Hùng vĩ thác Pongour, Lâm Đồng
Tên ngọn thác do người Pháp phiên âm từ tiếng dân tộc bản địa (KHo: Pon-gou – với nghĩa ông chủ vùng đất sét trắng).
Lối vào thác Pongour là con đường nhựa dài khoảng 7km (một nhánh rẽ trái của quốc lộ 20 Sài Gòn – Đà Lạt thuộc huyện Đức Trọng).
Thác đổ từ độ cao gần 40m, trải rộng hơn 100m, qua hệ thống đá bậc thang bảy tầng. Bao quanh là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú. Pongour xứng danh được người Pháp tôn vinh là “ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương”.
Đón chúng ta là một cung đường thú vị. Những bước chân thành thị ắt sẽ sững sờ và thích thú trước những hoa dại đủ màu sắc. Tựa những con người luôn sống hết mình, hoa sao nhái ở đây cũng vàng lên rực rỡ như chưa từng có ở một nơi nào khác. Hoa điệp vàng như nắng trải đầy lối đi. Người dân ở đây nói rằng chín năm trước, để đến con thác này người ta phải phát cây băng rừng hoặc trôi thuyền theo dòng Đa Nhim, rồi bám rễ cây mà thả người men ra bờ thác.
Rừng già Pongour mới chính thức mở cửa từ năm 1999. Gần 10 năm trôi qua, nhưng hiện nay thác vẫn còn nét đẹp hoang dã của núi rừng Tây nguyên. Đặc biệt, nơi đây có nhiều cảnh đẹp và lạ cho các phó nháy, “người mẫu” tha hồ dừng lại chụp ảnh. Bạn có thể đứng ngắm dòng thác ở đài quan sát ngay gần khu trung tâm. Đây là góc nhìn đẹp nhất và cũng là nơi trước kia vua Bảo Đại thường dừng chân trong các chuyến xuyên rừng săn hổ dữ. Bạn cũng có thể men theo những bậc thang uốn theo sườn núi lần xuống chân thác để thấy được vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước từ góc nhìn bên dưới.
Dòng nước đang cuồn cuộn chảy bị các mỏm đá chặn lại, xé thành hàng chục dòng thác trải dọc vách đá thẳng đứng. Lớp lớp khối đá bàn xanh rêu xếp chồng lên nhau làm dòng nước đổ xuống tung bọt trắng xóa. Thác nước trở thành mưa bụi mùa xuân mát rượi, bay đến nơi du khách đứng xa hàng chục mét. Giữa hai bờ đá dựng, thác nước lại hiền hòa trôi xuôi trên mặt hồ. Thác Pongour chưa có nhiều hàng quán và khách du lịch cũng thưa thớt nên dễ mang lại cảm giác tĩnh lặng, dễ chịu cho những ai đặt chân đến.
Nhiều người chỉ có dịp đến Pongour vào ban ngày nhưng họ không khỏi ao ước được trải qua một đêm ở đây, bởi Pongour còn đượm hương rừng hoang sơ, tiếng chim hót cùng tiếng thác reo quyến rũ…
Thác Đambri Danh thắng hùng vĩ của Lâm Đồng
Thác Đambri nằm cách trung tâm thị xã Bảo Lộc khoảng 18km. Đây là ngọn thác lớn ở Lâm Đồng, nằm giữa khung cảnh rừng nguyên sinh hoang sơ và hùng vĩ.
Từ thị xã Bảo Lộc - Lâm Đồng qua những đồi chè, cà phê, cây ăn trái xanh ngát, du khách sẽ đến với khu du lịch sinh thái Đambri để được thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ cùng khí hậu trong mát của rừng nguyên sinh nam Tây Nguyên.
Thác Đambri có độ cao khoảng 60m. Mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về ầm ầm, đi xa vài kilômét còn nghe thấy tiếng. Xung quanh thác là một khu rừng hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ chưa mấy người khám phá với diện tích gần 300ha cùng đủ loài chim. Nhiều cây cổ thụ quý hiếm như sao, kền kền, dổi... gốc to tầm vài ba vòng tay người ôm cũng có mặt ở đây. Đường vào trung tâm khu du lịch có một cầu ximăng dài hơn 20m bắc ngang suối, gần đỉnh thác. Đứng trên cầu, khách du lịch có thể thưởng thức cảnh tượng hùng vĩ của dòng nước cuồn cuộn đổ từ đỉnh thác xuống. Khách muốn xuống chân thác có thể đi bằng hai đường: thang máy hoặc đường bộ. Nhưng hầu hết du khách đều chọn đường bộ men theo sườn núi, đã được bêtông hoá nên đi lại thuận tiện để được thưởng ngoạn phong cảnh.Theo lối mòn ven suối đi về phía thượng lưu, muốn sang bờ bên kia khách sẽ được một lần thử độ khéo léo và lòng dũng cảm khi chênh vênh đi trên chiếc cầu dây theo kiểu của đồng bào dân tộc ở địa phương vẫn làm. Cầu được bện từ những thứ dây leo rất sẵn ở rừng như song, mây, giang, lồ ô... Vào buôn của người dân tộc Châu Mạ - một trong những làng văn hoá dân tộc ở Tây Nguyên, khách sẽ được thưởng thức những lễ hội cồng chiêng, khám phá tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và cũng có thể tự mang lều trại để tổ chức sinh hoạt dã ngoại. Thật rất nhiều điều thú vị.
Để những chuyến tham quan của du khách thêm sinh động, Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đambri còn khoanh một khu vực nuôi các loài thú. Đảo khỉ tại đây có hàng trăm con, hươu nai được nuôi thả tự do khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng và thích thú khi bắt gặp. Cũng có cả những khu nuôi gấu, ba ba, rùa. Đặc biệt, có những chú voi đã được thuần dưỡng và ngoan ngoãn tuân theo sự chỉ dẫn của quản tượng. Du khách có thể ngồi trên lưng voi để chụp ảnh lưu niệm. Đi một vòng quanh khu du lịch rộng lớn, du khách có thể nghỉ chân bên hồ nước Đambri rộng hàng nghìn mét vuông, thuê một chiếc thuyền để hưởng thú câu cá trên hồ.
Kỳ thú thác Voi, Lâm Đồng Con đường dài hơn 30 km men theo triền thông, thị trấn Nam Ban - một nét duyên Hà Nội giữa lòng cao nguyên hiện ra, thoảng trong gió là hương cà phê, xa xa nghe tiếng hát của nàng "Sơn nữ vọng phu". Nàng đang ngày đêm cất tiếng hát gọi chồng. Đó là tiếng vọng của thác Voi. Thác Voi là...