Hùng vĩ đèo Ô Quy Hồ – Tây Bắc
Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ, tuy nhiên du khách đến Tây Bắc Việt Nam thường biết đến đèo dưới tên Ô Quy Hồ.
Tương truyền ở vùng núi này, trước đây thường hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2000m này.
Đèo Ô Quy Hồ có cung đường đèo dài ngoằn nghoèo trên quốc lộ 4D, trong đó 2 phần ba quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu, 1 phần 3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50km dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40km, thuộc Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là “vua đèo vùng Tây Bắc”.
Khách bộ hành trên đường từ Sa Pa đi thăm Thác Bạc với cung đường khoảng 12km, vượt qua cổng vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn với điểm kiểm lâm Trạm Tôn, một trong những xuất phát điểm của tuyến chinh phục đỉnh Fanxipan ở độ cao 1940m, khoảng vài km là đã lên đến đỉnh đèo Ô Quy Hồ ở độ cao gần 2000m. Đỉnh đèo Ô Quy Hồ giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời.
Video đang HOT
Con đèo Ô Quy Hồ trước kia khi chưa được làm đầy hiểm trở, ít người dám qua lại vì đường quá dài lại mang trong nó nhiều câu chuyện truyền miệng khiến người đi qua rùng mình, trong đó có chuyện về những con hổ thần rình bắt người qua lại. Tuy nhiên hiện nay tuyến đường được nâng cấp nhiều, trở thành một cung đường xe cộ đi lại nườm nượp. Để đi từ Hà Nội đến Lai Châu, nhiều người chọn cách đáp tàu hỏa lên Lào Cai rồi đi xe khách vượt đèo Ô Quy Hồ. Một bên là vực sâu hun hút và phía còn lại thường là vách đá dựng đứng, đèo Ô Quy Hồ là một thử thách đối với các tài xế đường dài.
Độ cao của dãy núi Hoàng Liên Sơn cũng khiến cho khí hậu hai nửa của đèo được phân định tại Cổng Trời trở nên khác biệt. Mùa đông, trong khi bên phía Tam Đường trời vẫn ấm áp thì bên Sa Pa có những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt, cả ngày sương mù bao phủ, tầm nhìn không quá 2m và núi rừng chìm ngập trong mây.
Vào mùa hè, nếu bên đèo Sa Pa khí hậu mát mẻ trong lành thì bên đèo Tam Đường, những cơn nóng khô hanh sẽ thiêu đốt mặt đất, suối khô kiệt nước và những thảm cỏ xanh cằn cỗi dưới ánh mắt trời.
Hùng vĩ và thơ mộng những ngọn núi ở Lào Cai
Núi non Lào Cai trùng trùng điệp điệp, nơi đây có nhiều ngọn núi cao và đẹp nhất Việt Nam và vùng Tây Bắc nằm trên dãy núi Con Voi và dãy Hoàng Liên Sơn.
Lào Cai là một trong số ít những địa phương ở miền núi phía Bắc Việt Nam có địa hình chia làm hai vùng cao, thấp khác nhau. Vùng núi cao hùng vĩ, hiểm trở tập trung ở phía Bắc tỉnh gồm các huyện: Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai. Vùng rừng núi trung bình tập trung ở phía Nam và Tây Nam tỉnh gồm các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn và thành phố Lào Cai nằm ở phía Bắc tỉnh. Núi non Lào Cai trùng trùng điệp điệp và nơi đây có nhiều ngọn núi cao và đẹp nhất Việt Nam và vùng Tây Bắc nằm trên dãy núi Con Voi và dãy Hoàng Liên Sơn.
Hùng vĩ nhất và nổi tiếng nhất vẫn là dãy Hoàng Liên Sơn chạy dài từ Sa Pa xuống Văn Bàn và tỉnh Yên Bái. Nơi đây có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 mét được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" và "Nóc nhà Việt Nam". Tiếp đến là đỉnh núi Ngũ Chỉ Sơn cao 3.090 mét có năm ngọn núi vươn lên trời như bàn tay khổng lồ giơ cao lên trời xanh. Ngũ Chỉ Sơn là ngọn núi cao thứ nhì Việt Nam và đây cũng là một trong những ngọn núi đẹp nhất Lào Cai. Trên dãy Hoàng Liên còn có các đỉnh núi cao nổi tiếng khác như: đỉnh Pu Luông (2.985 mét), đỉnh Lùng Cúng (2.913 mét), đỉnh Xi Giơ Pao (2.876 mét), đỉnh Sa Phình (2.871 mét), đỉnh Bá Muông (2.500 mét), đỉnh Pú Một (2.132 mét), đỉnh Pú Gia Lan (1.458 mét)... Trong số đó đỉnh núi Pú Gia Lan khá nổi tiếng vùng đất Văn Bàn từ lâu vì gắn với chiến tích của khu du kích cách mạng cùng tên thời kháng chiến chống Pháp và truyền thuyết núi Bà cháu...
Vùng đất phía Đông tỉnh có dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ từ tỉnh Hà Giang vươn sang Bắc Hà - Si Ma Cai đã tạo nên những đỉnh núi cao nơi đây như: Tả Củ Tỷ (1.856 mét), Quan Thần Sán (1.800 mét), Lầu Thí Ngài (1.638 mét)... Đặc biệt, ở thị trấn huyện lỵ Bắc Hà có núi Ba Mẹ Con, núi Cô Tiên tạo nên phong cảnh hữu tình của vùng du lịch nổi tiếng gắn với truyền thuyết sự hình thành của ngọn núi.
Dãy núi Cao Sơn (Mường Khương) và dãy núi Con Voi (Bảo Yên) chạy gần như song song với dòng sông Hồng và sông Chảy thơ mộng là quê hương bao đời nay của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Hầu như huyện nào, vùng nào cũng có một ngọn núi là biểu tượng của địa phương mình với bao câu chuyện huyền thoại bi hùng như: núi Cô Tiên ở huyện Mường Khương, núi Ba Mẹ Con ở thị trấn Bắc Hà, núi Pú Gia Lan ở huyện Văn Bàn, núi Nhìu Cồ San ở vùng cao huyện Bát Xát, núi Nhạc Sơn ở thành phố Lào Cai...
Núi rừng Lào Cai tạo nên những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp mỗi sớm mai mây bay đỉnh núi hoặc ánh hoàng hôn khi chiều buông. Đó là "sản phẩm du lịch" có một không hai ở vùng cao Lào Cai và vùng Tây Bắc luôn thu hút du khách xa gần và các văn nghệ sỹ tới thăm, khám phá, sáng tạo ra những tác phẩm văn học - nghệ thuật để đời.
Trong số đó, leo núi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, leo núi thăm khu du lịch sinh thái Hàm Rồng (Sa Pa) và đi bộ chinh phục đỉnh núi Ba Mẹ Con (Bắc Hà) đã và đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế và du khách trẻ Việt Nam.
Từ hành trình Tây Bắc nghĩ về du lịch Gia Lai Tôi vừa có chuyến hành trình lên Tây Bắc thăm lại Sa Pa và chứng kiến sự đổi thay khá kỳ diệu của mảnh đất này. Từ việc đầu tư và cách làm của "ngành công nghiệp không khói" ở Sa Pa, tôi có nhiều trăn trở khi nghĩ về du lịch ở tỉnh Gia Lai nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung....