Hung thủ cưỡng hiếp thiếu nữ Ấn Độ ra tòa
5 kẻ tổ chức cưỡng hiếp tập thể và giết chết một nữ sinh 23 tuổi, gây chấn động khắp Ấn Độ, vừa chính thức bị truy tố tại tòa án hôm nay.
Cảnh sát canh gác ngoài tòa án quận Saket, New Delhi. Ảnh: AFP
AFP cho hay phía cảnh sát đã đưa ra các bằng chứng để truy tố các hung thủ này tội cưỡng hiếp, bắt cóc và giết người. Động thái này diễn ra sau khi nạn nhân qua đời hồi cuối tuần do chấn thương quá nặng.
Đêm 16/12, cô gái trẻ cùng bạn trai lên xe buýt về nhà sau khi đi xem phim thì bị nhóm nam giới say xỉn trên tấn công. Chúng thi nhau đánh đập cặp đôi, hiếp dâm tập thể cô gái rồi ném hai người xuống đường trong tình trạng lõa thể. Vụ việc đã gây chấn động khắp Ấn Độ suốt hơn nửa tháng qua, dẫn đến làn sóng biểu tình đòi tử hình các hung thủ và sửa đổi luật bảo vệ phụ nữ.
5 bị can trên hầu hết là cư dân của các khu ổ chuột ở New Delhi. Nếu bị kết tội, chúng có thể đối mặt với án tử hình, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Sushilkumar Shinde tuyên bố.
“Các bị can bắt buộc phải trình diện trước tòa”, Rana Dasgupta, một quan chức pháp lý tại tòa án quận Saket, nơi cảnh sát có vũ trang được triển khai dày đặc sáng nay cho hay. Đoàn thẩm phán, làm việc trong một căn phòng nhỏ có 30 chỗ ngồi, “sẽ chấp nhận bản cáo trạng do cảnh sát đưa ra, sau đó đưa cho mỗi bị can một bản sao”, ông thêm.
Tài liệu này dài 1.000 trang, mô tả chi tiết các bằng chứng mà họ thu thập được, trong đó có giá trị nhất dự kiến chính là lời khai từ phía nạn nhân sau cuộc tấn công và lời khai của người bạn trai.
Một nghi can thứ 6 trong vụ việc, được cho là trẻ vị thành niên 17 tuổi, không bị truy tố tại tòa án Saket hôm nay. Cảnh sát đang chờ kết quả xét nghiệm xương để xác định tuổi thực của nghi can này.
Phiên xét xử các nghi phạm đã diễn ra nhanh chóng. Do các luật sư ở tòa án quận Saket từ chối bào chữa cho các bị can nên chính quyền phải chỉ định luật sư cho họ.
Altamas Kabir, Bộ trưởng Tư pháp Ấn Độ, đã cảnh báo người dân không nên thể hiện sự giận dữ thái quá, gây ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Người biểu tình đã tổ chức tuần hành tại các thành phố của Ấn Độ kể từ hôm 16/12.
Vụ việc thương tâm đã khiến giới truyền thông và tầng lớp chính trị của Ấn Độ phải soi xét lại cách hành xử với phụ nữ. Các phân tích về nguyên nhân xoáy vào xã hội gia trưởng của Ấn Độ, trong đó sự ganh ghét đối với phụ nữ và chủ nghĩa tình dục đã ăn quá sâu. Phụ nữ thường bị xem là các công dân hạng hai và các nạn nhân bị cưỡng hiếp thường phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội cũng như cảnh sát.
Video đang HOT
Mới nhất, hôm 28/12, một nữ sinh 17 tuổi đã buộc phải tự vẫn sau khi bị cảnh sát ép từ bỏ đơn kiện bị hiếp dâm tập thể, chấp nhận tiền bồi thường hoặc kết hôn với một trong số những kẻ tấn công.
Chính quyền Ấn Độ đã thành lập ba ủy ban riêng biệt để điều tra vụ việc và đề xuất những thay đổi về luật pháp, trong đó một bộ trưởng đề nghị luật chống cưỡng hiếp mới nên được đặt theo tên của thiếu nữ 23 tuổi trên. Tuy nhiên, dư luận cho rằng không nên tiết lộ tên cô gái nhằm đảm bảo quyền pháp lý cho nạn nhân và gia đình, tránh sự kỳ thị của xã hội.
Anh trai của nạn nhân cho hay gia đình sẽ không từ chối nếu chính phủ muốn đặt tên bộ luật mới theo tên của cô, “đó sẽ là một cách tưởng nhớ đến cô ấy”, anh nói. Tuy nhiên, anh kêu gọi công chúng hãy bình tĩnh và để cho gia đình được tĩnh tâm trong nỗi mất mát này.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy Ấn Độ là nước mà phụ nữ bị đối xử tồi tệ nhất trong nhóm G20, với các vụ tảo hôn, lạm dụng, vứt bỏ thai nhi nếu là bé gái. Điều này đã dẫn đến một sự chênh lệnh giới tính nghiêm trọng ở đất nước 1,2 tỷ dân này.
Theo VNE
Hành trình tìm công lý của một thiếu nữ Ấn Độ bị hiếp dâm
Một phụ nữ trong số hàng ngàn người Ấn Độ thắp nến cầu nguyện cho nữ sinh viên tử vong sau khi bị hiếp dâm tập thể ở New Delhi - Ảnh: AFP
Hằng tháng, thiếu nữ 16 tuổi tên Debangana phải rời khỏi ngôi làng Sonarpur ở miền đông Ấn Độ đi xe lửa đến gặp hết luật sư này đến luật sư khác tại New Delhi để kiểm tra chéo thông tin về những người đàn ông bắt cóc, hiếp dâm rồi bán cô vào nhà thổ.
Trong khi vụ hiếp dâm tập thể khiến một nữ sinh viên tại New Delhi tử vong đang trở thành tâm điểm thế giới và kích ngòi làn sóng biểu tình ở Ấn Độ, hành trình nhọc nhằn đi tìm công lý của Debangana chỉ là một ví dụ trong hàng loạt số phận những nạn nhân bị hiếp dâm không dám lên tiếng tố cáo, theo AFP ngày 30.12.
"Tôi nghe về vụ hiếp dâm tập thể ở New Delhi mỗi ngày trên radio. Chỉ có nạn nhân bị cưỡng hiếp mới hiểu được số phận của những người cùng cảnh ngộ. Nữ sinh viên ấy đã chết, nhưng tôi phải tiếp tục sống để đấu tranh giành lại công lý", Debangana cho AFP biết.
Vào một ngày mùa hè năm 2010, Debangana đang làm việc tại cửa hàng của gia đình cô ở làng Sonarpur, thì ba người đàn ông đến nói chuyện và mời cô uống soda có hòa thuốc ngủ.
Lúc tỉnh dậy, Debangana phát hiện cô đang ở trên một toa xe lửa cùng với ba người đàn ông. Khi đến trạm xe lửa ở bang Delhi, những người đàn ông này đã khiêng cô vào một căn nhà, mặc cho cô chống cự quyết liệt.
"Họ nhốt tôi trong một căn phòng, lấy giày và gậy đánh đập tôi tới tấp để buộc tôi phải im miệng. Rồi họ hiếp dâm tôi", Debangana kể lại, lúc đó cô mới 14 tuổi.
Sau đó, Debangana bị bán vào một nhà thổ ở thủ đô New Delhi. "Trong suốt một năm trời, tôi bị đánh đập thường xuyên và bị buộc bán dâm cho nhiều người từ tài xế, mấy người đàn ông cao tuổi, người nghèo", theo lời kể của Debangana.
Sau một năm ở chốn "địa ngục trần gian", Debangana cùng 9 cô gái khác được cảnh sát giải cứu trong chiến dịch truy quét khu đèn đỏ ở New Delhi.
Về đến nhà, không ai ủng hộ cô làm đơn kiện và trình báo cảnh sát để họ tìm ra bọn tội phạm đã bắt cóc, hãm hiếp rồi bán cô vào nhà thổ.
Debangana cho biết: "Ở thành phố, một cô gái có quyền tự do quyết định. Nhưng các cô gái ở vùng nông thôn như tôi không được quyền có những quyết định trái ý với trưởng thôn. Một người phụ nữ phải phục tùng cha, anh trai và những người đàn ông trong làng".
Nhưng cuối cùng, Debangana đã quyết tâm làm đơn kiện và trình báo cảnh sát, mặc cho nhiều người trong làng, cả trưởng thôn phản đối.
Sonarpur cũng giống như hàng ngàn ngôi làng ở Ấn Độ - nơi tôn thờ danh dự gia đình và tránh bị xấu hổ là vấn đề sống và chết.
Vào ngày 17.6, một người cha ở miền bắc Rajasthan của Ấn Độ đã nhẫn tâm chặt đầu con gái 20 tuổi của mình chỉ để giữ danh dự gia đình.
Theo AFP, phụ nữ ở những ngôi làng Ấn Độ này không hề có quyền tự do phát biểu ý kiến của mình. Đàn ông có quyền quyết định mọi thứ thay cho phụ nữ, từ quần áo tới việc họ có được phép đi ra ngoài hay không. Cảnh sát địa phương thì thường hay phớt lờ những vụ tấn công tình dục.
Mới đây, một thiếu nữ Ấn Độ 17 tuổi bị hiếp dâm tập thể đã uống thuốc độc tự sát tại nhà vào ngày 26.12, sau khi cảnh sát gợi ý cô hủy đơn kiện và lấy một trong số những kẻ hiếp dâm làm chồng.
Debangana đã mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của cô với báo chí để thế giới biết được rằng có quá nhiều nạn nhân bị hiếp dâm ở Ấn Độ do mặc cảm nên không dám lên tiếng tố cáo. Nhưng cô thì khác, cô sẽ đứng lên đấu tranh giành lại công lý cho đến cùng.
Cuộc đấu tranh giành lại công lý của Debangana đã được tổ chức tự nguyện Shakti Vahini ủng hộ, hỗ trợ về mặt pháp lý.
"Nhưng lòng tự tin và quyết tâm đấu tranh là tùy thuộc vào cô ấy", Rishi Kant thuộc tổ chức Shakti Vahini cho biết.
Theo AFP, thiếu lực lượng nữ cảnh sát đã dẫn đến tình trạng xử lý bọn tội phạm tình dục "chậm chạp", thậm chí vô trách nhiệm, trong ngành cảnh sát Ấn Độ. Hiện cứ năm cảnh sát Ấn Độ thì có một người là phụ nữ.
Debangana buộc phải cung cấp lời khai, chi tiết về vụ việc của cô trước nhiều nam cảnh sát.
Thành phố thủ đô New Delhi được truyền thông mệnh danh là "kinh đô hiếp dâm" của Ấn Độ, do có 661 vụ hiếp dâm tại đây trong năm 2012, tăng 17% so với năm 2011.
Và trong số các thành phố lớn ở Ấn Độ, thủ đô New Delhi có tỷ lệ tội phạm tình dục cao nhất, trung bình trong vòng 18 giờ lại xảy ra một vụ hiếp dâm.
Ba nghi phạm bắt cóc, hiếp dâm rồi bán Debangana vào nhà thổ đã bị bắt nhưng sau đó được bảo lãnh tại ngoại.
Quyết tâm không bỏ cuộc, Debangana tiếp tục vác đơn đi kiện ba nghi phạm này, muốn bọn chúng phải bị trừng trị nghiêm khắc hơn theo pháp luật.
Hậu quả là, căn nhà gia đình cô bị kẻ xấu phá hoại và cánh đồng lúa gia đình cô bị đốt cháy rụi sau khi cô từ chối rút đơn kiện.
Lòng quyết tâm đã giúp Debangana chịu đựng những câu hỏi "bẽ mặt" trong các phiên tòa.
"Họ hỏi tôi đã ngủ với bao nhiêu người đàn ông rồi. Tôi trả lời tôi chưa bao giờ ngủ với đàn ông, mà họ đã cưỡng hiếp tôi. Một vị luật sư còn hỏi tôi kiếm được bao nhiêu tại nhà thổ", Debangana bức xúc nói.
Khi được hỏi rằng liệu sẽ tìm được công lý không, cô trả lời: "Ít ra tôi đang cố gắng hết mình".
Theo TNO
Nghiên cứu sinh đưa nhà trường ra tòa Lần đầu tiên tại Singapore, một nghiên cứu sinh đưa Đại học Quốc gia (NUS) ra tòa vì từ chối cấp bằng thạc sĩ cho cô. Năm 2001, Jeanne-Marie Ten, nay 42 tuổi, đăng ký học thạc sĩ ngành kiến trúc tại NUS. Dĩ nhiên, cô và nhà trường đã ký với nhau hợp đồng sinh viên bao gồm những điều khoản quy...