Hung thủ bí ẩn của vụ 7 người chết sau khi uống cùng loại thuốc chứa xyanua
Bảy người từ 12 đến 35 tuổi tử vong sau khi uống những viên thuốc bị phát hiện chứa xyanua, một loại hóa chất chết người.
Sau 40 năm, cảnh sát Mỹ vẫn chưa tìm ra hung thủ.
Điềm xấu bắt đầu vào ngày 28/9/1982, cô bé Mary Kellerman, 12 tuổi, phải nhập viện sau khi uống một viên giảm đau. Hôm sau, bệnh nhi qua đời. Lần lượt 6 người khác tử vong do uống cùng loại thuốc trên.
Khi tới nhà một nạn nhân, y tá Helen Jensen phát hiện ra một lọ thuốc thiếu 6 viên và nghi ngờ có liên quan tới những cái chết bất thường. Kết quả kiểm định cho thấy, mỗi viên thuốc đều chứa lượng xyanua cao gấp 3 lần ngưỡng gây tử vong ở người.
Theo Today, những viên thuốc trên được bán tại các cửa hàng ở ngoại ô Chicago (bang Illinois, Mỹ). Ngay sau biến cố, loại thuốc giảm đau đó đã được dỡ bỏ khỏi kệ để cơ quan y tế kiểm định.
Hơn 40 năm qua, cảnh sát Mỹ vẫn chưa phá được vụ án này. Năm 2021, cơ quan chức năng ở Arlington Heights (nơi có 3 nạn nhân) vẫn còn giữ những viên thuốc, lọ, hộp làm bằng chứng. Thượng sĩ Joe Murphy nói với NBC: “Chúng tôi vẫn đang điều tra các manh mối và áp dụng cả công nghệ pháp y mới”.
Các nạn nhân trong vụ ngộ độc xyanua năm 1982. Ảnh: Today
Nghi phạm đã chết
Cuộc điều tra tập trung vào James Lewis sống ở bang Massachusetts. Vào thời điểm xảy ra vụ án, người này 36 tuổi. Theo Chicago Tribune, lúc đó, Lewis thừa nhận với Cục điều tra liên bang của Mỹ (FBI) rằng đã gửi thư tống tiền tới nhà sản xuất lô thuốc trên.
Lá thư yêu cầu chuyển 1 triệu USD vào tài khoản ngân hàng “nếu muốn ngăn chặn vụ giết người”. Thư còn viết: “Thật dễ dàng để cho xyanua vào những viên nang đặt trên kệ của các cửa hàng”.
Điều tra cho thấy Lewis đã viết bức thư trước khi những cái chết liên quan đến những viên thuốc nhiễm độc được thông báo với công chúng. Cảnh sát cũng phát hiện Lewis sở hữu một cuốn sách về đầu độc, dấu vân tay của anh ta có trên các trang liên quan đến xyanua.
Thừa nhận viết thư tống tiền nhưng Lewis bác bỏ liên quan tới vụ giết người. Khi ra tòa, Lewis bị kết án 10 năm tù về tội tống tiền nhưng không bị buộc tội giết người vì không đủ bằng chứng. Khi được hỏi liệu có bất cứ giả thuyết nào về hung thủ vụ án, Lewis trả lời: “Quý vị đã bao giờ bị làm phiền suốt 40 năm vì một việc chẳng liên quan tới mình chưa?”.
Video đang HOT
Tháng 7/2023, Lewis qua đời tại nhà riêng ở Cambridge (bang Massachusetts) do tắc mạch phổi.
Nghi phạm thứ là Roger Arnold – một công nhân bến tàu, khai với cảnh sát rằng anh ta trữ xyanua. Arnold từng nói muốn giết người bằng chất độc và có tính cách thất thường sau khi ly dị. Năm 2008, Arnold qua đời sau khi thụ án 15 năm tù vì tội giết người. Tuy nhiên, ADN của người này không trùng khớp với mẫu ADN thu được trên các lọ thuốc.
Sự hoảng loạn bắt nguồn từ vụ ngộ độc trên đã dẫn đến sự thay đổi vĩnh viễn về bao bì thuốc. Các hãng dược phẩm phát triển các loại hộp đựng chống giả mạo cho phép người tiêu dùng nhận biết liệu một lọ thuốc và thuốc đã bị mở hoặc thay đổi hay chưa.
Xyanua là loại hóa chất cực độc với các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng, nghiêm trọng. Đầu tiên, bệnh nhân có cảm giác nóng lưỡi, họng, đau đầu, chóng mặt, kích thích, đau bụng, buồn nôn, thở gấp. Trường hợp ngộ độc nặng, người bệnh rối loạn ý thức, hôn mê, tụt huyết áp, co giật, có thể dẫn tới tử vong.
Điều kỳ quặc trong vụ trộm tranh lớn nhất lịch sử
Những tên trộm tranh đột nhập vào bảo tàng ở Mỹ đã tháo khung một tác phẩm giá trị nhưng rồi bỏ lại.
Không chỉ vậy, một số đối tượng tình nghi lần lượt bị sát hại đầy bí ẩn.
Hơn 30 năm đã trôi qua, vụ trộm ở bảo tàng Isabella Stewart Gardner (Boston, Mỹ) vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Trong 13 tác phẩm bị mất cắp có một bức tranh của Vermeer và một số bức của Rembrandt. Hiện tại, bộ sưu tập chưa rõ tung tích được xác định vượt quá nửa tỷ USD khi thị trường nghệ thuật tiếp tục lạm phát.
Bảo tàng Isabella Stewart Gardner sau vụ cướp vào tháng 3/1990
Vụ trộm 34 năm chưa tìm ra thủ phạm
Ngày 17/3/1990, Boston kỷ niệm Ngày Thánh Patrick bằng một cuộc diễu hành truyền thống. Để ngăn ngừa những kẻ say rượu quậy phá, hầu hết cảnh sát đều được huy động tới phía nam thành phố. Khu vực xung quanh bảo tàng Isabella Stewart Gardner hầu như vắng lặng. Chỉ có hai người bảo vệ thay nhau đi tuần quanh các hành lang. Khoảng nửa đêm, chuông báo cháy tắt nhưng họ không quá bận tâm vì biết hệ thống an ninh của bảo tàng đã cũ kỹ và thiếu sót.
Khoảng 1h20 sáng, hai người đàn ông mặc đồng phục cảnh sát bấm chuông cửa phụ với lý do có người báo bảo tàng gặp vấn đề. Những người bảo vệ không biết có điều gì bất thường xảy ra nhưng vẫn để hai cảnh sát giả mạo vào trong. Kẻ trộm tranh sau đó còng tay bảo vệ và nói thẳng ý định của chúng.
Theo The Collector, những tên tội phạm dành 81 phút trong bảo tàng, lục lọi bộ sưu tập mà không hề vội vàng. Chúng lấy đi 13 tác phẩm và bỏ mặc những người bảo vệ bị trói ở lại. Vài giờ sau, các nhân viên đến tòa nhà để bắt đầu ngày làm việc nhưng không thể vào bên trong nên vội vàng gọi cảnh sát tới phá khóa cửa.
Bức 'Buổi hòa nhạc' của Johannes Vermeer là một trong các tác phẩm bị đánh cắp
Vụ trộm xảy ra chỉ nửa năm sau khi Anne Hawley được bổ nhiệm làm giám đốc bảo tàng. Bà Hawley phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có thiếu kinh phí. Trước đó, bà phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa thay thiết bị kiểm soát khí hậu để bảo vệ tranh không bị hư hỏng hoặc cập nhật hệ thống an ninh. Vào thời điểm đó, thiệt hại do điều kiện thời tiết và độ ẩm được nhận định là vấn đề cấp bách hơn.
Điều kỳ lạ về những bức tranh bị trộm
Một trong những bức tranh bị đánh cắp là Buổi hòa nhạc của Vermeer đã gây thiệt hại nặng nề nhất cho bảo tàng. Các chuyên gia tin rằng ngày nay chỉ còn lại 34 bức tranh của Vermeer.
Bức 'Chúa trong cơn bão biển hồ Galilee' của Rembrandt
Một mất mát đáng kể khác là bức Chúa trong cơn bão biển hồ Galilee của Rembrandt, tác phẩm phong cảnh biển duy nhất được biết đến của bậc thầy người Hà Lan. Bọn cướp còn định lấy một chân dung tự họa của Rembrandt, thậm chí đã gỡ bức tranh ra khỏi tường nhưng rồi bỏ lại.
Những tên trộm rõ ràng không có hiểu biết về nghệ thuật khi chọn cả những phác thảo chất lượng thấp của Edgar Degas, một chiếc bình rẻ tiền và một con đại bàng bằng đồng trang trí trên đỉnh cột cờ. Chúng gỡ tranh ra khỏi khung, ném xuống sàn để làm vỡ lớp kính bảo vệ một cách tàn bạo.
Lục lọi khắp các phòng trong thời gian dài nhưng chúng đã bỏ qua nhiều tác phẩm có giá trị. Sáng tác của Titian, Sandro Botticelli, John Singer Sargent... vẫn còn nguyên.
Các nhà điều tra cho rằng, khả năng cao hai tên trộm có một danh sách đặt hàng những món đồ cần đánh cắp.
Bức tranh Chez Tortoni của Edouard Manet vẫn là phần khó hiểu nhất trong toàn bộ chiến lợi phẩm của lũ trộm. Các máy dò chuyển động không ghi nhận được bất cứ người lạ nào đã vào căn phòng trưng bày tác phẩm lúc vụ trộm xảy ra. Nhân vật cuối cùng tiếp cận bức tranh là Rick Abath - người bảo vệ bị kẻ trộm tấn công ít phút sau đó.
Bảo vệ của bảo tàng là người cuối cùng được ghi nhận tiếp cận với bức 'Chez Tortoni' của Edouard Manet
Hung thủ và động cơ
Thị trường nghệ thuật rất nhỏ và việc bán một tác phẩm có giá trị bị đánh cắp là nhiệm vụ bất khả thi. Do đó, các nhà điều tra tin rằng một khách hàng cụ thể đã ra lệnh thực hiện vụ trộm. Những bức tranh thường được dùng làm tài sản thế chấp trong các giao dịch ma túy và đàm phán với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Mafia đôi khi đề nghị đổi những món đồ bị đánh cắp lấy sự tự do cho ông trùm.
Đây được coi là động cơ chính của vụ trộm. Một số người cung cấp thông tin cho FBI đã xác nhận điều đó và mật báo về những người có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, nhiều kẻ tình nghi bị sát hại một cách bí ẩn.
Dù những đối tượng trên là thành viên các băng nhóm thường xuyên có xung đột và chưa chắc liên quan tới vụ việc nhưng sự trùng hợp vẫn đáng lo ngại. Mọi mối liên hệ đều xoay quanh một gia đình tội phạm người Mỹ gốc Italy.
Nhiều điều tra viên nghi ngờ rằng vụ cướp có thể liên quan tới nhân viên bảo tàng. Nghi phạm trực tiếp là bảo vệ Rick Abath có ca trực vào đêm xảy ra vụ trộm. Anh ta từng là một ngôi sao nhạc rock, không có hứng thú với nghệ thuật hay bảo tàng, thường xuyên đến ca làm việc trong tình trạng say xỉn và không hề che giấu sự ghét bỏ công việc.
Theo các đồng nghiệp của Abath, anh ta cũng mời bạn bè và người quen đến chơi vào ca đêm bất chấp các quy định. Hơn nữa, Abath là người cuối cùng tiếp cận bức tranh bị biến mất của Manet. Một số nhà điều tra nghi ngờ Abath tháo tranh khỏi tường đưa cho bọn trộm. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào để buộc tội bảo vệ này.
Phòng Hà Lan của Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston. Ảnh: The Collector
Năm 1997, một nhà buôn tranh và tên tội phạm William Youngworth đã gọi điện cho nhà báo Tom Mashberg của Boston Herald tuyên bố biết nơi giấu những tác phẩm bị đánh cắp và sẽ trả lại với một số điều kiện. Sau khi đưa Mashberg về nhà kho của mình, Youngworth đưa ra một bức tranh giống với Chúa trong cơn bão biển hồ Galilee của Rembrandt, thậm chí cung cấp cả mẫu sơn để kiểm tra tính xác thực.
Tuy nhiên, cuộc đột kích của FBI vào nhà kho sau đó không mang lại kết quả gì. Phân tích cho thấy, mặc dù bức tranh thuộc về thời đại của Rembrandt nhưng các chất màu không khớp với tác phẩm thật.
Ba thập kỷ sau, bảo tàng Isabella Stewart Gardner treo giải thưởng trị giá 10 triệu USD cho thông tin về các tác phẩm nhưng tới giờ vẫn chưa có manh mối.
Số ca COVID-19 tăng trở lại, Mỹ tái áp dụng bắt buộc đeo khẩu trang Các bệnh viện ở ít nhất bốn tiểu bang của Mỹ đã khôi phục quy định về đeo khẩu trang trong bối cảnh số ca mắc COVID-19, cúm theo mùa và các bệnh về đường hô hấp khác gia tăng. Nhiều cơ sở y tế tại Mỹ yêu cầu đeo khẩu trang trở lại. Ảnh minh họa Getty Images. Các cơ sở chăm...