Hứng 4 trận lũ liên tiếp, Bình Định kiệt sức kêu gọi được cứu trợ
Từ cuối tháng 11 đến nay, tỉnh Bình Định hứng chịu 4 trận lũ liên tiếp, gây thiệt hại vô cùng nặng nề. Đến nay, có 18 người chết, 300 ngôi nhà sập hoàn toàn, hàng nghìn hecta lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Thiệt hại tài sản ước tính trên 1.000 tỉ đồng.
Ngày 15/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… ủng hộ, hỗ trợ nhân dân tỉnh này bị thiệt hại do lũ lụt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng kêu gọi ủng hộ người dân tỉnh này bị thiệt hại do lũ lụt
Nội dung bức thư do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng ký nêu rõ: “Thời gian quan nhân dân tỉnh Bình Định đã nhận được sự chia sẻ, động viên, cứu trợ kịp thời của các địa phương và nhà hảo tâm. Cùng với đó, tỉnh Bình Định đã kịp thời huy động toàn bộ sức người, sức của để khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, nhưng với thiệt hại to lớn, nên đời sống của hàng chục ngàn người dân vùng ngập lũ tỉnh Bình Định đang hết sức khó khăn, thiếu thốn, rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất. Hơn lúc nào hết, người dân vùng lũ tỉnh Bình Định rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ, động viên kịp thời của cộng đồng. Với tinh thần tương thân tương ái, UBND tỉnh Bình Định kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ về vật chất, tinh thần để giúp người dân vùng lũ tỉnh Bình Định giảm bớt những khó khăn, mất mát, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất”.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, trong tháng 11 và đầu tháng 12/2016, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra bốn đợt mưa lũ lớn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản. Đến nay đã có 18 người chết, hàng chục người bị thương; hơn 300 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập chìm trong nước lũ; hàng nghìn ha lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, trên 14.000 ha lúa Đông Xuân đang gieo sạ bị hư hỏng hoàn toàn, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng nặng nề… ước tổng thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng hỗ trợ quà và mì tôm cho người dân vùng lũ huyện Tuy Phước
Thời gian tới, dự báo khu vực Bình Định sẽ tiếp tục có mưa rất to, lượng mưa 300-500 mm; mực nước các sông lại lên cao, thời gian lũ lụt tiếp tục kéo dài, làm cho nhiều vùng dân cư ngập sâu và cô lập nhiều ngày.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, sáng 15/12, do mưa lớn tại Bình Định xuất hiện đợt lũ thứ 5. Trận mưa lịch sử kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ tại TP Quy Nhơn, khiến hàng trăm hộ dân phường Đống Đa bị ngập nặng. Lũ xuống quá nhanh, các hộ không kịp trở tay, nhiều vật dụng bị hư hỏng; nhiều tuyến đường trong TP Quy Nhơn bị ngập nặng.
Video đang HOT
Căn nhà của ông Ngô Văn Dư (54 tuổi, thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) xây chưa kịp tô xi măng cũng bị lũ san bằng. Bây giờ ông phải cảnh “màn trời chiếu đất” nuôi 3 người con.
Mưa lũ cũng gây chia cắt khu vực Huỳnh Kim, thôn Tân Lập (phường Nhơn Hòa) và một số thôn ở xã Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn) và các xã Cát Chánh, 1 số điểm ở xã Cát Tiến, Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Minh (huyện Phù Cát). Tuyến Tỉnh lộ ĐT 640 qua tràn Huỳnh Mai đoạn từ trung tâm thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đi các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa… ngập trong nước lũ, gây chia cắt nên người dân phải di chuyển bằng xe ben Chiến Thắng.
Đặc biệt, mưa lớn đã gây sạt lở đất, đá trên núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) làm sập nhà dẫn đến một bé trai 11 tuổi bị đá đè tử vong. Nạn nhân là cháu Nguyễn Tuấn Khang (11 tuổi, con của ông Nguyễn Minh Vũ, tổ 3, KV1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định).
Mưa lũ gây sạt lở trên núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn, Bình Định) gây sập nhà và làm chết một bé trai 11 tuổi (ảnh Doãn Công)
Sau 30 phút cháu bé được đưa thoát khỏi đống đất, đá vùi lấp nhưng cháu đã tử vong (ảnh báo Bình Định)
Trước đó, lúc khoảng 14h30, trong lúc cháu Khang đang ở trong nhà thì trời mưa lớn đất, đá trên núi Bà Hỏa bất ngờ đổ sập xuống làm sập nửa nhà nên bị đất, đá vùi lấp. Ngay sau đó, người dân cùng lực lượng chức năng kịp thời dùng máy cắt bê tông cắt tường, dùng máy chuyên dụng ngăn đất đá tuồn xuống để cứu cháu bé. Khoảng 30 phút sau, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận đưa cháu ra nhưng cháu Khang đã tử vong.
Doãn Công
Theo Dantri
Chủ tịch Quốc hội kêu gọi cả nước ủng hộ đồng bào miền Trung
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi đồng bào cả nước tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, giúp người dân các tỉnh miền Trung bị bão lũ sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi đồng bào cả nước tiếp tục ủng hộ bà con lũ lụt miền Trung. (Ảnh: Việt Hưng)
Chủ tịch Quốc hội đề cập, kỳ họp thứ 2 diễn ra trong thời điểm đồng bào miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra. Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào vùng bị nạn.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như tinh thần chủ động và nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó trong cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu Quốc hội vào lăng viếng Bác Hồ trước khi khai mạc kỳ họp (ảnh: Việt Hưng).
"Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh ý nghĩa kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá mới đứng trước đòi hỏi rất cao về việc thực hiện nhiệm vụ quyết sách những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, Chủ tịch Quốc hội phân tích, 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, năm bắt đầu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Đất nước đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Quốc hội phải quyết tâm cao, có những giải pháp quyết liệt, đột phá để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tập trung vào ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đi qua quảng trường Ba Đình, trở lại Quốc hội để bắt đầu buổi làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 2. (Ảnh: Việt Hưng)
Tại kỳ họp này, chương trình làm luật của Quốc hội rất nặng. Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 4 luật, 1 Nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác, trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng, điều chỉnh những lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm như: Luật về hội, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015...
Về lĩnh vực kinh tế, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm cũng là thời gian để Quốc hội xem xét, đánh giá công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; xem xét các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 và một số báo cáo chuyên đề khác.
Về công tác giám sát, Quốc hội xem xét "Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp" và xem xét, thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp", nghe báo cáo kiến nghị cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nêu cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, thực hiện trách nhiệm với cử tri.
Theo Dantri
Đề nghị công nhận thương binh cho cựu binh Gạc Ma Chiều 14/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đại diện cho lãnh đạo tỉnh cùng với lãnh đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ban chỉ huy quân sự TP Quy Nhơn đến thăm, tặng quà cho cựu binh về từ trận chiến Gạc Ma Lê Minh Thoa. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đến thăm, động...