga để xuất, theo đó thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng ruble mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Moskva. Mặc dù vậy,...