Hứng trọn “combo tác dụng phụ” sau khi cấy que tránh thai, mẹ bỉm sữa ở Hà Nội tháo que vội sau 5 tháng
Mẹ nào đang có ý định cấy que tránh thai thì vào đây đọc trước đã nhé, có ích lắm đấy!
Sự phát triển của y học đã giúp các chị em phụ nữ ngày càng có thêm nhiều lựa chọn trong việc tránh thai an toàn, một trong số đó có thể kể đến chính là biện pháp cấy que tránh thai. Mặc dù được các chuyên gia y tế đánh giá là phương thức thực hiện dễ dàng, đem lại hiệu quả cao (tới 99%), lại có thời gian sử dụng lâu dài, nhưng việc cấy que trực tiếp vào cơ thể cũng như một số tác dụng phụ không đáng có có thể xảy ra khiến các mẹ bỉm sữa vẫn còn khá nhiều hoài nghi.
Nếu có mẹ nào đang tìm hiểu về phương pháp này và cần một lời nhận xét từ “người thật việc thật” thì hãy tham khảo ngay bài review của Tạ Ngọc Bảo Thư (24 tuổi, hiện đang ở Hà Nội) – một mẹ bỉm sữa đã trải qua cả hai quá trình cấy que – tháo que tránh thai và nếm đủ những tác dụng phụ của việc này nên đã đưa ra những thông tin rất chân thực.
Mình đã cấy que tránh thai như thế nào?
Giống như nhiều người khác, Bảo Thư mất tới vài tuần để tìm hiểu và tham khảo ý kiến cũng như kinh nghiệm của mọi người để đưa ra quyết định cấy que tránh thai sau khi sinh con 4 tháng và có kinh nguyệt đã trở lại.
Mặc dù hiện tại có rất nhiều địa chỉ làm dịch vụ này, song Bảo Thư ưu tiên lựa chọn Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Bà mẹ trẻ Bảo Thư.
Tại đây, Bảo Thư được chỉ định đi khám phụ khoa và siêu âm trước với mức chi phí là 250.000 đồng. Khám xong sẽ được các bác sĩ tư vấn và giải đáp tất cả mọi thắc mắc (nếu có).
“Mình không phải trường hợp chống chỉ định và đồng ý cấy que tránh thai. Vậy nên sau đó bác sĩ in cho mình tờ phiếu và đi đóng tiền. Mình chọn cấy que tránh thai Implanon, chi phí là 3.500.000 đồng” – Bảo Thư nói.
Kể về quá trình cấy que tránh thai, Bảo Thư cho biết, khâu cấy que tránh thai rất nhanh gọn và đơn giản. Chỉ cần ngồi ngoài phòng thủ thuật chờ đến lượt thì đi vào.
Các bước cấy que tránh thai được diễn ra như sau: Sát trùng lên toàn bộ khu vực thực hiện cấy que, tiêm tê tại chỗ rồi luồn kim nhẹ vào và rút ra là xong.
Video đang HOT
Cuối cùng, bác sĩ sẽ dán một miếng băng nhỏ xíu và việc mà mọi người cần làm chỉ là ngồi yên khoảng vài phút là được. Quá trình diễn ra khá nhẹ nhàng và không hề gây đau đớn hay bất cứ cảm giác khó chịu nào.
Trải nghiệm sau khi cấy que tránh thai
Bảo Thư cho biết, sau khi cấy que thì chỗ cấy chỉ bị bầm nhẹ, 5-6 ngày là hết. Tuy nhiên, sau khi cấy 2 tuần thì cô bắt đầu xuất hiện tình trạng rong kinh. Dù đã được tư vấn và cảnh báo trước về điều này nhưng đến khi gặp phải thêm một số tác dụng phụ nữa thì bà mẹ một con đã phải đưa ra quyết định tháo que sau 5 tháng.
“Như mình đã được tư vấn thì hiện tượng rong kinh có thể diễn ra trong vòng 6 tháng đầu sau khi cấy que. Nhưng sau khoảng hơn 2 tháng thì mình bị rong kinh 30/30 ngày luôn. Cuộc sống gắn liền với băng vệ sinh cho đến tận ngày tháo que.
Chưa kể, tác dụng phụ tiếp theo mà mình gặp phải đó là tăng cân. Sinh xong mình chỉ hơn thời con gái có 3kg thôi, nhưng cấy que xong mình tăng không kiểm soát mặc dù ăn uống vẫn vậy. Ngoài ra mình còn bị thay đổi nội tiết tố, thường xuyên cáu gắt vô cớ và cảm thấy stress mỗi khi ngồi hút sữa. Cuộc sống như bị đảo lộn, vì vậy mà mình đã quyết định tháo que sau hơn 5 tháng” – Bảo Thư chia sẻ.
Bảo Thư gặp nhiều tác dụng phụ khi cấy que tránh thai và quyết định tháo que sau 5 tháng.
Quá trình tháo que tránh thai
Sau khi đưa ra quyết định, Bảo Thư đến bệnh viện định tháo que thì được các bác sĩ tư vấn về nhà uống thêm thuốc rồi theo dõi tiếp các dấu hiệu của tác dụng phụ mà cô đang gặp phải. Lần này, Bảo Thư tốn khoảng hơn 1 triệu đồng tiền thuốc.
Thế nhưng uống hết đơn thuốc mà tình trạng vẫn không cải thiện nên Bảo Thư đi đến quyết định cuối cùng là tháo que tránh thai.
“Chi phí tháo que là 700 ngàn đồng. Thủ thuật cũng rất nhanh. Sau khi vào phòng, các bác sĩ sẽ sát khuẩn, tiêm tê rồi rạch một đường nhỏ, tìm đầu que và lôi ra ngoài. Cũng giống như cấy que, tháo que tránh thai không hề đau, tất cả chỉ tầm 10 phút là mình có thể đi về.
Tháo que xong 1 ngày thì mình cũng chấm dứt tình trạng rong kinh. Cuộc đời như nở hoa, mình không còn cáu kỉnh nữa, tình cảm vợ chồng đi lên thấy rõ” – Bảo Thư tiết lộ.
Cuối cùng, bà mẹ trẻ đưa ra lời khuyên: “Nếu mẹ nào cơ địa tốt, khó lên cân, kinh nguyệt đều hoặc có điều kiện thì mình vẫn nghĩ mọi người nên thử cấy que tránh thai xem sao. Vì về cơ bản, với mình là như vậy nhưng các phương pháp ảnh hưởng đến nội tiết tố thì đều có tác dụng phụ và không ai giống ai. Hơn nữa, đây cũng là biện pháp mang tính an toàn cao, tiện lợi và không gây cảm giác đau đớn hay khó chịu.”
Que tránh thai là gì?
Que cấy tránh thai là những ống nhỏ làm bằng chất dẻo chứa thuốc tránh thai, được cấy dưới da tay không thuận của người phụ nữ. Thành phần có trong que cấy tránh thai bao gồm nội tiết tố levonorgestrel hay etonogestrel.
Que sẽ phát huy tác dụng sau 24 tiếng và có hiệu quả trong 3-5 năm hoặc lâu hơn (tùy loại). Khi đã cấy que tránh thai vào cơ thể, phụ nữ không cần sử dụng đến bất kỳ biện pháp tránh thai nào khác.
Các loại que cấy tránh thai phổ biến
- Implanon: 1 que, có tác dụng trong vòng 3 năm.
- Sinoplant: 2 que, tác dụng trong vòng 5 năm.
- Norplant: 6 que, tác dụng trong 5-7 năm.
'Sốt xình xịch' miếng dán tránh thai: Công dụng như thế nào?
Trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ công dụng của miếng dán tránh thai và coi nó như cách tránh thai thế hệ mới nhất.
"Miếng dán tránh thai có ưu điểm an toàn, hiệu quả ngừa thai cao, gọn nhẹ, thuận tiện, chỉ dán 1 lần/tuần trong 3 tuần liên tiếp. Tránh quên thuốc, quên thay miếng dán 2 ngày thì vẫn còn hiệu quả ngừa thai. Đặc biệt, miếng dán tránh thai không gây tác dụng phụ cho người sử dụng.
Cách dùng miếng tránh thai này cũng rất đơn giản chỉ cần dán vào vùng da bình thường, khô sạch, ở vùng mông, bụng, mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc phần thân trên. Bắt đầu dán 1 miếng vào ngày đầu tiên sau khi sạch kinh nguyệt 1 ngày. Mỗi miếng được dán liên tục tròn 1 tuần (7 ngày) - đó là những lời quảng cáo trên mạng về miếng dán tránh thai đang được rao bán nhan nhản trên facebook hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Hà - 31 tuổi, Hà Nội chia sẻ chị từng mua miếng dán tránh thai với giá 530.000 đồng hộp ba miếng dán dùng trong 1 tháng. Tháng đầu tiên, chị Hà cũng thót tim vì sợ có bầu. Đến tháng thứ hai thì lại xuất hiện rối loạn kinh nguyệt khi chu kỳ 'đèn đỏ' đến 2 lần. Chị Hà không rõ do miếng dán tránh thai nên vẫn dùng tiếp nhưng sau đó lại xuất hiện tình trạng rong kinh.
Chị Hà đi kiểm tra bác sĩ cho biết do tác dụng của miếng dán tránh thai. Lúc đầu chị Hà nghĩ miếng dán tránh thai ngoài da sẽ an toàn hơn thuốc tránh thai hay cấy que tránh thai. Chị không ngờ những trục trặc trong chu kỳ của mình thời gian qua là do miếng dán tránh thai mang đến.
Sốt xình xịch miếng dán tránh thai: Công dụng như thế nào?
Bác sĩ chuyên khoa I Dương Ngọc Vân - Bệnh viện Medlatec cho biết miếng dán tránh thai là phương pháp tránh thai rất thuận tiện hiện đang được nhiều chị em lựa chọn.
Theo bác sĩ Vân đây là một miếng dán nhỏ và mỏng, kích thước của nó khoảng 4,5cm2. Phụ nữ nên sử dụng phương pháp này bằng cách dán trực tiếp lên da, có thể da vùng mông, bụng, lưng hoặc có thể dán lên vùng da bắp tay.
Cơ chế hoạt động của nó chính là kích thích giải phóng estrogen và progestin nhằm mục đích ngăn ngừa quá trình rụng trứng của phụ nữ. Như vậy, trứng sẽ không có cơ hội để "gặp" tinh trùng và khó có thể thụ thai. Hơn nữa, phương pháp này cũng có tác dụng khiến cho dịch nhầy ở cổ tử cung đặc lại và khiến tinh trùng khó gặp trứng và giúp thụ thai.
Miếng dán tránh thai dùng đơn giản, chỉ cần người dùng xé bao đựng miếng dán. Lấy miếng dán này ra khỏi túi và bóc lớp áp vào miếng dán và lưu ý đừng để tay bạn dính vào bề mặt của miếng dán. Tiếp đó, từ từ dán vào vùng da khô, sạch.
Bác sĩ Vân cho biết nên dán miếng dán lên các vùng da như vùng bắp tay, lưng, mông bụng,... Nhưng chị em chú ý không nên dán ở những phần da nhạy cảm, đặc biệt không nên dán vào phần vú và những vùng da đang bị mẩn đỏ, kích ứng hay trầy xước.
Theo BS Vân, mặc dù miếng dán này có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có một số tác dụng phụ mà chị em cần biết để phòng ngừa và biết cách xử lý kịp thời: Vùng da dán bị kích ứng, cương ngực, nôn, buồn nôn, tăng cân nhẹ, chướng bụng. Có thể xuất hiện tình trạng ra máu âm đạo bất thường.
Để chắc chắn, trong lần đầu tiên, chị em nên sử dụng kèm theo một phương pháp tránh thai khác. Những lần sau đó, bạn sử dụng bình thường và không cần dùng thêm bất kỳ phương pháp tránh thai nào khác. Không nên tháo miếng dán khi bạn tắm rửa hay bơi lội hoặc trong một số công việc thường ngày.
Bác sĩ Vân cũng cho biết thêm miếng dán tránh thai tuy tương đối an toàn nhưng vẫn có thể gây ra các rủi ro hiếm gặp như thuyên tắc mạch máu, nhồi máu cơ tim,... Do đó trước khi sử dụng miếng dán tránh thai, cần khám và tư vấn ở các cơ sở y tế uy tín để biết mình có thuộc nhóm đối tượng bị chống chỉ định hay không.
Hiện tượng rong huyết khi dùng miếng dán tránh thai, bác sĩ Vân khuyến cáo nếu phụ nữ dùng loại miếng dán này gặp tình trạng rong huyết vẫn tiếp tục sử dụng vì hiện tượng rong huyết do miếng dán tránh thai thường mất đi sau một vài chu kỳ kinh nguyệt. Còn nếu rong huyết kéo dài thì nên đi khám để xem xét các nguyên nhân khác.
Cô gái 24 tuổi 3 lần nhập viện cấp cứu trong 1 năm do tràn khí màng bụng, bác sĩ cảnh báo thói quen xấu khi quan hệ tình dục của nhiều cặp đôi Cô gái 24 tuổi (Trung Quốc) được đưa đến phòng cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội kéo dài 6 tiếng, phim chụp X-quang cho thấy có khí tự do dưới cơ hoành. Hồ sơ bệnh án chỉ ra đây không phải là lần đầu tiên cô gái này vào viện cấp cứu do đau bụng dữ dội không rõ nguyên...