Hưng Yên xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi
Tỉnh Hưng Yên đang chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi còn lại ở một số xã, nhằm khống chế thành công bệnh dịch tả lợn châu Phi, tiến tới công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh, không để dịch tái phát trở lại và phát triển đàn lợn ổn định.
Đến ngày 24/10, trên địa bàn Hưng Yên có 144/151 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố đã công bố hết dịch; trong đó, 5 đơn vị cấp huyện có 100% các xã đã công bố hết dịch gồm: thị xã Mỹ Hào, thành phố Hưng Yên và các huyện Văn Giang, Phù Cừ, Yên Mỹ.
Nhân viên thú y phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi tại Đinh Văn Trang ở thôn Bó Khê, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo đó, toàn tỉnh hiện chỉ còn 7 xã chưa công bố hết dịch; tuy nhiên, đã qua hơn 20 ngày các địa phương này không có lợn ốm, chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đó là các xã: Hồ Tùng Mậu (Ân Thi); Lương Bằng, Mai Động (Kim Động); Lệ Xá (Tiên Lữ); Đình Dù (Văn Lâm); Đông Tảo, Hồng Tiến (Khoái Châu).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết, tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh dịch còn lại; tổ chức họp đối với từng khu dân cư và giao trách nhiệm cho trưởng thôn, thú y xã rà soát, thống kê số hộ chăn nuôi, số đầu lợn từng loại trên địa bàn để quản lý, theo dõi; yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phải bám sát thực tế, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; quyết liệt triển khai các biện pháp khống chế để không còn dịch. Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học như: chuồng trại khép kín, xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường. Với các hộ, trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ xen kẹp trong khu dân cư, không bảo đảm an toàn bệnh dịch nên dừng chăn nuôi, chuyển đổi sang chăn nuôi con vật khác.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hưng Yên cho biết, các huyện, thị xã, thành phố cơ bản đã hỗ trợ xong đợt 1 cho các hộ có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh với số tiền trên 200 tỷ đồng.
Chi cục Thú y cũng đã cung ứng và triển khai tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn lợn gồm: tiêm phòng hơn 60.000 liều vắc xin lở mồm long móng; gần 140.000 liều vắc xin tai xanh ở lợn; chuẩn bị tiêm phòng vắc xin dịch tả và tụ huyết trùng cho đàn lợn.
Video đang HOT
Theo Mai Ngoan (TTXVN)
Hậu dịch tả lợn châu Phi: Nhà nông loay hoay tìm cách tái đàn
Chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh và tái đàn lợn ở những nơi phù hợp là những khuyến cáo của Bộ NNPTNT để khôi phục lại ngành chăn nuôi lợn sau một thời gian chống chọi với dịch tả lợn châu Phi.
Khó khăn chưa từng có
Kể từ thời điểm tháng 2/2019, khi những ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên xuất hiện tại Thái Bình và Hưng Yên, dịch bệnh nguy hiểm này đã tàn phá nhiều chuồng trại chăn nuôi, đẩy người chăn nuôi lợn vào những khó khăn chưa từng có.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (phải) khảo sát một mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở xã Tân Dân (huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Ảnh: P.V
Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/10/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy khoảng 5,6 triệu con, với tổng trọng lượng là 320.000 tấn. Tính đến tháng 10/2019, bệnh DTLCP phát sinh thêm 157 xã, 3 huyện; dự báo đến hết tháng 10/2019, số lợn tiêu hủy giảm 26% so với tháng 9, giảm 60,7% so với tháng 5.
Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), thời gian đầu, dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở những hộ nhỏ lẻ, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, nơi có mật độ chăn nuôi cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi đã nhận thức rõ hơn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nhất là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.
Điều đáng ghi nhận là, hiện có 10 tỉnh, thành phố có trên 80% số xã đã qua 30 ngày, gồm: Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn La, Cao Bằng và Bắc Giang. Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên đang tiến hành các thủ tục công bố trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, DTLCP cũng đã khiến người chăn nuôi lợn vô cùng khó khăn, giá trị sản xuất chăn nuôi lợn giảm trên 9%. Tổng đàn lợn tính đến ngày 31/8/2019 của 56 tỉnh đã báo cáo là trên 22 triệu con, giảm 16% so với thời điểm tháng 10/2018. Nếu tính số liệu của 63 tỉnh thành thì dự kiến đàn lợn sẽ đạt khoảng 23 - 23,5 triệu con, trong đó đàn nái khoảng 2,8 - 2,9 triệu con.
Ở nhiều địa phương, tổng đàn lợn sụt giảm nghiêm trọng do sự tàn phá của dịch. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang, DTLCP xảy ra trên địa bàn từ tháng 3/2019, tính đến ngày 14/10/2019, toàn tỉnh đã có trên 39.500 hộ có lợn bị thiệt hại, tiêu hủy 272.361 con lợn (gần 25% tổng đàn). Trong khi đó, ở Đồng Nai, tính đến đầu tháng 9/2019, tổng đàn lợn đã giảm 40% so với thời điểm tháng 4/2019.
Rất may nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nên hầu hết các loại vật nuôi, thủy sản đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, trong 9 tháng năm 2019, giá trị sản xuất của lĩnh vực chăn nuôi ước đạt 132,9 nghìn tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi đều tăng (trừ chăn nuôi lợn), cụ thể, thịt trâu tăng 3,1%, thịt bò tăng 4,2%, thịt gia cầm tăng 13,5%, trứng tăng 10%, thủy sản tăng 6,5%.
Có nên tái đàn?
Câu hỏi đặt ra là, thời điểm này, các địa phương có DTLCP đã qua 30 ngày có nên tái đàn hay không? Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, hiện tại nhiều địa phương e ngại không cho người chăn nuôi tái đàn, một số địa phương, cơ sở đã qua 30 ngày theo quy định hoặc các cơ sở nằm trong vùng dịch nhưng không xảy ra dịch vẫn đảm bảo an toàn sinh học nhưng rất khó tái đàn khi chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn không đồng thuận, đặc biệt khó khăn trong việc vận chuyển con giống. Nếu không tái đàn phù hợp sẽ rất khó khăn trong việc chủ động nguồn thực phẩm cuối năm.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, giải pháp cấp bách hiện nay là tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi lợn để chủ động nguồn thực phẩm tránh sự thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học; đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ để bù đắp lại nguồn thực phẩm thiếu hụt. Các địa phương cần chủ động trong việc cho người chăn nuôi tái đàn khi đảm bảo đủ các yêu cầu (không được cấm tái đàn khi các cơ sở đủ điều kiện) theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT để chủ động nguồn cung thịt lợn.
"Cần áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt trong bối cảnh DTLCP vẫn diễn biến phức tạp thì việc tăng cường các biện pháp an toàn sinh học là vô cùng cần thiết, đồng thời kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học trong vệ sinh, bổ sung trong thức ăn, nước uống, độn chuồng" - ông Dương nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, việc tái đàn lợn phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Trước mắt, sẽ tổ chức tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh ở nơi có nguy cơ cao, vùng chăn nuôi trọng điểm.
Về vấn đề tái đàn, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta đang trong bối cảnh DTLCP hoành hành. Cho đến giờ phút này có thể khẳng định DTLCP là vấn nạn toàn thế giới, nếu không có giải pháp tích cực thì bệnh dịch này sẽ phá tan một ngành hàng. "Phải xác định sống chung, đừng mong bao giờ diệt trừ, an toàn tuyệt đối. Bằng chứng, vừa qua có nhiều doanh nghiệp, trang trại lớn, trang trại vừa đã làm tốt được biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn lợn vẫn được an toàn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Thêm nữa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tín hiệu thị trường như vừa rồi vô cùng tốt, cộng với những thành tố tích cực kia chúng ta sẽ khuyến khích những hộ chăn nuôi trang trại lớn và vừa, doanh nghiệp đảm bảo đủ an toàn sinh học thì dịp này đẩy mạnh tăng đàn, những hộ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn thì không tái đàn để tránh dịch lại xảy ra gây thiệt hại.
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường:
Không được xuất tiểu ngạch lợn sang Trung Quốc
Vừa qua giá thịt lợn hơi tăng khá nhanh nguyên nhân cơ bản được xác định là do tác động của dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, sau 8 tháng dịch bệnh hoành hành, sản lượng thịt lợn đã giảm 8,2%, trong khi, thịt lợn vẫn chiếm tới 65 - 70% trong cơ cấu rổ thực phẩm của người Việt. Cung giảm nên ảnh hưởng đến thị trường. Thêm nữa, mặc dù sản lượng thịt lợn chỉ giảm 8,2%, trong thực tế không hiếm thịt lợn, song một số cơ sở chăn nuôi cố tình găm giữ lợn lại để chờ giá cao. Những ngày gần đây xuất hiện hiện tượng vận chuyển lợn sang thị trường bên cạnh. Tất cả những nguyên nhân đó đã đẩy giá lợn tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Nhiều người lo ngại về nguy cơ có thể thiếu thịt lợn những tháng cuối năm, tôi cho rằng nên bình tĩnh, sức sản xuất nông sản của chúng ta, sức sản xuất thực phẩm... sẽ đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu thị trường, kể cả những ngày cuối năm là thời kỳ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng mạnh.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, các doanh nghiệp phải bảo vệ thị trường cùng với người tiêu dùng, không được tăng giá vô lối, không găm hàng làm giá. Các trang trại, doanh nghiệp tuyệt đối không được xuất khẩu lợn sang Trung Quốc. Bởi Việt Nam và nước bạn chưa có ký kết chính thức việc xuất khẩu chính ngạch, đồng thời chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ kiểm dịch động vật ở biên giới.
Khánh Nguyên (ghi)
Theo Danviet
Bộ trưởng NNPTNT: Không được xuất tiểu ngạch lợn sang Trung Quốc Làm việc với các doanh nghiệp, trang trại tại Hưng Yên ngày 16/10 về tình hình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, bàn giải pháp tái đàn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được xuất khẩu tiểu ngạch lợn sang Trung Quốc, vì chúng ta chưa ký xuất khẩu chính ngạch. Đánh...